Sẵn sàng vào kỷ nguyên mới

Việt Nam: Thế và lực

Phan Thế Hải 01/02/2025 - 07:01

Sau gần 40 năm đổi mới, đất nước ta đã có một thời kỳ phát triển mạnh mẽ, toàn diện, tích lũy thế và lực đủ lớn để sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới…

Thành tựu sau 40 năm đổi mới

Cuối năm 1986, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam đã “chia tay” với cơ chế cũ và tiến hành công cuộc đổi mới, thừa nhận nền kinh tế thị trường nhiều thành phần, mở cửa và hội nhập với thế giới. Từ một nước bị thiếu lương thực triền miên, Việt Nam không những đã bảo đảm được an ninh lương thực mà còn trở thành một nước xuất khẩu gạo và nhiều nông sản hàng đầu thế giới. Công nghiệp và dịch vụ phát triển khá nhanh, cho thấy việc xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa không những có hiệu quả tích cực về kinh tế mà còn giải quyết rất tốt những vấn đề xã hội.

Việt Nam trở thành một nền kinh tế hội nhập sâu rộng với thế giới khi trở thành đối tác thương mại toàn cầu.

Nền tảng kinh tế vĩ mô của nước ta được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, cân đối ngân sách nhà nước được đảm bảo, đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển, tích lũy đủ nguồn lực thực hiện cải cách tiền lương; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực. Mấy năm qua, nhiều cao tốc đồng loạt khởi công xây dựng, các công trình hạ tầng trọng điểm phát huy hiệu quả; đường cao tốc Bắc Nam phía đông (giai đoạn 1) đã được nối thông, nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc trên cả nước lên 2.021km.

img_20241124101734.jpg

Kinh tế trí thức “lên ngôi”

Nền kinh tế tri thức với đặc trưng cơ bản là tri thức trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, là vốn quý nhất, là nguồn lực quan trọng quyết định sự phát triển kinh tế. Việt Nam đã có đội ngũ doanh nhân trí thức rất đông đảo. Doanh nghiệp công nghệ Việt Nam không những đáp ứng được phần lớn nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài. Các tập đoàn như vậy có thể kể đến FPT Software, Mona Media, CMC Teleco, TMA Solutions, MISA… Cùng với các doanh nghiệp công nghệ, một số tập đoàn lớn ở Việt Nam hoạt động đa ngành cũng đã giành một phần rất lớn để đầu tư công nghệ, như FPT, EVN, VinGroup, Thaco Group, Hòa Phát…

Mới đây, khi quyết định đầu tư vào Việt Nam, người khổng lồ AI của thế giới là Nvidia đã bỏ ra 500 triệu USD để mua VinBrain - công ty trí tuệ nhân tạo của Vingroup - để phát triển một trung tâm thiết kế con chip AI ở Việt Nam. VinBrain là một trong 6 công ty thuộc lĩnh vực công nghệ, công nghiệp của Vingroup, mức đầu tư đến cuối năm 2024 là khoảng 150 triệu USD.

783 tỷ USD: Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2024.

30 tỷ USD: Tổng vốn đầu tư nước ngoài năm 2024 vào Việt Nam.

Ngày nay người Việt chứng kiến những thành tựu được tạo ra từ làn sóng thứ ba của nền kinh tế tri thức là kinh tế phần mềm, một đặc điểm của kinh tế hậu công nghiệp.

Trong triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024, một số sản phẩm công nghệ cao do người Việt thiết kế và chế tạo được các chuyên gia nước ngoài đánh giá cao, như AI camera do Viettel phát triển với các dịch vụ như xem trực tuyến trên thiết bị, lưu trữ sự kiện, cài đặt ứng dụng AI, mã hoá video. Không chỉ có các đơn vị nhà nước mà doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam cũng tham gia áp dụng khoa học - công nghệ vào sản phẩm hỗ trợ quốc phòng và dân sinh như Công ty MAJ chuyên nghiên cứu, thiết kế, sản xuất và lắp ráp thiết bị bay không người lái (UAV). MAJ cũng cung cấp các dòng máy bay không người lái đa nhiệm từ quay phim, chụp ảnh đến trinh sát, giám sát và sử dụng trong lĩnh vực dân sự khác.

VinFast - hãng xe điện non trẻ của Việt Nam mới qua 6 năm có mặt ở thị trường nhưng đã nhanh chóng chinh phục người tiêu dùng bằng những tính năng kỹ thuật vượt trội. Tháng 9/2024, Vinfast trở thành hãng xe bán chạy nhất Việt Nam, vượt qua Toyota, Ford, Honda, Mitsubishi. Không chỉ dừng lại ở thị trường trong nước, VinFast còn tiếp tục mở rộng ra thị trường Philippines, Indonesia...

Không chỉ trong công nghiệp, khoa học công nghệ đã giúp cải thiện cơ cấu giống và tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, thúc đẩy cơ giới hóa trong nông nghiệp; năng suất lao động nông, lâm, thủy sản bình quân tăng 6,8%/năm.

thiep-tet-2025.jpg

Cuộc cách mạng cải cách thể chế và tinh giản bộ máy

Sau gần 40 năm đổi mới, tuy tốc độ tăng trưởng cao, song nguy cơ tụt hậu về kinh tế vẫn hiện hữu, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình và khó tiệm cận với các nước đang phát triển. Những hạn chế này là do trong nền kinh tế vẫn còn những “điểm nghẽn”. Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, ba điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực, trong đó, thể chế là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”.

Với thể chế, điểm nghẽn là bộ máy cồng kềnh và còn nhiều hạn chế trong thực thi công vụ. Tình trạng sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám làm, né tránh trách nhiệm, đùn đẩy công việc lên cấp trên hoặc sang bộ, ngành khác khá phổ biến. Cũng từ đó, việc chuyển đổi mô hình kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu chậm. Giải ngân vốn đầu tư công chậm, tiến độ xây dựng chậm; hiệu quả sử dụng vốn chưa cao, còn dàn trải, nhiều lãng phí.

Đánh giá được điểm nghẽn đó, Đảng và Nhà nước đã kiên quyết tiến hành cuộc cải cách không khoan nhượng. Đặc biệt là cuộc cách mạng tinh giản biên chế, nếu làm được, sẽ có cỡ 400 ngàn công chức, viên chức phải rời “bầu sữa” Nhà nước. Ngân sách giảm bớt được khoản gánh nặng, bộ máy tinh hơn, hiệu quả hơn, hiệu năng hơn và chắc chắn là người dân và doanh nghiệp đỡ phiền nhiễu hơn. Tinh giản là việc không dễ, nhưng để chuẩn bị cho một kỷ nguyên mới tăng tốc và cất cánh, rất cần thiết phải có những cuộc “phẫu thuật” cắt bỏ những phần dư thừa để cho bộ máy công quyền trở nên hiệu năng, hiệu quả thực sự.

Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 10 Khóa XIII, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, Trung ương đã thống nhất đánh giá: Với thế và lực đã tích lũy được sau 40 năm đổi mới, với sự đồng lòng, chung sức của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, với thời cơ, thuận lợi mới, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, chúng ta đã hội tụ đủ những điều kiện cần thiết để giải phóng toàn bộ sức sản xuất, phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, lấy nguồn lực nội sinh, nguồn lực con người là nền tảng, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo là đột phá để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Từ một nền kinh tế lạc hậu, Việt Nam đã vươn lên lọt vào Top 40 nền kinh tế hàng đầu, có quy mô thương mại trong Top 20 quốc gia trên thế giới, một mắt xích trong 16 FTA gắn kết với 60 nền kinh tế ở khu vực và toàn cầu. Việt Nam đã có đội ngũ doanh nhân trí thức rất đông đảo.

Phan Thế Hải