Chính sách mới

Doanh nghiệp không đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp sẽ phải tự chi trả toàn bộ quyền lợi cho người lao động

TH 17/07/2025 13:43

Từ ngày 1/1/2026, Luật Việc làm năm 2025 chính thức có hiệu lực, mang đến nhiều thay đổi quan trọng trong việc đảm bảo quyền lợi bảo hiểm thất nghiệp của người lao động.

Một trong những điểm mới đáng chú ý là việc siết chặt trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc tham gia đầy đủ bảo hiểm thất nghiệp.

Cụ thể, nếu doanh nghiệp không đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo quy định, họ bắt buộc phải thanh toán toàn bộ số tiền tương ứng với các chế độ mà người lao động đáng lẽ được hưởng từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Quy định này được nêu rõ tại khoản 7 Điều 33 của Luật Việc làm 2025, trong đó nhấn mạnh nghĩa vụ của người sử dụng lao động là phải hoàn thành việc đóng bảo hiểm thất nghiệp đúng và đủ khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc chấm dứt công việc theo đúng quy định.

Trường hợp không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nêu trên, doanh nghiệp sẽ phải chi trả thay thế cho các chế độ bảo hiểm thất nghiệp theo pháp luật, bao gồm trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ học nghề, tư vấn và giới thiệu việc làm, cũng như đóng bảo hiểm y tế cho người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Đề xuất gói hỗ trợ người lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp | Báo Nhân Dân điện tử

So với Luật Việc làm năm 2013 đang còn hiệu lực đến hết năm 2025, trong đó chỉ quy định nghĩa vụ đóng bảo hiểm thất nghiệp trong vòng 30 ngày kể từ ngày hợp đồng có hiệu lực thì Luật Việc làm năm 2025 đã bổ sung thêm chế tài rõ ràng đối với hành vi chậm đóng, trốn đóng, nhất là trong trường hợp người lao động chấm dứt hợp đồng.

Điều này được đánh giá là bước tiến quan trọng nhằm tăng cường tính tuân thủ của doanh nghiệp và bảo đảm sự công bằng trong tiếp cận các quyền lợi an sinh xã hội.

Theo Điều 36 của Luật Việc làm 2025, tiền lương làm căn cứ để tính mức đóng bảo hiểm thất nghiệp được xác định dựa trên chế độ tiền lương áp dụng đối với từng nhóm người lao động.

Cụ thể, đối với người lao động hưởng lương theo chế độ do Nhà nước quy định, mức lương căn cứ bao gồm lương tháng theo chức vụ, chức danh, ngạch, bậc cùng với các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề và hệ số chênh lệch bảo lưu lương (nếu có).

Trong khi đó, đối với người lao động hưởng lương theo cơ chế thỏa thuận với người sử dụng lao động, thì mức lương đóng bảo hiểm thất nghiệp là tiền lương tháng bao gồm lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác mà hai bên thỏa thuận trả một cách ổn định, thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương.

Trường hợp người lao động ngừng việc nhưng vẫn được doanh nghiệp chi trả tiền lương tháng bằng hoặc cao hơn mức lương tối thiểu vùng là mức tối thiểu làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, thì việc đóng bảo hiểm thất nghiệp sẽ dựa trên mức lương thực tế trong thời gian ngừng việc đó.

Ngoài ra, mức tiền lương tối đa để làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp được quy định không vượt quá 20 lần mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm đóng, theo công bố của Chính phủ.

Luật cũng quy định rõ ràng về việc tạm dừng và truy đóng bảo hiểm thất nghiệp trong các trường hợp người lao động bị tạm giam hoặc tạm đình chỉ công việc.

Trong thời gian này, cả người sử dụng lao động và người lao động đều được tạm ngưng nghĩa vụ đóng bảo hiểm thất nghiệp. Tuy nhiên, nếu sau đó người lao động được truy lĩnh đủ tiền lương, thì hai bên phải thực hiện đóng bù phần bảo hiểm thất nghiệp tương ứng với thời gian đã tạm dừng, cùng lúc với việc truy đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định hiện hành.

Việc truy thu, truy đóng bảo hiểm thất nghiệp cũng sẽ được thực hiện đồng thời và thống nhất với quy trình truy thu bảo hiểm xã hội, nhằm đảm bảo đồng bộ về nghĩa vụ tài chính của cả hai bên.

Từ thời điểm Luật Việc làm năm 2025 có hiệu lực, thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp của người lao động sẽ được tính là tổng thời gian đã đóng kể từ lần đầu tham gia cho đến khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc mà chưa từng nhận trợ cấp thất nghiệp.

Trong trường hợp người lao động đã nhận trợ cấp, các lần đóng tiếp theo sẽ được tính lại từ đầu, trừ khi thuộc diện được bảo lưu theo quy định pháp luật.

Đáng chú ý, thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp sẽ không được sử dụng để tính hưởng các chế độ trợ cấp mất việc làm hoặc trợ cấp thôi việc theo quy định của pháp luật lao động và pháp luật về viên chức. Chính phủ sẽ ban hành hướng dẫn cụ thể về việc xử lý thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp nhưng chưa hưởng trợ cấp, để đảm bảo tính minh bạch, thống nhất và thuận lợi trong thực thi.

TH