Nhóm Bộ tứ tăng cường hợp tác chuỗi cung ứng khoáng sản chiến lược
Tại cuộc họp Ngoại trưởng nhóm Bộ tứ (QUAD) vừa diễn ra tại Washington, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio nhấn mạnh bốn quốc gia thành viên Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia là những đối tác chiến lược then chốt. Ông kêu gọi nhóm “biến lời nói thành hành động”, tập trung vào các lĩnh vực hợp tác cụ thể, đặc biệt là đa dạng hóa chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng, nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc.
Phiên thảo luận bên lề cuộc họp tại Bộ Ngoại giao Mỹ thu hút sự tham gia của khoảng 30 - 40 doanh nghiệp đến từ các nước thành viên, cùng tìm kiếm giải pháp thúc đẩy hợp tác trong ngành công nghiệp khoáng sản chiến lược, lĩnh vực ngày càng có vai trò thiết yếu đối với sản xuất công nghệ cao và chuyển đổi năng lượng.

Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar đăng trên mạng xã hội X rằng cuộc họp đã đạt hiệu quả tích cực, đồng thời khẳng định Bộ tứ sẽ tiếp tục đóng góp vào ổn định chiến lược tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, bảo đảm môi trường tự do và rộng mở. Ông nhấn mạnh quyền tự quyết của các quốc gia trong khu vực là yếu tố then chốt cho phát triển và an ninh.
Từ Australia, Ngoại trưởng Penny Wong chia sẻ thông điệp về sự đoàn kết của Bộ tứ trước các thách thức khu vực, đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của hành động cụ thể để duy trì hòa bình và thịnh vượng khu vực.
Theo hãng tin Kyodo, Ngoại trưởng Nhật Bản Takeshi Iwaya cho rằng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là khu vực đóng vai trò động lực tăng trưởng kinh tế toàn cầu, với hơn một nửa dân số thế giới sinh sống.
Do đó, ông nhấn mạnh, việc bảo đảm hòa bình và ổn định khu vực là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển bền vững của cộng đồng quốc tế.
Ngoài nội dung hợp tác kinh tế, các Ngoại trưởng Bộ tứ cũng đồng loạt lên án vụ tấn công khủng bố hôm 22/4 tại khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát, khiến ít nhất 26 người thiệt mạng. Nhóm kêu gọi đưa các thủ phạm ra xét xử.
Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh tồn tại một số căng thẳng thương mại và vấn đề song phương giữa Mỹ và các đồng minh.
Tuy nhiên, sự kiện vẫn cho thấy quyết tâm chiến lược của Washington trong việc tái cân bằng trọng tâm sang khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, sau thời gian bị phân tán bởi các khủng hoảng ở Trung Đông, đặc biệt là xung đột Israel - Iran gần đây.
Từ đầu năm đến nay, phạm vi hợp tác của Bộ tứ không ngừng mở rộng, bao gồm an ninh hàng hải, y tế, cơ sở hạ tầng và công nghệ mới nổi. Các Ngoại trưởng thống nhất sẽ tổ chức họp định kỳ để chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh lãnh đạo Bộ tứ dự kiến diễn ra tại Ấn Độ vào cuối năm 2025.
Bên lề cuộc họp, Ngoại trưởng Rubio cũng có các cuộc gặp song phương với những người đồng cấp từ Nhật Bản, Ấn Độ và Australia nhằm trao đổi về quan hệ hợp tác song phương và các vấn đề khu vực.