Tri thức - kết nối - Phát triển bền vững: Cộng đồng doanh nhân và hành trình lan tỏa văn hóa đọc (Bài 11)
Trong hành trình phát triển bền vững, tri thức là nền móng, là ngọn đèn soi đường, và cũng là sợi dây kết nối những con người cùng chí hướng. Từ những tủ sách doanh nghiệp (DN) đến thư viện vùng cao, từ tọa đàm tri thức đến sách gối đầu giường của thế hệ kế nghiệp, cộng đồng doanh nhân đang từng bước gieo trồng một nền văn hóa học hỏi sâu sắc, thực chất và nhân văn - nơi tri thức không chỉ dừng lại ở lý thuyết, mà trở thành hành động, sự kết nối và động lực phát triển dài lâu.
Nhận thức được tầm quan trọng của văn hóa đọc, nhiều câu lạc bộ doanh nhân và tổ chức, cá nhân đã tích cực triển khai các hoạt động như talkshow, tọa đàm và tặng sách nhằm thúc đẩy thói quen đọc sách trong cộng đồng doanh nhân.

Hướng đến một cộng đồng học hỏi
Theo bà Nguyễn Thị Nguyệt Nga - CEO 25 AGENCY, văn hóa đọc là yếu tố sống còn đối với doanh nhân và sự phát triển của doanh nghiệp (DN). Một nhà lãnh đạo có thể không cần biết mọi thứ, nhưng nếu không liên tục học hỏi, không cập nhật tư duy mới, công ty của họ sẽ nhanh chóng tụt lại phía sau.
Hiện nhiều DN đã thành lập các câu lạc bộ đọc sách nội bộ, tạo không gian để nhân viên cùng nhau đọc và thảo luận về những cuốn sách bổ ích, việc này không chỉ nâng cao kiến thức chuyên môn mà còn thúc đẩy sự gắn kết trong tổ chức.
Bên cạnh đó, nhiều tọa đàm của câu lạc bộ (CLB) doanh nhân như “Doanh nhân viết về doanh nhân” hoặc sự kiện sự kiện do các đơn vị xuất bản và phát hành tổ chức, nhằm giới thiệu những đầu sách giá trị đến độc giả. Các sự kiện này thường được kết hợp với tọa đàm, giao lưu cùng tác giả và các chuyên gia trong lĩnh vực liên quan. Một số buổi ra mắt sách đáng chú ý như giới thiệu sách về quản trị, kinh doanh, đổi mới sáng tạo, sách văn học của Alpha Books, Nhã Nam, Kim Đồng... thu hút sự quan tâm của giới chuyên môn và những người yêu sách.
Các buổi tọa đàm, talkshow về sách là cơ hội để cập nhật những tư duy, kiến thức mới từ các tác giả, chuyên gia và những người có kinh nghiệm thực tiễn trong ngành. Đồng thời là cơ hội giúp bà Nguyệt Nga gặp gỡ, trao đổi với các đồng nghiệp trong ngành xuất bản và phát hành, lắng nghe phản hồi từ độc giả về các ấn phẩm, hiểu sâu hơn về sách và có chiến lược phát triển rõ ràng.
“Việc tham gia các buổi tọa đàm giúp tôi nắm bắt được xu hướng đọc, nhu cầu của thị trường, từ đó định hướng tốt hơn cho các dự án xuất bản và phát hành trong tương lai. Chính đơn vị chúng tôi cũng thường tổ chức các buổi ra mắt sách cho tác giả Việt, như tác giả Đinh Hoàng Anh chẳng hạn”, bà Nguyệt Nga nói.

Là người kiến tạo các hoạt động nhằm lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng doanh nhân nói chung và cộng đồng Sales và Marketing nói riêng, nhà sáng lập kiêm CEO của Pencil Group Nguyễn Tiến Huy cho biết đã cùng các cộng sự khởi xướng các tủ sách tại doanh nghiệp hay CLB CSMO Book Club nhằm kết nối các nhà quản lý, lãnh đạo doanh nghiệp chia sẻ về những cuốn sách truyền cảm hứng, giúp họ xây dựng sự nghiệp và tư duy lãnh đạo.
Các hoạt động đó không chỉ là cơ hội để các doanh nhân giao lưu, học hỏi mà còn là nơi truyền tải những giá trị và thông điệp sâu sắc qua từng trang sách. Đồng thời, tạo nên một môi trường học hỏi không ngừng, khuyến khích sự sáng tạo và tư duy phản biện trong cộng đồng doanh nhân, nhất là trong thời đại 40.0, những kiến thức, chiến lược kinh doanh sáng tạo chính là chìa khóa quyết định sự tồn tại và phát triển mạnh mẽ của doanh nghiệp trong kỷ nguyên số.
“Chúng tôi trao đổi về cách áp dụng những bài học từ sách vào công việc. Mỗi cuốn sách là một nguồn cảm hứng, không chỉ nhìn nhận vấn đề từ góc độ chuyên môn mà còn phát triển kỹ năng mềm như giao tiếp, quản lý và lãnh đạo”.
Hợp tác với các trường đại học để xây dựng phòng sách thực hành, tặng sách cho sinh viên, xây dựng tủ sách doanh nghiệp hay viết sách cũng chính là cách mà cộng đồng doanh nhân đóng góp vào việc lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng. Đơn cử như Chibooks đã trao tặng hơn 400 quyển sách để xây dựng Phòng sách thực hành của khoa Xuất bản, Phát hành, thuộc Trường Đại học Văn hóa TP.HCM.
Một ví dụ điển hình khác là Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn, trong khuôn khổ Tuần lễ Doanh nhân và sách đã phát động giới doanh nhân, doanh nghiệp tặng sách cho thư viện cho các trường, phối hợp với các trường đại học tổ chức talkshow “Hành trang lập nghiệp qua những trang sách”, xây dựng tủ sách Doanh nhân Việt Nam, tổ chức chương trình bình chọn và vinh danh 10 cuốn sách đáng đọc, giao lưu tác giả sách…

Tương lai của văn hóa đọc trong cộng đồng doanh nhân
Với sự nỗ lực không ngừng của các cá nhân, tổ chức và các CLB doanh nhân, văn hóa đọc ngày càng được lan tỏa và mang lại nhiều lợi ích, nhưng thực tế việc triển khai các dự án này vẫn gặp không ít khó khăn.
Theo ông Nguyễn Tiến Huy, một thách thức lớn khi triển khai các dự án văn hóa đọc trong cộng đồng doanh nhân là thói quen đọc sách không được duy trì đều đặn. Dù nhiều doanh nhân thừa nhận tầm quan trọng của việc đọc sách, nhưng thời gian của họ luôn bị chiếm lĩnh bởi công việc kinh doanh hàng ngày, dẫn đến việc đọc sách và tham gia các hoạt động về văn hóa đọc không thường xuyên.
Đồng thời, để duy trì văn hóa đọc trong cộng đồng doanh nhân, cần có những người có khả năng tổ chức, kết nối và truyền cảm hứng đúng đắn. Sự phát triển của công nghệ và nội dung số cũng khiến người ta dễ bị cuốn vào các thông tin ngắn, video ngắn… thay vì dành thời gian cho những cuốn sách chuyên sâu.
Một rào cản khác là “chưa thấy ngay giá trị thực tiễn từ việc đọc”. Đây là nhận định của bà Nguyệt Nga, bà lý giải nhiều doanh nhân tìm kiếm giải pháp nhanh chóng, có thể áp dụng ngay vào công việc, trong khi sách lại đòi hỏi sự nghiền ngẫm và chọn lọc để có thể áp dụng hiệu quả.
“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức các buổi tọa đàm, tặng sách cho nhân viên và cộng đồng doanh nhân, nhằm xây dựng một mạng lưới tri thức vững mạnh. Điều này không chỉ giúp nâng cao chất lượng đội ngũ mà còn tạo ra một cộng đồng doanh nhân ngày càng sáng tạo và phát triển”.