Doanh nhân

KTS. Nguyễn Thu Phong - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Nhà Vui: Kiến trúc là một nghề, nhưng cũng là sứ mệnh xã hội

Lữ Ý Nhi 01/07/2025 9:40

Sáng 1/6, người dân thành phố Nha Trang, đặc biệt là các em thiếu nhi háo hức chào đón Cung văn hóa thiếu nhi khánh thành giữa trung tâm thành phố. Không chỉ công trình có tổng mức đầu tư khá lơn (hơn 544 tỷ đồng), mang ý nghĩa chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa nhiệm kỳ 2025-2030 mà còn mang lại giá trị tinh thần cho người dân, trẻ em và diện mạo mới cho thành phố biển với trái tim của một kiến trúc sư đã có tuổi nghề hơn 25 năm, đến từ thành phố mang tên Bác - KTS. Nguyễn Thu Phong.

5j0a1427.jpg

Nhiều lần hẹn nhưng vẫn khó để có có cuộc hẹn. Điện thoại reo liên hồi, Phong nhắn tin vội: “Xin lỗi, mình đang họp, bận quá. Cho mình buổi trò chuyện qua online nhé”. Cứ nghĩ buổi trò chuyện online sẽ qua loa và ngắn gọn nhưng khi chạm vào đúng “lửa nghề”, Thu Phong nói như “dứt ruột”, ông chia sẻ về 25 năm gắn bó với nghề.

Hai mươi lăm năm là một hành trình dài, nó đi qua quãng thời tuổi trẻ và đến tuổi trung niên của tôi. Tôi vẫn luôn cảm giác rất sống động và nguyên vẹn các hình ảnh của mình từ khi là một chàng trai bắt đầu khởi nghiệp.

Quãng đường ấy với tôi có rất nhiều cái cảm xúc, sự bồi hồi, vui buồn lẫn lộn nhưng tôi vô cùng trân trọng. Trân trọng chính bản thân mình đã nỗ lực, đam mê với nghề, trân trọng các cộng sự, những người sáng lập Nhà Vui trong thời kỳ gian khó và ban giám đốc, ban lãnh đạo và tập thể đã cùng gánh nhau gánh vác.

Và dĩ nhiên là có rất nhiều đối tác khách hàng, những nhân viên tập thể đã đi cùng đi trên đường ấy. Hành trình 25 năm của Nhà Vui là những công trình tác phẩm được thiết kế xây dựng, những thành công và cả những nỗi buồn. Sẽ không có chuyện trên hành trình dài của đời người, của doanh nghiệp hay mỗi cuộc đời của doanh nhân là bằng phẳng. Tuy nhiên nếu mình không thực sự xây dựng niềm tin vững chắc trên con đường mình đi, tôi sẽ không dễ dàng để có thể trụ vững được đến ngày hôm nay.

* Có vài năm, hình như ông đã… rời vị trí lãnh đạo. Vì thị trường bão hòa hay vì áp lực khác hoặc không muốn tiếp tục nghề?

- Sau 20 năm hoạt động, cảm thấy thị trường bắt đầu bão hòa nhưng lại có nhiều đối thủ cạnh tranh cùng tham gia, có cả cạnh tranh tiêu cực và tích cực. Nên chúng tôi “đi chậm lại” để tìm hướng đi mới. Bản thân tôi cũng có thời gian tạm “dừng” để lắng nghe bản thân và chính mình. Khi thấy thị trường ngày càng là đại dương đỏ, Nhà Vui muốn làm mới mình và muốn thử nghiệm ở những sân chơi mạnh mẽ hơn, đột phá hơn, đòi hỏi thay đổi cả tư duy khả năng lẫn thiết kế.

Vì thế, năm 2020 tôi đã quay trở về với nghề, trực tiếp làm một kỹ sư trưởng, tham gia sáng tác, đào tạo, huấn luyện, thử sức cùng các team thiết kế tham gia các dự án công trình quy hoạch công cộng và dự án lớn ngoài phạm vi nhà ở. Bước đi này phải nói là hết sức là dũng cảm và một bước chuyển mạnh mẽ.

2.jpg

* Công trình Cung Thiếu nhi Khánh Hòa là thành quả đánh dấu sự trở lại của ông?

- Cung Thiếu nhi Khánh Hòa là một dự án lớn của team Nhà Vui XS Studio hoàn thành đúng dịp Nhà Vui tròn 25 năm. Công trình này đã được thực hiện rất công phu và chuẩn bị trong 3 năm rưỡi từ khi chúng tôi thắng giải Nhất cuộc thi tuyển ý tưởng kiến trúc của Cung Thiếu nhi năm 2021.

Chặng đường 3 năm rưỡi là một quá trình đầy nỗ lực, rất chăm chút, rất tập trung và đầy kỳ vọng của tập thể team thiết kế. Sự đón nhận tác phẩm được thành hình và đưa vào sử dụng với sự yêu mến của người dân thành phố Nhà Trang Khánh Hòa thật sự là một món quà vô giá đối với chúng tôi vào thời điểm năm nay. Đã có những giọt nước mắt được rơi của những team thiết kế, giám sát, kể cả những đơn vị nhà thầu, ban quản lý dự án trong một công trình đầy sự kỳ vọng của nhân dân, người dân, lãnh đạo thành phố. Nó cũng là một bước tiến và dấu ấn thật sự quan trọng về chuyên môn, thiết kế độc đáo, về độ khó và được yêu mến và cũng như được chăm chút bởi tất cả những đơn vị tham gia.

* Điều gì ông hài lòng nhất về dự án này?

- Kiến trúc là một tác phẩm phải đi vào lòng người, không chỉ mang lại công năng, cảm xúc cho người sử dụng mà phải được thừa nhận, yêu thích trong không gian cuộc sống, được ghi nhận trong ký ức của một con người đối với đô thị, nơi họ đến và vui chơi, làm việc hoặc sinh sống.

Khi thực hiện dự án, tôi muốn công trình xóa nhòa đi sự khô cứng của một công trình công cộng với tâm niệm, các em đến Cung thiếu nhi học tập, vui chơi sinh hoạt sẽ phải coi nơi đây là ngôi nhà của mình ngoài trường học hay gia đình. Vì vậy, tôi muốn đem đến nét vẽ cho công trình thật sự đáng yêu, thật cởi mở, đem đến những không gian mà các em cảm thấy được làm chủ không gian đó. Được đi từ khối nhà này qua nhà khác, được ngồi trong sân chơi nhỏ, sân chơi lớn, ngồi dưới bóng cây, cùng đi dạo xung quanh công trình… tất cả đều mang lại cảm xúc và sự tương tác, hấp dẫn.

* Chắc hẳn dự án cũng áp lực không ít với ông trong lần “trở lại” với nghề?

- Đúng. Hiện nay tôi đang có rất nhiều dự án tương tự hoặc là lớn hơn và đa dạng hơn ở các tỉnh thành khác. Nhưng với Cung thiếu nhi, một đồ án lớn theo đuổi trong vòng 3 năm rưỡi là một quãng hành trình rất đáng nhớ và đầy áp lực, trăn trở. Tôi phải làm việc với tất cả các team thiết kế và các nhóm chuyên môn một cách kỹ lưỡng và đôi lúc phải nói là thường trực sự lo lắng. Rất lo lắng về mình có thể bỏ sót điều gì, có thể thực sự mình đã có những quyết định không đúng đắn hay không hoặc thiết kế này có được đón nhận hay không và làm sao để duy trì vẻ đẹp của công trình nhưng vẫn cân bằng được suất đầu tư, đảm bảo các giải pháp kỹ thuật mới.

* Ông nhìn nhận thế nào về sự chuyển mình của nghề kiến trúc sư, thiết kế nội thất trong 5 năm gần đây?

- Nghề kiến trúc và thiết kế nội thất trong 5 năm vừa qua đang trải qua một sự chuyển biến mạnh mẽ, đồng thời đối mặt với không ít thách thức trong bối cảnh xã hội, cả ở tầm quốc tế lẫn tại Việt Nam đang thay đổi rất nhanh. Người tiêu dùng ngày càng có gu thẩm mỹ cao hơn, đồng thời thị trường cũng đặt ra yêu cầu khắt khe hơn về chất lượng, đặc biệt là ở các lĩnh vực như nhà ở cao cấp, nghỉ dưỡng, dịch vụ giải trí hay văn phòng.

Việt Nam đang tiếp cận với xu hướng toàn cầu, điều này buộc các sản phẩm kiến trúc, nội thất phải đạt được chuẩn mực ngày càng cao. Những năm gần đây, nhiều đồng nghiệp trẻ của tôi đang thử nghiệm các sáng tạo mới, cả về vật liệu, phong cách, lẫn việc tìm lại những cảm hứng mang bản sắc văn hoá địa phương. Tại các diễn đàn quốc tế trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thế hệ kiến trúc sư trẻ Việt Nam được đánh giá rất cao. Họ đang từng bước khẳng định mình, định hình phong cách riêng và được bạn bè quốc tế ghi nhận. Với vai trò Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, tôi cảm thấy rất phấn khởi trước những tín hiệu tích cực này.

Chúng tôi cũng luôn nhắc nhở nhau: Để vươn ra thế giới, người làm nghề cần phải nâng cao tính chuyên nghiệp, kiên định với các nguyên tắc quốc tế về bền vững, ổn định và chuẩn mực trong thiết kế. Điều đó không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà còn mở ra khả năng “xuất khẩu” tri thức, chất xám của kiến trúc sư Việt Nam ra thế giới.

* Khách hàng hiện nay đòi hỏi những không gian sống có tính thẩm mỹ hiện đại, tiệm cận với các xu hướng kiến trúc trên thế giới. Đặc biệt, yếu tố công nghệ, như nhà thông minh, thiết bị tự động hoá, AI tích hợp…, có tạo ra sức ép hay đột phá gì cho chính người làm nghề không, thưa ông?

- Rất nhiều. Sự thay đổi của vật liệu, thiết bị, công nghệ xây dựng diễn ra theo chu kỳ 5-10 năm, thậm chí nhanh hơn. Điều này buộc giới kiến trúc sư và thiết kế nội thất phải học tập không ngừng, cập nhật xu hướng, và tích hợp những tiến bộ đó vào hành trang chuyên môn của mình.

Nói cách khác, đây là mối quan hệ tương tác hai chiều giữa nhà thiết kế và khách hàng-một dạng “quả lắc” phản hồi liên tục. Công nghệ thay đổi  thị trường đòi hỏi khác  người thiết kế phải thích nghi và sáng tạo  lại tạo ra nhu cầu mới từ người tiêu dùng. Chu kỳ này ngày càng rút ngắn, khiến áp lực đổi mới trong nghề cũng ngày một lớn hơn.

Một điểm nóng hiện nay là việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào thiết kế. Đây không chỉ là trào lưu mà đang trở thành xu hướng tất yếu. AI mở ra nhiều hướng tiếp cận rất thú vị, từ việc hỗ trợ phát thảo ý tưởng cho đến tối ưu không gian hay cá nhân hoá trải nghiệm người dùng. Giới kiến trúc sư chúng tôi đang bàn luận rất sôi nổi và đã bắt đầu thử nghiệm áp dụng AI trong quy trình làm việc. Có thể nói, chúng ta đang đứng trước một bước ngoặt quan trọng trong hành trình phát triển nghề kiến trúc, thiết kế nội thất của Việt Nam.

3.jpg

* Làm sao để một kiến trúc sư hay một công ty thiết kế nội thất giữ được “chất riêng” trong thị trường bùng nổ của AI?

- Tôi cho rằng, vẫn có nhiều đơn vị, nhiều cá nhân đã làm được điều này và đang dần khẳng định tên tuổi của mình qua các tác phẩm có tính nhận diện rất rõ nét. Dĩ nhiên, việc đó không chỉ đòi hỏi năng lực chuyên môn, mà còn là sự nhất quán, sự am hiểu về thị trường, và cả cái duyên trong nghề. Có những công trình mang dấu ấn cá tính rất mạnh, rất riêng biệt nhưng đôi khi lại chỉ được đón nhận trong một nhóm khách hàng nhỏ. Ngược lại, có những phong cách mang tính đại chúng hơn lại dễ bị sao chép, bị “nhòa màu”, khiến chất riêng không còn đậm nét.

Vì vậy, bài toán đặt ra là: Làm sao để vừa giữ được phong cách thiết kế độc đáo, vừa tạo ra được thị trường ứng dụng rộng rãi cho sản phẩm đó? Đây chính là bản lĩnh của người làm nghề, phải biết tìm ra một “ngách” đủ riêng biệt nhưng vẫn có khả năng phát triển.

Với tôi, “chất riêng” không chỉ nằm ở hình thức thiết kế, mà còn ở cách tiếp cận dự án, tư duy thẩm mỹ, khả năng kết nối cảm xúc với người sử dụng không gian. Khi những yếu tố đó đồng điệu và nhất quán, nó sẽ tự nhiên hình thành một bản sắc mà thị trường có thể ghi nhớ, yêu thích và trân trọng. Và nếu làm tốt, “chất riêng” ấy chính là bí quyết thành công lâu dài, cả về mặt sáng tạo lẫn phát triển kinh doanh.

* Gần đây, các nghị quyết như Nghị quyết 57-NQ/TW, NQ 66 và NQ 68 đều nhấn mạnh vai trò đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế tư nhân. Ông nhìn nhận vai trò của giới doanh nhân, đặc biệt là các doanh nhân trong ngành sáng tạo như kiến trúc sư trong bối cảnh đó như thế nào?

- Tôi cho rằng, các Nghị quyết 58, 66 và 68 là những định hướng chiến lược rất đúng đắn, cho thấy tư duy phát triển mới của Đảng và Nhà nước: coi đổi mới sáng tạo là động lực then chốt và thúc đẩy kinh tế tư nhân trở thành một trong những trụ cột quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Đây là một tín hiệu tích cực, phản ánh tầm nhìn dài hạn và sự khuyến khích mạnh mẽ đối với lực lượng doanh nhân, đặc biệt là trong các lĩnh vực có hàm lượng chất xám cao như sáng tạo, thiết kế, kiến trúc, công nghệ.

Tôi từng tham gia hoạt động trong giới doanh nhân, đặc biệt trong vai trò Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM giai đoạn 2014-2017, nên tôi hiểu rất rõ tâm tư và khát vọng phát triển của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ở các quốc gia phát triển, lực lượng doanh nhân trong lĩnh vực sáng tạo, từ công nghệ, nghệ thuật cho đến kiến trúc luôn được quan tâm và tạo điều kiện. Bởi họ chính là những người tiên phong mở đường, dám thử nghiệm, dám tạo ra những sản phẩm mới, khác biệt và có giá trị cao về mặt trí tuệ.

Trong ngành kiến trúc và thiết kế, nơi giao thoa giữa nghệ thuật, thẩm mỹ và kỹ thuật, chúng ta đang chứng kiến một làn sóng sáng tạo mới từ các doanh nghiệp trẻ, các kiến trúc sư thế hệ mới, những người không chỉ làm nghề mà còn vận hành như những doanh nhân khởi nghiệp trong lĩnh vực sáng tạo. Họ không ngại đổi mới, không ngại sai, sẵn sàng thử nghiệm những cách làm mới, chất liệu mới, hình thái mới… và tạo ra giá trị thật cho cộng đồng thông qua không gian sống, làm việc và hưởng thụ.

Việt Nam tuy chưa thực sự mạnh về nền tảng khoa học - công nghệ so với các nước phát triển lâu đời, nhưng chúng ta có một nền văn hóa đậm đà bản sắc, có chiều sâu lịch sử và tinh thần dân tộc. Chính điều này là nguồn “nhiên liệu” quý giá cho các ngành sáng tạo. Tôi cho rằng, trong kiến trúc - nghệ thuật - thiết kế, cái gốc văn hóa chính là lợi thế lớn nhất để các kiến trúc sư Việt Nam tìm được tiếng nói riêng của mình trên bản đồ kiến trúc khu vực và thế giới.

* Ông đánh giá thế nào về môi trường chính sách hiện nay đối với doanh nghiệp sáng tạo - thiết kế?

- Tôi cho rằng Chính phủ và Nhà nước thời gian qua đã có những chính sách rất đáng ghi nhận nhằm thúc đẩy sự phát triển toàn diện của các lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là trong bối cảnh chuyển đổi số, công nghệ thông tin, tự động hoá, năng lượng xanh - sạch và cả các ngành công nghiệp sáng tạo. Tuy nhiên, với riêng ngành thiết kế, kiến trúc, văn hoá nghệ thuật, tôi nghĩ rằng môi trường chính sách hiện nay vẫn còn một số khoảng trống cần được lấp đầy.

Khác với các ngành sản xuất lớn đòi hỏi hạ tầng, nhà xưởng, ưu đãi thuế hay đầu tư quy mô, lĩnh vực sáng tạo - thiết kế lại có những đặc thù riêng. Những gì mà doanh nghiệp sáng tạo cần không hẳn là vốn hay đất đai, mà là một “hệ sinh thái mềm” hỗ trợ cho sáng tạo phát triển, đó là môi trường giao lưu văn hoá, các cơ hội trưng bày - trình diễn - kết nối thị trường, những sân chơi, diễn đàn nghệ thuật và các hoạt động tôn vinh giá trị sản phẩm văn hoá - thẩm mỹ.

Vì vậy, nếu hỏi doanh nghiệp sáng tạo, thiết kế cần gì, tôi xin khẳng định: Họ cần một “môi trường giàu dưỡng chất”, nơi họ được giao lưu, được công nhận, được lan toả giá trị chứ không đơn thuần chỉ là những chính sách ưu đãi thuế hay vốn. Chúng ta cần tạo ra những không gian văn hoá mở, các chương trình kết nối, lễ hội sáng tạo, sàn trưng bày để các tài năng thiết kế được “tỏa sáng” và góp phần hình thành bản sắc sáng tạo của quốc gia.

360e50d91ea3a9fdf0b23.jpg

* Ông từng nói “kiến trúc không chỉ là nghề, mà là sứ mệnh xã hội”. Trong giai đoạn đất nước chuyển mình mạnh mẽ như hiện nay, điều đó có lẽ càng đúng hơn?

- Tôi vẫn giữ nguyên quan điểm: Kiến trúc là một nghề nhưng đồng thời là một sứ mệnh xã hội rất đặc biệt. Bởi lẽ, sản phẩm của người kiến trúc sư không chỉ là một công trình để ngắm nhìn, mà là một phần không thể tách rời của đời sống cộng đồng. Nó tác động trực tiếp đến con người, không gian và cả cách mà xã hội vận hành.

Hãy thử hình dung một công trình công cộng được xây dựng lên, đó không chỉ là nơi để sử dụng, mà là môi trường sống, làm việc, học tập và tương tác của hàng nghìn, hàng vạn con người. Một trường học nơi có thầy cô, học sinh và phụ huynh ra vào mỗi ngày. Một công sở nơi diễn ra các hoạt động phục vụ dân sinh, điều hành xã hội. Một quảng trường - trái tim đô thị, nơi người dân hội tụ, nơi diễn ra các sự kiện mang tính biểu tượng. Tất cả đều cần sự hiện diện của kiến trúc - không chỉ đúng chức năng, mà còn phải có tâm, có tầm.

Để làm được điều đó, người kiến trúc sư không thể chỉ thiết kế bằng kỹ năng chuyên môn, mà phải thực sự mẫn cảm với xã hội. Phải lắng nghe, phải thấu hiểu, phải đặt mình vào vị trí của người sử dụng để kiến tạo không gian một cách chân thành và có trách nhiệm.

Tôi vẫn hay nói với thế hệ trẻ trong nghề rằng: kiến trúc sư cũng cần một “lời thề nghề nghiệp” như ngành y. Chúng ta không có một lời thề chính thức, nhưng chúng ta có trách nhiệm xã hội rất rõ ràng. Một công trình kiến trúc không thể được tạo ra một cách cẩu thả hay hời hợt, bởi mỗi chi tiết trong đó đều có thể ảnh hưởng đến đời sống con người trong nhiều năm, thậm chí hàng thế hệ.

Trong bối cảnh đất nước đang chuyển mình mạnh mẽ, đô thị hóa diễn ra nhanh, nhu cầu thẩm mỹ và chất lượng sống ngày càng tăng, xã hội trở nên đa chiều và phức tạp hơn, vai trò của kiến trúc càng trở nên rõ nét. Mỗi công trình ra đời hôm nay không chỉ chịu sự giám sát của kỹ thuật và chủ đầu tư, mà còn nằm trong tầm nhìn và đánh giá của cả cộng đồng, truyền thông và công luận. Người dân có thể đặt câu hỏi: công trình này có đẹp không? Có lãng phí không? Có thực sự cần thiết và phục vụ cộng đồng không?

Tất cả những phản biện ấy, dù trực tiếp hay gián tiếp, đều là áp lực cho người làm nghề. Nhưng đó cũng chính là sự cao quý mà nghề kiến trúc mang lại vì chúng ta tạo ra không gian cho xã hội, chứ không chỉ là những bức tường và mái nhà. Tôi tin rằng, nếu mỗi kiến trúc sư đều ý thức được điều này, thì chúng ta sẽ không ngừng nâng tầm nghề nghiệp, và kiến trúc Việt Nam sẽ có chỗ đứng xứng đáng trong thời kỳ phát triển mới.

* Các chủ trương khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực đô thị và kiến trúc đang mở ra cơ hội mới. Theo ông, các doanh nghiệp có thể tận dụng điều đó như thế nào để từng bước vươn ra quốc tế?

- Tôi cho rằng các chủ trương, chính sách gần đây của Nhà nước trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đặc biệt là trong lĩnh vực đô thị và kiến trúc, là rất kịp thời và cần thiết. Một trong những điểm đáng ghi nhận là việc khuyến khích thi tuyển thiết kế kiến trúc công khai cho các công trình quan trọng cấp quốc gia hoặc địa phương. Đây là một hình thức rất văn minh, tạo ra sân chơi minh bạch, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh và khuyến khích các đơn vị kiến trúc, đặc biệt là các doanh nghiệp sáng tạo nội địa đầu tư nghiêm túc, bài bản cho từng đồ án. Đồng thời, nó cũng giúp chủ đầu tư và cơ quan quản lý lựa chọn được phương án chất lượng cao để triển khai.

Tuy nhiên, nếu nói đến việc vươn ra quốc tế, tức là đưa trí tuệ, bản sắc và năng lực thiết kế Việt Nam ra khỏi phạm vi quốc gia thì đó là một hành trình dài, cần sự chuẩn bị kỹ lưỡng và nghiêm túc.

Kiến trúc, suy cho cùng, là một ngành dựa trên chất xám và trí tuệ con người. Chìa khóa thành công nằm ở đội ngũ từ những cá nhân tài năng cho đến các tập thể có tổ chức chuyên nghiệp, có khả năng làm việc quốc tế, sử dụng ngôn ngữ thiết kế toàn cầu nhưng vẫn giữ được bản sắc riêng.

Hiện nay, các doanh nghiệp kiến trúc Việt Nam đã có những bước đi đáng khích lệ. Chúng ta từng bước rút ngắn khoảng cách về trình độ thiết kế so với khu vực và thế giới. Tuy chưa thể so sánh ngay với các quốc gia có nền kiến trúc phát triển sớm như Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu… nhưng nếu có định hướng bài bản và đầu tư chiến lược, tôi tin rằng trong một hoặc hai thập kỷ tới, Việt Nam hoàn toàn có thể có những thương hiệu kiến trúc đủ sức cạnh tranh quốc tế.

4.jpg

* Việt Nam đang hướng đến mô hình đô thị thông minh. Theo ông, kiến trúc sư có thể đóng vai trò gì trong quá trình xây dựng những thành phố hiện đại, đáng sống?

- Hiện nay, quá trình phát triển đô thị ở Việt Nam đang diễn ra rất mạnh mẽ, mang tính hệ thống và quy mô rộng lớn. Hàng loạt quy hoạch từ cấp tỉnh, vùng kinh tế - xã hội tổng thể đến quy hoạch đô thị, quy hoạch phân khu và chi tiết các khu dân cư đều đã được Chính phủ phê duyệt và triển khai. Trong đó, mô hình đô thị thông minh đang được nhiều địa phương định hướng phát triển như một giải pháp tất yếu nhằm nâng cao chất lượng sống và hiệu quả quản lý đô thị.

Chất lượng đô thị không chỉ là hạ tầng giao thông hay kiến trúc cảnh quan, mà còn bao gồm các yếu tố như môi trường, thẩm mỹ, không gian công cộng, khả năng tương tác số, và các chỉ số sống bền vững. Khi đô thị chuyển mình theo hướng thông minh, điều này đồng nghĩa với việc phải tích hợp rất nhiều hệ thống dữ liệu, công nghệ quản lý, điều hành vận hành đô thị trên nền tảng chuyển đổi số, từ giao thông, cấp thoát nước, an ninh, y tế, giáo dục đến cả quản lý cộng đồng.

Ở đây, kiến trúc sư chính là người giữ vai trò “nhạc trưởng kịch bản”, phối hợp cùng chính quyền để đưa ra các giải pháp không gian, quy hoạch và thiết kế phù hợp, đồng thời đảm bảo tính kết nối, hài hoà và khả năng vận hành hiệu quả trong thực tế.

Trong lĩnh vực hành nghề kiến trúc, có hai vai trò chính: quy hoạch đô thị và thiết kế công trình. Và ở cả hai khâu này, kiến trúc sư đều có thể tham gia sâu vào việc định hình các đô thị thông minh. Chúng tôi tham gia từ khâu hoạch định chiến lược không gian đô thị, phân tích dòng chảy đô thị, tổ chức hệ thống hạ tầng mềm, cho đến thiết kế các khu chức năng, nơi dữ liệu đô thị sẽ được ghi nhận, xử lý và phản hồi thông minh. Điều này không chỉ tạo ra các khu đô thị hiện đại, mà còn giúp thành phố vận hành linh hoạt và có khả năng tự thích ứng với biến đổi xã hội, môi trường kinh tế.

Một thành phố thông minh đòi hỏi nền tảng dữ liệu đô thị đồng bộ và hiệu quả. Điều này có nghĩa là mỗi tòa nhà, mỗi khu dân cư, mỗi phân khu đô thị… cần được gắn với hệ thống dữ liệu riêng biệt, do chủ đầu tư, chính quyền địa phương hoặc cộng đồng quản lý. Khi các cấp quản lý tích hợp được các hệ thống đó, sử dụng hiệu quả nguồn dữ liệu thu thập được để ra quyết định chính sách, thì khi đó đô thị không chỉ “thông minh” về công nghệ, mà còn trở thành một hệ sinh thái sống thực sự bền vững.

* Nhân kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, ông có suy nghĩ gì về nghề báo hiện nay?

- Nhân kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, tôi muốn gửi lời tri ân đến các nhà báo, những người đã luôn đồng hành cùng doanh nghiệp qua các thời kỳ. Và tôi mong rằng trong thời đại mới, doanh nghiệp và báo chí càng gần nhau hơn, cùng nhau tạo ra những thông điệp tử tế, sâu sắc, và lan toả những giá trị thật trong một xã hội đang biến động và thay đổi nhanh chóng.

* Cảm ơn ông về buổi trò chuyện rất cởi mở!

Lữ Ý Nhi