TP.HCM đề xuất phương án sắp xếp lại hệ thống trường công lập
Sở Nội vụ TP.HCM vừa trình UBND TP.HCM đề án tổng thể sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND các quận, huyện và TP. Thủ Đức, trong đó có các cơ sở giáo dục công lập như trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở.
Theo thống kê hiện nay, TP.HCM có tổng cộng 1.247 cơ sở giáo dục ở ba cấp học: gồm 469 trường mầm non và mẫu giáo, 494 trường tiểu học, 284 trường trung học cơ sở và 29 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên.
Sở Nội vụ đề xuất phương án chuyển giao nguyên trạng, bao gồm cơ sở vật chất, nhân sự, biên chế, chức năng và nhiệm vụ của các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở từ UBND các quận, huyện và TP. Thủ Đức về cho UBND phường, xã quản lý.
Song song đó, các trường chuyên biệt (giáo dục đặc biệt) hiện do quận, huyện và TP. Thủ Đức quản lý sẽ được chuyển về Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM nhằm đảm bảo sự thống nhất trong công tác chuyên môn và quản lý chuyên ngành.

Các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên và các trường trung cấp cũng sẽ được chuyển giao từ cấp quận, huyện và TP. Thủ Đức về Sở Giáo dục và Đào tạo, đồng thời được tổ chức lại theo định hướng phục vụ khu vực liên phường, liên xã nhằm tối ưu hóa nguồn lực và nâng cao chất lượng đào tạo.
Hai đơn vị sự nghiệp được UBND TP.HCM ủy quyền cho UBND TP. Thủ Đức quản lý gồm Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Thủ Đức và Trường Cao đẳng Thủ Thiêm, dự kiến sẽ được điều chỉnh thẩm quyền quản lý.
Theo đó, UBND TP.HCM sẽ ủy quyền cho Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện đồng bộ 7 nhiệm vụ liên quan, bảo đảm sự thống nhất sau khi hoàn tất việc sắp xếp mô hình chính quyền hai cấp.
Sở Nội vụ nhấn mạnh rằng phương án sắp xếp này tuân thủ định hướng của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính các cấp. Đặc biệt, đề án được xây dựng nhằm đảm bảo tính ổn định trong hoạt động giáo dục, tránh gây xáo trộn trong quá trình chuyển giao nhiệm vụ từ cấp quận/huyện về cấp xã/phường, đồng thời kịp thời triển khai công tác tuyển sinh và tuyển dụng nhân sự cho năm học 2025 - 2026.
Ngoài ra, đề án còn được thiết kế để bảo đảm sự tương thích với các phương án sắp xếp hành chính tại các địa phương lân cận như tỉnh Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Sau khi Luật Nhà giáo và nghị định thay thế Nghị định 127 chính thức được ban hành, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND Thành phố trong việc tổ chức, sắp xếp lại hệ thống cơ sở giáo dục, phù hợp với khung pháp lý mới.