Thời sự

Hai cuộc đại cách mạng của Tổng Bí thư Tô Lâm - Bước đệm cho kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Vũ Thị Thu Hà (*) 19/04/2025 06:19

Chưa đầy một năm đảm nhiệm cương vị người đứng đầu Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét trong công tác lãnh đạo Đảng và vạch đường lối chiến lược cho phát triển đất nước. Trong đó đặc biệt nổi bật là cuộc cách mạng thần tốc về tinh giản bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng "tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả" và nỗ lực kiến tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, hấp dẫn, tạo đòn bẩy thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển. Với tính cấp bách, kịp thời và ý nghĩa lớn lao, hai cuộc đại cách mạng này đã nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng sâu rộng của toàn xã hội.

Tinh gọn bộ máy - Cuộc "đại phẫu" cấp thiết

Định hướng của người đứng đầu Đảng là rất đúng đắn, góp phần xây dựng hệ thống chính trị gọn nhẹ, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, qua đó vừa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới vừa tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.

Điều chúng ta cần lưu ý ở đây là tinh gọn bộ máy không chỉ nhằm mục tiêu tiết giảm các chi phí hành chính, tiết kiệm ngân sách nhà nước mà quan trọng hơn là xây dựng thành công một bộ máy mới gọn nhẹ hơn nhưng vẫn đảm bảo hiệu năng, hiệu lực và hiệu quả hơn, là nền tảng vững chắc để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới. Để làm được điều này, yêu cầu tiên quyết là phải hoàn thiện hệ thống pháp luật và hành chính để tạo sự đồng tâm, đồng lòng, tạo khí thế phấn khởi trong toàn xã hội; cùng với đó là bố trí đội ngũ cán bộ hợp lý, tinh gọn nhưng vẫn đảm bảo nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật.

1.jpg

Có thể thấy ở thời điểm hiện tại, công cuộc sáp nhập, tinh gọn các bộ, ban, ngành Trung ương, các tổ chức đoàn thể đã được thực thi. Tiếp theo là công cuộc sáp nhập các tỉnh thành, bỏ cấp huyện và tái sắp xếp, tích hợp, nâng cao năng lực vận hành của bộ máy nhân sự ở các cơ quan, đơn vị, các địa phương. Đây là một bước đi chiến lược nhằm tinh gọn bộ máy, kiên quyết loại ra khỏi cơ quan nhà nước những cán bộ, Đảng viên không đủ năng lực công tác, thoái hoá, biến chất trên tinh thần giảm về lượng nhưng nâng cao về chất, đảm bảo hiệu quả hoạt động cao hơn của các thiết chế.

Không chỉ mạnh tay cắt bỏ những "khối u" đang cản trở công cuộc phát triển, tái cơ cấu mà yêu cầu đặt ra còn phải tập trung vào việc sắp xếp lại, tích hợp, nâng cao năng lực vận hành của bộ máy để vượt qua các thách thức toàn cầu và đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ mới. Nói cách khác, công cuộc sàng lọc, tái cấu trúc và tối ưu hóa này sẽ tạo nền tảng cho một bộ máy Nhà nước gọn nhẹ, thông minh, vận hành hiệu quả và minh bạch, tạo động lực thúc đẩy đất nước phát triển.

Yêu cầu đặt ra cho cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị là làm sao giảm thiệt hại xuống mức thấp nhất và đảm bảo hiệu quả, hiệu năng ở mức cao nhất. Đặc biệt phải xem cuộc cách mạng tinh gọn này là nhiệm vụ vô cùng khẩn trương, vô cùng cấp bách bởi đây là cơ hội duy nhất hiếm có trước thềm Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV (tổ chức vào tháng 1/2026). Công cuộc tái cơ cấu, tinh gọn bộ máy chắc chắn sẽ vấp phải rất nhiều trở lực bởi nó đụng chạm đến đặc quyền, đặc lợi của rất nhiều cá nhân, tổ chức nhưng Đảng ta nhất định phải thực hiện cải cách triệt để vì một bộ máy công quyền khỏe mạnh, trong sạch, hiệu quả.

Hơn thế nữa, chúng ta còn phải thực hiện cuộc "đại phẫu" này một cách "thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa; tranh thủ từng phút, từng giờ…" (trích bức điện khẩn ngày 7/4/1975 của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử) vì càng để lâu "khối u" càng lan rộng nguy hiểm và kéo giảm xác suất thành công.

Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy nhà nước, hệ thống chính trị là chủ trương hoàn toàn đúng đắn, hợp lòng dân và đáp ứng đúng yêu cầu thực tiễn công cuộc đổi mới của đất nước ta. Tuy nhiên trong quá trình triển khai, Đảng ta vẫn phải nêu cao tinh thần cảnh giác, phải đề phòng những thế lực thù địch chống phá cũng như tiên liệu trước những vấn đề tiêu cực có thể nảy sinh để có phương án xử lý hiệu quả.

Phát triển kinh tế tư nhân - Đòn bẩy cho Việt Nam thịnh vượng

Với cuộc cách mạng trên mặt trận kinh tế, Tổng Bí thư Tô Lâm ghi dấu ấn với nhiều quyết sách mang tính đột phá, trong đó người đứng đầu Đảng đặc biệt chú trọng kiến tạo không gian mở cho kinh tế tư nhân phát triển và luôn đề cao vị thế, vai trò quan trọng của khu vực kinh tế trọng yếu này trong sự phát triển của nền kinh tế đất nước.

Trong bài viết "Phát triển kinh tế tư nhân - Đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng", người đứng đầu Đảng nhấn mạnh: từ một nền kinh tế nghèo nàn, phụ thuộc vào viện trợ quốc tế, Việt Nam đã không ngừng bứt phá mạnh mẽ để trở thành nền kinh tế lớn thứ 24 thế giới tính theo sức mua tương đương (PPP) và trong thành công này có sự đóng góp rất quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân.

Qua 40 năm đổi mới, khối kinh tế tư nhân Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ cả về lượng lẫn chất, trở thành một trong những trụ cột quan trọng hàng đầu của nền kinh tế. Với gần một triệu doanh nghiệp, khoảng 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp tới 51% GDP, hơn 30% ngân sách nhà nước, tạo ra hơn 40 triệu việc làm, chiếm hơn 82% tổng số lao động trong nền kinh tế, đóng góp gần 60% vốn đầu tư toàn xã hội. Đến nay Việt Nam đã có các Tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân có tiềm lực và tầm vóc lớn, tự tin khẳng định thương hiệu trong nước và vươn ra thị trường thế giới như Vingroup, Massan, Sun Group, Vietjet, Thaco…

Theo thời gian, vai trò của kinh tế tư nhân cũng được thể hiện rõ nét trong văn kiện các đại hội của Đảng, nhất là Nghị quyết số 10-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII (2017) về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng (2020) và gần đây nhất là Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá XIII (2023) về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.

Xác định rõ vai trò then chốt của doanh nghiệp tư nhân trong tăng trưởng kinh tế, những năm qua Chính phủ Việt Nam đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ linh hoạt gắn với nỗ lực không ngừng hoàn thiện khung pháp lý, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo đòn bẩy mạnh mẽ thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển, vươn mình trở thành một trong những trụ cột quan trọng hàng đầu của nền kinh tế và ngày càng thể hiện là động lực quan trọng nhất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia.

Tuy nhiên bên cạnh những thành tựu đạt được, cần thẳng thắn nhìn nhận khu vực kinh tế tư nhân trong nước vẫn còn nhiều hạn chế về quy mô, tiềm lực, năng lực sản xuất cũng như năng lực cạnh tranh, đặc biệt là trong cạnh tranh quốc tế. Các doanh nghiệp chưa chú trọng cải thiện khả năng liên kết, nâng cao năng lực cạnh tranh để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

Một bất cập nữa là đóng góp của kinh tế tư nhân vào tăng trưởng kinh tế vẫn chưa tương xứng với tiềm năng vốn có. Mặc dù số lượng cơ sở kinh tế tư nhân tăng nhanh những năm gần đây song chất lượng, hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp lại chậm cải thiện. Đa số các chủ doanh nghiệp đều trưởng thành từ chính quá trình lăn xả trên thương trường nên trình độ quản lý và điều hành đều dựa vào vốn kinh nghiệm tích lũy, họ chưa qua trường lớp đào tạo bài bản và không có bằng cấp chuyên môn nên thiếu tầm nhìn dài hạn cũng như chưa vạch được chiến lược kinh doanh đúng nghĩa cho doanh nghiệp mình…

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định mục tiêu cụ thể đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Đây là một mục tiêu rất cao nhưng không phải không thể đạt được nếu chúng ta biết khéo léo kết hợp và phát huy sức mạnh tổng hòa từ các động lực tăng trưởng truyền thống với các động lực tăng trưởng mới, trong đó có động lực tăng trưởng từ khu vực kinh tế tư nhân. Nếu khơi dậy được sức mạnh của khối doanh nghiệp này chắc chắn sẽ góp phần thực hiện thành công mục tiêu chiến lược phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Câu hỏi đặt ra ở đây là làm thế nào thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân?

Sắp tới Bộ Chính trị sẽ ban hành Đề án, Nghị quyết mới về phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Gần đây nhất tại phiên họp lần thứ hai của Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án phát triển kinh tế tư nhân diễn ra ngày 4/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo khẩn trương xây dựng dự thảo Đề án, Nghị quyết để trình Bộ Chính trị; khẩn trương xây dựng chương trình hành động của Chính phủ để ban hành, tổ chức thực hiện ngay sau khi Đề án, Nghị quyết được Bộ Chính trị thông qua. Đồng thời khẩn trương xây dựng các dự thảo luật, nghị quyết trình Quốc hội, trong đó Thủ tướng giao Bộ Tài chính nghiên cứu xây dựng dự án luật về kinh tế tư nhân.

Dù khó khăn còn vây bủa song với sự định hướng mạnh mẽ từ Đảng và sự quyết liệt của Chính phủ, kinh tế tư nhân Việt Nam đang đứng trước một tương lai đầy hứa hẹn. Đề án phát triển kinh tế tư nhân không chỉ giúp "cởi trói" mà còn kỳ vọng sẽ tạo cú hích lớn, kiến tạo không gian và môi trường thông thoáng, hấp dẫn để khu vực kinh tế tư nhân phát triển, giúp Việt Nam sớm hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng hai con số trong thời gian tới.

(*) Nguyên Giám đốc VCCI Vũng Tàu

Vũ Thị Thu Hà (*)