Tại sao không giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cho xăng dầu?
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 08:00, 16/03/2022
Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 16/3/2022, nhiều câu hỏi về cơ cấu thuế, phí trong tính giá xăng dầu đã được đặt ra.
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn. Ảnh: Q.H |
Vì sao xăng dầu phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt?
Đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) hỏi xăng dầu có giảm giá được hay không? Ông Phương cũng đề nghị làm rõ tại sao xăng dầu là mặt hàng thiết yếu lại phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt? Việc thu thuế bảo vệ môi trường thực chất đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường hay chưa?
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, việc giảm giá xăng dầu hay không phụ thuộc vào thị trường thế giới. Nhưng với biên độ giá xăng dầu tăng cao thì cố gắng điều hành biên độ tăng trong nước ở mức có thể chấp nhận được, với công cụ là quỹ bình ổn, thuế, phí, các chính sách an sinh.
Bổ sung thông tin, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết theo tính toán, khi giá xăng RON92 thế giới ở mức 130 USD/thùng thì các khoản thuế, phí được tính trên giá xăng gồm thuế nhập khẩu 8% (1.508đ), thuế VAT 10% (2.036đ), chi phí định mức 6% (1.050đ), lợi nhuận định mức 300đ, trích quỹ bình ổn 300đ, thuế bảo vệ môi trường 4.000đ, thuế giá trị gia tăng 2.805đ.
Như vậy, với giá dầu thô 130 USD thì giá cơ sở là 30.800đ/lít, tỉ lệ thuế/giá xăng dầu 33,5%. Do đó, phương án giảm thuế cũng chỉ là 1 giải pháp, bởi khi giá xăng 130 USD/thùng, giảm 2.000đ/lít xăng và 1.000đ/lít dầu, giảm thu ngân sách 31.938 tỷ đồng.
Trả lời câu hỏi tại sao xăng dầu là hàng thiết yếu lại đánh thuế tiêu thụ đặc biệt, ông Phớc nói đây là thuế gián thu, nhà sản xuất xăng dầu và nhập khẩu phải nộp. Theo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt quy định, việc đánh thuế mặt hàng này cùng một số mặt hàng khác như bia, rượu, để người dân sử dụng tiết kiệm xăng dầu.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết theo quy định về dự trữ lưu thông, quốc gia có dự trữ quốc gia, còn doanh nghiệp có quy định về dự trữ, lưu thông 20 ngày. "Thương nhân đầu mối có đảm bảo thực hiện nhiệm vụ dự trữ lưu thông đúng quy định pháp luật hay không, đặc biệt khi các doanh nghiệp này vừa làm dự trữ quốc gia và dự trữ lưu thông, thì họ còn được hưởng ngân sách. Không thể nói 1-2 ngày mất nguồn cung mà không có xăng bán, vậy đáp ứng yêu cầu dự trữ lưu thông như thế nào, cần giải thích rõ hơn", ông Huệ lưu ý.
Ông Diên trả lời cho biết cơ chế xăng dầu dự trữ quốc gia chưa có hệ thống kho riêng nên giao cho doanh nghiệp đầu mối, là cơ chế bất hợp lý, bộ đang có lộ trình trình cấp có thẩm quyền xem xét mô hình quản lý quỹ này, nâng cao hơn nữa mức dự trữ, để bất trắc thì dự trữ phải được một vài tháng.
Bộ trưởng Bộ Tài chính giải thích về cơ cấu thuế trong công thức tính giá xăng dầu. Ảnh: QH |
Nên chọn sắc thuế khác ngoài thuế bảo vệ môi trường
Trong khi đó, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) đã tranh luận về việc giảm thuế bảo vệ môi trường. Bà Mai cho rằng giảm thuế bảo vệ môi trường không phù hợp, bởi bản chất sắc thuế này đánh vào các mặt hàng gây ô nhiễm, mức thuế được xây dựng trên mức độ gây ô nhiễm.
Theo bà, giảm thuế này với xăng dầu sẽ bất hợp lý, vì sẽ có đối tượng gây ô nhiễm cao chịu thuế suất thấp, ngược lại đối tượng gây ô nhiễm thấp lại chịu thuế cao. Bên cạnh đó, xăng dầu đã mua dự trữ bắt buộc theo quy định, chịu thuế bảo vệ môi trường 4.000đ/lít, nhưng nếu bán ra sau thời điểm giảm thuế thì sẽ lỗ.
"Điều này chưa phù hợp điều hành giá cả, đảm bảo lợi ích các bên. Nên chọn sắc thuế khác không phát sinh nghịch lý này. Bên cạnh đó, các quốc gia điều tiết giá xăng dầu đều chọn giảm thuế VAT, thuế nhập khẩu... Việc dùng thuế điều tiết giá cả là cần thiết, nhưng chọn sắc thuế nào thì Bộ Công Thương, Tài chính cần đưa ra giải pháp hợp lý", bà Mai nói.
Trả lời, Bộ trưởng Công Thương cho rằng hiện nay, công cụ điều hành cần dùng quỹ bình ổn và thuế phí. Theo ông trong bối cảnh giá xăng dầu tăng cao hiện nay, nhanh nhất chỉ có thể là giảm thuế môi trường, đây là thẩm quyền quyết định của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Hiện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội định kỳ họp mỗi tháng 1 lần.
"Tôi cho rằng thuế bảo vệ môi trường định khoảng 4.000đ/lít chưa có cơ sở khoa học, cũng chưa thấy cơ sở khoa học để định giá là 3.000đ hay 2.000đ. Cho nên trong lúc khó chúng ta bảo nhau giải quyết, cần có cơ chế giảm giá hỗ trợ người dân là tốt", ông nhìn nhận.
"Nếu giảm các sắc thuế khác cần được Quốc hội thông qua. Do đó, phải chờ đến tháng 5 là kỳ họp gần nhất, sau đó tháng 6-7 mới có hiệu lực thi hành. Bối cảnh Quỹ bình ổn không còn, thuế không được giảm thì làm sao giảm giá, trong khi giá thế giới vẫn tăng, chúng ta làm sao khác được", ông Diên nói.
Chu kỳ điều hành hiện tại có phù hợp
Còn Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) tranh luận về việc điều hành giá xăng dầu 10 ngày/lần như hiện nay liệu có hợp lý. Trả lời, Bộ trưởng Công Thương cho biết việc đưa ra chu kỳ điều hành như vậy là phù hợp với sự biến động chung với thị trường thế giới. Ông nhắc lại Việt Nam chưa phải chưa phải là nền kinh tế thị trường đầy đủ, vẫn điều hành theo sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.
"Đây là đề xuất được tập thể Chính phủ đồng tình và quyết định. Đồng thời, điều hành 10 ngày/lần phù hợp chu kỳ hạch toán của doanh nghiệp và phù hợp với chu kỳ lấy giá tính chỉ số CPI của ngành thống kê", ông nói. Ông cho biết Bộ sẽ đề xuất điều hành giá dày hơn. Trên thực tế phải đặt mục tiêu lợi ích của người dân doanh nghiệp. Điều hành dày hơn thì lợi doanh nghiệp lại thiệt cho người dân.