Ất Tỵ kể chuyện "Tết Rắn"

Vẽ rắn không thêm chân

Diên Vỹ 01/02/2025 - 07:00

Con rắn mới thật là phức tạp! Trong Kinh Thánh Kitô giáo, nó là biểu tượng của cái ác, tội lỗi và cả cái chết. Trong thần thoại Hy Lạp - La Mã hình ảnh rắn lại gắn liền với thần y học và chữa lành Asclepius và hai con rắn quấn quanh vị thần tượng trưng cho kiến thức cùng sự thông thái. Chưa hết, các chuyện truyền kỳ Ai Cập cổ đại lại coi rắn là biểu tượng của sự bất tử, sự sùng bái và cải lão hoàn đồng. Còn nữa, các từ như lưỡng tính, sự gợi cảm, khoái lạc, sự cám dỗ và cả… dương vật đều được liên tưởng khi nghĩ về rắn! Trao cho rắn bao nhiêu “chức trách” cả xấu và tốt như thể vẽ rắn thêm chân!

Thành ngữ “Họa xà thiêm túc”

(畫蛇添足 - Vẽ rắn thêm chân) bắt nguồn từ cổ sử “Chiến Quốc Sách” viết về đất Trung Hoa thời Chiến Quốc (năm 490-221 trước Công nguyên), chép truyện tướng Chiêu Dương nước Sở cho quân công phá, chiếm đóng các thành trì nước Ngụy rồi thừa thắng muốn đánh chiếm cả nước Tề. Tề Vương cử Trần Chẩn du thuyết, đến gặp Chiêu Dương. Sau khi chúc mừng chiến thắng của quân Sở, Trần Chẩn mới hỏi Chiêu Dương: “người có công giết tướng chiếm đất, nước Sở sẽ phong quan tước gì?”; trả lời: “phong tới chức Trụ quốc”. Lại hỏi tiếp: “có chức vị nào cao quý hơn không?”, đáp: “chỉ còn chức Lệnh doãn (tương đương với Thừa tướng)”.

thumnail-1200x800px3.jpg

Trần Chẩn nói: “nhưng Sở Vương chẳng thể lập ra hai Lệnh doãn!”, và kể câu chuyện một nhà quý tộc nước Sở sau khi dâng cúng tổ tiên đem hũ rượu ngon ra nói với môn khách “Nếu tất cả mọi người uống thì hũ rượu này không đủ, một người uống lại thừa. Vậy hãy thi vẽ rắn trên nền đất, ai vẽ xong trước sẽ được thưởng hũ rượu”. Có người vẽ rắn xong, lấy hũ rượu định uống, lại lớn tiếng: “Ta còn có thể vẽ rắn thêm chân nữa!”. Anh ta vẽ chân rắn chưa tới đâu, đã có người khác vẽ xong con rắn; lấy lại hũ rượu, bảo rằng: “Rắn làm gì có chân, thêm chân cho nó không còn là rắn nữa”, rồi uống cạn hũ rượu .

Kể xong chuyện “Họa xà thiêm túc”, Trần Chẩn mới nói với Chiêu Dương: “Tướng quân phò Sở Vương công phá nước Ngụy, phá quân diệt tướng, đã giành được tám thành trì. Nay lại dẫn quân sang nước Tề, khiến người nước Tề kinh hãi. Chỉ cần dựa vào điểm này thôi, tướng quân đã đủ được vinh danh ban tước rồi. Nhưng xét về chức vị, thì đã chẳng thể được tấn phong thêm chức tước gì nữa. Nếu đánh mà không thắng, lại không biết dừng đúng lúc, thì chỉ chuốc lấy họa, tước vị cũng sẽ chẳng thuộc về tướng quân, cũng như câu chuyện vẽ rắn thêm chân vậy!

Chiêu Dương thấy lời của Trần Chẩn hợp đạo lý, bèn rút quân về nước.

Truyện kể trên khá gần với truyện Trạng Quỳnh vẽ mười con rắn chỉ trong chớp mắt!

Rắn tốt - rắn xấu

Trong Kinh Cựu Ước hình ảnh con rắn xuất hiện ngay từ những trang đầu (sách Sáng Thế) và được nhắc đến trên 40 lần. Con rắn trong Thánh Kinh có cả tốt và xấu. Mặt xấu là khi rắn được đồng hóa với quỷ vương Satan cám dỗ tổ tông loài người phạm tội. Song có lúc rắn được coi là biểu tượng của sự khôn ngoan: “Hãy khôn ngoan như con rắn!” (sách Tin Mừng), hay rắn đồng cứu người (sách Dân Số). “Chính vì quỷ dữ ganh tỵ, mà cái chết xâm nhập thế gian” (sách Sáng Thế); sách Khải Huyền gọi rắn là Satan, ma quỷ. Trong vườn Địa đàng, rắn cám dỗ Eva và Adam ăn trái cấm, để rồi sa ngã, phạm tội tổ tông, không còn cơ hội sống đời đời!

thumnail-1200x800px2.jpg

Rắn cũng xuất hiện lần nữa trong Thánh Kinh, khi Moise và Aaron ném gậy xuống đất hóa thành rắn để Pharaon cho dân Chúa đi tự do. Trong sa mạc, Moise đúc rắn đồng treo lên cây cao, ai bị rắn cắn nhìn vào đó sẽ được chữa lành. Trong 40 năm lưu lạc trong sa mạc, dân Do Thái có lẽ đã tiếp xúc, đụng độ hoặc muốn đồng hóa với các bộ lạc thờ rắn sống trong vùng, và Moise phải đúc rắn đồng riêng cho dân Do Thái để họ tiếp tục cuộc hành trình về Đất Hứa.

Ngoài ra, còn có chuyện thần thoại Gilgamesh xứ Sumeria, kể rằng vua Utnaphistim và vợ ông tìm được một cây trường sinh, nhưng lại bị một con rắn đánh cắp mất cây quý, từ đó không ai có thể bất tử. Điển tích về rắn cướp lấy cơ hội trường sinh bất tử của con người ảnh hưởng ít nhiều sự tích Satan hóa thân rắn đến cám dỗ Eva, từ đó loài người mất đi cơ hội sống đời đời.

Rắn trong tác phẩm nghệ thuật

Hình ảnh con rắn được sử dụng rộng rãi trong suốt lịch sử nghệ thuật thế giới. Các nhà khảo cổ Hy Lạp đã tìm thấy tại Lakonia một tách uống nước vẽ hình chim ưng đấu với rắn, có niên đại khoảng năm 530 TCN. Một quan tài với xác ướp của Paankhenamun, người canh gác đền thờ thần Amun, có hình vẽ rắn, khoảng năm 945-715 TCN. Gần hơn là một tượng đầu rắn tìm thấy được ở Mexico, khoảng năm 700-1000 SCN. Và rất nhiều tượng thần, tượng Phật với rắn ở Ấn Độ, Campuchia, Lào các thế kỷ từ 10 đến 17.

thumnail-1200x800px.jpg

Tác phẩm mỹ thuật liên quan đến rắn thì đếm không xiết, từ thời Trung cổ cho đến hiện đại, với các tác giả xuất sắc, nổi tiếng từ Đông sang Tây, Âu sang Á… Nhưng không có tác phẩm nào vẽ rắn thêm chân!

thiep-chuc-xuan-2025.jpg

Diên Vỹ