Trong nước

Bẫy xuất xứ hay cú cảnh tỉnh với chuỗi cung ứng Việt Nam?

Hưng Khánh 11/04/2025 06:04

Giữa làn sóng siết chặt thương mại, căng thẳng thuế quan và các cáo buộc từ Mỹ về việc Việt Nam bị lợi dụng làm trạm trung chuyển hàng Trung Quốc để né thuế, bài toán minh bạch nguồn gốc xuất xứ trở nên sống còn với doanh nghiệp (DN) Việt. “Không còn là câu chuyện ‘làm cho xong đơn hàng’, giờ là lúc các DN phải tái cấu trúc chuỗi cung ứng, đầu tư vào truy xuất nguồn gốc và tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc xuất xứ…” - TS. Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ.

ts.-nguyen-tri-hieu.jpg
TS. Nguyễn Trí Hiếu

* Trong bối cảnh thế giới đối mặt với bất ổn địa chính trị và nguy cơ tái bùng phát chiến tranh thương mại, đặc biệt từ các động thái thuế quan của Mỹ, ông đánh giá như thế nào về tác động trước mắt và lâu dài đối với nền kinh tế Việt Nam?

- Nếu Mỹ áp dụng mức thuế 46% từ ngày 9/4 trên diện rộng, điều này chắc chắn sẽ gây tác động tức thời và sâu rộng đến nền kinh tế Việt Nam.

Trước mắt, xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Hàng hóa Việt Nam vào Mỹ sẽ kém cạnh tranh do giá bán tăng, trong khi các nước khác vẫn hưởng thuế thấp hơn. Điều này có thể khiến kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh, gây áp lực lên tăng trưởng GDP, khiến mục tiêu tăng trưởng 8% của Chính phủ gặp nhiều thách thức.

Về lâu dài, tác động sẽ lan rộng đến nền kinh tế Việt Nam. Các DN FDI, chiếm khoảng 75% kim ngạch xuất khẩu, có thể xem xét rút khỏi Việt Nam nếu mất lợi thế tiếp cận thị trường Mỹ, điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến sản xuất, việc làm và các lĩnh vực liên quan. Thị trường chứng khoán trong nước đã phản ứng tiêu cực, mất gần 10% giá trị chỉ trong một tuần, tương đồng với diễn biến của thị trường Mỹ. Nếu tâm lý nhà đầu tư tiếp tục suy giảm, dòng vốn sẽ rút đi, gia tăng rủi ro tài chính. Thị trường bất động sản, đặc biệt là phân khúc bất động sản công nghiệp, sẽ chịu tác động nếu các DN nước ngoài rút khỏi Việt Nam. Tác động dây chuyền có thể lan sang thị trường vàng và ngành ngân hàng, khi xuất khẩu sụt giảm, kéo theo nhu cầu tín dụng cho sản xuất giảm sút. Đặc biệt, tỷ giá và dự trữ ngoại hối cũng đang là những yếu tố đáng lo ngại, nếu tình trạng này kéo dài, Việt Nam có thể đối mặt với áp lực thiếu hụt ngoại tệ, ảnh hưởng đến sự ổn định kinh tế.

* Bên cạnh những thách thức, liệu đây có phải là thời điểm để Việt Nam nghiêm túc nhìn lại mô hình tăng trưởng, coi đây là cơ hội quan trọng để doanh nghiệp trong nước chủ động bứt phá và tái định vị? Việt Nam cần có những ứng xử và hành động như thế nào để thích ứng một cách hiệu quả với tình hình hiện tại?

- Chính trong giai đoạn khó khăn, chúng ta mới có cơ hội nhìn lại mô hình tăng trưởng và rút ra những bài học quan trọng. Việt Nam luôn tự hào là nền kinh tế mở, nhưng sự mở cửa cũng đi kèm với mức độ phụ thuộc lớn vào thị trường quốc tế, khiến nền kinh tế dễ bị tổn thương trước biến động toàn cầu. Thực tế hiện nay cho thấy, đã đến lúc chúng ta cần nghiêm túc xem xét lại mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu, đặc biệt là sự lệ thuộc vào các thị trường lớn.

Trường hợp của Mỹ là ví dụ điển hình về vấn đề thặng dư thương mại, một vấn đề nhạy cảm đã được đề cập nhiều lần, và Việt Nam cũng đã có những nỗ lực giải quyết. Gần đây, truyền thông Mỹ liên tục đưa tin rằng một lượng lớn hàng hóa Trung Quốc đang được “dán nhãn” Việt Nam, sử dụng Việt Nam như trạm trung chuyển để né thuế. Điều đáng chú ý là mức thuế Mỹ dự kiến áp lên hàng hóa Việt Nam hiện nay thậm chí cao hơn cả Trung Quốc.

Chúng ta cần có phản ứng mạnh mẽ hơn, thay vì chỉ đơn phương giảm thuế xuống 0%. Việt Nam cần hiểu rõ lý do tại sao Mỹ lại áp mức thuế cao như vậy và yêu cầu cung cấp bằng chứng cụ thể: tỷ lệ hàng hóa bị cho là có nguồn gốc Trung Quốc, thuộc lĩnh vực nào và chiếm bao nhiêu phần trăm? Chỉ khi các cáo buộc được chứng minh bằng dữ liệu minh bạch, hai bên mới có thể xây dựng chương trình hợp tác thực chất.

* Ông vừa đề cập đến cáo buộc việc hàng hóa Trung Quốc sử dụng Việt Nam như trạm trung chuyển để né thuế. Theo ông, những điểm yếu nào trong chuỗi cung ứng, hệ thống truy xuất nguồn gốc hoặc cơ chế kiểm soát xuất xứ có thể khiến DN Việt rơi vào “bẫy” cáo buộc lẩn tránh thuế từ Mỹ?

- Có ba điểm yếu rõ ràng khiến DN Việt dễ rơi vào bẫy này. Thứ nhất, hệ thống truy xuất nguồn gốc và kiểm soát xuất xứ còn lỏng lẻo. Nhiều DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa, chưa đầu tư vào hệ thống quản lý chuỗi cung ứng, thiếu quy trình kiểm tra, giám sát nguyên liệu đầu vào và quá trình sản xuất minh bạch. Khi xảy ra tranh chấp hoặc điều tra, họ không có đủ bằng chứng để bảo vệ mình.

Cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý còn thiếu chặt chẽ và chủ động, thiếu cảnh báo sớm và công cụ giám sát dòng chảy đầu tư đáng ngờ, đặc biệt là các DN nước ngoài vào Việt Nam chỉ để "gia công nhẹ" và lấy mác "Made in Vietnam" xuất đi nước ngoài. Thêm vào đó, nhiều DN Việt còn thiếu kiến thức và kỹ năng vận hành chuỗi cung ứng theo chuẩn mực quốc tế. Nhiều DN vẫn nghĩ rằng sản xuất trong nước tự động được coi là hàng Việt Nam.

* Trong bối cảnh đó, DN cần tái cấu trúc chiến lược như thế nào để thoát khỏi hình ảnh “xưởng gia công” hoặc “trung chuyển” và vươn lên thành đối tác tin cậy trong chuỗi giá trị toàn cầu?

- Theo tôi, DN Việt cần tái cấu trúc cả tư duy và mô hình kinh doanh. Đây không chỉ là yêu cầu cấp thiết trước sức ép từ các hàng rào kỹ thuật, thuế quan từ Mỹ hay đối tác thương mại, mà còn là con đường sống còn để phát triển bền vững. Trước tiên, DN cần đầu tư mạnh vào năng lực sản xuất thực chất, thay vì chỉ nhập linh kiện về lắp ráp. Cần làm chủ các công đoạn có giá trị gia tăng cao hơn như thiết kế, R&D, và công nghệ lõi.

DN Việt cần xây dựng và vận hành hệ thống truy xuất nguồn gốc chặt chẽ, minh bạch, theo chuẩn quốc tế. Đây không chỉ giúp đối phó với các cuộc điều tra phòng vệ thương mại mà còn thể hiện trách nhiệm trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Cần thay đổi tư duy từ "làm cho xong đơn hàng" sang phát triển thương hiệu và chất lượng dài hạn. DN Việt phải chủ động lựa chọn phân khúc thị trường phù hợp, nâng cấp tiêu chuẩn sản phẩm và xây dựng thương hiệu Việt. Cuối cùng, rất quan trọng là đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và đối tác, tránh phụ thuộc vào một thị trường lớn, khai thác các hiệp định thương mại để tận dụng ưu đãi thuế và học cách “chơi” theo luật chơi toàn cầu.

* Xin cảm ơn ông!

Hưng Khánh