Tín dụng 4 tháng đầu năm 2025 tại TP.HCM đạt hơn 4 triệu tỷ đồng, tăng 2,62%
Tính đến cuối tháng 4/2025, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn TP.HCM đạt 4.046 nghìn tỷ đồng, tăng 2,62% so với cuối năm 2024 và tăng 12,78% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng trưởng khả quan, phản ánh hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ và tín dụng của Ngân hàng Nhà nước cũng như sự phục hồi của nền kinh tế.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM (Khu vực II), lần đầu tiên tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn vượt ngưỡng 4 triệu tỷ đồng, một dấu mốc quan trọng cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của hoạt động tín dụng. Trong khi đó, mức tăng cùng kỳ trong 4 tháng đầu năm 2024 chỉ đạt 1,31% và năm 2023 là 1,72%.
Kết quả này chịu tác động tích cực từ môi trường kinh tế - xã hội ổn định và chính sách điều hành linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước. Chính sách tín dụng phù hợp cùng mặt bằng lãi suất thấp đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp mở rộng sản xuất - kinh doanh, đồng thời góp phần kích thích nhu cầu vay vốn trên thị trường.

Đáng chú ý, tín dụng tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt là 9 nhóm ngành dịch vụ chủ yếu, đóng góp trên 60% GRDP của TP.HCM, bao gồm thương mại, du lịch, truyền thông, khoa học công nghệ, y tế, giáo dục, tài chính, văn hóa và giải trí. Tổng dư nợ tín dụng đối với các nhóm ngành này đã vượt 1,4 triệu tỷ đồng, chiếm 35,4% tổng dư nợ toàn địa bàn, tăng hơn 3,6% so với cuối năm 2024.
Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khu vực II, ông Nguyễn Đức Lệnh nhận định: “Tăng trưởng tín dụng trong 4 tháng đầu năm phản ánh rõ nét xu hướng hồi phục tích cực của nền kinh tế và hiệu quả chính sách điều hành tiền tệ. Nhu cầu tín dụng gắn liền với khả năng hấp thụ vốn tốt của nền kinh tế là nền tảng quan trọng để duy trì tăng trưởng ổn định và an toàn”.
Bên cạnh tín dụng sản xuất, tín dụng tiêu dùng cũng ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể. Tính đến cuối tháng 3/2025, tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng đạt 1.137 nghìn tỷ đồng, tăng 2,3% so với cuối năm 2024. Riêng trong tháng 3, mức tăng đạt 1,6% so với tháng trước.
Tăng trưởng tín dụng tiêu dùng gắn liền với sự phục hồi của hoạt động thương mại, du lịch, dịch vụ và tiêu dùng nội địa. Ông Nguyễn Đức Lệnh cho biết, sự đa dạng hóa sản phẩm cho vay, cùng với tiện ích ứng dụng công nghệ cao của các tổ chức tín dụng đã góp phần thúc đẩy hiệu quả tín dụng tiêu dùng, yếu tố quan trọng trong việc kích thích tổng cầu và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.
So với cùng kỳ năm 2024, khi tín dụng tiêu dùng sụt giảm 0,9%, thì mức tăng 2,3% trong 3 tháng đầu năm 2025 là một tín hiệu khởi sắc rõ rệt (so với mức tăng 0,7% của năm 2023).
Đặc biệt, tín dụng phục vụ tiêu dùng sinh hoạt, bao gồm cho vay mua sắm, du lịch, dịch vụ, hiện chiếm 39,5% trong tổng tín dụng tiêu dùng, tăng 4,5% so với cuối năm 2024. Cho vay mua đồ gia dụng tăng cao nhất, đạt mức tăng 8,7% và chiếm 15,1% tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng.
Một điểm nhấn đáng chú ý là dư nợ cho vay mua nhà để ở với mục đích tiêu dùng đạt 688 nghìn tỷ đồng, chiếm 60,5% trong tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng và tăng 1% so với cuối năm. Mặc dù mức tăng thấp hơn các khoản vay tiêu dùng khác, nhưng với tỷ trọng lớn, phân khúc này vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì ổn định thị trường tín dụng và hỗ trợ chính sách phát triển nhà ở của Chính phủ.
Hoạt động tín dụng tiêu dùng sôi động cũng đã góp phần thúc đẩy doanh thu bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn. Trong quý I và tháng 4/2025, doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 28,7% so với cùng kỳ, một chỉ số cho thấy xu hướng tiêu dùng đang tăng mạnh, đồng thời củng cố vai trò dẫn dắt tăng trưởng của tín dụng tiêu dùng trong nền kinh tế TP.HCM