Quản trị

Khi trí tuệ không cạn kiệt

Nhan Húc Quân (*) 05/02/2025 06:11

Nhiệt huyết không phải là một ngọn lửa cháy mãi nếu ta không biết cách giữ gìn.

Trong suốt hơn 30 năm cống hiến cho tập đoàn New Toyo, tôi đã trải qua những giai đoạn đầy hào hứng và cả những lúc cảm thấy như mình đã chạm đến giới hạn của bản thân.

Có những ngày, khi ánh bình minh vừa ló dạng, tôi vẫn hừng hực khí thế với những dự án, những suy tính và cả những việc cần soát xét liên quan đến thể chế, quy trình, hệ thống quản trị cho doanh nghiệp, thậm chí cả những vấn đề thuộc khía cạnh con người. Nhưng cũng có những khoảnh khắc, khi bóng chiều phủ xuống, tôi tự hỏi: "Mình còn giá trị gì nữa không?". Đó là một câu hỏi không dễ chịu, nhưng lại là câu hỏi giúp tôi nhìn lại chính mình.

pngtree-a-man-going-hike-watches-nature-climbing-to-the-top-image_15613901.jpg
Cách tốt nhất để không bị đào thải là phải luôn tiến về phía trước

Nhiệt huyết không phải là một ngọn lửa cháy mãi nếu ta không biết cách giữ gìn. Khi ta cảm thấy cạn kiệt năng lượng, thường có ba nguyên nhân chính:

  1. Sự lặp lại và đơn điệu: Khi những nhiệm vụ từng khiến ta hứng khởi nay trở thành công việc lặp đi lặp lại vì đã dần đi vào hoat động ổn định, ta bắt đầu cảm thấy mất động lực.
  2. Sự bào mòn của trách nhiệm: Khi càng leo cao trên nấc thang sự nghiệp, áp lực càng lớn. Những trách nhiệm chồng chất đôi khi khiến ta quên đi lý do ban đầu vì sao mình chọn con đường này.
  3. Sự phát triển nhanh của thời đại: Công nghệ, trí tuệ nhân tạo, sự thay đổi không ngừng của thị trường có thể làm ta cảm thấy mệt mỏi vì phải gắng sức học để thu hẹp nguy cơ bị bỏ lại phía sau.

Nhưng làm thế nào để vượt qua? Làm thế nào để giữ lửa? Để chứng minh rằng, dù tuổi tác hay sự chuyển động của thế giới bên ngoài có thế nào đi chăng nữa, ta vẫn còn giá trị cống hiến, vẫn còn khả năng tạo ra sự khác biệt…

Tự làm nóng bản thân: Những cách để khơi dậy nhiệt huyết

1. Nhớ lại do bắt đầu

Mỗi khi thấy mình mất phương hướng, tôi thường quay lại điểm xuất phát. Tôi nhớ về những ngày đầu khởi nghiệp trên con đường xây dựng sự nghiệp của mình, khi chỉ có khát vọng và tinh thần không có gì để mất và có thể đánh bại. Câu nói của Simon Sinek luôn vang vọng trong tâm trí tôi: "People don’t buy what you do, they buy why you do it". (Người ta không mua thứ bạn làm, họ mua lý do tại sao bạn làm điều đó).

Tôi tìm lại "tại sao" của mình, vì đó chính là cội nguồn của mọi động lực.

2. Học hỏi không ngừng - Trở thành phiên bản mới của chính mình

Không có gì khiến con người ta cảm thấy vô giá trị hơn việc dậm chân tại chỗ. Tôi nhận ra rằng, cách tốt nhất để không bị đào thải là phải luôn tiến về phía trước. Ngày nay, trí tuệ nhân tạo phát triển mạnh mẽ, nhưng AI không thể thay thế được sự sáng tạo, cảm xúc và tầm nhìn của con người. Học hỏi không có nghĩa là chạy đua với công nghệ, mà là tìm cách hòa nhập và tận dụng sức mạnh của nó để làm cho mình mạnh mẽ hơn.

3. Tạo ra những thử thách mới

Cảm giác chinh phục là một liều thuốc mạnh mẽ. Khi đã đạt đến một vị trí nhất định, ta có xu hướng an toàn trong vùng quen thuộc. Nhưng chính sự an toàn ấy lại là con dao hai lưỡi, khiến ta mất đi nhiệt huyết. Vì thế, tôi luôn tự đặt cho mình những thử thách mới - nghĩ những việc chưa từng nghĩ và làm những việc chưa từng làm! Có thể có một chút táo bạo, liều lĩnh ở một lĩnh vực hoàn toàn mới hoặc đơn giản là một mục tiêu tưởng chừng nhỏ bé nhưng đủ để kích thích tinh thần dám bước ra khỏi vùng an toàn.

4. Tìm đến những con người truyền cảm hứng

Không ai có thể tự vực dậy mình mãi mãi nếu không có những nguồn cảm hứng bên ngoài. Tôi tìm đến những doanh nhân thế hệ đàn anh, đàn chị, thậm chí những bạn doanh nhân trẻ thuộc thế hệ kế thừa lẫn khởi nghiệp , những con người đầy khát vọng và sự sáng tạo để học từ họ một tinh thần - dám nghĩ khác! Tôi cũng dành thời gian đọc về những nhà lãnh đạo vĩ đại, từ Steve Jobs đến Elon Musk, từ Jack Ma đến Warren Buffett. Họ giúp tôi nhận ra rằng, tuổi tác không quyết định giá trị, mà chính tinh thần sẵn sàng học hỏi và thay đổi mới là yếu tố then chốt bởi thành công không phải là đích đến, mà là hành trình không ngừng tiến lên.

AI có thể thay thế con người trong nhiều lĩnh vực, nhưng có những thứ không bao giờ có thể bị thay thế:

  1. Tầm nhìn và sự sáng tạo: Máy móc có thể tính toán nhưng không thể tạo ra những tầm nhìn đột phá.
  2. Sự đồng cảm và khả năng lãnh đạo: Một cỗ máy không thể truyền cảm hứng hay dẫn dắt một đội ngũ.
  3. Khả năng thích nghi và đổi mới: AI hoạt động theo lập trình, còn con người có khả năng thích nghi và biến đổi không ngừng.

Tôi không cố gắng chạy đua với AI, tôi cố gắng hiểu mô thức hoạt động của những con AI và sử dụng nó như một công cụ để tăng hiệu suất và hiệu quả làm việc của mình. Tôi học cách tận dụng công nghệ, nhưng không đánh mất bản sắc riêng của mình.

Cuối cùng, tôi nhận ra rằng, nhiệt huyết không tự nhiên sinh ra, cũng không tự nhiên mất đi, mà nó phụ thuộc vào cách ta lựa chọn nhìn nhận bản thân và thế giới xung quanh. Tôi chọn cách không ngừng học hỏi, không ngừng thử thách, không ngừng cống hiến.

Có thể một ngày nào đó, tôi không còn ngồi ở vị trí hiện tại. Nhưng điều đó không có nghĩa là tôi không còn giá trị. Giá trị thực sự không nằm ở chức danh, mà ở tầm ảnh hưởng và dấu ấn ta để lại trong lòng người khác.

Và vì thế, tôi vẫn tiếp tục bước đi trong sự tín nhiệm, như một ngọn lửa không bao giờ lụi tàn.

(*) Tổng giám đốc Công ty New Toyo

Nhan Húc Quân (*)