Trong nước

TP.HCM tăng cường an ninh mạng, thúc đẩy kinh tế chia sẻ giai đoạn 2025 - 2030

NH 25/04/2025 - 08:28

UBND TP.HCM vừa ban hành kế hoạch phát triển mô hình kinh tế chia sẻ trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2025 - 2030, hướng tới mục tiêu tối ưu hóa nguồn lực xã hội thông qua công nghệ số, đồng thời đảm bảo an ninh mạng và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong bối cảnh nền kinh tế số đang phát triển mạnh mẽ.

Theo kế hoạch này, kinh tế chia sẻ không được xem là một thành phần kinh tế độc lập mà là một mô hình kinh doanh mới, tích hợp trong tổng thể nền kinh tế hiện đại. Do đó, không cần thiết ban hành các chính sách hỗ trợ riêng biệt, mà thay vào đó là điều chỉnh khung pháp lý hiện hành để tạo môi trường cạnh tranh công bằng, minh bạch giữa các mô hình kinh doanh truyền thống và đổi mới sáng tạo.

TP.HCM sẽ tập trung rà soát, bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không còn phù hợp, đồng thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung pháp luật nhằm tạo nền tảng pháp lý rõ ràng cho hoạt động kinh tế chia sẻ. Trọng tâm là xác định rõ trách nhiệm giữa các bên liên quan trong mô hình kinh doanh này, cũng như vai trò điều phối, quản lý của các sở, ban, ngành.

Ngoài ra, Thành phố sẽ nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong việc bảo đảm an toàn an ninh mạng, bảo vệ dữ liệu cá nhân, đảm bảo chủ quyền trên không gian số và kiểm soát việc sử dụng thông tin theo đúng các thỏa thuận giữa các bên. Đồng thời, TP.HCM cũng cam kết tuân thủ đầy đủ các điều ước quốc tế liên quan đến mở cửa thị trường dịch vụ và thương mại điện tử, khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả trên nền tảng số.

Kinh tế chia sẻ (Sharing Economy) là gì? Các chỉ trích về kinh tế ...

Một trong những trụ cột trọng yếu của kế hoạch là nâng cấp hạ tầng số với các nội dung cụ thể như: phát triển Internet tốc độ cao, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tài chính (Fintech), giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt, tăng cường các biện pháp bảo mật, an toàn thông tin, đồng thời triển khai hệ sinh thái kết nối thông qua các giao thức API để tích hợp linh hoạt các loại hình dịch vụ kinh tế chia sẻ.

Thành phố cũng chú trọng quy hoạch, phát triển kết cấu hạ tầng phù hợp với xu thế kinh doanh mới như: mạng lưới giao thông công cộng thông minh, hạ tầng bất động sản phục vụ nhu cầu làm việc chung, lưu trú ngắn hạn…

Cùng với việc hoàn thiện thể chế, TP.HCM xác định nhiệm vụ nâng cao nhận thức và năng lực số cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân là yếu tố then chốt. Thông qua các chương trình đào tạo, hỗ trợ chuyển đổi số, Thành phố kỳ vọng thúc đẩy quá trình đổi mới sáng tạo và thích ứng nhanh với sự phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn đang đối mặt với thách thức lớn, đặc biệt là sự thiếu hụt về hạ tầng số, khung pháp lý phù hợp và năng lực hội nhập quốc tế. Trong bối cảnh đó, việc chủ động thích nghi và đầu tư vào công nghệ như Blockchain, trí tuệ nhân tạo (AI) là con đường tất yếu để duy trì lợi thế cạnh tranh.

Theo báo cáo e-Conomy SEA 2024 của Google, nền kinh tế số Việt Nam được kỳ vọng đạt quy mô 36 tỷ USD vào cuối năm 2024 và có khả năng tăng trưởng lên mức 90 - 200 tỷ USD vào năm 2030. Điều này càng khẳng định vai trò trung tâm của TP.HCM trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia.

Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị đã xác định chuyển đổi số là động lực then chốt trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, mục tiêu đặt ra là đến năm 2030, kinh tế số sẽ chiếm tối thiểu 30% GDP và đến năm 2045 đạt ít nhất 50% GDP. TP.HCM được định hướng trở thành trung tâm tài chính quốc tế toàn diện, là đầu tàu dẫn dắt kinh tế số cả nước.

NH