Công nghiệp văn hóa: Trụ cột mới trong chiến lược phát triển quốc gia
Việc ra mắt Hiệp hội Phát triển Công nghiệp Văn hóa Việt Nam (PTCNVH) không chỉ là sự kiện quan trọng đối với giới sáng tạo và nghệ thuật, mà còn là một bước đi chiến lược nhằm định vị công nghiệp văn hóa như một trụ cột phát triển mới, mang tính nền tảng và bền vững trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tri thức, hội nhập toàn diện.
Chiều ngày 11/7/2025 tại Hà Nội, Hiệp hội PTCNVH Việt Nam đã tổ chức Đại hội lần thứ I, nhiệm kỳ 2025 - 2030.
Tại sự kiện này, NSND Vương Duy Biên - Nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, được tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch Hiệp hội.
Đây là tổ chức xã hội - nghề nghiệp hoạt động trên phạm vi toàn quốc, được thành lập theo Quyết định số 541/QĐ-BNV ngày 30/5/2025 của Bộ Nội vụ, nhằm tập hợp các cá nhân, tổ chức hoạt động trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, sáng tạo, công nghệ, truyền thông, giáo dục và đầu tư.
Việc hình thành Hiệp hội vào thời điểm này được xem là bước đi chiến lược, góp phần định hình rõ ràng hơn vai trò của công nghiệp văn hóa như một ngành kinh tế mới có giá trị gia tăng cao, vừa mang bản sắc dân tộc, vừa đủ sức hội nhập quốc tế.
Sự kiện diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đang thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tri thức, trong đó công nghiệp văn hóa được xác định là một lĩnh vực mũi nhọn.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.”
Tư tưởng này đã được kế thừa từ Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII (1998) và giờ đây đang được cụ thể hóa thành các mô hình tổ chức và cơ chế vận hành thực tiễn.
Thống kê từ ngành Văn hóa cho thấy, hiện có khoảng 70.000 doanh nghiệp hoạt động trong các ngành liên quan đến công nghiệp văn hóa, sử dụng trên 3 triệu lao động và đóng góp khoảng 7% GDP cả nước. Nhiều địa phương lớn như Hà Nội, TP.HCM đã sớm ban hành chính sách phát triển lĩnh vực này, coi đây là đòn bẩy cho tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững và đổi mới sáng tạo.
Phát biểu tại Đại hội, ông Vương Duy Biên khẳng định rằng, cốt lõi của công nghiệp văn hóa là sáng tạo, yếu tố mà dù công nghệ có phát triển đến đâu cũng không thể thay thế.
Theo ông, mọi sản phẩm văn hóa, từ điện ảnh, âm nhạc, thiết kế, thời trang đến truyền thông số đều phải bắt đầu từ tư duy sáng tạo. Ông cũng nhấn mạnh rằng Hiệp hội sẽ lấy ba trụ cột “Sáng tạo - Bản sắc - Lan tỏa” làm kim chỉ nam hành động.
Trong đó, sáng tạo là nền tảng đầu tiên và quan trọng nhất, bản sắc là linh hồn giúp sản phẩm văn hóa Việt Nam không bị hòa tan giữa dòng chảy toàn cầu hóa, còn lan tỏa là mục tiêu cuối cùng, thể hiện ở việc các giá trị văn hóa có thể được phổ biến sâu rộng trong và ngoài nước, đóng góp vào sức mạnh mềm quốc gia.

Tại Đại hội, các đại biểu gồm đại diện từ các bộ ngành trung ương, các viện, trường, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế và cộng đồng nghệ sĩ đã thẳng thắn nêu lên nhiều rào cản trong phát triển công nghiệp văn hóa hiện nay, đặc biệt là về thể chế, thủ tục hành chính phức tạp, thiếu chính sách khuyến khích đầu tư và hợp tác quốc tế.
Trong bối cảnh đó, Hiệp hội PTCNVH được kỳ vọng sẽ trở thành cầu nối giữa chính sách và thực tiễn, liên kết các nguồn lực xã hội từ nhà nước, doanh nghiệp, giới sáng tạo cho đến cộng đồng quốc tế nhằm kiến tạo môi trường phát triển công nghiệp văn hóa một cách đồng bộ và chuyên nghiệp.
Theo định hướng đã được thông qua, Hiệp hội sẽ tập trung vào sáu nhiệm vụ chiến lược gồm: kết nối các thành phần trong hệ sinh thái công nghiệp văn hóa; đề xuất, phản biện và thúc đẩy các chính sách phù hợp với thực tiễn sáng tạo; xúc tiến thương mại và phát triển thị trường văn hóa; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; thúc đẩy chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo; đồng thời định vị hình ảnh văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế.
Bên cạnh đó, Hiệp hội sẽ nghiên cứu đề xuất xây dựng các quỹ hỗ trợ sáng tạo, hình thành trung tâm công nghiệp văn hóa tại một số địa phương trọng điểm, cũng như triển khai xây dựng bản đồ dữ liệu văn hóa số quốc gia hướng đến một nền công nghiệp sáng tạo được quản trị bằng công nghệ và số hóa.
Với bộ máy tổ chức gồm 46 ủy viên Ban Chấp hành, 18 thành viên Ban Thường vụ và 3 ủy viên Ban Kiểm tra, cùng sự lãnh đạo của những người có tâm và có tầm, Hiệp hội Phát triển Công nghiệp Văn hóa Việt Nam được kỳ vọng sẽ là đầu tàu dẫn dắt quá trình chuyên nghiệp hóa ngành công nghiệp văn hóa nước nhà.

Từ chỗ chỉ được nhìn nhận là lĩnh vực phụ trợ trong phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa ngày càng chứng minh được vai trò trụ cột, vừa mang giá trị tinh thần cốt lõi, vừa là nguồn lực nội sinh và là động lực tăng trưởng mới của đất nước.
Việc chính thức thành lập Hiệp hội không chỉ đánh dấu một cột mốc lịch sử với ngành văn hóa - sáng tạo, mà còn mở ra triển vọng về một ngành kinh tế bản sắc, năng động và đủ sức lan tỏa trong kỷ nguyên hội nhập toàn cầu.