Bản tin tổng hợp

Báo chí đồng hành cùng doanh nghiệp thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân bền vững

TH 05/07/2025 - 09:00

Báo chí không chỉ là cầu nối thông tin mà còn là đối tác chiến lược trong hành trình xây dựng một khu vực kinh tế tư nhân năng động, hiệu quả và bền vững, đúng với tinh thần Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Tại Tọa đàm “Báo chí và Doanh nghiệp: Đồng hành thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức sáng 4/7 tại TP.HCM, nhiều chuyên gia, nhà báo, lãnh đạo cơ quan quản lý và doanh nghiệp đã thống nhất khẳng định: kinh tế tư nhân đang giữ vai trò then chốt trong nền kinh tế quốc gia.

Ông Võ Tân Thành - Phó Chủ tịch VCCI cho biết, Nghị quyết 68-NQ/TW được Bộ Chính trị ban hành ngày 4/5/2025 lần đầu tiên xác định rõ kinh tế tư nhân là “động lực quan trọng nhất” trong phát triển kinh tế. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030 là hình thành 2 triệu doanh nghiệp phát triển hiệu quả, bền vững, đủ năng lực cạnh tranh ở cả khu vực và quốc tế.

Sau gần 40 năm đổi mới, khu vực tư nhân đóng góp khoảng 50% GDP, tạo ra phần lớn việc làm xã hội, tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, các doanh nghiệp tư nhân vẫn còn đối mặt với những thách thức như quy mô nhỏ, hạn chế về công nghệ, năng lực quản trị và nguồn nhân lực.

1.-ong-vo-tan-thanh-pho-chu-tich-lien-doan-thuong-mai-va-cong-nghiep-viet-nam-vcci-.jpg
Ông Võ Tân Thành - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Trong tiến trình thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân, báo chí được xác định là lực lượng quan trọng để truyền tải chủ trương, chính sách đến cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội. Báo chí góp phần lan tỏa tinh thần khởi nghiệp, lan truyền những mô hình hay, cách làm sáng tạo, thúc đẩy tính minh bạch trong môi trường kinh doanh và khơi dậy khát vọng phát triển đất nước.

Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM nhận định: “Chính sự định hướng kịp thời của báo chí đã giúp hệ thống ngân hàng thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh triển khai Nghị quyết 68”.

Ông cũng nhấn mạnh vai trò truyền thông chính sách không chỉ đơn thuần là cung cấp thông tin, mà còn là động lực thúc đẩy thực thi chính sách vào cuộc sống một cách thiết thực.

2.-ong-nguyen-duc-lenh-pho-giam-doc-ngan-hang-nha-nuoc-chi-nhanh-khu-vuc-ii.jpg
Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khu vực II

Theo nhà báo Nguyễn Tấn Phong - Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM báo chí hôm nay không chỉ đơn thuần là người đưa tin, mà đã và đang trở thành người kiến tạo, người dẫn dắt nhận thức, góp phần xây dựng hệ sinh thái kinh doanh văn minh, nhân văn, liêm chính và đổi mới sáng tạo.

Ông Phong nhấn mạnh: “Năm 2025 là cột mốc chuyển mình mạnh mẽ, đặt nền móng cho mục tiêu trở thành quốc gia hùng cường vào giữa thế kỷ XXI. Trong tiến trình đó, báo chí cần tiếp tục đồng hành, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tăng cường sức cạnh tranh, phát triển thương hiệu và văn hóa doanh nghiệp”.

TP.HCM với vai trò trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước đang từng bước tái cấu trúc địa giới hành chính, mở rộng không gian kinh tế. Do đó, theo ông Nguyễn Ngọc Hồi - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM, Thành phố đang triển khai các kế hoạch truyền thông quy mô lớn gắn với thực thi Nghị quyết 68, trong đó có việc đặt hàng báo chí thực hiện nhiệm vụ truyền thông chuyên biệt cho doanh nghiệp.

Ông Hồi cũng kêu gọi thay đổi nhận thức từ cả hai phía: cơ quan báo chí cần tiếp cận doanh nghiệp như một đối tác thông tin chiến lược, còn doanh nghiệp cần chủ động chia sẻ dữ liệu như một phần thiết yếu của phát triển bền vững, chứ không đơn thuần là quảng cáo.

Dưới góc độ doanh nghiệp, bà Phạm Thị Nhật - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Đô thị Phúc Thành đánh giá cao vai trò của báo chí như một kênh thông tin đáng tin cậy và là người bạn đồng hành thiết thực. Báo chí đã góp phần truyền tải tiếng nói, kiến nghị và mong muốn của doanh nghiệp đến các cơ quan quản lý, đồng thời tham mưu, phản biện để tháo gỡ các rào cản thể chế.

Tuy nhiên, bà Nhật cũng lưu ý: sự đồng hành đó cần tiếp tục được nâng cao về chất lượng và tính kết nối thực tiễn, nhất là trong giai đoạn chuyển đổi số và hội nhập kinh tế sâu rộng.

Nhà báo Trần Hoàng - Tổng Biên tập Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn cho rằng trong quá trình đồng hành cùng doanh nghiệp, báo chí cần thận trọng và trách nhiệm hơn, đặc biệt khi đưa tin về các vấn đề nhạy cảm như hàng giả, hàng nhái. “Đưa không đúng thì không ổn, nhưng nếu không đưa lại là thiếu trách nhiệm với xã hội. Cần tổ chức những diễn đàn, tọa đàm báo chí - doanh nghiệp để cùng tháo gỡ vấn đề này”, ông Hoàng đề xuất.

ong-tran-trong-dung-pho-chu-tich-hoi-nha-bao-viet-nam.jpg
Ông Trần Trọng Dũng - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam

Ông Trần Trọng Dũng - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh rằng, mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp cần được nâng lên một tầm cao mới. Các cơ quan báo chí, đặc biệt là các tạp chí kinh tế, cần phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội, VCCI và doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả thông tin, bảo đảm khách quan, trung thực, từ đó lan tỏa mô hình hay, cách làm tốt, tiếp sức cho tinh thần doanh nhân Việt Nam.

Ông cũng lưu ý: cần nghiêm cấm các hành vi tiêu cực trong hoạt động báo chí, không để tin sai lệch ảnh hưởng đến uy tín doanh nghiệp và môi trường đầu tư.

Tọa đàm “Báo chí và Doanh nghiệp” đã khép lại nhưng để lại nhiều kiến nghị thiết thực. Ban tổ chức cho biết sẽ tổng hợp các ý kiến để báo cáo VCCI, làm cơ sở xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tư nhân.

Thông điệp được thống nhất tại tọa đàm là: báo chí và doanh nghiệp cần tiếp tục đồng hành như những đối tác chiến lược, vì một nền kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ, bền vững và đầy khát vọng, đóng góp vào hành trình vươn mình của đất nước trong kỷ nguyên mới.

TH