Bình luận

Mỹ áp thuế 17% với cà chua Mexico: Nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng nông sản Bắc Mỹ

Ngọc Nga 15/07/2025 13:30

Ngày 14/7/2025, Mỹ chính thức áp thuế chống bán phá giá 17% đối với cà chua tươi nhập khẩu từ Mexico, chấm dứt thỏa thuận thương mại song phương đã tồn tại gần ba thập kỷ. Động thái này khiến ngành nông nghiệp xuất khẩu chủ lực của Mexico đối mặt rủi ro lớn, đồng thời làm dấy lên lo ngại về sự đổ vỡ chuỗi cung ứng nông sản Bắc Mỹ.

Đòn giáng vào ngành cà chua tỷ đô của Mexico

Cà chua là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu có giá trị cao nhất của Mexico. Theo Bộ Kinh tế Mexico, năm 2024, kim ngạch xuất khẩu cà chua tươi đạt 3,3 tỷ USD, trong đó hơn 95% hướng tới thị trường Mỹ. Với mức thuế chống bán phá giá 17%, mỗi năm các doanh nghiệp xuất khẩu Mexico có thể gánh thêm hàng trăm triệu USD chi phí, làm giảm khả năng cạnh tranh của cà chua Mexico so với sản phẩm từ Mỹ, Canada hay Hà Lan.

ca-chua Mexico
Cà chua Mexico nhập khẩu vào Mỹ phải chịu mức thuế 17%, từ ngày 14/7/2025. Ảnh: TTXVN

Phản ứng trước quyết định từ Washington, Bộ trưởng Nông nghiệp Mexico Julio Berdegué khẳng định: “Hơn 90% cà chua tiêu thụ tại Mỹ trong mùa đông đến từ Mexico. Đây không phải mặt hàng có thể dễ dàng thay thế”. Ông cũng cho biết, chính phủ Mexico sẽ tiếp tục đàm phán với Mỹ để tìm giải pháp đình chỉ thuế, đồng thời cảnh báo nguy cơ đổ vỡ hàng loạt chuỗi giá trị nông nghiệp xuyên biên giới nếu vấn đề không được xử lý hợp lý.

Liên minh các nhà sản xuất và Hiệp hội xuất khẩu cà chua Mexico cảnh báo thiệt hại kinh tế có thể vượt 8 tỷ USD nếu mức thuế tiếp tục được duy trì.

Theo Bộ Thương mại Mỹ, việc áp thuế nhằm ngăn chặn tình trạng bán phá giá, khi các nhà sản xuất Mexico bị cáo buộc xuất khẩu cà chua vào Mỹ với giá thấp hơn chi phí sản xuất, làm ảnh hưởng đến nông dân Mỹ, đặc biệt tại Florida và California, hai bang chuyên canh cà chua lớn.

Tuy nhiên, các hiệp hội nông sản và giới phân phối tại Mỹ lại bày tỏ lo ngại, sau khi thuế được áp dụng, giá bán lẻ cà chua tại Mỹ dự kiến sẽ tăng từ 10-50%. Điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức mua của người tiêu dùng, mà còn gây áp lực chi phí lên ngành dịch vụ ăn uống, vốn phụ thuộc lớn vào nguồn cung giá rẻ từ Mexico.

Mexico đáp trả và cảnh báo thiệt hại hàng tỷ USD

Ngay sau khi Mỹ công bố áp thuế, chính phủ Mexico tuyên bố sẽ hỗ trợ doanh nghiệp cà chua tìm kiếm thị trường mới tại châu Âu và châu Á nhằm giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ. Đồng thời, Mexico đang cân nhắc sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp trong khuôn khổ Hiệp định Mỹ - Mexico - Canada (USMCA) hoặc tiến hành áp thuế trả đũa lên các sản phẩm nông nghiệp Mỹ như thịt gà, ngũ cốc, sữa.

ca-chua Mexico 1
Khách hàng chọn mua cà chua tại một siêu thị ở Mexico. Ảnh: TTXVN

Liên minh các nhà sản xuất cà chua Mexico và Hiệp hội các nhà xuất khẩu cảnh báo, nếu thuế 17% tiếp tục được duy trì, ngành cà chua của nước này có thể thiệt hại hơn 8 tỷ USD trong vài năm tới. Tác động sẽ lan rộng đến các bang sản xuất cà chua chủ lực của Mexico như Sinaloa, Baja California và San Luis Potosí, ảnh hưởng sinh kế của hàng trăm nghìn nông dân.

Theo Hiệp hội Cà chua Florida, hiện Mexico cung cấp khoảng 70% thị trường cà chua của Mỹ, tăng mạnh so với mức 30% cách đây hai thập niên.

Từ năm 1996, Mỹ và Mexico đã ký Thỏa thuận Đình chỉ Thuế chống bán phá giá với cà chua Mexico, nhằm đảm bảo thương mại ổn định và có kiểm soát. Thỏa thuận này đã được gia hạn, sửa đổi nhiều lần trước khi chính thức hết hiệu lực vào ngày 14/7/2025. Việc chấm dứt thỏa thuận được xem là bước lùi lớn trong hợp tác nông nghiệp song phương và đặt ra những thách thức đối với tương lai của Hiệp định thương mại USMCA.

Kêu gọi hành xử có trách nhiệm trong khuôn khổ USMCA

Các chuyên gia kinh tế cảnh báo, tranh chấp thương mại giữa hai nước nếu không được kiểm soát sẽ đẩy mối quan hệ Mỹ - Mexico vào tình trạng căng thẳng, ảnh hưởng đến lòng tin của doanh nghiệp hai bên và môi trường đầu tư chung.

“Cà chua không chỉ là mặt hàng nông sản. Nó là biểu tượng của sự phụ thuộc lẫn nhau giữa hai nền kinh tế có chuỗi cung ứng đan xen sâu sắc”, một chuyên gia từ Đại học Tự trị Mexico nhận định.

Giới quan sát kỳ vọng hai nước sẽ hành xử trên tinh thần tôn trọng và xây dựng, sớm đạt được giải pháp thương mại phù hợp để bảo vệ người lao động, doanh nghiệp và người tiêu dùng hai bên, cũng như duy trì tính toàn vẹn của USMCA, hiệp định thương mại quan trọng nhất khu vực Bắc Mỹ hiện nay.

Ngọc Nga