Bản tin chiều 7/7: Thủ tướng Phạm Minh Chính đề xuất 3 tiên phong tại Hội nghị BRICS mở rộng
Tin tức nổi bật chiều 7/7: Thủ tướng Phạm Minh Chính đề xuất 3 tiên phong tại Hội nghị BRICS mở rộng; Hoàn thành kiểm kê đất đai trước ngày 20/8; Thay đổi thông tin thanh toán tiền điện và cảnh báo lừa đảo mạo danh; 6 tháng, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội tăng 9,8%; Cấp xã ở TP.HCM được quyết giao đất cho doanh nghiệp... và một số tin tức đáng chú ý khác.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề xuất 3 tiên phong tại Hội nghị BRICS mở rộng
Tham dự Hội nghị Thượng đỉnh BRICS mở rộng năm 2025 tại Rio de Janeiro, Brazil và có phát biểu quan trọng tại Phiên thảo luận cấp cao về “Tăng cường chủ nghĩa đa phương, các vấn đề kinh tế - tài chính và trí tuệ nhân tạo”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra 3 đề xuất quan trọng, thiết thực.

Thứ nhất, BRICS và các nước phương Nam cần tiên phong làm sống động lại hợp tác đa phương, kiên trì đối thoại, hợp tác trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc (LHQ) và luật pháp quốc tế. BRICS cần tham gia tích cực thúc đẩy cải cách các thể chế toàn cầu như LHQ, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và WTO theo hướng đáp ứng thực tế và nhu cầu của các nước đang phát triển, tăng cường hợp tác Nam - Nam, đẩy mạnh kết nối, xây dựng lòng tin và hợp tác giữa các nước phát triển và đang phát triển.
Thứ hai, tiên phong trong thúc đẩy tự do hóa thương mại, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các quốc gia. Để nâng cao tự chủ chiến lược, BRICS và các nước phương Nam cần tăng cường mở cửa thị trường, đẩy mạnh liên kết chuỗi cung ứng, huy động và chia sẻ nguồn lực, hỗ trợ chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực cho các dự án y tế, giáo dục, hạ tầng số, chuyển đổi xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thứ ba là tiên phong phát huy sức mạnh của AI để phục vụ con người, chứ không thay thế con người. BRICS cần cùng với các cơ chế đa phương thúc đẩy xây dựng hệ thống quản trị AI toàn cầu công bằng, an ninh, an toàn, dễ tiếp cận. Xây dựng hệ sinh thái AI tuân thủ các giá trị đạo đức, cân bằng giữa đổi mới sáng tạo và lợi ích xã hội. Hợp tác xây dựng hạ tầng số, các trung tâm dữ liệu tiêu chuẩn xanh và hiệu năng cao; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, các chương trình AI vì cộng đồng, giúp mọi người dân tiếp cận và hưởng lợi từ AI.
Hoàn thành kiểm kê đất đai trước ngày 20/8
Kiểm kê đất đai 34 tỉnh, thành phố sau hợp nhất cần hoàn thành trước 20/8/2025. Đây là một trong những nội dung Công văn số 3974 của Bộ Nông nghiệp và Môi trường gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để tổng hợp số liệu kiểm kê đất đai 34 tỉnh, thành phố sau hợp nhất.

Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề nghị các địa phương khẩn trương hoàn thiện hồ sơ địa giới hành chính cấp tỉnh, cấp xã để phục vụ việc tổng hợp số liệu kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất của các cấp sau khi sắp xếp đơn vị hành chính. Kết quả xác định địa giới hành chính phải được gửi về Bộ trước ngày 10/7. Cùng với đó, các địa phương cần điều chỉnh dự án, phương án nhiệm vụ kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2024.
Các địa phương cần chỉ đạo quyết liệt công tác tổng hợp, hoàn thiện kết quả kiểm kê đất đai của cấp xã và cấp tỉnh theo đúng quy định của Luật Đất đai 2024 và Nghị định số 102 năm 2024 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai. Toàn bộ kết quả kiểm kê phải được hoàn thành và gửi về Bộ thông qua hệ thống trực tuyến trước ngày 20/8/2025.
Thay đổi thông tin thanh toán tiền điện và cảnh báo lừa đảo mạo danh
Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) vừa thông báo về việc tái cấu trúc và sắp xếp lại một số đơn vị thành viên, dẫn đến một số điều chỉnh quan trọng trong thông tin và phương thức thanh toán tiền điện. Đối với người dân tại khu vực TP.HCM (cũ), sau khi sắp xếp tinh gọn các công ty điện lực, người sử dụng điện ở các huyện Nhà Bè, Cần Giờ (cũ) sẽ thanh toán tiền điện qua số tài khoản của Công ty Điện lực Tân Thuận; người dân ở các quận 10, Phú Nhuận, Tân Bình (cũ) sẽ thanh toán tiền điện qua số tài khoản Công ty Điện lực Sài Gòn; người dân ở quận 11, Tân Phú (cũ) sẽ thanh toán tiền điện qua số tài khoản Công ty Điện lực Chợ Lớn và người dân ở quận Gò Vấp sẽ thanh toán tiền điện qua số tài khoản Công ty Điện lực Gia Định.

Để đảm bảo việc thanh toán không bị gián đoạn, người dân đang sử dụng hình thức trích nợ tự động hoặc ủy nhiệm chi cần chủ động liên hệ với ngân hàng để cập nhật lại thông tin đơn vị thụ hưởng là EVNHCMC hoặc các công ty điện lực khu vực mới tương ứng. Đối với các hình thức thanh toán trực tuyến qua ứng dụng ngân hàng hoặc ví điện tử như MoMo, ZaloPay… người dân chỉ cần lưu ý chọn đúng nhà cung cấp là EVNHCMC khi thực hiện giao dịch. Các trường hợp đã đăng ký trích nợ tự động qua ví điện tử sẽ được các đối tác tự động cập nhật mà không cần người dân can thiệp.
EVNHCMC cũng đưa ra cảnh báo nguy cơ lừa đảo gia tăng trong giai đoạn chuyển đổi này. Theo đó, đối tượng lừa đảo có thể mạo danh nhân viên ngành điện, thực hiện các cuộc gọi với danh xưng “điện lực” chung chung không rõ ràng, sau đó yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân, mật khẩu, mã OTP hoặc yêu cầu chuyển tiền gấp vào tài khoản lạ để xử lý sự cố.
6 tháng, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội tăng 9,8%
Theo báo cáo của Cục Thống kê, Bộ Tài chính vừa mới công bố, 6 tháng đầu năm 2025, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành ước đạt 1.591,9 nghìn tỷ đồng, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy tình hình sản xuất kinh doanh trong nửa đầu năm 2025 tiếp tục xu hướng tích cực ở nhiều ngành, lĩnh vực.

Trong số đó, vốn khu vực nhà nước đạt 445,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 28% tổng vốn và tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước; khu vực ngoài nhà nước đạt 858,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 54% và tăng 7,5%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 287,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 18% và tăng 10,6%. Riêng quý II/2025, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành ước đạt 921,5 nghìn tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước.
Mới đây, Bộ Tài chính cũng vừa báo cáo Thủ tướng tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước. Theo đó, ước tính đến hết tháng 6/2025, tổng vốn giải ngân đạt 268.133,9 tỷ đồng, tương đương 29,6% kế hoạch năm và 32,5% kế hoạch do Thủ tướng giao. So với tiến độ giải ngân của cùng kỳ năm 2024, tốc độ giải ngân chỉ đạt lần lượt 26,4% và 28,2%.
Cấp xã ở TP.HCM được quyết giao đất cho doanh nghiệp
Sở Nông nghiệp và Môi trường TP.HCM vừa có văn bản hướng dẫn gửi đến 168 xã, phường và đặc khu Côn Đảo về việc tiếp nhận hồ sơ của doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội.

Trước đó, căn cứ quy định tại điểm c khoản 3 Điều 127 Luật Đất đai năm 2024, việc doanh nghiệp nhận quyền sử dụng đất để thực hiện dự án trong trường hợp Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất thu tiền thuê đất hằng năm, phải có văn bản chấp thuận từ chủ tịch UBND cấp tỉnh, thành.
Tuy nhiên, thẩm quyền này đã được chuyển cho chủ tịch UBND cấp xã, theo Nghị định 151/2025 quy định phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực đất đai đối với chính quyền 2 cấp, có hiệu lực từ ngày 1/7 đến 1/3/2027. Như vậy, hiện, chủ tịch UBND cấp xã là người có thẩm quyền ra văn bản chấp thuận cho doanh nghiệp thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất ở địa phương để phục vụ các dự án phát triển kinh tế - xã hội.
Agribank là “Ngân hàng cung cấp dịch vụ ngoại tệ tốt nhất Việt Nam năm 2025
Agribank vừa được trao giải thưởng “Ngân hàng cung cấp dịch vụ ngoại tệ tốt nhất Việt Nam năm 2025” từ Tạp chí Asian Banking & Finance (ABF), một trong những tạp chí tài chính uy tín hàng đầu khu vực.

Giải thưởng này được trao trong khuôn khổ ABF Wholesale Banking Awards 2025, ghi nhận những ngân hàng và tổ chức tài chính có đóng góp nổi bật trong các lĩnh vực ngân hàng bán buôn.
Đây là sự khẳng định xứng đáng cho năng lực vượt trội của Agribank trong việc cung cấp các dịch vụ ngoại hối và tài trợ thương mại tại Việt Nam đồng thời phản ánh sự dẫn đầu của Agribank trong việc đáp ứng nhu cầu tài chính quốc tế của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
VN-Index vượt 1.400 điểm sau hơn 3 năm chờ đợi
Thị trường chứng khoán khởi sắc mạnh mẽ trong phiên đầu tuần khi VN-Index vượt mốc tâm lý 1.400 điểm, đóng cửa tại 1.402 điểm - mức cao nhất trong hơn 3 năm qua. Tâm lý hưng phấn lan rộng, đặc biệt ở nhóm ngân hàng và chứng khoán.

SHB là tâm điểm với thanh khoản kỷ lục gần 250 triệu cổ phiếu, đóng góp tới 12% tổng giá trị giao dịch toàn sàn. Ngoài ra, các mã ngân hàng lớn như CTG, BID, VPB... cùng VIC, VHM đều góp phần kéo chỉ số đi lên. Nhóm bất động sản, thép và chứng khoán cũng giao dịch tích cực.
Độ rộng thị trường hôm nay lệch hoàn toàn về bên mua khi có 224 mã đóng cửa trên tham chiếu, còn chiều ngược lại chỉ có 87 mã. Tổng thanh khoản sàn TP.HCM đạt gần 28.300 tỷ đồng, tăng vọt so với cuối tuần trước. Khối ngoại tiếp tục mua ròng mạnh hơn 1.200 tỷ đồng, tập trung vào SHB và các mã vốn hóa lớn. Theo Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, dù VN-Index có thể gặp áp lực điều chỉnh quanh mốc 1.400 điểm, nhưng rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức thấp và cơ hội đầu tư tiếp tục rộng mở.
Đề xuất bổ sung quy hoạch Măng Đen, Vân Phong vào hệ thống cảng hàng không
Bộ Xây dựng vừa trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đáng chú ý, quy hoạch lần này sẽ nghiên cứu bổ sung hai cảng hàng không mới tại Măng Đen (Kon Tum) và Vân Phong (Khánh Hòa).

Một trong những nội dung trọng tâm trong lần điều chỉnh quy hoạch này là việc nghiên cứu bổ sung cảng hàng không Măng Đen (Kon Tum) và Vân Phong (Khánh Hòa) vào hệ thống sân bay quốc gia. Đây là hai địa phương đang có tiềm năng phát triển kinh tế - du lịch lớn, song chưa được phục vụ đầy đủ bởi mạng lưới hàng không hiện tại.
Việc hình thành thêm hai sân bay mới không chỉ tạo động lực tăng trưởng cho khu vực Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ, mà còn góp phần giảm tải cho các sân bay hiện hữu như Pleiku, Cam Ranh, Đà Nẵng. Ngoài việc bổ sung sân bay mới, quy hoạch lần này cũng sẽ rà soát, cập nhật các nội dung liên quan trong bản quy hoạch hiện hành nếu cần thiết.
Bộ Xây dựng chấp thuận cho cảng Gemalink chính thức đón tàu container siêu trọng tải hơn 232.000DWT
Bộ Xây dựng vừa có văn bản chính thức chấp thuận cho Bến cảng Cái Mép Gemadept - Terminal Link (cảng Gemalink) tiếp nhận tàu container có trọng tải lên tới 232.494,5DWT (giảm tải), đánh dấu bước tiến mới trong việc khai thác các tàu mẹ cỡ lớn tại cụm cảng Cái Mép - Thị Vải.

Theo văn bản do Bộ Xây dựng ban hành, cảng Gemalink chỉ được tiếp nhận tàu có trọng tải trên 232.000DWT trong trường hợp bảo đảm đầy đủ các điều kiện về kết cấu hạ tầng, an toàn hàng hải, phòng chống cháy nổ, an ninh và bảo vệ môi trường. Bộ Xây dựng giao Cục Hàng hải và Đường thủy Việt Nam hướng dẫn, giám sát chủ đầu tư triển khai các bước tiếp theo đúng quy định tại Nghị định 58/2017/NĐ-CP và các quy định liên quan của Bộ luật Hàng hải Việt Nam. Đồng thời, Cục này có trách nhiệm phê duyệt phương án đảm bảo an toàn hàng hải cụ thể đối với từng chuyến tàu trọng tải lớn, phối hợp với Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu kiểm soát chặt chẽ việc cấp phép tàu ra vào cảng.
Bộ cũng nhấn mạnh, việc cho phép đón tàu siêu trọng tải chỉ được thực hiện khi đảm bảo đầy đủ điều kiện về luồng tàu, độ sâu, các yếu tố tự nhiên và hạ tầng kỹ thuật, nhằm tránh rủi ro đối với kết cấu bến cảng cũng như các hệ thống khai thác liên quan.