Thủ tướng Phạm Minh Chính: "Không có giới hạn" trong đổi mới sáng tạo phát triển kinh tế tư nhân
Chiều ngày 8/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp với Hội đồng Tư vấn chính sách nhằm tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế tư nhân, triển khai thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị. Đây là phiên làm việc thứ hai liên tiếp của người đứng đầu Chính phủ về vấn đề quan trọng này.
Tham dự cuộc họp có các Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Lê Thành Long, Hồ Đức Phớc, Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cùng đại diện lãnh đạo nhiều bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Trong phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng ghi nhận và đánh giá cao sự đóng góp tích cực, hiệu quả của Hội đồng Tư vấn chính sách, một tổ chức tuy mới thành lập nhưng đã thể hiện sự tận tâm, kinh nghiệm chuyên sâu và tinh thần trách nhiệm cao, góp phần hỗ trợ công tác điều hành của Chính phủ và hoàn thiện các đề án lớn trình Bộ Chính trị.
Thủ tướng nhấn mạnh, trong bối cảnh thế giới liên tục biến động, khó lường, Việt Nam cần phản ứng chính sách kịp thời, linh hoạt và hiệu quả.
Trên tinh thần đó, Chính phủ đã trình Bộ Chính trị ban hành nhóm "Bộ tứ chiến lược" gồm: Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Nghị quyết số 59-NQ/TW về hội nhập quốc tế, Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật, Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân. Đây là các trụ cột chiến lược có tính liên kết, tương hỗ và cộng hưởng trong việc thúc đẩy phát triển đất nước.

Thủ tướng yêu cầu khẩn trương thể chế hóa Nghị quyết 68 bằng việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội, hướng tới mục tiêu thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển nhanh và bền vững. Quá trình xây dựng cần tập trung vào các vấn đề bức thiết, mang tính cấp bách nhưng đồng thời có ảnh hưởng dài hạn, hiện chưa được quy định cụ thể trong các dự án luật hiện hành.
Theo Thủ tướng, chính sách cần mang tính “đòn bẩy và điểm tựa”, phải thực tiễn, sát hợp điều kiện hiện nay, truyền cảm hứng, khuyến khích tinh thần tự lực, tự cường trong cộng đồng doanh nghiệp. Thủ tướng khẳng định: "Đổi mới sáng tạo phát triển kinh tế tư nhân là không có giới hạn, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh của đất nước ta trong kỷ nguyên mới".
Thủ tướng khẳng định kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng nhất của nền kinh tế. Để phát huy tiềm năng này, Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, con người là nền tảng, doanh nghiệp là trung tâm và thể chế, chính sách là động lực.
Ông nhấn mạnh việc cần có cơ chế tháo gỡ các điểm nghẽn đang kìm hãm sự phát triển của khu vực tư nhân; tạo động lực để doanh nghiệp mọi quy mô, từ hộ kinh doanh, doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ đến vừa và lớn - phát triển, vươn lên thành các tập đoàn đa quốc gia, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thủ tướng yêu cầu rà soát, hoàn thiện các chính sách bảo đảm quyền sở hữu tài sản, quyền tự do kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng, tiếp cận công bằng nguồn lực, đất đai, tài sản công; thúc đẩy hợp tác công - tư hiệu quả. Đồng thời, đào tạo nguồn nhân lực phải gắn với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, thông qua sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp.

Đặc biệt, Chính phủ sẽ cụ thể hóa nguyên tắc “phân định rõ trách nhiệm hình sự, hành chính, dân sự; giữa pháp nhân và cá nhân” trong xử lý vi phạm, nhằm tạo sự yên tâm cho nhà đầu tư, doanh nghiệp trong quá trình hoạt động.
Thủ tướng chỉ đạo cần tính toán kỹ lưỡng các nội dung như: bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, khuyến khích thành lập quỹ đầu tư tư nhân, đơn giản hóa thủ tục đăng ký, giải thể doanh nghiệp, xóa bỏ cơ chế xin - cho, cải cách chính sách thuế theo hướng tạo thuận lợi và minh bạch.
Ông cũng yêu cầu làm rõ hơn cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng doanh nghiệp theo nguyên tắc "đúng vai, thuộc bài", trên cơ sở phân cấp rõ ràng, nâng cao hiệu quả giám sát của hệ thống chính trị, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức xã hội.
Về thời hạn, Thủ tướng yêu cầu sớm hoàn thiện dự thảo, lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp, các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các địa phương và trình Quốc hội xem xét, thông qua trước ngày 18/5 tới.