Bản tin tổng hợp

Quốc hội xem xét hai dự án cao tốc trọng điểm: Quy Nhơn - Pleiku và Biên Hòa - Vũng Tàu

Đ.T 19/05/2025 11:00

Ngày 19/5, Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét chủ trương đầu tư đối với dự án cao tốc Quy Nhơn – Pleiku, đồng thời đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (giai đoạn 1).

Dự án cao tốc Quy Nhơn - Pleiku

Tuyến cao tốc này có điểm đầu tại quốc lộ 19B (thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) và điểm cuối tại đường Hồ Chí Minh (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai), với tổng chiều dài khoảng 125 km. Trong đó, đoạn đi qua địa bàn tỉnh Bình Định dài khoảng 40 km và đoạn qua tỉnh Gia Lai dài khoảng 85 km.

cao-toc-tphcm-long-thanh-dau-gia.jpg

Cao tốc được thiết kế với quy mô 4 làn xe, có làn dừng khẩn cấp liên tục, nền đường rộng 24,75 m, vận tốc thiết kế đạt 100 km/h. Tổng diện tích đất sử dụng dự kiến khoảng 942,15 ha. Chính phủ đề xuất thực hiện theo hình thức đầu tư công, với tổng mức đầu tư sơ bộ hơn 43.730 tỷ đồng.

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh, việc triển khai tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku sẽ góp phần hình thành trục giao thông Đông - Tây chiến lược, kết nối khu vực Tây Nguyên với duyên hải Nam Trung Bộ.

Dự án này không chỉ phát huy hiệu quả chuỗi các công trình hạ tầng đã và đang được triển khai, mà còn tạo động lực phát triển không gian vùng, thúc đẩy liên kết các trung tâm kinh tế - cảng biển, đóng góp vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, đảm bảo quốc phòng và an ninh khu vực.

Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1):

Dự án có tổng chiều dài gần 54 km, quy mô từ 4 đến 6 làn xe. Tổng mức đầu tư ban đầu là 17.837 tỷ đồng. Công tác triển khai được phân chia cho ba chủ đầu tư: Bộ Giao thông Vận tải phụ trách đoạn 18,2 km; UBND tỉnh Đồng Nai quản lý đoạn 16 km; phần còn lại do UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đảm nhiệm.

Tại tờ trình gửi Quốc hội, Chính phủ kiến nghị điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án lên 21.551 tỷ đồng. Nguyên nhân là do chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư tăng mạnh so với dự kiến, đặc biệt tại địa bàn Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Ngoài ra, việc bổ sung nút giao liên thông với tuyến đường Mỹ Xuân - Ngãi Giao và sự biến động giá nguyên vật liệu, nhân công và thiết bị thi công trong quá trình lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật cũng góp phần làm tăng chi phí đầu tư.

Cũng trong ngày 19/5, Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân.

Vào buổi chiều, Chính phủ trình Quốc hội nội dung bổ sung ngân sách chi thường xuyên, đồng thời đề xuất cơ chế chuyển tiếp đối với các chính sách đặc thù được Quốc hội cho phép áp dụng tại một số địa phương sau khi thực hiện việc sắp xếp bộ máy hành chính và mở rộng địa giới. Tiếp đó, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân.

Đ.T