Bản tin tổng hợp

Thủ tướng yêu cầu xây dựng kế hoạch thúc đẩy xuất khẩu thực phẩm Halal

HL 15/05/2025 13:06

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa giao Bộ Công Thương và Bộ Ngoại giao, căn cứ theo chức năng và nhiệm vụ được phân công, chủ trì nghiên cứu, tổng hợp thông tin nhằm xây dựng kế hoạch tổng thể thúc đẩy xuất khẩu thực phẩm Halal ra thị trường quốc tế.

Nội dung này được nêu tại Báo cáo số 388/2025/TTĐT ngày 08/5/2025 của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, trong phần điểm báo và thông tin dư luận liên quan đến công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, đặc biệt là nội dung về định hướng “Mở rộng xuất khẩu vào thị trường Halal”.

Báo cáo cho biết, Indonesia là một thị trường Halal tiềm năng, được đánh giá cao về quy mô và sức tiêu thụ. Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý rằng đây cũng là thị trường có tính bảo hộ cao, với nhiều quy định khắt khe như: yêu cầu giấy phép nhập khẩu; chứng nhận Halal bắt buộc do cơ quan có thẩm quyền tại Indonesia cấp; tuân thủ tiêu chuẩn quốc gia (SNI); quy định cụ thể về cảng nhập khẩu đối với một số nhóm hàng hóa, cùng việc thường xuyên áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.

Nhận lệnh từ Thủ tướng, một thị trường xuất khẩu mới nổi quy mô 2.000 tỷ USD sẽ được tập trung khai thác

Đặc biệt, các tiêu chuẩn Halal nghiêm ngặt và hệ thống chứng nhận phức tạp đang là thách thức lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam. Theo đại diện Thương vụ Việt Nam tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), để tăng cường khả năng tiếp cận thị trường Halal, Việt Nam cần sớm hoàn thiện khung pháp lý trong lĩnh vực này, bao gồm xây dựng bộ tiêu chuẩn quốc gia về Halal và hệ thống quy trình chứng nhận phù hợp với chuẩn mực quốc tế.

Đồng thời, cần thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác song phương với UAE, một trong những quốc gia đi đầu trong lĩnh vực Halal, đặc biệt là trong việc hỗ trợ cấp chứng nhận theo chuẩn Halal của UAE cho hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam.

Dự báo cho thấy các sản phẩm Halal của Việt Nam sẽ phải cạnh tranh quyết liệt với sản phẩm đến từ những quốc gia đã có nền tảng lâu năm và uy tín cao trong ngành thực phẩm Halal toàn cầu.

Do đó, cần thiết có chính sách hỗ trợ cụ thể và toàn diện, bao gồm: ưu tiên bố trí ngân sách cho sản xuất và chứng nhận Halal, tăng cường xúc tiến thương mại chuyên biệt, đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu và thành lập các tổ chức trung gian uy tín nhằm đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình đáp ứng quy định của thị trường.

Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc khai thác hiệu quả tiềm năng từ ngành công nghiệp Halal toàn cầu, vốn đang tăng trưởng nhanh chóng và dự kiến đạt quy mô hàng nghìn tỷ USD trong những năm tới.

Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, theo tiếng Ả Rập, "Halal" có nghĩa là "được phép". Người Hồi giáo chỉ sử dụng những sản phẩm được Thượng đế (Allah) cho phép và thể hiện sự cho phép là sản phẩm đó được chứng thực Halal theo Kinh Qur'an và Luật Shari'ah của Hồi giáo.

Các sản phẩm Halal bao gồm hầu như tất cả sản phẩm thiết yếu của cuộc sống như thực phẩm, đồ uống, thực phẩm hữu cơ, thực phẩm chức năng, dược phẩm, mỹ phẩm, dệt may, thủ công mỹ nghệ đến lĩnh vực dịch vụ như: ngân hàng, du lịch, an ninh, giáo dục và đào tạo, dịch vụ ăn uống, khách sạn, logistics.

Thị trường tiêu thụ sản phẩm Halal phân bổ khắp thế giới, từ các nước Hồi giáo đến phi Hồi giáo, từ các nền kinh tế phát triển đến đang phát triển, do các sản phẩm Halal đáp ứng nhiều tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo đảm sức khỏe, chất lượng, xanh, sạch, có đạo đức trong chế biến và góp phần bảo vệ môi trường...

HL