Ất Tỵ kể chuyện "Tết Rắn"

Chuyện mới Ất Tỵ: Đi đứng cẩn thận

Quảng Yên 02/02/2025 16:13

Quanh mâm cơm, quanh nồi bánh chưng, Tết năm nay có nhiều chuyện mới gây tranh luận: Mức xử phạt vi phạm Luật Giao thông đường bộ rất khủng, có khi mất cả tháng lương, mấy tháng lương vì những “thói quen xưa nay” không chỉ vượt đèn đỏ, chạy ngược chiều mà cả việc cho là nhỏ như chạy xe máy leo lên vỉa hè.

Có người than: Phạt nặng quá. Có sinh viên đi đường phạm lỗi bị phạt tới 5 triệu đồng thì lấy đâu ra trả, nên chỉ đứng khóc. Rồi có người đọc trên Facebook: Người ta so sánh lỗi phạt của người Mỹ giàu thế cũng chỉ khoảng 1 triệu thì lỗi đó ta phạt tới 20 triệu đồng. Kinh khủng quá!

Có người phản ứng bởi nghe đâu sẽ thưởng tiền cho ai quay được clip tố người phạm lỗi giao thông. Chẳng rõ thực hư thế nào nhưng trên “phây” đã có những tranh ảnh và tin tức mà báo chí chính thống phải “cải chính”: Không có vụ người kiếm 50 triệu đồng nhờ… núp lùm quay cảnh người đi đường phạm lỗi.

Người đi đường nào bây giờ cũng… sợ. Nghe vô lý quá. Ý thức đi đứng tốt thì có gì phải sợ ?

thumnail-doi-thuong-2025.jpg

Người thì cãi: Ai mà không sợ chứ? Là vì không ít người vượt đèn đỏ, lạng lách, chở cồng kềnh, đi ngược chiều, đi vào đường cấm thành “thói quen bền vững”.

Nay còn có những thói quen xấu. Người Sài Gòn xưa va quẹt nhau trên đường thì đỡ nhau dậy, xin lỗi thì nay văn hóa ấy biến đâu mất. Va xe là đánh lộn, có người bị đánh vỡ đầu, đánh đến chết. Cặp vợ chồng nọ đuổi trên phố đánh đập tàn tạ một anh shipper. Thật là kinh khủng!

Phải phạt nặng bởi dân ta… ưa nặng. Giáo dục, kêu gọi mãi có hiệu quả đâu. Nay phạt vào kinh tế sát sườn mới có hiệu quả. Nhiều người bảo vậy. Quá đáng lắm rồi, không thể kéo dài lối sống xấu xí mãi được.

Thôi thì lắm ý kiến bàn bạc, tranh luận. Một “đề tài thời sự rất mới” quanh mâm cơm, quanh ly cà phê, quanh nồi bánh chưng Tết là chuyện phạt và bị phạt. Ai cũng đầy lý lẽ và có con số trích dẫn ý kiến tranh luận trên mạng xã hội. Có người còn “đổ lỗi”, đi đứng khó khăn kẹt xe ùn tắc còn do hệ thống giao thông kém, không đáp ứng nhu cầu. Vậy có phạt những cơ quan liên quan như giao thông, xây dựng không, vì đã gián tiếp gây ra sự lộn xộn này? Rồi có người thắc mắc, sao cho phép dân quay clip người vi phạm giao thông, vậy sao không cho phép dân quay phim chụp hình cảnh sát giao thông làm sai hoặc ăn hối lộ? Thế mới công bằng chứ.

Thôi thì cãi chày cãi cối có đủ cả. Thời nay có chuyện gì mà lại không lắm ý kiến.

Ai mà không muốn có một thành phố văn minh, giao thông thuận tiện và nếp sống chấp hành nghiêm luật giao thông. Trước hết là bảo vệ tính mạng của chính người dân, đi đường an toàn trong trật tự.

Mở cửa xe gây tai nạn cho người đang đi qua, chuyện thấy nhiều rồi, rất nguy hiểm mà nhiều bác tài vẫn không có ý thức. Vậy nay phạt 22 triệu đồng thì… mới nhớ, chứ phạt 600 ngàn đồng như trước thì thấm tháp gì! Đó là sự răn đe cho “khắc vào bộ nhớ” để không dám có lỗi cố ý gây nguy hiểm trên đường.

Tất cả phải giật mình để… rèn luyện hành vi văn minh. Cứ rèn sẽ được. Đã có ví dụ rồi: Chuyện uống rượu lái xe đó, nay đã thành ý thức “đã rượu bia thì không lái xe”. Con người văn minh hơn, tự giác thay đổi thói xấu nhờ vào sự quyết liệt của luật pháp.

Ai cũng nghe lời chê, Sài Gòn còn nhiều rác lắm. Nếu phạt nặng hành vi xả rác nơi công cộng như Singapore thì mới sạch và xanh được.

Hay như chuyện đấu thầu bất động sản. Phạt thật nặng vì tội bỏ thầu thì mới hết thói cứ đấu rõ cao lấy mẽ.

Cuối cùng dù tranh cãi, dù sợ món tiền phạt khủng nhưng kết quả ban đầu đã rõ: Ngay ngày đầu thực hiện đã thay đổi rõ ràng diện mạo giao thông, khẳng định sự quyết tâm của cả nước xóa bỏ những thói quen xấu.

Bây giờ có lời dặn mới: Đi đường đàng hoàng cẩn thận, nghe chưa!

thiep-chuc-xuan-2025.jpg

Quảng Yên