Bản tin chính sách kinh doanh tuần 10/2025
Trong tuần qua, Chính phủ đã ban hành và triển khai nhiều chính sách quan trọng nhằm thúc đẩy kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp và cải thiện môi trường kinh doanh. Dưới đây là tổng hợp các chính sách đáng chú ý.
Áp dụng quy định mới về xuất khẩu gạo
Kể từ ngày 1/3/2025, Nghị định 01/2025/NĐ-CP, ban hành ngày 1/1/2025, về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 của Chính phủ liên quan đến hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo chính thức có hiệu lực.
Theo đó, về quyền kinh doanh xuất khẩu gạo, Nghị định 01/2025/NĐ-CP bổ sung quy định: Thương nhân có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo chỉ được thực hiện hoạt động ủy thác xuất khẩu hoặc nhận ủy thác xuất khẩu từ các thương nhân có cùng loại giấy chứng nhận này.
Bên cạnh đó, về trách nhiệm của thương nhân trong lĩnh vực kinh doanh xuất khẩu gạo, khoản 3 Điều 24 Nghị định 107/2018/NĐ-CP quy định: Định kỳ vào thứ Năm hằng tuần, các thương nhân xuất khẩu gạo phải báo cáo Bộ Công Thương về lượng thóc, gạo thực tế tồn kho theo từng chủng loại cụ thể nhằm phục vụ công tác điều hành và quản lý thị trường.

Quy định khung thời gian khai thác cát, sỏi lòng sông
Chính phủ ban hành Nghị định số 10/2025/NĐ-CP ngày 11/1/2025 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định trong lĩnh vực khoáng sản; trong đó có Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24/2/2020 của Chính phủ quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông.
Cụ thể, Nghị định số 10/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 9 Nghị định số 23/2020/NĐ-CP về nội dung Giấy phép khai thác cát, sỏi lòng sông.
Theo quy định mới, giấy phép khai thác cát, sỏi lòng sông phải có nội dung về thời gian được phép hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông trong ngày, từ 5 giờ đến 19 giờ; quy định về thời gian khai thác trong năm. (Theo quy định cũ tại Nghị định số 23/2020/NĐ-CP, khung thời gian khai thác từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều, không được khai thác ban đêm).
Nghị định số 10/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/3/2025.
Ô tô điện chạy pin không còn được miễn lệ phí trước bạ
Nghị định 10/2022/NĐ-CP ban hành ngày 15/1/2022 về lệ phí trước bạ, có hiệu lực từ ngày 1/3/2025 quy định mức ưu đãi lệ phí trước bạ đăng ký lần đầu dành cho ô tô điện chạy pin là 0% trong vòng 3 năm áp dụng từ ngày 1/3/2022 đến ngày 28/2/2025. Tuy nhiên, từ ngày 1/3/2025 đến ngày 28/2/2027, mức lệ phí trước bạ đối với xe này sẽ bằng 50% so với xe chạy xăng, dầu.

Như vậy, từ tháng 3/2025, ô tô điện không còn được miễn phí trước bạ hoàn toàn như trước đây.
Hiện tại, mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô đăng ký lần đầu tại Việt Nam dao động từ 10% đến 12%, tùy vào từng địa phương. Điều này đồng nghĩa với việc người mua xe điện chạy pin từ ngày 1/3/2025 sẽ phải nộp lệ phí trước bạ khoảng 5 - 6%, tùy tỉnh, thành phố đăng ký xe, thay vì được miễn hoàn toàn như trước.
Với thay đổi này, chi phí lăn bánh của xe điện sẽ tăng so với trước. Chẳng hạn, nếu một mẫu xe điện có giá niêm yết 1 tỷ đồng, mức lệ phí trước bạ mới sẽ rơi vào khoảng 50 - 60 triệu đồng, tùy địa phương áp dụng mức thu lệ phí trước bạ 10 hoặc 12%.
Áp thuế chống bán phá giá với thép cán nóng từ Trung Quốc
Ngày 21/2, Bộ Công Thương ban hành quyết định 460/QĐ-BCT áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời đối với thép cán nóng có xuất xứ từ Trung Quốc.
Theo đó, mức thuế chống bán phá giá áp dụng cho 17 nhà sản xuất, xuất khẩu của Trung Quốc là 27,83%. Mức thuế này cũng sẽ áp dụng cho tất cả tổ chức, cá nhân khác sản xuất, xuất khẩu hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc.

Riêng đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, xuất khẩu hàng hóa có xuất xứ từ Ấn Độ chưa bị áp thuế chống bán phá giá tạm thời.
Mức thuế chống bán phá giá tạm thời sẽ có thời hạn áp dụng 120 ngày kể từ ngày có hiệu lực. Quyết định 460/QĐ-BCT có hiệu lực từ ngày 8/3/2025.