Bản tin chính sách kinh doanh tuần 29/2025
Trong tuần qua, nhiều chính sách kinh tế đáng chú ý đã được Chính phủ ban hành. Đồng thời, các hiệp hội ngành nghề và cơ quan chuyên môn cũng đưa ra những đề xuất quan trọng nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp và cải thiện môi trường kinh doanh.
Chính phủ ban hành chính sách mới thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ
Ngày 1/9/2025, Nghị định số 205/2025/NĐ-CP chính thức có hiệu lực, sửa đổi và bổ sung một số nội dung trong Nghị định 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ. Nghị định này đưa ra nhiều chính sách ưu đãi mới nhằm thúc đẩy sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục ưu tiên phát triển.
Cụ thể, tổ chức, cá nhân thực hiện nghiên cứu, chuyển giao, đổi mới công nghệ sẽ được hưởng ưu đãi từ các quỹ quốc gia và chương trình phát triển công nghệ. Các dự án hợp tác nghiên cứu giữa doanh nghiệp và tổ chức khoa học - công nghệ được hỗ trợ tối đa 50% chi phí đầu tư máy móc, phần mềm, đào tạo, sáng chế...

Đặc biệt, Nghị định bổ sung mức hỗ trợ đến 70% chi phí cho hoạt động nâng cao năng lực chuyên gia, đào tạo nhân lực, kiểm định chất lượng. Đồng thời, quy định thêm hỗ trợ về môi trường, pháp lý và kiểm định - chứng nhận chất lượng, với mức hỗ trợ lên tới 50%.
Các doanh nghiệp cũng tiếp tục được hưởng ưu đãi thuế, miễn giảm tiền thuê đất, nước và các chính sách đầu tư khác theo quy định pháp luật.
Bộ Công Thương đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số năm 2025
Ngày 16/7/2025, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên ký ban hành Quyết định số 1970/QĐ-BCT, triển khai Kế hoạch hành động thực hiện Chỉ thị 18/CT-TTg của Thủ tướng về xúc tiến thương mại năm 2025. Trọng tâm là thúc đẩy chuyển đổi số, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng tiêu thụ hàng hóa qua môi trường trực tuyến.
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số được giao chủ trì, phối hợp với các sàn thương mại điện tử lớn trong và ngoài nước triển khai chương trình kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, làng nghề tiếp cận kênh bán hàng số. Đồng thời, phát động các chiến dịch quảng bá hàng Việt, sản phẩm địa phương trên nền tảng số và mạng xã hội.

Bộ cũng giao nhiệm vụ tổ chức đào tạo chuyên sâu về kỹ năng thương mại điện tử, nhất là thương mại điện tử xuyên biên giới, và hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ như AI, Big Data vào hoạt động kinh doanh.
Cục Xúc tiến thương mại sẽ chủ trì triển khai các chương trình xúc tiến tại thị trường trọng điểm như EU, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, ASEAN... nhằm nâng cao năng lực xuất khẩu và khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Cán bộ, công chức không nghỉ phép sẽ được thanh toán thêm tiền
Luật Cán bộ, công chức sửa đổi, có hiệu lực từ tháng 7/2025, quy định rõ: nếu vì yêu cầu nhiệm vụ mà cán bộ, công chức không nghỉ hoặc nghỉ không hết số ngày phép hằng năm, sẽ được thanh toán thêm khoản tiền tương ứng với số ngày chưa nghỉ, ngoài tiền lương đang hưởng.
Luật cũng nhấn mạnh việc đảm bảo điều kiện làm việc cho cán bộ, công chức như trang thiết bị, phương tiện đi lại, nhà công vụ, cũng như quyền tiếp cận thông tin, tham gia đào tạo và bảo vệ pháp lý khi thi hành công vụ.

Thu nhập của cán bộ, công chức sẽ gắn với kết quả công việc, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội. Ngoài lương chính, còn có các khoản phụ cấp, tiền làm thêm giờ, công tác phí... Đặc biệt, người làm việc ở vùng khó khăn, hoặc môi trường độc hại, nặng nhọc sẽ được hưởng ưu đãi riêng.
Về nâng lương, từ nay đến hết năm 2025, việc xét nâng bậc lương, kể cả trước thời hạn, vẫn áp dụng theo Thông tư 08/2013/TT-BNV và 03/2021/TT-BNV, dựa trên kết quả công tác và điều kiện cụ thể, do UBND cấp tỉnh tổ chức thực hiện.
Dự thảo nghị định mới: Phạt đến 500 triệu đồng nếu ngân hàng ép khách mua bảo hiểm
Bộ Tư pháp vừa công bố tài liệu thẩm định Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 88/2019/NĐ-CP, trong đó bổ sung nhiều chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.
Đáng chú ý, các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ bị phạt từ 400 - 500 triệu đồng nếu ép buộc khách hàng mua bảo hiểm không bắt buộc trong quá trình cung ứng dịch vụ. Quy định này nhằm đảm bảo phù hợp với Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, có hiệu lực từ tháng 7/2024.

Dự thảo cũng quy định mức phạt tương tự đối với các hành vi như hoạt động không giấy phép, can thiệp trái phép vào tổ chức tín dụng, cạnh tranh không lành mạnh. Các vi phạm về lãi suất, phí dịch vụ, sản phẩm phái sinh cũng bị xử phạt từ 10 - 100 triệu đồng tùy mức độ.
Ngoài ra, các tổ chức không tuân thủ quy trình quản lý rủi ro theo Luật Phòng, chống rửa tiền và các quy định liên quan sẽ bị phạt từ 150 - 200 triệu đồng.
Dự thảo kỳ vọng tăng cường minh bạch, bảo vệ người tiêu dùng và giữ vững kỷ cương tài chính - ngân hàng.
VCCI kiến nghị bãi bỏ giấy phép kinh doanh rượu
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản góp ý gửi Bộ Công Thương liên quan đến Dự thảo Quyết định phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong sáu lĩnh vực kinh doanh năm 2025.
Đáng chú ý, VCCI đề xuất bãi bỏ quy định cấp giấy phép kinh doanh đối với hoạt động phân phối, bán buôn và bán lẻ rượu.
Theo VCCI, quy định hiện hành yêu cầu doanh nghiệp phải có hệ thống phân phối tại nhiều tỉnh, hợp đồng với nhà sản xuất hoặc nhà cung cấp nước ngoài và văn bản giới thiệu... Tuy nhiên, những điều kiện này mang tính hình thức, không phản ánh đúng tính linh hoạt của thị trường và gây phát sinh chi phí thủ tục không cần thiết.
VCCI cho rằng sản phẩm rượu đã được kiểm soát chặt chẽ qua các quy định về an toàn thực phẩm, nhãn hàng hóa và công bố sản phẩm. Do đó, không cần thêm giấy phép riêng cho hoạt động kinh doanh rượu.
Đề xuất của VCCI nhằm giảm chi phí tuân thủ, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, phù hợp với tinh thần cải cách thể chế và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững.