---- Kinh doanh

“Sóng" AI đã đến: Doanh nghiệp Việt đang ở đâu và cần làm gì?

Điêu Hoàng Tú Uyên (*) 07/04/2025 06:05

Trong kỷ nguyên số, trí tuệ nhân tạo (AI) đã chuyển từ xu hướng trở thành yếu tố then chốt trong chiến lược phát triển của các doanh nghiệp (DN) toàn cầu. Tại Việt Nam, tiềm năng của AI là rất lớn, nhưng việc ứng dụng vẫn đối mặt với nhiều thách thức.

Thay đổi tích cực từ AI

AI đang chứng minh là công cụ mạnh mẽ thúc đẩy đổi mới và cải tiến trong mọi ngành nghề. Báo cáo của McKinsey & Company (2024) cho thấy 78% DN trên toàn thế giới đã ứng dụng AI vào ít nhất một chức năng kinh doanh, trong đó 71% đã tích hợp AI tạo sinh (Generative AI) để tối ưu hóa quy trình, giảm chi phí và nâng cao hiệu quả công việc.

tri-tue-nhan-tao.jpg
Việc ứng dụng AI của DN Việt vẫn đối diện nhiều thách thức

Tại Việt Nam, dù mức độ ứng dụng AI vẫn còn khiêm tốn so với các quốc gia phát triển, nhưng đã xuất hiện nhiều tín hiệu tích cực. Khảo sát của Anphabe năm 2024 cho thấy 32% DN Việt Nam đã triển khai AI trong các hoạt động sản xuất và vận hành - một con số đáng khích lệ trong bối cảnh chuyển đổi số đang tăng tốc.

Những bước tiến này cho thấy AI đã bắt đầu đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các bài toán cốt lõi của DN, từ tối ưu hóa chất lượng sản phẩm, nâng cao trải nghiệm khách hàng, đến phát hiện gian lận. Các công nghệ như chatbot, phân tích dữ liệu lớn và hệ thống tự động hóa đang dần thay thế hoặc hỗ trợ hiệu quả cho các phương thức vận hành truyền thống, góp phần nâng cao hiệu suất và giảm thiểu rủi ro.

Cụ thể, các lĩnh vực ứng dụng AI phổ biến nhất hiện nay gồm: chăm sóc khách hàng và thiết kế sản phẩm (41,6% DN triển khai), tiếp thị cá nhân hóa (26,3%) và phân tích - báo cáo dữ liệu (25,7%). Những ứng dụng ban đầu này không chỉ cải thiện hiệu quả hoạt động nội bộ mà còn góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.

Thách thức cần vượt qua

Dù đã có nhiều tín hiệu tích cực nhưng việc ứng dụng AI rộng rãi tại các DN Việt Nam vẫn còn nhiều trở ngại. Một trong những nguyên nhân chính là sự thiếu nhận thức về lợi ích thực tế mà AI mang lại, cùng với đó là việc thiếu một chiến lược triển khai AI toàn diện. Phần lớn các DN chỉ ứng dụng AI trong một số bộ phận nhất định như IT, tiếp thị và chăm sóc khách hàng, chưa mở rộng sang các phòng ban khác và quy trình sản xuất, quản lý.

Bên cạnh đó, việc thiếu hụt nguồn lực và cơ sở hạ tầng công nghệ tại nhiều DN, đặc biệt là sự thiếu hụt chuyên gia AI là một trở ngại đáng kể. Theo khảo sát, chỉ 53% nhân viên tại các DN Việt Nam được đào tạo bài bản về AI, điều này làm cản trở việc mở rộng ứng dụng AI, vì không phải tất cả nhân viên đều có đủ kỹ năng hoặc hiểu rõ về công nghệ này. Để giải quyết vấn đề này, các DN cần đầu tư vào việc xây dựng một hệ sinh thái công nghệ mạnh mẽ, bao gồm cơ sở hạ tầng và đội ngũ nhân viên có kỹ năng phù hợp, nhằm giúp ứng dụng AI có thể triển khai hiệu quả hơn.

Lực lượng lao động chính là yếu tố then chốt quyết định sự thành công của AI trong DN. Nếu không chú trọng đào tạo và nâng cao kỹ năng công nghệ cho nhân viên, AI sẽ khó lòng phát huy hết tiềm năng. Mặc dù 61% DN cho biết sẽ triển khai AI rộng rãi trong 5 năm tới, nhưng để biến điều này thành hiện thực, việc trang bị kỹ năng thích hợp cho nhân viên là vô cùng cấp thiết.

Một thách thức khác không kém phần quan trọng là thiếu thời gian để học hỏi và làm quen với AI. Có đến 42% nhân viên cho rằng họ không có đủ thời gian cho việc này. Điều này đòi hỏi các DN cần đầu tư nhiều hơn vào các chương trình đào tạo và tạo điều kiện thuận lợi cho nhân viên tiếp cận kiến thức mới.

ksat.jpg

Mặc dù AI mang lại nhiều lợi ích, nỗi lo về việc công nghệ thay thế con người vẫn hiện hữu. Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), AI có thể làm mất đi 85 triệu việc làm vào năm 2025, nhưng đồng thời cũng tạo ra 97 triệu cơ hội việc làm mới. Điều này đòi hỏi người lao động cần có những kỹ năng mới và khả năng thích ứng cao. Do đó, AI nên được nhìn nhận như một cơ hội để nâng cao năng lực và tìm kiếm những hướng đi nghề nghiệp mới, thay vì là một mối đe dọa.

Tương lai của AI tại Việt Nam

Khảo sát của Anphabe tại Việt Nam cho thấy một điều khá thú vị: hiện nay, người lao động đang chủ động và nhanh chân hơn DN trong việc ứng dụng AI để hỗ trợ công việc. Cụ thể, 36% người lao động cho biết thỉnh thoảng sử dụng AI, và 20% cho biết sử dụng thường xuyên. Đáng chú ý, trong nhóm đã áp dụng AI vào công việc, có đến 77% sử dụng công nghệ này với tần suất hàng ngày hoặc hàng tuần.

Tương lai của AI tại Việt Nam được đánh giá là rất hứa hẹn. Tuy nhiên, để khai thác tối đa tiềm năng đó, DN cần có chiến lược dài hạn và rõ ràng. Chiến lược này không chỉ dừng ở việc phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ, mà còn bao gồm đào tạo nhân sự và tạo lập môi trường làm việc thuận lợi cho việc áp dụng AI.

Điều quan trọng là các DN Việt Nam cần sớm nhận ra cơ hội lớn mà AI mang lại và nhanh chóng triển khai những bước đi chiến lược. Nếu chậm chân, họ có nguy cơ bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua chuyển đổi số. AI không chỉ giúp tối ưu hóa quy trình vận hành, mà còn góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm - dịch vụ, mở ra những đột phá trong năng lực cạnh tranh.

Để tận dụng tối đa giá trị mà AI mang lại, DN cần tập trung vào ba trụ cột: đầu tư vào con người, phát triển hạ tầng công nghệ và xây dựng chiến lược ứng dụng AI một cách bài bản. Khi đó, AI không chỉ là công cụ hỗ trợ mà còn trở thành yếu tố mang tính quyết định cho sự phát triển bền vững trong kỷ nguyên số. Bởi suy cho cùng, đầu tư vào AI cũng chính là đầu tư cho tương lai.

Giám đốc Nghiên cứu và Tư vấn Nguồn nhân lực Anphabe

Điêu Hoàng Tú Uyên (*)