Bản tin tổng hợp

Đề xuất mở rộng cao tốc Bắc - Nam theo hình thức PPP: Ưu tiên mô hình BOT kết hợp O&M

Văn Sơn 14/07/2025 - 10:51

Bộ Xây dựng mới đây đã trình báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà liên quan đến phương án nghiên cứu mở rộng các đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Triển khai theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc mở rộng các tuyến cao tốc đã được phân kỳ đầu tư, Bộ Xây dựng đề xuất mở rộng 18 dự án thành phần thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Đây là các dự án nằm trong mục tiêu hoàn thành 3.000 km đường cao tốc vào năm 2025, trong đó hiện còn khoảng 402 km đang được triển khai xây dựng.

Để tránh việc trùng lặp về phạm vi đầu tư và nhằm bảo đảm mục tiêu tăng trưởng GDP đạt từ 8% trở lên trong năm 2025, cũng như duy trì tốc độ tăng trưởng hai chữ số giai đoạn 2026 - 2030, Bộ Xây dựng ban đầu kiến nghị Chính phủ cho phép sử dụng nguồn vốn đầu tư công để có thể triển khai mở rộng ngay lập tức. Tuy nhiên, theo chỉ đạo mới nhất từ lãnh đạo Chính phủ, phương thức đầu tư PPP cần được nghiên cứu áp dụng.

Theo phân tích của Bộ Xây dựng, do Luật PPP không cho phép trùng lặp dự án đang triển khai, việc mở rộng các đoạn tuyến theo hình thức PPP phải được thực hiện thông qua các dự án mới, và do đó không thể khởi công ngay như phương án đầu tư công.

Bản tin chiều 25/6: Đề xuất mở rộng cao tốc Bắc - Nam theo phương thức PPP

Trong bối cảnh đó, Bộ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai thu phí đối với 15 dự án đầu tư công theo Nghị quyết của Quốc hội và quy định của Luật Đường bộ. Việc thu phí này sẽ làm cơ sở để tiếp tục nghiên cứu đầu tư mở rộng theo hình thức PPP, căn cứ vào thực tế khai thác và nhu cầu lưu thông.

Đối với ba dự án PPP hiện đang khai thác, Bộ Xây dựng sẽ làm việc với nhà đầu tư để xây dựng phương án mở rộng phù hợp, đồng thời tiếp tục ưu tiên triển khai hình thức PPP toàn tuyến nếu có nhà đầu tư đủ năng lực tài chính và kỹ thuật.

Bộ Xây dựng đề xuất Chính phủ giao cho Bộ chủ trì, phối hợp cùng các cơ quan liên quan tổ chức công tác chuẩn bị đầu tư PPP từ năm 2025.

Khi các dự án đầu tư công trên toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông hoàn thành, Bộ sẽ triển khai thu phí, đồng thời lựa chọn các nhà đầu tư tư nhân để tiếp tục đầu tư mở rộng theo hình thức PPP.

Đáng chú ý, Bộ ưu tiên áp dụng mô hình kết hợp giữa O&M (Khai thác - Quản lý) và BOT (Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao) nhằm đảm bảo đồng bộ, nâng cao hiệu quả khai thác toàn tuyến. Đây được xem là mô hình linh hoạt, vừa đảm bảo hiệu quả đầu tư, vừa phân định rõ trách nhiệm giữa Nhà nước và doanh nghiệp.

Theo nhận định của các chuyên gia giao thông, việc mở rộng các tuyến cao tốc hiện hữu là một nhiệm vụ đầy thách thức về mặt kỹ thuật, đặc biệt trong bối cảnh phải vừa thi công vừa duy trì hoạt động khai thác.

Điều này đòi hỏi quá trình tổ chức thi công phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, áp dụng giải pháp kỹ thuật tối ưu nhằm đảm bảo an toàn và không làm ảnh hưởng đến kết cấu mặt đường hiện tại.

Về bản chất, mô hình BOT cho phép nhà đầu tư tư nhân trực tiếp bỏ vốn xây dựng, vận hành tuyến đường và sau thời gian khai thác sẽ chuyển giao lại cho Nhà nước.

Trong khi đó, O&M là mô hình mà Nhà nước đầu tư công trình, sau đó giao cho doanh nghiệp tư nhân vận hành và bảo trì. Việc kết hợp hai mô hình này được đánh giá là giải pháp khả thi, vừa tối ưu hóa công tác quản lý, vừa đảm bảo hiệu quả kinh tế - kỹ thuật.

Hiện nay, một số doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực hạ tầng giao thông đã gửi văn bản đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ về việc tham gia đầu tư mở rộng tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Tập đoàn Đèo Cả đề xuất mở rộng 19 dự án thành phần với tổng chiều dài 1.241 km, trên nguyên tắc sử dụng 100% vốn hợp pháp trong nước, không sử dụng ngân sách Nhà nước.

Tập đoàn Sơn Hải đề xuất đầu tư mở rộng hoàn chỉnh đoạn Hoài Nhơn - Nha Trang bằng 100% vốn doanh nghiệp, bao gồm các đoạn: Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Quy Nhơn - Chí Thạnh, Chí Thạnh - Vân Phong và Vân Phong - Nha Trang.

Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Giao thông Phương Thành đề xuất tự huy động vốn đầu tư hơn 200 km thuộc đoạn Vũng Áng - Bùng - Vạn Ninh (104 km) và đoạn Phan Thiết - Dầu Giây (99 km) theo phương thức PPP.

Các nhà đầu tư đều cam kết sẽ liên danh với các doanh nghiệp có năng lực, kinh nghiệm, không sử dụng ngân sách Nhà nước và chấp nhận rủi ro tài chính nếu dự án không được phê duyệt.

Văn Sơn