Thanh Hóa đặt trọng tâm phát triển kinh tế tư nhân, phấn đấu 40.000 doanh nghiệp vào năm 2030
Với mục tiêu xây dựng khu vực kinh tế tư nhân trở thành trụ cột vững chắc của nền kinh tế địa phương, Thanh Hóa đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp cải cách, hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp, hướng tới mốc 40.000 doanh nghiệp hoạt động vào năm 2030, tương ứng tỷ lệ 10,44 doanh nghiệp trên 1.000 dân.
Để hiện thực hóa mục tiêu trên, Thanh Hóa cam kết cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh thông qua cắt giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, 30% chi phí tuân thủ pháp luật và 30% các điều kiện kinh doanh không còn phù hợp, trước năm 2025.
Địa phương cũng miễn toàn bộ lệ phí cấp đổi giấy tờ cho doanh nghiệp khi có sự sắp xếp lại bộ máy hành chính.
Trong lĩnh vực mua sắm công, các gói thầu xây lắp và mua sắm hàng hóa dưới 20 tỷ đồng từ ngân sách sẽ được ưu tiên cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là doanh nghiệp do thanh niên, phụ nữ, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật làm chủ, hoặc hoạt động tại vùng sâu, vùng xa.

Về chính sách thuế, các doanh nghiệp nhỏ và vừa mới thành lập sẽ được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong ba năm đầu. Từ ngày 1/1/2026, lệ phí môn bài sẽ chính thức được bãi bỏ.
Ngoài ra, hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền sẽ được áp dụng rộng rãi từ ngày 1/6/2025 đối với các hộ và cá nhân kinh doanh có doanh thu từ 1 tỷ đồng/năm trở lên cũng như các doanh nghiệp bán lẻ trực tiếp cho người tiêu dùng.
Cùng thời điểm, phương pháp khoán thuế sẽ được chấm dứt. Thanh Hóa cũng đảm bảo nguyên tắc mỗi doanh nghiệp chỉ bị thanh tra, kiểm tra một lần mỗi năm, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm rõ ràng. Các doanh nghiệp chấp hành tốt quy định pháp luật sẽ được miễn kiểm tra thực địa.
Tỉnh cũng chỉ đạo các cơ quan tư pháp như Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án phối hợp xử lý các vi phạm hành chính, dân sự và kinh tế theo hướng phân định rạch ròi giữa trách nhiệm hành chính - hình sự, ưu tiên biện pháp kinh tế, dân sự trong xử lý hành vi vi phạm.
Trên phương diện tiếp cận nguồn lực, Thanh Hóa cam kết tạo điều kiện thuận lợi để khu vực kinh tế tư nhân tiếp cận đất đai, vốn và nhân lực chất lượng cao.
Tỉnh sẽ giảm tiền thuê đất đối với doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong các khu, cụm công nghiệp và vườn ươm công nghệ. Đồng thời, ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý đất đai sẽ giúp rút ngắn 30% thời gian giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Về chính sách tín dụng, Thanh Hóa đang đẩy mạnh đa dạng hóa nguồn vốn cho khu vực tư nhân thông qua các chương trình tín dụng ưu đãi và Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đặc biệt, tỉnh triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm cho doanh nghiệp vay vốn thực hiện các dự án xanh, kinh tế tuần hoàn và áp dụng các tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp (ESG).
Về nguồn nhân lực, Thanh Hóa ưu tiên nâng cao chất lượng thông qua các chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về khởi nghiệp, quản trị doanh nghiệp.
Tỉnh phối hợp xây dựng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đạt chuẩn quốc tế, đồng thời triển khai chính sách đào tạo sơ cấp nghề dưới ba tháng cho người lao động. Giáo dục kỹ năng sáng tạo, STEM, ngoại ngữ và kỹ năng số được chú trọng lồng ghép trong các bậc học nhằm đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp trong giai đoạn chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, Thanh Hóa ban hành nhiều chính sách đặc thù để thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Cụ thể, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo sẽ được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong hai năm đầu và giảm 50% trong bốn năm tiếp theo.
Các khoản thu nhập từ chuyển nhượng cổ phần, vốn góp, quyền mua cổ phần hoặc vốn góp vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo cũng được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân. Đồng thời, các chuyên gia, nhà khoa học làm việc trong lĩnh vực này được miễn thuế thu nhập cá nhân trong hai năm và giảm 50% trong bốn năm kế tiếp.
Với chiến lược bài bản và đồng bộ, Thanh Hóa đặt mục tiêu đến năm 2030 đạt 40.000 doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn. Trong giai đoạn 2025 - 2030, tỉnh kỳ vọng khu vực kinh tế tư nhân sẽ tăng trưởng bình quân 13%/năm, đóng góp từ 58 - 62% vào GRDP và chiếm khoảng 35 - 40% tổng thu ngân sách nhà nước địa phương.
Đồng thời, khu vực tư nhân cũng đặt mục tiêu tạo việc làm cho khoảng 84 - 85% tổng số lao động và đạt mức tăng năng suất lao động bình quân từ 15 - 17%/năm.