Bộ trưởng Bộ NN&MT: Mỹ áp thuế 46% vừa là thách thức, vừa là cơ hội tái cơ cấu sản xuất
Ông Đỗ Đức Duy - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) đề nghị các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng cần coi việc Mỹ áp thuế 46% vừa là khó khăn thách thức cũng là cơ hội để tái cơ cấu sản xuất…
Ngày 7/4, Bộ NN&MT đã tổ chức cuộc họp khẩn với các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, nhằm đánh giá tác động và bàn giải pháp ứng phó trước việc Mỹ dự kiến áp mức thuế lên đến 46% đối với hàng hóa từ Việt Nam, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 9/4 tới.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Đỗ Đức Duy - Bộ trưởng Bộ NN&MT thẳng thắn nhìn nhận: “Việc Mỹ áp thuế cao là một cú sốc lớn, nhưng không phải là bất ngờ. Chúng ta phải đối mặt với thực tế và biến khó khăn thành cơ hội để tái cơ cấu ngành hàng, nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng thị trường”.
Hiện Mỹ là thị trường tiêu thụ khoảng 22% tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam. Trong năm 2024, xuất khẩu sang Mỹ đạt 14,31 tỷ USD, tăng 25% so với năm 2023, với mức xuất siêu trên 10 tỷ USD. Quý I năm 2025 tiếp tục duy trì đà tăng với kim ngạch đạt 3,21 tỷ USD, tăng gần 15% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, theo ông Ngô Hồng Phong - Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, mức thuế 46% nếu được áp dụng sẽ làm đảo lộn cán cân thương mại giữa hai nước và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đà tăng trưởng của toàn ngành nông nghiệp.

“Đây là cú đấm mạnh vào khu vực xuất khẩu chủ lực, gồm gỗ, thủy sản, hạt điều, tiêu, cà phê và rau quả. Những con số đẹp trong quý I có thể đảo chiều nhanh chóng nếu doanh nghiệp không kịp thời chuyển hướng”, ông Phong cảnh báo.
Trước thách thức này, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy khuyến nghị các hiệp hội và doanh nghiệp cần chủ động hơn nữa trong việc đàm phán trực tiếp với đối tác Mỹ để giải thích rõ về nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn sản phẩm và thực hiện các cam kết tuân thủ luật chơi quốc tế.
Ông cũng cho biết Chính phủ Việt Nam đang tích cực đàm phán với phía Mỹ để tìm giải pháp điều chỉnh chính sách thuế, song song với đó là xây dựng các kịch bản ứng phó linh hoạt nếu tình huống xấu nhất xảy ra.
Bộ NN&MT cam kết sẽ đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp trong việc tìm kiếm thị trường thay thế; kiến nghị Chính phủ về các chính sách hỗ trợ tài chính; tăng cường năng lực chế biến sâu và nâng cao tiêu chuẩn kỹ thuật cho hàng nông sản.
Trong ngắn hạn, các doanh nghiệp được khuyến cáo cần đẩy nhanh tiến độ giao hàng trước ngày 9/4, đồng thời nhanh chóng rà soát quy trình kiểm soát xuất xứ để tránh bị cáo buộc gian lận, đặc biệt là nguy cơ hàng Trung Quốc “đội lốt” Việt Nam.
Về dài hạn, Việt Nam cần chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường có hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam như Trung Quốc và châu Âu. Theo đề xuất, gỗ và sản phẩm gỗ sẽ hướng đến Nhật Bản, Trung Quốc, EU; thủy sản đến Trung Quốc, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc; hạt điều xuất sang EU, Trung Quốc, UAE, Anh; hạt tiêu hướng đến EU, UAE, Ấn Độ, Trung Quốc; rau quả đến Trung Quốc, Hàn Quốc, EU, ASEAN; cà phê xuất khẩu sang Đức, Ý và Nhật Bản.