Bản tin tổng hợp

An Giang tăng cường biện pháp đảm bảo an toàn du khách trước ảnh hưởng của bão số 3

AG 21/07/2025 06:33

Trước diễn biến phức tạp của bão số 3 (Wipha), ngày 20/7, Sở Du lịch tỉnh An Giang đã ban hành công văn khẩn gửi đến Ủy ban Nhân dân các xã, phường, thị trấn và các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn, yêu cầu triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đảm bảo an toàn cho du khách trong thời điểm thời tiết bất lợi.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, bão số 3 đã đi vào khu vực biển Đông với cường độ gió mạnh cấp 10, giật cấp 12 và có khả năng tiếp tục mạnh lên, dự báo đạt cấp 12, giật cấp 15 trong những ngày tới.

Từ ngày 21 đến 22/7, các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, gây mưa lớn diện rộng và gió mạnh tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

Mặc dù An Giang không nằm trong vùng tâm bão, tuy nhiên do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận nhiều đợt mưa to kéo dài kèm theo gió lớn, làm gián đoạn các hoạt động du lịch, đặc biệt là các chương trình vui chơi ngoài trời, hoạt động dưới nước và tại các khu du lịch sinh thái ven sông.

Trước tình hình trên, Sở Du lịch tỉnh An Giang yêu cầu chính quyền địa phương, đặc biệt là UBND các xã, phường và thị trấn, chỉ đạo các phòng chuyên môn theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, kịp thời cập nhật và truyền tải đầy đủ thông tin dự báo, cảnh báo mưa bão đến các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch và du khách.

Kết nối sông - núi - biển, hướng mới cho du lịch An Giang và Kiên Giang

Việc cung cấp thông tin nhanh chóng, chính xác giúp các bên chủ động phương án phòng tránh, hạn chế tối đa rủi ro có thể xảy ra, bảo đảm an toàn cho du khách và người lao động trong ngành du lịch.

Song song đó, các địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và nhắc nhở các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn thực hiện nghiêm túc các biện pháp ứng phó với tình hình thời tiết bất lợi theo hướng dẫn từ cơ quan chức năng.

Đặc biệt, cần lưu ý các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa dông, lốc xoáy và gió giật mạnh có thể gây nguy hiểm cho các hoạt động ngoài trời.

Đối với các doanh nghiệp du lịch, yêu cầu đặt ra là phải chủ động theo dõi thông tin khí tượng, cập nhật thường xuyên tình hình mưa gió, đồng thời triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn tại cơ sở.

Những đơn vị có tổ chức hoạt động thể thao dưới nước, bãi tắm hoặc hồ bơi cần bố trí đội ngũ nhân viên cứu hộ có chuyên môn, sẵn sàng ứng trực khi có tình huống khẩn cấp. Ngoài ra, cần lắp đặt đầy đủ biển cảnh báo tại những khu vực tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, phân định rõ phạm vi hoạt động cho các phương tiện và dịch vụ giải trí dưới nước để tránh xảy ra tai nạn đáng tiếc.

Các công ty lữ hành khi tổ chức chương trình tham quan, nhất là các tour di chuyển bằng tàu, canô ra đảo hoặc trên sông, phải đặt tiêu chí an toàn của du khách lên hàng đầu. Trong trường hợp thời tiết chuyển biến xấu, tuyệt đối không đưa khách đến những khu vực nguy hiểm.

Việc tạm hoãn hoặc điều chỉnh lịch trình cần được thực hiện kịp thời, có sự giải thích rõ ràng với khách hàng để đảm bảo uy tín và trách nhiệm doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các khu du lịch và điểm tham quan trên địa bàn tỉnh cũng cần chủ động kiểm tra, đôn đốc các đơn vị kinh doanh trong phạm vi quản lý triển khai nghiêm túc các biện pháp phòng, chống thiên tai.

Việc sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống phát sinh trong điều kiện thời tiết bất thường là yếu tố then chốt để duy trì hoạt động ổn định và đảm bảo trải nghiệm an toàn cho du khách.

Với tinh thần chủ động, trách nhiệm và phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và doanh nghiệp, tỉnh An Giang thể hiện quyết tâm cao trong công tác phòng chống thiên tai, giữ vững hình ảnh một điểm đến an toàn, thân thiện và chuyên nghiệp trong mắt du khách gần xa.

AG