Bình luận

Mỹ - Hàn tăng tốc đàm phán thuế quan

Quang Chiến 20/05/2025 16:26

Washington và Seoul chuẩn bị bước vào vòng đàm phán kỹ thuật thứ hai nhằm đạt được một thỏa thuận toàn diện về thuế quan và thương mại trước 8/7, thời điểm lệnh hoãn áp thuế 90 ngày của Mỹ đối với hàng hóa Hàn Quốc hết hiệu lực. Nếu không đạt được tiến triển đáng kể, nguy cơ tái áp thuế có thể gây thêm bất ổn cho chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt trong các lĩnh vực chiến lược như chip bán dẫn, ô tô và linh kiện điện tử.

Theo hãng tin Yonhap, ngày 19/5, Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc xác nhận phái đoàn đàm phán cấp chuyên viên nước này sẽ lên đường tới Washington vào ngày 20/5 để tham dự vòng đàm phán thứ hai. Cuộc họp dự kiến kéo dài từ hai đến ba ngày, tập trung vào 6 chủ đề then chốt: mất cân bằng thương mại, các biện pháp phi thuế quan, an ninh kinh tế, thương mại kỹ thuật số, quy tắc xuất xứ và các đề xuất thương mại cụ thể.

sg37c6auhrjpjkroyzxzu4rzg4.jpeg
Các container vận chuyển được tại cảng Pyeongtaek ở Pyeongtaek, Hàn Quốc, ngày 15/4/2025.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh lệnh tạm hoãn áp thuế đối ứng 90 ngày do Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra hồi tháng 4 đang sắp đến hạn vào ngày 8/7. Nếu không đạt được tiến triển đáng kể, Washington có thể áp thuế trở lại đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ Hàn Quốc, đe dọa lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp nước này tại thị trường Mỹ. Các ngành bị ảnh hưởng nặng nề có thể bao gồm chất bán dẫn, ô tô và công nghiệp sản xuất linh kiện - những lĩnh vực chủ chốt của Hàn Quốc vốn đang có thị phần đáng kể tại thị trường Mỹ.

Áp lực chính trị song song với áp lực thương mại

Không chỉ đối mặt với áp lực kinh tế, tiến trình đàm phán còn chịu ảnh hưởng bởi tình hình chính trị nội bộ tại Hàn Quốc. Chính phủ nước này đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống trước thời hạn, dự kiến diễn ra vào ngày 3/6 tới. Trong bối cảnh đó, việc đưa ra nhượng bộ trong các lĩnh vực nhạy cảm như thương mại kỹ thuật số hay quy tắc xuất xứ đòi hỏi phái đoàn đàm phán Hàn Quốc phải cân nhắc kỹ lưỡng nhằm tránh gây tác động tiêu cực đến dư luận trong nước.

south-korea-us-tariffs(1).jpeg
Mỹ - Hàn Quốc chuẩn bị tiếp tục đàm phán thuế quan

Trước đó, vòng đàm phán cấp chuyên viên đầu tiên giữa hai nước đã được tổ chức tại Washington vào đầu tháng 5. Ngoài ra, trong tuần qua, Bộ trưởng Công nghiệp Hàn Quốc Ahn Duk Geun và Bộ trưởng Thương mại Cheong In Kyo cũng đã có các cuộc tiếp xúc riêng với Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer tại đảo Jeju (Hàn Quốc), như một phần nỗ lực ngoại giao song phương nhằm thu hẹp khoảng cách lập trường giữa hai bên.

Thương mại Mỹ - Hàn: Đối tác chiến lược nhưng cũng nhiều thách thức

Hàn Quốc hiện là một trong những đối tác thương mại lớn của Mỹ tại châu Á. Năm 2024, tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt hơn 220 tỷ USD, trong đó Hàn Quốc xuất khẩu sang Mỹ chủ yếu các mặt hàng điện tử, ô tô, pin và vật liệu công nghiệp. Tuy nhiên, Washington nhiều lần bày tỏ quan ngại về tình trạng thâm hụt thương mại, cũng như việc Hàn Quốc được cho là hưởng lợi không cân xứng trong các lĩnh vực được Mỹ xem là chiến lược như chất bán dẫn và công nghệ cao.

Trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Donald Trump đẩy mạnh chính sách “Nước Mỹ trên hết”, các thỏa thuận thương mại cũ như KORUS FTA (Hiệp định Thương mại tự do Mỹ - Hàn) cũng đang bị rà soát lại. Các chuyên gia cảnh báo nếu hai bên không tìm được tiếng nói chung trước thời hạn, khả năng xảy ra cuộc chiến thương mại cục bộ Mỹ - Hàn là điều có thể, đặc biệt trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đang chịu nhiều sức ép từ xung đột địa chính trị và các cuộc đối đầu thương mại khác.

Tín hiệu hy vọng từ các cuộc gặp song phương cấp cao

Mặc dù còn nhiều khác biệt, giới quan sát đánh giá việc Mỹ và Hàn Quốc duy trì cơ chế đối thoại liên tục ở cả cấp chuyên viên và bộ trưởng là tín hiệu tích cực. Trong trường hợp đạt được thỏa thuận toàn diện trước ngày 8/7, hai nước không chỉ tránh được một cuộc đối đầu thuế quan quy mô lớn, mà còn đặt nền móng cho một khung hợp tác thương mại kỹ thuật số và an ninh kinh tế trong dài hạn.

Nếu đàm phán thành công, đây sẽ là tín hiệu tích cực cho các doanh nghiệp hai nước, đồng thời góp phần ổn định thị trường tài chính khu vực và toàn cầu trong, trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ - Trung ngày càng gay gắt.

Quang Chiến