Nhiều giằng níu đã khiến cho lộ trình cải cách tiền lương ở nước ta không thể có những bước đột phá. Trao đổi với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, ông Nguyễn Hữu Dũng, nguyên viện trưởng viện Khoa học lao động và xã hội, hiện là cố vấn bộ trưởng bộ Lao động – thương binh và xã hội cho biết:
Ông Nguyễn Hữu Dũng. |
Cái gốc của việc cải cách chính sách tiền lương ở nước ta là vấn đề nhận thức và đang mắc những vấn đề về thiết chế. Ví dụ như ở các nước khác, công chức là những người làm trong hệ thống công vụ và người ta có luật về công vụ chứ không phải luật công chức.
Nhưng hệ thống chính trị của mình lại khác. Mình có luật cán bộ công chức, trong đó công chức chỉ là một bộ phận nhỏ trong toàn thể hệ thống chính trị mà cả hệ thống chính trị lại là những người ăn lương từ ngân sách. Hệ thống ở mình coi những người làm công tác Đảng, đoàn thể cũng là công chức và đi kèm cả một hệ thống bao gồm bảo hiểm.
Việc đóng bảo hiểm xã hội cũng là một gánh nặng khiến cho lương tối thiểu chung không thể tăng đột phá. Trước năm 1995 không có ai đóng bảo hiểm xã hội cả, Nhà nước chi tiền ra để đóng cho lao động công chức và đến ngày nay Nhà nước vẫn đang phải tiếp tục đóng bù để trả lương cho những người hưu trí và những người chưa về hưu.
Cứ lương tối thiểu tăng lên là phải cấp bù phần đóng bảo hiểm của công chức tăng. Tiền bảo hiểm xã hội cho công chức bao gồm hai khoản là khoản nợ cho những người trước năm 1995 và khoản đóng tiếp cho những người sau năm 1995 (thời điểm cả người lao động và chủ sử dụng cùng đóng bảo hiểm xã hội). Hai khoản này thực chất cũng vẫn là tiền ngân sách.
Có ý kiến cho rằng cũng nên tách những người làm công tác Đảng, đoàn thể ra thành một hệ thống riêng để có lộ trình cải cách phù hợp?
Thực chất những người làm công tác Đảng, đoàn thể hiện có khoảng 90.000 người, cả công chức nhà nước nữa là khoảng hơn 300.000 người, cộng thêm công chức xã phường nữa là khoảng gần 800.000 người. Nhưng vấn đề ở chỗ khi tăng lương một đồng thì đâu chỉ có 800.000 người này mà phải kéo theo khoảng 5 triệu các đối tượng khác. Đó là khoảng 1,7 triệu người về hưu, 1,5 triệu người có công, 1,3 triệu người đang hưởng các chế độ bảo trợ xã hội… Những vấn đề thể chế ở mình khó có thể tách ra được.
Ngoài chuyện gánh nặng tăng chi phần đóng bảo hiểm xã hội, theo ông chuyện gì níu tiến trình cải cách tiền lương mạnh nhất?
Theo tôi quan trọng nhất là không tách được rõ ràng hệ thống những người đang làm việc ở các đơn vị sự nghiệp ra khỏi lương ngân sách. Những người làm trong các đơn vị sự nghiệp khoảng 1,7 triệu người, trong đó giáo viên là 1,1 triệu người, bác sĩ khoảng 20 vạn người, còn lại là ở những đơn vị thể dục thể thao, văn hoá…
Số người này nếu theo chủ trương xã hội hoá thì tách dần ra khỏi ngân sách, nếu định hướng theo kinh tế thị trường là các đơn vị cung cấp dịch vụ thì thu chi phải theo mặt bằng thị trường và tự trả lương. Nhưng ở mình thì không bung ra được và Nhà nước vẫn bao cấp trả lương cho những người này, xã hội hoá chỉ được ít thôi. Đó là cái lớn nhất chưa thể nâng cao lương tối thiểu theo cách đột phá được. Những chính sách nó giằng níu nhau.