Trong nước

Chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tạo động lực mới cho cộng đồng doanh nghiệp Việt khai thác dư địa thị trường Ba Lan

Hưng Khánh 17/01/2025 09:59

Đây là nhận định của ông Trần Trọng Hùng - Phó chủ tịch Liên hiệp Hội Doanh nhân Việt Nam tại châu Âu, Chủ tịch Hội Doanh nhân Việt Nam tại Ba Lan, trong cuộc trao đổi nhanh với phóng viên Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn, nhân dịp Thủ tướng Phạm Minh Chính đang có chuyến thăm chính thức tới Ba Lan (từ ngày 15 - 18/1). Đây là lần đầu tiên sau 15 năm một Thủ tướng Việt Nam thăm quốc gia này, kỳ vọng mở ra nhiều cơ hội thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước...

* Thưa ông, chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Ba Lan sau 15 năm có ý nghĩa như thế nào đối với cộng đồng doanh nghiệp (DN) Việt Nam tại đây?

- Chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh dấu một cột mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Ba Lan, đưa hợp tác song phương lên một tầm cao mới với định hướng chiến lược rõ ràng. Với sự ủng hộ từ một quốc gia có truyền thống thân thiện và ngày càng gia tăng ảnh hưởng tại châu Âu, Việt Nam có thêm cơ hội tận dụng lợi thế để mở rộng giao thương vào thị trường châu Âu. Đồng thời, Ba Lan coi Việt Nam là cửa ngõ quan trọng để tiếp cận thị trường châu Á.

Về kinh tế, chuyến thăm không chỉ thúc đẩy hợp tác thương mại, mà còn tạo động lực mới cho doanh nghiệp hai nước khai thác tiềm năng bổ trợ lẫn nhau. Những nỗ lực của Thủ tướng trong việc thúc đẩy mở đường bay thẳng và miễn visa 45 ngày từ ngày 1/3/2025 sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho giao thương và hợp tác kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để DN Việt tại cả hai nước phát triển mạnh mẽ hơn.

Ông Trần Trọng Hùng

Trong bối cảnh kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, chuyến thăm không chỉ nhấn mạnh việc thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực đào tạo, giao lưu văn hóa và hỗ trợ cộng đồng người Việt tại Ba Lan, mà còn mở ra cơ hội tăng cường hiểu biết lẫn nhau. Đồng thời, đây cũng là hành lang thuận lợi để cộng đồng doanh nghiệp Việt tại Ba Lan đóng vai trò tích cực hơn trong việc thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa hai nước.

Đối với cộng đồng doanh nhân Việt Nam tại Ba Lan, chuyến thăm này mang ý nghĩa đặc biệt, khẳng định vai trò và vị thế của cộng đồng trong mắt chính quyền và người dân sở tại. Với nguồn lực sẵn có, từ cơ sở vật chất đến thế hệ trẻ được đào tạo bài bản, cộng đồng DN Việt sẵn sàng nắm bắt các cơ hội hợp tác kinh tế mới, đồng thời trở thành cầu nối quan trọng thúc đẩy mối quan hệ giữa Việt Nam - Ba Lan.

ong-ba-lan.jpg
Ông Trần Trọng Hùng - Đại diện cho Hội Doanh nhân Việt Nam tại Ba Lan phát biểu chia sẻ tại Buổi gặp mặt của Thủ tướng Phạm Minh Chính với cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan, chiều 16/1 (giờ địa phương). Ảnh: Ông Trần Trọng Hùng

* Ông đánh giá tiềm năng thương mại giữa Việt Nam và Ba Lan hiện nay ra sao? Những cơ hội nào DN Việt Nam có thể tận dụng trong mối quan hệ hợp tác này?

- Là những DN Việt Nam đang kinh doanh tại Ba Lan, chúng tôi nhận thấy nhiều tiềm năng từ một đất nước đã mở cửa từ năm 1989, và đến nay đã khẳng định được vị thế của mình, trở thành nền kinh tế thứ 6 tại châu Âu.

Ba Lan là một trong những thị trường cửa ngõ quan trọng giúp DN Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào Liên minh châu Âu (EU). Với dân số gần 40 triệu người và vị trí địa lý chiến lược, Ba Lan không chỉ là thị trường tiêu thụ đầy tiềm năng mà còn là trung tâm trung chuyển hàng hóa đến các quốc gia EU lân cận.

Hai nền kinh tế Việt Nam và Ba Lan có nhiều yếu tố bổ sung lẫn nhau, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại nông sản và thực phẩm, tạo ra nhiều cơ hội hợp tác bền vững.

Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA), có hiệu lực từ tháng 8/2020, đã trở thành cú hích quan trọng trong việc thúc đẩy giao thương giữa hai bên, giúp giảm bớt rào cản thuế quan, thúc đẩy lưu thông hàng hóa và đầu tư song phương. Đặc biệt, cam kết của Tổng thống Andrzej Duda về việc ủng hộ sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA), như đã thảo luận với Thủ tướng Phạm Minh Chính, hứa hẹn mang lại những bước tiến mới trong hợp tác kinh tế và đầu tư giữa Việt Nam và EU.

Đối với các DN muốn xâm nhập thị trường Ba Lan, một lợi thế nổi bật là cộng đồng người Việt tại đây với gần 40.000 người, đã xây dựng nền tảng vững chắc cho các hoạt động kinh doanh. Điển hình là khu trung tâm thương mại Wolka Kosowska - một tổ hợp rộng 300.000 m² phát triển suốt 30 năm qua. Đây không chỉ là nơi kinh doanh của hàng chục ngàn người Việt mà còn là cơ sở hạ tầng tiềm năng để các DN trong nước khai thác hiệu quả khi nhận sự quan tâm đúng mức.

anh-man-hinh-2025-01-17-luc-08.40.13.png
Khu trung tâm thương mại Wolka Kosowska – một tổ hợp rộng 300.000 m² được cộng đồng người Việt tại Ba Lan phát triển trong suốt 30 năm

*Như ông chia sẻ, Việt Nam - Ba Lan có nhiều dư địa hợp tác nhờ những lợi thế bổ sung cho nhau. Cụ thể là gì, thưa ông?

- Việt Nam và Ba Lan là hai quốc gia có thế mạnh trong lĩnh vực nông nghiệp, nhưng sản phẩm của hai bên về cơ bản không cạnh tranh trực tiếp mà hỗ trợ hiệu quả cho nhau.

Cụ thể, các mặt hàng chủ lực mà Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Ba Lan bao gồm hàng may mặc, giày dép, thủy sản (tôm, cá tra, cá ba sa)... Đặc biệt, mặt hàng nông sản từ Việt Nam gồm ngũ cốc, gạo, cà phê, hạt điều, tiêu… có tiềm năng rất lớn để nhập khẩu vào Ba Lan, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu phục vụ sản xuất và phân phối trong khu vực.

Ngược lại, Ba Lan có thế mạnh về dược phẩm, các sản phẩm từ sữa, thức ăn gia súc, mỹ phẩm… chất lượng cao, được sản xuất theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt của EU. Đây cũng chính là những mặt hàng mà Việt Nam đang có nhu cầu nhập khẩu lớn.

Trong thời gian tới, Ba Lan dự kiến mở rộng hợp tác trong lĩnh vực công nghệ cao, đặc biệt là gia công phần mềm, nơi Việt Nam đã khẳng định được vị thế của mình như một đối tác lý tưởng. Đồng thời, Ba Lan cũng dành sự quan tâm đến việc nhập khẩu thiết bị điện tử từ Việt Nam, bao gồm sản phẩm công nghệ như thiết bị viễn thông, linh kiện điện tử, và máy móc công nghiệp.

Bên cạnh đó, ngành năng lượng tái tạo là một lĩnh vực đầy triển vọng, đặc biệt trong bối cảnh châu Âu đang hướng tới các mục tiêu bền vững. Việt Nam với tiềm năng lớn trong sản xuất năng lượng tái tạo có thể xuất khẩu các thiết bị như tấm pin mặt trời và tua-bin gió sang Ba Lan. Cũng trong lĩnh vực này, Ba Lan mong muốn hợp tác với các DN Việt Nam trong nghiên cứu và phát triển công nghệ năng lượng sạch, mở ra cơ hội phát triển mạnh mẽ cho cả hai bên trong tương lai.

* Với tiềm năng lớn của thị trường và nhiều dư địa chưa được khai thác, theo ông, đâu là những lý do khiến các DN Việt Nam vẫn còn gặp khó khăn trong việc tận dụng những cơ hội này?

- Một trong những điểm yếu của DN người Việt tại Ba Lan là vẫn áp dụng phương thức kinh doanh mua đứt bán đoạn. Mặc dù hình thức này mang lại hiệu quả trong giai đoạn trước, nhưng không còn phù hợp với môi trường kinh doanh hiện đại. Phương thức này hạn chế khả năng tạo ra giá trị gia tăng và xây dựng thương hiệu lâu dài, điều cần thiết trong một thị trường cạnh tranh toàn cầu.

Thêm vào đó, họ chưa chú trọng đầu tư vào công nghệ và đổi mới. Việc thiếu sự ứng dụng công nghệ hiện đại trong các hoạt động như thanh toán điện tử hay quản lý chuỗi cung ứng khiến DN khó tối ưu hóa hiệu quả kinh doanh, từ đó không thể nâng cao năng lực cạnh tranh so với các đối thủ quốc tế.

Đối với các DN trong nước đã hoặc đang quan tâm đến thị trường Ba Lan, một trong những thách thức lớn khiến họ khó duy trì được sự hiện diện vững vàng chính là vấn đề chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, nông sản Việt Nam vẫn còn một lượng lớn chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế, chủ yếu do hạn chế trong khâu thu hoạch và xử lý sau thu hoạch. Quá trình bảo quản và sơ chế chưa tối ưu không chỉ làm giảm chất lượng mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Ngoài ra, hầu hết sản phẩm Việt Nam hiện nay vẫn thiếu các thương hiệu riêng, chưa tạo được dấu ấn mạnh mẽ trên thị trường quốc tế khiến sản phẩm Việt Nam khó có được sự nhận diện và uy tín lâu dài, đồng thời cũng hạn chế cơ hội gia tăng giá trị thương mại.

* Theo ông, hướng đi nào phù hợp cho các DN muốn thâm nhập thị trường này?

- Để thành công khi thâm nhập thị trường Ba Lan, các DN nên ưu tiên xuất khẩu nguyên liệu sản xuất. Đây là cách tiếp cận hiệu quả, cho phép các công ty Ba Lan sử dụng nguyên liệu từ Việt Nam để sản xuất sản phẩm của họ. Điều này không chỉ giúp tạo thói quen tiêu dùng mà còn xây dựng nhu cầu bền vững tại thị trường địa phương, từ đó mở đường cho các sản phẩm mang thương hiệu Việt tiếp cận thị trường trong giai đoạn tiếp theo.

Đối với các thương hiệu có tham vọng tiếp cận trực tiếp người tiêu dùng tại Ba Lan, việc chỉ dựa vào kinh nghiệm tại các thị trường khác là chưa đủ. DN cần đầu tư bài bản vào các nghiên cứu thị trường địa phương, nhằm đánh giá chính xác mức độ tiêu thụ, nhu cầu và thị hiếu của khách hàng thông qua từng kênh phân phối cụ thể. Việc hợp tác với các đơn vị nghiên cứu thị trường uy tín, có kinh nghiệm lâu năm tại Ba Lan, sẽ giúp đảm bảo thông tin thu thập được chính xác và phù hợp với thực tế, từ đó xây dựng chiến lược kinh doanh hiệu quả hơn.

465153763_888096303457649_9118668790101868115_n.jpg
Ông Trần Trọng Hùng (thứ ba từ phải qua) trong một buổi ký kết hỗ trợ tiêu thụ hàng hoá giữa Hội Doanh Nghiệp Việt Nam tại Ba Lan và Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Nam Định

Đồng thời, việc thiết lập các kho ngoại quan có thể là giải pháp thay thế linh hoạt, giúp giảm bớt hạn chế của phương thức giao thương mua đứt bán đoạn, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động xuất nhập khẩu và thâm nhập thị trường châu Âu.

Trên hết, DN Việt cần chú trọng vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng cao của EU. Đồng thời, áp dụng các công nghệ, giải pháp quản lý hiện đại để tối ưu hóa chuỗi cung ứng, từ sản xuất đến phân phối, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

*Là tổ chức hội đoàn lớn nhất kết nối DN và doanh nhân người Việt tại Ba Lan, trong thời gian tới, Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Ba Lan sẽ triển khai những kế hoạch gì để thúc đẩy hợp tác giữa các DN, tận dụng tiềm năng và khai thác dư địa từ mối quan hệ giữa hai nước?

- Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Ba Lan đã, đang và sẽ luôn luôn đồng hành cùng các DN trong nước trong việc tìm kiếm đối tác và nghiên cứu thị trường.

Chúng tôi không ngừng nỗ lực phối hợp với các đơn vị trong nước để tổ chức các hội thảo trực tuyến, cung cấp hướng dẫn chuyên sâu về cách tiếp cận thị trường, tham gia hội chợ và thực hiện nghiên cứu thị trường bài bản trước khi DN thâm nhập thị trường Ba Lan. Gần đây nhất, vào ngày 9/1/2025, thông qua sự kết nối của Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài (BAOOV), chúng tôi đã phối hợp với Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn và BAOOV, tổ chức thành công phiên kết nối giao thương trực tuyến với cộng đồng DN tỉnh Long An và các tỉnh lân cận. Đây là một tín hiệu tích cực, thể hiện tiềm năng hợp tác ngày càng sâu rộng giữa DN hai nước.

Tôi tin tưởng rằng những chương trình kết nối như vậy, đặc biệt là các buổi giao thương trực tiếp ngay tại Ba Lan sẽ được tổ chức trong thời gian sắp tới. Chúng tôi rất mong được chào đón các doanh nhân Việt Nam đến Ba Lan để trực tiếp tìm hiểu, gặp gỡ đối tác và tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại cùng cộng đồng DN tại đây.

5j0a4361.jpg
Ông Trần Trọng Hùng chia sẻ trong phiên kết nối giao thương trực tuyến do Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn phối hợp cùng các đơn vị tổ chức hôm 9/1/2025

Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Ba Lan là tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nhân người Việt, với 87 thành viên hoạt động trong nhiều lĩnh vực như xuất nhập khẩu, phân phối truyền thống và trực tuyến, kinh doanh bất động sản, nhà hàng, khách sạn...

312809840_453772773556673_8071093150382507049_n.jpg

Không chỉ tập trung vào sức mạnh nội tại của hội viên, Hội còn là biểu tượng cho sự gắn kết và phát triển của cộng đồng gần 30.000 người Việt tại Ba Lan. Với bề dày lịch sử hơn 30 năm, Hội đã trở thành cầu nối vững chắc, thúc đẩy hợp tác kinh tế, văn hóa giữa Việt Nam và Ba Lan, góp phần khẳng định vị thế của người Việt trên trường quốc tế.

Hưng Khánh