Văn hóa đọc

Tri thức - kết nối - Phát triển bền vững: Doanh nghiệp chung tay đưa tri thức vươn xa (Bài 12)

Kami 22/04/2025 7:30

“Mỗi khi nhận được sách mới, các em học sinh đều rất háo hức. Sự chung sức của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp (DN) không chỉ mang đến những cuốn sách, mà còn là hy vọng, niềm tin vào một tương lai tốt đẹp hơn cho các em vùng cao”. Đó là những gì bà Mạc Thị Sâm - Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng trường Tiểu học số 2, bản Lĩnh, xã Mường Pồn, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) chia sẻ về xây dựng văn hóa đọc tại địa phương.

Niềm vui giản dị từ những trang sách

Ngôi trường Tiểu học số 2 nằm giữa núi rừng Tây Bắc, xã biên giới Mường Pồn, Điện Biên, là nơi học tập của con em dân tộc thiểu số. Sách không chỉ là công cụ học tập mà còn là cánh cửa mở ra thế giới cho các em. Bà Mạc Thị Sâm, chia sẻ rằng, sách giáo khoa là “tài sản” quý giá, giúp học sinh tiếp cận tri thức mới. Ngoài ra, các cuốn sách báo thiếu niên và sách nhi đồng do nhà trường cung cấp là nguồn tài liệu quan trọng. Những cuốn sách từ tổ chức từ thiện và DN mang lại niềm vui, động lực học tập cho các em. Những hoạt động này giúp duy trì và phát triển văn hóa đọc, khơi dậy đam mê học tập cho học sinh vùng cao, nơi điều kiện còn khó khăn.

12-1.jpg

“Khi có những cuốn sách mới về trường, tôi thấy niềm vui hiện lên trong ánh mắt của từng em. Điều đó thôi thúc chúng tôi nỗ lực hơn nữa trong việc duy trì và phát triển văn hóa đọc tại đây”, cô giáo Mạc Thị Sâm chia sẻ. Không chỉ đọc, các em còn tham gia vào các hoạt động sinh động như buổi đọc sách tập thể và câu lạc bộ nhỏ để chia sẻ những điều thú vị. Để khuyến khích đọc sách, nhà trường triển khai mô hình “Thư viện xanh”, một không gian mở trong khuôn viên trường. Ngoài ra, trường còn bố trí thời gian đọc sách trong tuần, tổ chức các buổi chia sẻ cảm nhận và khuyến khích học sinh mượn sách về nhà, giúp các em nuôi dưỡng niềm đam mê đọc và học.

Không chỉ riêng Điện Biên, nhiều trường ở các tỉnh phía Bắc và trên cả nước cũng lan tỏa văn hóa đọc tại miền núi, vùng cao, biên giới, nơi phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Các tổ chức, cá nhân và DN đã xây dựng thư viện như: Thư viện trên đá, thư viện trên bản (Hà Giang), mô hình “Xe thư viện đa phương tiện lưu động” (Sơn La). Việc xây dựng văn hóa đọc, đặc biệt cho trẻ em vùng cao đã được toàn xã hội quan tâm.

12-2.jpg
Học sinh đọc sách tại Trường Tiểu học số 2, Mường Pồn, Điện Biên

Mang tri thức đến bản làng xa xôi

Chia sẻ với Doanh nhân Sài Gòn, ông Hoàng Hữu Thắng - Chủ tịch HĐQT Intech Group cho rằng DN không chỉ tạo giá trị kinh tế mà còn đóng vai trò quan trọng trong nâng cao tri thức cộng đồng. Khi đầu tư vào giáo dục và chia sẻ tri thức, DN không chỉ phát triển nguồn nhân lực chất lượng mà còn thúc đẩy đổi mới và gia tăng năng lực cạnh tranh. Một cộng đồng tri thức cao là nền tảng để DN phát triển bền vững, tạo ra nền kinh tế mạnh mẽ và xã hội tiến bộ. “Sinh ra trong nghèo khó, tôi thấu hiểu những thiếu thốn của thầy cô và học sinh vùng cao. Gần đây, chúng tôi đã xây dựng thư viện cho Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Tả Lủng - Hà Giang, với kinh phí hơn 400 triệu đồng”, ông Thắng chia sẻ.

Cùng quan điểm, TS. Vũ Việt Anh - Chủ tịch Học viện Thành Công cho rằng, DN không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế mà còn nâng cao tri thức và chất lượng cuộc sống cộng đồng. Khi tham gia vào giáo dục và hỗ trợ xã hội, DN giúp tạo ra lực lượng lao động có kỹ năng và tư duy đổi mới phù hợp với thời đại công nghệ số. "Điều này không chỉ mang lại lợi ích cho xã hội mà còn giúp doanh nghiệp có nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững", TS. Việt Anh chia sẻ.

Ý thức sâu sắc về trách nhiệm xã hội, doanh nhân này đã triển khai các hoạt động thiết thực phát triển tri thức cộng đồng, như chương trình “Cửa hàng 0 đồng” - quyên góp sách vở, tài liệu học tập cho học sinh nghèo, giúp các em tiếp cận tri thức. Cùng với đó, chương trình “Thắp sáng ước mơ” nhằm lan tỏa tri thức và khơi dậy đam mê học tập. Các buổi nói chuyện chuyên đề về văn hóa đọc và xây dựng thư viện cho các trường vùng sâu, vùng xa cũng được tổ chức. Ông Việt Anh tin rằng, giáo dục không chỉ dừng lại ở kiến thức sách vở mà còn cần trang bị kỹ năng sống thiết yếu. “Chúng tôi mời các chuyên gia, diễn giả có tầm ảnh hưởng để chia sẻ về tầm quan trọng của sách và tri thức,” ông chia sẻ.

Chung tay vì sự phát triển bền vững

Mang tri thức đến cộng đồng gặp nhiều khó khăn là nỗi trăn trở của nhiều tổ chức, DN vượt suối, leo dốc, băng qua đường hiểm trở. “Có những đoạn đường xe không thể qua, phải vác thiết bị nặng hàng chục kg, đi liên tục hơn 20 giờ. Dù đối mặt với nguy hiểm, nhưng khi đến nơi, nhìn các em nhỏ ùa ra đón, tôi quên hết khó khăn”, ông Thắng chia sẻ.

Với TS. Vũ Việt Anh, hành trình mang tri thức đến vùng khó khăn không chỉ là sứ mệnh mà còn đối mặt với nhiều thách thức. Để duy trì các chương trình giáo dục dài hạn, ông phải giải quyết các vấn đề về tài chính, nhân sự và sự phối hợp giữa các bên liên quan. Tại các vùng sâu, cơ sở vật chất thiếu thốn, việc tổ chức các chương trình gặp nhiều trở ngại. Ngoài ra, việc tiếp cận thông tin về các chương trình giáo dục còn hạn chế, đòi hỏi các chương trình cần đầu tư vào nội dung và chiến lược truyền thông hiệu quả.

“Sự thành công của một dự án giáo dục cộng đồng không thể chỉ đến từ một phía. Tuy nhiên, một số đơn vị giáo dục địa phương vẫn quen với mô hình tiếp nhận tài trợ một chiều, thiếu sự chủ động trong hợp tác với DN. Điều này làm giảm hiệu quả của các chương trình”, ông Việt Anh nhận định.

12-3-truong-nhin-tu-tren-cao.jpg
Trường nhìn từ trên cao

Theo bà Mạc Thị Sâm, dù đã nỗ lực nhiều nhưng nguồn sách tại trường vẫn còn hạn chế, vì thế rất mong nhận được sự hỗ trợ từ các tổ chức, DN để cung cấp thêm nhiều đầu sách cho học sinh. “Chúng tôi hy vọng sẽ tiếp tục nhận được sự chung tay của cộng đồng. Những cuốn sách nhỏ bé nhưng mang sức mạnh to lớn. Chúng ta, mỗi người một tay, có thể cùng nhau mang ánh sáng tri thức đến những vùng đất xa xôi, để không một đứa trẻ nào bị bỏ lại phía sau trên con đường học tập”, bà Sâm chia sẻ.

Theo ông Hoàng Hữu Thắng, khi kinh tế chuyển dịch mạnh mẽ sang số hóa và đổi mới sáng tạo, giáo dục và tri thức cộng đồng sẽ là nền tảng cốt lõi cho sự phát triển bền vững. Ông đề xuất Chính phủ và các tổ chức xã hội tạo điều kiện để DN phối hợp với trường học trong thiết kế chương trình giảng dạy, thực tập và nghiên cứu ứng dụng. Phát triển nền tảng học tập trực tuyến miễn phí và phổ cập công nghệ giáo dục đến vùng sâu, vùng xa sẽ thu hẹp khoảng cách giáo dục. Ngoài ra, cần thúc đẩy sự gắn kết giữa DN và nhà trường để xây dựng chương trình đào tạo thực tiễn, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho nền kinh tế số, giúp Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên số.

“Cần có ưu đãi, hỗ trợ đặc biệt và đầu tư mạnh cho giáo dục, bao gồm nguồn lực con người, tài chính, truyền thông, và cải cách giáo dục để phù hợp với thực tiễn xã hội hiện nay, vì đó là nền tảng của một quốc gia phát triển, văn minh và bền vững,” ông Thắng nói.

Kami