Im thin thít nên lặn mất tăm

HẢI LONG| 09/09/2011 09:48

Ngày 5/9, cổ phiếu của Công ty CP Dược phẩm Viễn Đông (DVD) sẽ chính thức bị hủy niêm yết. Như vậy từ lúc ra thông báo đến lúc hủy niêm yết, nhà đầu tư (NĐT) chỉ có vỏn vẹn 2 ngày để giao dịch cổ phiếu này.

Im thin thít nên lặn mất tăm

Ngày 5/9, cổ phiếu của Công ty CP Dược phẩm Viễn Đông (DVD) sẽ chính thức bị hủy niêm yết. Như vậy từ lúc ra thông báo đến lúc hủy niêm yết, nhà đầu tư (NĐT) chỉ có vỏn vẹn 2 ngày để giao dịch cổ phiếu này. Có thể thấy DVD liên tục vi phạm công bố thông tin trong một thời gian dài, nhưng mãi đến ngày 30/8, HOSE mới quyết định hủy niêm yết. Sự chậm chễ này khiến nhiều NĐT lãnh đủ hậu quả.

Dấu hiệu phá sản đã có từ lâu

DVD tuột dốc đến mức bị hủy niêm yết

Phiên giao dịch cuối cùng của DVD khép lại sau ngày 1/9, nhưng vẫn còn những nhà đầu tư sở hữu hàng chục nghìn cổ phiếu mà chưa kịp bán và đối diện nguy cơ mất trắng hàng trăm triệu đồng.

Điều đáng quan tâm là quan sát diễn biến của cổ phiếu DVD từ tháng 11/2010, dễ dàng nhận thấy những khó khăn của công ty này.

DVD công bố báo cáo tài chính quý III/2010 vào ngày 9/11/2010. Tiếp theo, vào ngày 26/11/2010, ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc DVD, bị bắt vì liên quan đến việc làm giá cổ phiếu DHT. Sau đó, một loạt thông tin như DVD ghi nhận doanh thu và lợi nhuận ảo đã được công bố.

Trở lại với báo cáo tài chính quý III/2010, tài sản ngắn hạn của DVD tại ngày 30/9/2010 là 1.161 tỷ đồng và nợ ngắn hạn là 906 tỷ đồng (trong đó nợ ngân hàng (NH) là 633 tỷ đồng). Nếu tính toán hệ số thanh toán hiện hành (tài sản ngắn hạn chia cho nợ ngắn hạn) thì có vẻ khả năng thanh toán của DVD vẫn an toàn.

Tuy nhiên, quan sát kỹ chúng ta thấy: để thanh toán khoản nợ ngắn hạn NH (633 tỷ đồng) thì DVD chỉ có tiền mặt (28 tỷ đồng) và phải thu khách hàng (95 tỷ đồng) là có tính thanh khoản cao. Như vậy nguyên nhân phá sản của DVD xuất phát từ lâu nhưng cơ quan quản lý sàn vẫn “im thin thít”.

Một “điển hình” khác cho việc này là cổ phiếu VKP của Công ty cổ phần Nhựa Tân Hóa. Trong báo cáo kiểm toán năm 2010, Công ty Kiểm toán Nam Việt (AASCN) đã đưa ra khả năng phá sản của VKP.

Tài sản ngắn hạn của công ty (126 tỷ đồng) bao gồm tiền mặt (3 tỷ đồng) và phải thu khách hàng (53 tỷ đồng), trong khi nợ ngắn hạn là 121 tỷ đồng (bao gồm vay ngắn hạn NH 80 tỷ đồng và phải trả người bán là 33 tỷ đồng).

Tình hình quản trị của VKP không minh bạch và có hiện tượng bòn rút tài sản nội bộ.

Cần có sự phối hợp hành động

Trong trường hợp của VKP nêu trên, NĐT có thể tìm hiểu phần nào vì VKP đã bị cảnh báo có khả năng phá sản. Tuy nhiên, trong trường hợp của DVD thì Công ty Kiểm toán Ernst & Young Việt Nam (gọi tắt là E&Y) đã phát hành báo cáo kiểm toán chấp nhận toàn phần đối với niên độ tài chính 31/12/2009.

Như vậy, việc DVD ghi nhận doanh thu và lợi nhuận ảo đã là một quá trình nhiều năm nên trách nhiệm E&Y cũng được NĐT đặt câu hỏi.

Nói như một số NĐT thì E&Y là công ty kiểm toán thuộc hàng “Big4”, nhưng đã bỏ qua sai sót rất lớn của DVD. Và theo lời của một chuyên gia kiểm toán lâu năm ở một công ty Big4, thì việc tìm ra “nghi án” mua bán lòng vòng để tạo doanh thu sẽ không quá khó.

Bởi vì, khi kiểm toán khoản mục doanh thu có thể phát hiện ra chỉ có một vài khách hàng của DVD mua sản phẩm của công ty. Nếu kiểm toán viên đào sâu hơn thì khả năng phát hiện sai sót, gian lận sẽ cao. Tuy nhiên, thực tế thì E&Y đã không làm điều này.

Ở đây, có lẽ chúng ta không bàn về trách nhiệm của từng bên cụ thể mà chỉ muốn tìm kiếm một giải pháp tốt hơn nhằm bảo vệ quyền lợi của NĐT.

Từ những trường hợp đã nêu thì ngoài danh sách các công ty thua lỗ liên tục, NĐT đang cần có những thông tin về những công ty có nợ vay cao (trong khi tiền hay khoản phải thu tương đối thấp) để tránh trường hợp công ty niêm yết “bùa chú” doanh thu.

Khả năng các công ty niêm yết khai ảo nhiều khoản mục trên báo cáo tài chính sẽ khó hơn một vài khoản mục. Như vậy nếu có sự kết hợp nhiều chỉ số sẽ hạn chế phần nào rủi ro này.

Trở lại trường hợp của VKP, Công ty Kiểm toán Nam Việt đã đưa ra lời cảnh báo, nhưng không phải tất cả NĐT đều nhận biết điều này. Do đó, trách nhiệm lớn nhất thuộc về HoSE.

Một điều dễ nhận thấy là HoSE có thể tập hợp danh sách các công ty niêm yết mà báo cáo kiểm toán có đưa ra cảnh báo.

NĐT chỉ cần đọc qua báo cáo này để tránh những công ty đang nằm trong vùng nguy hiểm, như vậy sẽ tiết kiệm được thời gian của nhà đầu tư cũng như giúp những NĐT cá nhân (vốn không có nhiều kinh nghiệm và khả năng phân tích sâu) có thể tránh được những quả đầu tư “lõm”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Im thin thít nên lặn mất tăm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO