Làn sóng biến chủng Delta ở châu Á - Thái Bình Dương: Khi nhà giàu cũng... ngán
Quốc tế - Ngày đăng : 06:00, 14/07/2021
Sau khi Thủ tướng Boris Johnson hùng hồn tuyên bố sẽ sớm mở cửa nước Anh, đồng thời hủy bỏ các biện pháp phòng ngừa bắt buộc như mang khẩu trang trong không gian kín vào đầu tuần sau thì hơn 4.200 nhà nghiên cứu, nhân viên y tế đã công bố một lá thư ngỏ đăng trên tạp chí y học The Lancet lên án kế hoạch của Chính phủ Anh là "một thử nghiệm nguy hiểm và phi đạo đức".
Những người ký vào bức thư ngỏ này cho biết tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 ở Anh (bao gồm cả tỷ lệ tiêm của thiếu niên) chưa đủ cao, do đó người Anh vẫn cần phải tiếp tục áp dụng các biện pháp do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị, bao gồm cả đeo khẩu trang trong những khu vực kín, kể cả đối với những người đã tiêm vaccine, thay vì dỡ bỏ các biện pháp chống dịch và mở cửa lại.
Các số liệu mới cập nhật của Anh, trong khi số ca nhiễm có tăng, số ca tử vong theo ngày gần như không có, nhờ tỉ lệ tiêm vaccine trong dân lớn |
Hiện nước Anh đã tiêm vaccine Covid-19 được ít nhất 1 mũi cho hơn 86% dân số và tiêm đầy đủ 2 mũi cho hơn 64% dân số. Trong khi một số người tung hô ngày 19/7 tới là "Ngày tự do", những người khác bày tỏ lo ngại khi chỉ ra số ca bệnh Covid-19 đang tăng tiến, và đã có dự đoán đáng lo ngại rằng 2 triệu người Anh có thể nhiễm bệnh vào mùa hè này và số ca bệnh có thể tăng trên 100.000/ ngày.
"Đèn nhà ai nấy sáng"
Tuy nằm trong khối thịnh vượng chung với Anh, New Zealand - quốc gia thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương này đã cho thấy sự không đồng tình với cách tiếp cận đầy rủi ro tương tự việc xây dựng các 'nhà máy tạo biến chủng' (“variant factory” - từ báo chí Anh dùng) mới với tốc độ rất nhanh của Anh.
Hôm 7/7, Thủ tướng New Zealand - Jacinda Ardern đã bác bỏ các đề xuất cho rằng nước này nên theo bước chân của Anh để học cách “sống chung" với Covid-19, và cho rằng mức độ tử vong dự kiến mà Thủ tướng Anh Boris Johnson đưa ra là "không thể chấp nhận được", The Guardian đưa tin.
Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern "phớt tỉnh Ăng-lê" trước đề xuất của Thủ tướng Anh |
“Các quốc gia khác nhau có những lựa chọn khác nhau, và ưu tiên đối với tôi là làm thế nào để tiếp tục bảo vệ những gì New Zealand đã đạt được và đưa ra lựa chọn cho chính mình vì virus vẫn đang hoành hành trên thế giới,”bà Ardern nhấn mạnh.
Đồng thời, cũng trong hôm 7/7, Tổng giám đốc Y tế New Zealand - Ashley Bloomfield nói nước này sẽ "theo dõi chặt chẽ" và có thể đưa Anh vào danh sách cấm bay nếu các ca bệnh tăng ngoài tầm kiểm soát vì mở cửa và dỡ bỏ các hạn chế xã hội.
Khi ông Boris Johnson công bố kế hoạch mở cửa vào ngày 19/7, ông cho biết Anh có thể phải đối mặt với 50.000 ca mắc Covid-19 mỗi ngày trong vòng 2 tuần, và “chúng ta phải chấp nhận với số ca tử vong tăng lên”. Để đáp lại ý kiến này, Bộ trưởng Y tế Chris Hipkins cho hay đó không phải là điều New Zealand sẵn sàng chấp nhận.
Là hàng xóm của New Zealand, cũng là một quốc gia trong khối thịnh vượng Anh, Úc hôm 11/7 đã báo cáo trường hợp tử vong đầu tiên vì Covid-19 xảy ra trong đợt bùng phát dịch hiện tại bang New South Wales. Người phụ nữ 90 tuổi này đã chết ở Sydney sau khi bị nhiễm từ một gia đình người thân, là ca tử vong thứ 57 của bang và là ca tử vong đầu tiên sau 10 tháng.
Số ca bệnh vẫn tiếp tục tăng dù nhiều khu vực trong bang, trong đó có Sydney, thành phố lớn nhất của Úc, đã phong tỏa 2 tuần và gia hạn thêm 1 tuần tới 16/7, để ngăn chặn biến chủng Delta. Tiểu bang này đã báo cáo 112 ca nhiễm Covid-19 mới vào ngày 12/7. Hiện có 52 người đang nằm viện, 15 người được chăm sóc đặc biệt.
Thủ hiến bang, Gladys Berejiklian cảnh báo rằng số ca nhiễm mới sẽ tăng hơn nữa vào tuần này và có thể chạm mốc 100, và nhấn mạnh số ca nhiễm vài ngày sau đó sẽ tồi tệ hơn so với những gì đang diễn ra.
Cảnh sát tuần tra nhiều khu vực ở Sydney để đảm bảo người dân tuân thủ các biện pháp chống dịch trong bối cảnh số ca bệnh tăng cao do biến thể Delta |
Ngoài ra, thủ hiến bang Berejiklian cũng bác bỏ các thông tin về việc chính quyền bang đang chuyển hướng sang chính sách "sống chung với virus" do tỉ lệ tiêm vaccine Covid-19 thấp của bang. "Nếu chúng ta chọn sống chung với virus trong khi tỉ lệ tiêm chủng của bang chỉ mới 9%, chúng ta sẽ thấy hàng ngàn, hàng ngàn người nhập viện và tử vong," bà Berejiklian nhấn mạnh.
Dữ liệu tiêm ngừa cho thấy chỉ khoảng 10% người Úc được tiêm chủng đầy đủ, và việc thiếu nguồn cung (đặc biệt là vaccine Covid-19 của Pfizer do người Úc ngại vaccine của AstraZeneca) đồng nghĩa với nhiều người Úc sẽ không thể tiêm vaccine cho đến những tháng cuối năm nay. Vậy nên Úc đã sử dụng biện pháp phong toả và truy vết nguồn lây trong cộng đồng nhanh chóng để chống lại sự bùng phát của virus.
Hiện nay, chỉ những người trên 40 tuổi và các nhóm có nguy cơ mắc bệnh cao tại Úc mới có thể tiêm vaccine. Trong số những người nhập viện ở Sydney, có 11 người dưới 35 tuổi và hơn 3/4 bệnh nhân chưa được tiêm vaccine.
Nhà giàu cũng khóc
Các nước Đông Á, sau khi quan sát tình hình Đông Nam Á, cũng đang rất dè chừng. Theo hãng tin Yonhap, Hàn Quốc hôm 12/7 bắt đầu thực hiện biện pháp giãn cách xã hội khắt khe nhất từ trước đến giờ, bao gồm thủ đô Seoul và những nơi lân cận như thành phố Incheon, tỉnh Gyeonggi.
Ngày 12/7, Hàn Quốc ghi nhận 1.150 ca mắc Covid-19, khi nước này thực hiện các biện pháp hạn chế khắt khe nhất đối với người dân và các hoạt động kinh doanh ở vùng thủ đô Seoul trong bối cảnh đất nước chống chọi với đợt bùng phát tồi tệ nhất từ trước đến nay.
Số ca nhiễm do biến chủng Delta đang tăng ở Hàn Quốc, khiến chính quyền phải tăng cường độ các quy định về phong tỏa giãn cách để giảm đà tăng |
Thống kê từ Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho thấy, số ca mắc hàng ngày đã vượt 1.000 trong ngày thứ 7 liên tiếp, mặc dù còn thấp hơn mức đỉnh 1.378 ca trong tuần trước.
Chính vì vậy, chính quyền sẽ áp dụng kế hoạch giãn cách cấp 4 (cao nhất trên thang 4 cấp bậc) tại khu vực trên trong vòng 2 tuần, kéo dài tới ngày 25/7, và sẽ quyết định tiếp tục duy trì biện pháp này hay không căn cứ vào tình hình dịch sau đó.
Với biện pháp mới được áp dụng, chính quyền sẽ cấm các hoạt động tụ tập từ 3 người trở lên ở Seoul, Incheon và tỉnh Gyeonggi từ 18 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau. Trong khung giờ còn lại của ngày, người dân được phép gặp gỡ riêng tư 2 người, nếu ai vi phạm sẽ bị phạt 100.000 won (87 USD)/người.
Đối với các hoạt động gia đình, chỉ 2-4 thành viên trong cùng nhà được phép tụ tập, ngay cả với các lễ nghi truyền thống (trước đây cho phép tối đa 8 thành viên). Với các hoạt động giải trí như leo núi, đánh golf, chỉ giới hạn từ 2-4 người tham gia cùng nhau, áp dụng trong 24 giờ/ngày. Tại các đám cưới và tang lễ, vẫn cho phép lên tới 49 người thân dự.
Nhà chức trách cảnh báo có thể Hàn Quốc sẽ ghi nhận hơn 2.000 ca nhiễm mới mỗi ngày vào cuối tháng này, do xuất hiện các biến thể virus. Họ cho biết số ca mắc biến thể Delta ghi nhận tại Seoul tuần trước nhiều gấp 2 lần số ca mắc biến thể Alpha.
Theo KDCA, hơn 11% trong số 52 triệu dân của nước này đã hoàn thành 2 mũi tiêm chủng, trong khi 30% đã tiêm một liều vaccine.
Là nước láng giềng bên kia eo biển của Hàn Quốc, Tokyo hôm 12/7 cũng ban bố tình trạng khẩn cấp khi còn chưa đầy hai tuần trước kỳ Thế Vận Hội Olympic. Trong khi Ban tổ chức Olympic cho biết sẽ cấm khán giả tham gia hầu hết các sự kiện ở thủ đô và thành phố lân cận, nhà hàng, tiệm bách hóa và cơ sở kinh doanh khác bị yêu cầu đóng cửa sớm.
Khi đợt dịch thứ ba lên đến đỉnh hồi tháng 1/2021 ở Nhật Bản, hàng ngàn bệnh nhân Covid-19 đã không thể nhập viện, do thiếu giường bệnh và nhân viên y tế. Hai đợt dịch sau đó, các bác sĩ bệnh viện ở Tokyo lo lắng một kịch bản sẽ lại diễn ra trong suốt kỳ Thế Vận Hội tới đây.
Đây sẽ là kỳ Olympic đầu tiên trong lịch sử có nguy cơ không có khán giả, sau khi đã lùi thời gian tổ chức 1 năm vì dịch |
Theo một bác sĩ địa phương thì đợt dịch thứ năm này là sẽ dữ dội hơn. “Người ta vẫn chưa rút ra bài học từ thảm kịch dịch tễ hồi mùa đông vừa qua, các bệnh viện thiếu giường và nhân viên. Tôi tin chắc là mọi chuyện rồi sẽ diễn ra tương tự mùa hè này".
Vị bác sỹ cho biết thêm rằng kỳ Olympic năm nay sẽ là một cuộc chạy đua với thời gian, giữa biến thể Delta và chiến dịch tiêm ngừa vì phần lớn người dân Nhật Bản vẫn chưa được tiêm chủng. Đến nay, Nhật Bản đã tiêm ít nhất một liều vaccine Covid-19 cho hơn 25% dân số (tương đương 35 triệu người), trong đó 22,6 triệu người đã tiêm đủ hai liều, một con số tương đối nhỏ so với một nền kinh tế phát triển.
Chống dịch kiểu Trung Quốc ra sao?
Khi một thị xã vùng biên ải vừa xuất hiện 3 ca nhiễm biến chủng Delta, chính quyền tỉnh Vân Nam đã nhanh chóng phong tỏa trung tâm thị xã Thụy Lệ nằm sát khu hợp tác kinh tế cửa khẩu và ngay lập tức lấy mẫu xét nghiệm axit nucleic toàn bộ người dân trong các khu vực bị cách ly 1 lần/ngày, đồng thời tiêm vaccine cho toàn bộ người dân với quyết tâm dập dịch trong vòng 1 tháng.
Các mẫu được test ngay tại địa phương hoặc chuyển xuống Đức Hoành gần đó, cùng với các xe xét nghiệm lưu động của đoàn y tế Côn Minh xuống hỗ trợ đảm bảo năng lực test cho toàn bộ người dân trong khu vực phong tỏa hàng ngày.
Thụy Lệ hiện đã hoàn tất tiêm chủng cho toàn bộ người trên 18 tuổi, đạt tỷ lệ tiêm ngừa cao nhất Trung Quốc với gần 100% với người trên 18 tuổi. Trong khi phong tỏa, chính quyền thị xã đảm bảo cung ứng đầy đủ đến tay người dân các loại thuốc men cùng với thực phẩm thiết yếu gồm: gạo, bột mỳ, rau, thịt, trứng, sữa, hoa quả và nước sạch.
Thị xã biên giới Thụy Lệ, thuộc châu tự trị dân tộc thiểu số Đức Hoành, tỉnh miền núi Vân Nam, nơi có cửa khẩu lớn nhất giữa Trung Quốc và Myanamar, đang trải qua làn sóng dịch lần thứ 4 và đợt phong tỏa lần thứ 3. Nguyên nhân đều do lây nhiễm từ các ca nhập cảnh từ Myanmar sang.
Thụy Lệ là nơi có tỷ lệ người nước ngoài sinh sống cao nhất Trung Quốc với 20% dân số là người nước ngoài (chủ yếu là người Myanmar), khoảng 50.000 người nước ngoài trong tổng số 270.000 dân toàn thị xã. Do đây là 1 trong 2 cửa khẩu duy nhất ở Trung Quốc có khu kinh tế hợp tác xuyên biên giới, trung tâm hậu cần tự do thương mại phi thuế quan, phi hải quan, nên người dân Myanmar được thoải mái đi lại, làm việc, kinh doanh buôn bán tự do ngay trên đất Trung Quốc.
Myanmar hiện đang bùng phát dịch mạnh, kéo theo các ca lây nhiễm chủng Delta qua bên này cửa khẩu biên giới thông qua những tiểu thương buôn bán, khách du lịch, lao động tự do... trong khu hợp tác kinh tế.
Trung Quốc đã tiêm được gần 1.4 tỉ liều, đều là vaccine nội địa, và gần như chưa ghi nhận ca biến chứng nặng hay tử vong nào |
Cách làm quyết liệt này cũng tương tư với cách chính quyền đã làm ở Quảng Đông, trung tâm sản xuất và xuất khẩu lớn của Trung Quốc, khi tỉnh này trở thành cụm lây nhiễm chủng Delta lớn nhất của đất nước kể từ khi xuất hiện trường hợp nhiễm biến thể Delta lây truyền tại địa phương đầu tiên vào tháng 5/2021.
Các ca nhiễm chủng Delta bao gồm 146 trường hợp ở thủ phủ Quảng Châu của tỉnh Quảng Đông và một số trường hợp từ trung tâm công nghệ phía nam của Thâm Quyến và thành phố Đông Quan gần đó. Trung Quốc cũng đã tiến hành cách ly, xét nghiệm, phong tỏa các khu vực lây nhiễm và tiêm vaccine quy mô lớn (từ 39,15 triệu liều vào 19/5 lên đến 101,12 triệu liều vào 20/6), kết quả là không có ca nhiễm mới nào được báo cáo kể từ 22/6.