Bản tin tổng hợp

Bản tin sáng 10/7: Việt Nam mời 5 nước cử lực lượng tham gia diễu binh kỷ niệm 80 năm Quốc khánh

NH 10/07/2025 06:00

Tin tức nổi bật sáng 10/7: Việt Nam mời 5 nước cử lực lượng tham gia diễu binh kỷ niệm 80 năm Quốc khánh; TP.HCM phát động 100 ngày thi đua chào mừng Đại hội Đảng bộ lần thứ I; TP.HCM đề xuất đầu tư siêu trung tâm dữ liệu 2 tỷ USD; TP.HCM nâng cấp 168 trạm y tế thành “bệnh viện mini, cửa ngõ” chăm sóc sức khỏe; Hà Nội sắp xây dựng tượng đài tri ân chiến sĩ quốc tế tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam... và một số tin tức đáng chú ý khác.

Việt Nam mời 5 nước cử lực lượng tham gia diễu binh kỷ niệm 80 năm Quốc khánh

Nhân dịp kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã mời Nga, Trung Quốc, Lào, Campuchia và Belarus cử lực lượng tham gia diễu binh tại lễ kỷ niệm. Đây là hoạt động đối ngoại quốc phòng có ý nghĩa quan trọng, thể hiện tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống và sự gắn bó giữa Quân đội nhân dân Việt Nam với các quốc gia bạn bè thân thiết.

Việt Nam mời quân đội 5 nước tham gia diễu binh kỷ niệm Quốc khánh 2.9

Thông tin được đưa ra tại cuộc họp do Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, chủ trì ngày 9/7 tại Hà Nội. Ngoài 5 nước trên, Việt Nam cũng đã gửi thư mời tham dự lễ kỷ niệm đến Bộ Quốc phòng các nước Cuba, Kazakhstan và Azerbaijan.

Theo báo cáo, phía Cuba đã xác nhận sẽ cử Bộ trưởng Bộ các Lực lượng vũ trang cách mạng tham dự sự kiện. Lào và Campuchia bày tỏ ủng hộ chủ trương cử lực lượng tham gia diễu binh theo lời mời của Việt Nam.

Việc mời các quốc gia tham gia diễu binh cũng là minh chứng cho đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa và là đối tác tin cậy của Việt Nam trên trường quốc tế.

TP.HCM phát động 100 ngày thi đua chào mừng Đại hội Đảng bộ lần thứ I

Từ ngày 1/7 đến 10/10/2025, TP.HCM chính thức phát động đợt thi đua cao điểm “100 ngày hoạt động tinh - gọn - mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả” nhằm chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ I (nhiệm kỳ 2025 - 2030) và Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

TPHCM phát động đợt thi đua cao điểm “100 ngày hoạt động tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”

Đợt thi đua tập trung thực hiện hiệu quả các nghị quyết trọng tâm như 57, 59, 66 và 68; thúc đẩy cải cách hành chính, chuyển đổi số, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiện đại. UBND TP.HCM yêu cầu đạt tối thiểu 70% kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công quý III và tháo gỡ ít nhất 70% khó khăn cho doanh nghiệp thuộc thẩm quyền giải quyết.

Đặc biệt, TP.HCM phấn đấu đạt 100% công bố, niêm yết công khai thủ tục hành chính; trên 98% hồ sơ giải quyết đúng hạn; trên 95% người dân hài lòng với dịch vụ công. Mỗi đơn vị triển khai ít nhất một sáng kiến cải cách hành chính hoặc chuyển đổi số gắn với nhiệm vụ chính trị. Công tác thi đua phải thiết thực, có theo dõi, đánh giá và khen thưởng minh bạch, đúng người, đúng việc.

TP.HCM đề xuất đầu tư siêu trung tâm dữ liệu 2 tỷ USD

UBND TP.HCM vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tổ chức buổi làm việc với các nhà đầu tư chiến lược nhằm tháo gỡ vướng mắc cho dự án siêu trung tâm dữ liệu trị giá khoảng 2 tỷ USD. Dự án do liên danh các nhà đầu tư gồm G42 (UAE - cổ đông chính là Quỹ đầu tư quốc gia UAE và Microsoft), FPT, VinaCapital và Tập đoàn Việt Thái đề xuất.

Thị trường trung tâm dữ liệu đang được các nhà đầu tư chú ý tới nhờ khả năng sinh lời nhanh hơn các lĩnh vực khác. Ảnh: T.L.

Siêu trung tâm dữ liệu được định hướng là nhà máy trí tuệ nhân tạo (AI), cung cấp hạ tầng điện toán đám mây tiên tiến cho khu vực châu Á và toàn cầu, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số, tạo hàng ngàn việc làm chất lượng cao, nâng cao năng lực công nghệ thông tin tại TP.HCM.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư đang gặp khó khăn liên quan đến cơ chế pháp lý, đặc biệt là quy định về dữ liệu xuyên biên giới. UBND TP.HCM đề xuất áp dụng cơ chế đặc biệt tương tự Singapore, nhằm đảm bảo môi trường pháp lý cạnh tranh quốc tế.

Thành phố cũng kiến nghị ưu tiên chính sách chuyển đổi từ hạ tầng công nghệ tại chỗ sang hạ tầng điện toán đám mây quốc gia, nhằm nâng cao bảo mật, đồng bộ tiêu chuẩn an ninh và thực hiện hiệu quả chương trình chuyển đổi số giai đoạn 2025 - 2030.

TP.HCM nâng cấp 168 trạm y tế thành “bệnh viện mini, cửa ngõ” chăm sóc sức khỏe

Sau sáp nhập địa giới hành chính, quy mô dân số TP.HCM tăng lên 13,7 triệu người. Để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh, ngành y tế thành phố triển khai kế hoạch nâng cấp 168 trạm y tế thành “bệnh viện mini, cửa ngõ” chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.

Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cho biết, tỷ lệ giường bệnh trên vạn dân giảm từ 42 còn 35 sau hợp nhất, đặt ra yêu cầu cấp thiết về đầu tư và tái cấu trúc hệ thống y tế.

Bài cuối: Nâng chất cho y tế cơ sở

Theo đó, các trạm y tế sẽ được mở rộng diện tích, đạt chuẩn tối thiểu 500m², có đầy đủ các khoa phòng cơ bản, đóng vai trò phân loại, theo dõi sức khỏe định kỳ và giảm tải cho tuyến trên.

Song song, thành phố đẩy mạnh chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ toàn diện cho y tế tuyến cơ sở, đặc biệt là vùng xa. Ngành y tế cũng đang xây dựng mô hình “đô thị đặc biệt” - trung tâm y tế, khoa học, đổi mới sáng tạo của cả nước, hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng chăm sóc y tế toàn diện, tiếp cận gần dân, hiệu quả và bền vững.

Hà Nội sắp xây dựng tượng đài tri ân chiến sĩ quốc tế tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam

Nhân dịp kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, Bộ Quốc phòng sẽ triển khai xây dựng tượng đài chiến sĩ các nước đã giúp Việt Nam trong các cuộc kháng chiến, tại khuôn viên Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (Hà Nội).

Công trình nhằm tưởng nhớ và tri ân các chuyên gia, quân nhân của Liên Xô (nay là Liên bang Nga), Trung Quốc, Lào, Cuba, Campuchia, những quốc gia từng sát cánh cùng Việt Nam trong các cuộc kháng chiến bảo vệ và giải phóng dân tộc.

Sắp xây dựng tượng đài tưởng niệm chiến sĩ quốc tế tại Hà Nội

Tượng đài bao gồm: biểu tượng chung bằng đồng do Việt Nam sáng tác; tượng tri ân các nước do chính các nước phác thảo hoặc Việt Nam thực hiện theo đề nghị; cùng một bức phù điêu bằng đá xanh nguyên khối. Không gian xung quanh được thiết kế với cây xanh và thảm cỏ tạo cảnh quan trang trọng.

Cục Tuyên huấn đã phối hợp hoàn tất phác thảo tượng, đang chờ ý kiến các nước. Tổng cục Chính trị yêu cầu hoàn thành cụm tượng đầu tiên trước ngày 15/8 và toàn bộ hạ tầng trung tâm trưng bày trước 10/8, bảo đảm đúng tiến độ và chất lượng công trình.

Thủ tướng yêu cầu hoàn thành xóa nhà tạm, dột nát trước ngày 31/8, ưu tiên người có công trước 27/7

Tại phiên họp lần thứ 6 Ban Chỉ đạo Trung ương về xóa nhà tạm, nhà dột nát ngày 9/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo hoàn thành dứt điểm mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên toàn quốc trước ngày 31/8. Đặc biệt, các hộ người có công, gia đình liệt sĩ phải hoàn thành trước 27/7 nhân dịp kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ.

Đến nay, 18/34 địa phương đã hoàn thành nhiệm vụ. Trong tổng số hơn 264.000 căn nhà được hỗ trợ, đã bàn giao hơn 229.000 căn; hơn 25.000 căn còn lại phải hoàn thiện trong thời gian ngắn, trung bình mỗi địa phương cần xây gần 26 căn/ngày. Tổng nguồn lực huy động vượt 17.800 tỷ đồng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: VGP
Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: VGP

Thủ tướng biểu dương các bộ ngành, địa phương, tổ chức và cá nhân đã đồng hành cùng chương trình. Ông nhấn mạnh, đây là hành động tri ân thiết thực, thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn” và tinh thần đoàn kết dân tộc.

Chính phủ tiếp tục kêu gọi cộng đồng chung tay, bảo đảm không để ai phải sống trong nhà tạm, nhà dột nát, một mục tiêu nhân văn và cấp thiết của toàn xã hội.

Hòa Phát đầu tư gần 3.400 tỷ đồng phát triển KCN Hoàng Diệu tại Hải Phòng

Tập đoàn Hòa Phát vừa được chấp thuận chủ trương đầu tư Khu công nghiệp (KCN) Hoàng Diệu tại xã Gia Phúc, TP. Hải Phòng với quy mô hơn 245 ha và tổng vốn gần 3.400 tỷ đồng. Dự án do Công ty CP Phát triển hạ tầng KCN Hoàng Diệu - thành viên của Tập đoàn Hòa Phát làm chủ đầu tư, dự kiến triển khai trong 30 tháng.

Hòa Phát đầu tư KCN gần 3.400 tỉ đồng tại Hải Phòng - Ảnh 1.

Mục tiêu dự án là xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN, cung cấp đất, nhà xưởng, kho bãi và văn phòng cho thuê, ưu tiên thu hút doanh nghiệp công nghệ cao. KCN Hoàng Diệu sở hữu vị trí chiến lược, tiếp giáp cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, gần quốc lộ 5A, 37, 38, tạo điều kiện thuận lợi kết nối với Hà Nội, Bắc Ninh, Lạng Sơn và các cảng biển, sân bay lớn.

Đây là dự án mới nhất của Hòa Phát trong lĩnh vực hạ tầng công nghiệp, nâng tổng quỹ đất KCN của tập đoàn lên 1.733 ha tại các tỉnh trọng điểm như Hưng Yên, Ninh Bình, Bắc Ninh và Hải Phòng. Các KCN hiện hữu như Phố Nối A, Yên Mỹ II, Hòa Mạc đã có tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 95%.

Hà Nội miễn, giảm tiền thuê đất đến 30 năm cho nhiều loại dự án ưu đãi

Chiều 9/7, tại kỳ họp thứ 25 HĐND TP. Hà Nội khóa XVI, các đại biểu đã thông qua nghị quyết quan trọng về chính sách miễn, giảm tiền thuê đất đối với các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực ưu đãi và địa bàn ưu đãi.

Theo đó, các dự án giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường, dạy nghề... thực hiện theo phương thức xã hội hóa và thuộc danh mục ưu đãi do Chính phủ quy định sẽ được xem xét miễn tiền thuê đất toàn bộ thời gian thuê nếu là dự án phi lợi nhuận. Các dự án còn lại được hưởng mức miễn giảm trong 15 hoặc 30 năm tùy theo khu vực đầu tư.

jvhav-17520622987461041512889.png
Các đại biểu bấm nút thông qua các nghị quyết

UBND TP. Hà Nội đã tiếp thu ý kiến thẩm tra, làm rõ thêm về phạm vi áp dụng tại các địa bàn phường, dự án trên địa giới hành chính phức tạp, và hiệu lực kế thừa nghị quyết trước.

Cũng trong kỳ họp, HĐND TP. Hà Nội thông qua nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2026 - 2030, và quy định chi tiết thu hút nhà đầu tư chiến lược vào các lĩnh vực công nghệ cao, đô thị vệ tinh, đường sắt đô thị, môi trường, năng lượng sạch… với quy mô vốn từ 10.000 đến 25.000 tỷ đồng trở lên.

Phát động thi đua đẩy nhanh tiến độ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu

Ngày 9/7, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Đồng Tháp phối hợp cùng liên danh tư vấn giám sát và nhà thầu tổ chức lễ phát động thi đua cao điểm đẩy nhanh tiến độ dự án thành phần 2 thuộc cao tốc Cao Lãnh - An Hữu (giai đoạn 1).

Chương trình thi đua nhằm chào mừng kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, hướng đến Đại hội Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp nhiệm kỳ 2025 - 2030. Các đơn vị cam kết hoàn thành các hạng mục chính của dự án trước ngày 10/10/2025.

Cụ thể, toàn bộ công tác gia tải nền đất yếu và đắp gia tải sẽ hoàn tất trước 25/8/2025, ngoại trừ các đoạn chưa bàn giao mặt bằng. Các cầu trên tuyến sẽ cơ bản hoàn thành lắp dầm trước 10/10 và hoàn thiện kết cấu chính vào cuối năm.

Tính đến nay, 40 mũi thi công đã được triển khai, đạt giá trị khoảng 875,2 tỷ đồng, tương đương 35,7% tổng khối lượng xây lắp.

Ban quản lý dự án kêu gọi các đơn vị thi công nâng cao tinh thần trách nhiệm, cải tiến kỹ thuật, phối hợp hiệu quả để bảo đảm tiến độ, chất lượng và an toàn công trình.

TP.HCM dự kiến chi hơn 2.575 tỷ đồng giải phóng mặt bằng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

UBND TP.HCM vừa báo cáo Ban Chỉ đạo các công trình trọng điểm quốc gia về công tác chuẩn bị mặt bằng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đoạn qua địa bàn thành phố, với tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư ước tính khoảng 2.575,8 tỷ đồng.

Tuyến đi qua TP.HCM dài 13,49km, sử dụng khoảng 110ha đất. Trong đó, ga Thủ Thiêm được quy hoạch khoảng 17,3ha, hiện chưa giải phóng mặt bằng; depot Long Trường chiếm khoảng 60,5ha đất nông nghiệp, cũng chưa được giải phóng.

Trong năm nay, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ khởi động giải phóng mặt bằng

Tuyến đường sắt chủ yếu đi theo hành lang cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, qua các đoạn từ nút giao An Phú đến vành đai 3. Một số đoạn đã giải phóng mặt bằng, số còn lại vẫn là đất trống hoặc nhà ở dân cư.

UBND TP.HCM đã giao các đơn vị liên quan triển khai công tác đền bù, hỗ trợ tái định cư và ứng vốn ngân sách để thực hiện. Đồng thời, thành phố cũng đang nghiên cứu mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) tại ga Thủ Thiêm và depot Long Trường để khai thác hiệu quả quỹ đất dọc tuyến.

NH