Tiêm vaccine cần một kế hoạch tổng thể đồng bộ
Trong nước - Ngày đăng : 00:30, 21/07/2021
Cần minh bạch và nhất quán
“Vừa làm vừa rút kinh nghiệm” để có thể tiêm 2 triệu liều vaccine như thông báo của Thủ tướng trong thời gian sắp tới cũng là tinh thần mà Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM nêu lên trong đợt triển khai tiêm vaccine lần 5 này. Trên tinh thần "rút kinh nghiệm" mà Phó Bí thư đã nêu, nhiều chuyên gia, bác sĩ, doanh nghiệp… đã chia sẻ ý kiến cùng một số đề xuất về những bất cập để TP có cơ sở nghiên cứu và sớm thay đổi.
Tại buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề Tiêm vaccine thế nào để đảm bảo mục tiêu kép? do Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn, Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế TP.HCM và CLB các nhà kinh tế tổ chức vào tối 20/7, ông Chu Tiến Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cho rằng: "Việc tổ chức tiêm vaccine cần có phương pháp triển khai nhất quán để người dân nắm thông tin một cách rõ ràng".
Ông Dũng cho biết: “Những ngày này, trong xã hội đã phát sinh rất nhiều cảm xúc về việc tiêm chủng, nhiều người dân, DN đang có không ít băn khoăn, thắc mắc nhưng không biết hỏi ai, liên hệ ở đâu. Ví dụ, danh sách tiêm vaccine của nhiều đơn vị đã gửi Sở Y tế trước ngày 1/7 đang nằm ở khâu nào? Có được duyệt không? Rồi những người đã được tiêm chủng lần 1 sẽ tiếp tục được triển khai như thế nào?..."
Hiện nay, TP đã có phân cấp, phân quyền để mỗi một đơn vị có thể đưa ra quyết sách nhanh, nhưng có nhiều quyết sách không đồng nhất khiến những người thực hiện bị rối loạn. Việc tổ chức tiêm vaccine là một ví dụ. Lấy câu nói của Bác Hồ để quán triệt cách làm, đó là: “Không sợ thiếu, chỉ sợ thiếu công bằng” - ông Dũng chia sẻ. Đồng thời nhấn mạnh: “Khi đã lập ra kế hoạch thì phải công khai, minh bạch và phải thành một thể thống nhất để tuần tự thực hiện. Như thế, người dân nếu chưa được tiêm vaccine cũng cảm thấy an tâm. Hơn nữa, không đưa ra nhiều kế hoạch, rồi lại chạy theo, lại thay đổi, dẫn đến rối loạn, từ đó tạo ra nhiều điểm mờ trong thông tin không đáng có".
Ở góc độ DN, theo ông Dũng, việc triển khai tiêm chủng cho công nhân của các DN tại TP.HCM đang được giao cho các quận huyện là bất cập, vì không đảm bảo kế hoạch hoạt động kinh doanh của DN, cũng như không đảm bảo mục tiêu tất cả công nhân viên của DN đều được tiêm. “Vì thế, cách làm hợp lý nhất là nên tổ chức tiêm đồng bộ theo DN nơi họ làm việc, chứ không nên “xé lẻ”công nhân, tiêm rải rác ở các quận huyện nơi họ cư trú”, ông Dũng đề xuất.
Lấy mô hình tổ chức tiêm vaccine thành công cho hàng ngàn công nhân tại KCX Tân Thuận, BS Trương Hữu Khanh - Cố vấn chuyên môn Hệ thống tiêm chủng VNVC đồng tình: “Việc tổ chức tiêm vaccine cho công nhân tại chỗ là khả thi và hiệu quả”.
Ứng dụng công nghệ: Thiếu đồng bộ
Cho rằng TP đang triển khai tiêm vaccine lần này theo trình tự: khoanh vùng, tầm soát, đối tượng tiêm, chuyển về địa phương là phương án tránh được nhiều trục trặc, lúng túng như đã làm trước đó. Tuy nhiên, cũng cần có thêm cách làm mới, TS. Ngô Minh Hải - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Gia Định hiến kế: "Hiện nay, chúng ta đã có công nghệ số. Vì thế, có thể ứng dụng công nghệ trong việc sắp xếp, tổ chức tiêm theo thứ tự trước-sau. Mỗi người dân đến lượt sẽ được tiêm nên không cần phải hối hả, vừa an toàn, vừa quản lý được số liệu nhanh và hiệu quả".
Bên cạnh đó, theo TS. Hải, một việc rất dễ làm nhưng TP lại đang làm… rất kém, đó là công tác truyền thông trong việc phòng chống dịch. Thực tế, có rất nhiều việc TP làm rất tốt nhưng lại không truyền thông tốt nên bị các thông tin giả mạo, ngoài luồng lấn át. "Nên chăng, mỗi đợt triển khai kế hoạch mới, cần có một kênh livestream hay một kênh truyền hình phát mỗi ngày, chỉ để nói về mục tiêu và kế hoạch đó, như việc lúc này là tiêm vaccine chẳng hạn thì sẽ trấn an được tinh thần người dân và tạo sự yên tâm trong xã hội" - TS. Hải đề xuất.
Đồng tình việc ứng dụng công nghệ, ông Chu Tiến Dũng nhấn mạnh: “Nhìn lại việc phòng chống dịch vừa qua của TP, kể cả việc tiêm vaccine, những điểm vướng và làm chưa tốt là do không có công nghệ để quản lý, giám sát. Hoặc nếu có thì cũng không đồng bộ và còn nhiều bất cập. Như việc lập danh sách tiêm vaccine đã được đưa lên hệ thống, nhưng người dân lại không theo dõi và giám sát được gì ở hệ thống đó. Thậm chí khi tiêm thì những thông tin cập nhật trên hệ thống cũng không sử dụng được. Kể cả những người đã tiêm vaccine đợt 1 đến giờ cũng chưa có sổ sức khỏe điện tử…"
Dẫn chứng thêm việc ứng dụng công nghệ thiếu đồng bộ, thậm chí chỉ là làm cho có, BS Võ Xuân Sơn - Giám đốc Phòng khám Exson chia sẻ: “Ví dụ, chỉ mỗi việc quét mã khai báo y tế cũng không nơi nào ăn nhập với nơi nào. Một bất cập khác nữa việc lập danh sách tiêm vaccine. Đợt tiêm trước, đơn vị của tôi phải lập 10 danh sách để đưa lên Sở Y tế. Rồi đến lúc tiêm thì Sở lại yêu cầu làm danh sách khác rất mất công. Có nhiều phòng khám có tới mấy ngàn người tiêm, nhưng Sở yêu cầu phải gửi scan danh sách những người tiêm. Tại sao không sử dụng phần mềm để thực hiện việc này?"
"Rồi sắp tới, việc tổ chức tiêm cũng phải nhanh trong vòng 15 ngày. Tại sao không tính đến một ngày tiêm được bao nhiêu mũi rồi chia ra số ngày tiêm, mà lại phải chạy theo con số 15 ngày để rồi phải cuống cuồng lên... Tất cả cho thấy, việc điều hành chống dịch chưa có kế hoạch và cần có cách làm mới, cụ thể hơn" - BS. Sơn bày tỏ.
Sẽ không thiếu vaccine từ nay đến cuối năm
Theo BS. Trương Hữu Khanh - Cố vấn chuyên môn Hệ thống tiêm chủng VNVC: “Hiện nay, chiến lược triển khai, phân bổ và ưu tiên vaccine của Việt Nam cũng giống các nước. Chỉ khác là chúng ta ưu tiên thêm vào các KCN để đảm bảo sản xuất. Trong điều kiện còn thiếu vaccine, việc phân bổ, ưu tiên cho các đối tượng nào? Ai trước, ai sau là một tính toán rất khó khăn của TP. Ngay cả việc tiêm chủng cho các đối tượng có nguy cơ cũng không hề đơn giản, vì chưa lường được tác dụng phụ sẽ xảy ra sau đó. Ngay cả những người bình thường nhưng sau tiêm, bỗng có triệu chứng khó lường thì ngay lập tức đã tạo ra tin đồn, gây hoang mang trong dân".
Một thực tế khác là nhu cầu tiêm chủng ở VN cũng khá phức tạp. Có người tiêm vaccine theo phong trào, có người lại lo sợ rủi ro sau tiêm nên không tiêm, dẫn đến khó khăn trong việc hoàn thành tổ chức tiêm chủng cho người dân. “Vì thế, người dân cần có thêm kiến thức về tiêm chủng để tránh những tin đồn và an toàn cho bản thân. Hơn nữa, cần hiểu rõ ưu điểm chung của các vaccine là hạn chế lây truyền và tử vong”, BS Khanh nhấn mạnh.
Hình ảnh các chuyên gia và doanh nhân tham gia buổi tọa đàm trực tuyến. Ảnh: DNSG |
Cũng theo BS. Khanh, vào khoảng cuối tháng 8 và tháng 9 năm nay, nguồn vaccine sẽ rất dồi dào, thậm chí thừa mứa như hiệu ứng khẩu trang vào năm ngoái. Cho nên, việc TP ưu tiên cho các đối tượng tiêm vaccine trong đợt này là đúng. Tiếp theo đó là ưu tiên cho những người làm dịch vụ tiếp xúc rộng như xe ôm, shipper, tiểu thương... Các đối tượng khác không nên nóng lòng chỉ vì tiêm trước vài ngày, vài tuần mà tạo áp lực cho Bộ Y tế.
Lý giải việc thừa vaccine, BS Khanh cho biết: "Hiện các nước Âu-Mỹ đang sản xuất nhiều vaccine và người dân của họ cũng đã được tiêm ít nhất một mũi. Trong khi đó, vaccine của Việt Nam cũng đang có triển vọng rất tốt và khả năng cung ứng cao, dồi dào trong thời gian gần. Điều đáng nói là vaccine của Việt Nam chưa chắc không tốt bằng Pfizer, AstraZeneca, Modena hay Johson&Johson”...
Tiêm vacccine để thực hiện mục tiêu kép
Trong tình hình dịch bệnh khó khăn nhưng vẫn phải cố gắng duy trì sản xuất, nhất là đảm bảo theo phương án “3 tại chỗ” (3T) của TP là vừa sản xuất, vừa chống dịch khiến các DN phải đội chi phí lên 30 đến 40%. Nhưng dù có thực hiện phương án này thì cũng không đảm bảo chắc chắn sẽ không có lây nhiễm.
Vì thế, để DN đảm đương nhiệm vụ sản xuất thì chìa khóa vaccine chính là “liều thuốc bổ”. Hơn nữa, doanh nhân là trụ cột phát triển kinh tế, cũng là đội ngũ thực hiện mục tiêu kép nên việc ưu tiên tiêm vaccine cũng cần được quan tâm.
Tuy nhên, BS. Khanh lại có cách nhìn khác. Ông cho rằng: “Trong lúc nguồn vaccine còn thiếu, việc TP ưu tiên cho các đối tượng đã đưa ra là cần thiết. Doanh nhân không cần phải đắn đo được ưu tiên tiêm hay không. Thay vào đó, nên chú trọng việc thực hiện tốt các giải pháp chống dịch an toàn cho công ty. Hiện TP đang hoàn thiện các phần mềm tiêm chủng để thực hiện quá trình tiêm chủng, quá trình tiêm chủng sẽ được đẩy nhanh. Vaccine về nhiều, khi đó chúng ta không còn cần phải đắn đo về việc ai tiêm sớm, tiêm muộn nữa”.
Để nhanh chóng trở lại sản xuất bình thường, điều mà các DN quan tâm nhất bây giờ là đến khi nào thì TP đến đỉnh dịch? Không chỉ “bói” cho vui mà dự đoán có cơ sở, BS Khanh khẳng định: “Khoảng giữa tháng 8, vì khi đó năng lực cầm cự mới đủ lực lượng để chữa bệnh, các cơ sở y tế cũng được hoàn thành và bổ sung mới. Nhìn sang châu Âu, Ấn Độ cho thấy, nếu không có vaccine thì nguy cơ dịch quay lại đợt 2 là khả năng lớn, cho nên chúng ta không cần quá chú tâm đến việc bao giờ TP hết dịch, bớt ca nhiễm mà nên chú trọng vaccine và các công tác phòng chống dịch để ngăn dịch quay lại đợt 2. Vì không phải chúng ta dập được một lần thì sẽ không có lần thứ hai”.
Kiến nghị thêm với TP về việc thực hiện phương án 3T hay "1 cung đường - 2 địa điểm", BS Võ Xuân Sơn cho rằng: "Dù sản xuất song hành các biện pháp phòng chống dịch là hết sức cần thiết nhưng TP cần bàn lại việc thực hiện 3T, không nên đặt quá nặng các chính sách cho DN cũng như việc phong tỏa quá nhiều. Ví dụ, chỉ cần có một F0 đi vào quán cà phê thôi thì cả khu cũng bị phong tỏa. Hay như F1 đã có 2 lần âm tính mà vẫn buộc F2 phải cách ly đủ 21 ngày. Điều này cũng gây ảnh hưởng nhất định đến quá trình phát triển kinh tế".
Vì thế, “Muốn phát triển kinh tế lúc này thì phải điều chỉnh một số cách làm và chính sách”, BS Sơn nhấn mạnh.
TS. Ngô Minh Hải - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Gia Định chia sẻ kinh nghiệm với DN: “Cũng như chiến lược phát triển kinh tế, DN cũng phải có chiến lược và nhiều phương án để chủ động, và tùy từng hoàn cảnh mà áp dụng phương án nào để thích ứng hiệu quả, nhất là vừa đối phó được với dịch bệnh, vừa duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh”.