Trong nước

Thương mại song phương Việt Nam - Trung Quốc đạt hơn 205 tỷ USD

Vĩnh Tế 16/01/2025 - 16:57

Lần đầu tiên Việt Nam thiết lập được quy mô thương mại với Trung Quốc khi kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều đạt hơn 205 tỷ USD trong năm 2024.

Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều giữa Việt Nam và Trung Quốc trong năm ngoái đạt hơn 205 tỷ USD, đánh dấu lần đầu tiên Việt Nam thiết lập được quy mô thương mại ở mức kỷ lục, vượt hơn 200 tỷ USD với thị trường Trung Quốc.

Năm 2024, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 61,2 tỷ USD, giảm khoảng 100 triệu USD so với năm 2023. Trong khi đó, nhập khẩu từ Trung Quốc lên đến 144 tỷ USD, tăng tới hơn 30%.

Trung Quốc cũng tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam khi chiếm đến 26% kim ngạch xuất nhập khẩu. Hàng hóa xuất nhập khẩu giữa hai nước đa dạng, phong phú từ nông sản đến nguyên phụ liệu, hàng điện tử, hàng tiêu dùng…

crawl-20240823201028452-20240823201028456.jpg
Thương mại song phương 2 nước còn nhiều dư địa tăng trưởng, dựa trên nhiều thỏa thuận hợp tác song phương và các hiệp định thương mại đa phương

Những năm gần đây, dù bối cảnh thương mại toàn cầu ảm đạm thì tăng trưởng xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc vẫn tăng mạnh. Năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc đạt 171,9 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 61,2 tỷ USD, tăng 5,6% và chiếm 17,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam; nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 110,6 tỷ USD, giảm 6,6% và chiếm 33,9% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam.

Sự hồi phục mạnh mẽ về thương mại hàng hóa từ đầu năm 2024 đã đưa hoạt động xuất nhập khẩu liên tục sôi động, đặc biệt là nhập khẩu nguyên liệu đầu vào, máy móc thiết bị từ Trung Quốc tăng mạnh. Nửa đầu năm 2024, thương mại 2 chiều đã chinh phục mốc 95 tỷ USD.

Tại thời điểm tháng 7/2024, có không ít dự báo kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc sẽ tiến sát mốc 200 tỷ USD, thậm chí có thể vượt qua mức này.

Theo Bộ Công Thương, thương mại song phương 2 nước còn nhiều dư địa tăng trưởng, dựa trên nhiều thỏa thuận hợp tác song phương, cũng như các hiệp định thương mại đa phương như: Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện toàn diện khu vực (RCEP). Theo đó, khi Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) được nâng cấp sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa đầu tư, thương mại.

Sau khi khởi động đàm phán vào năm 2022, đến nay ACFTA đã trải qua năm 9 phiên đàm phán chính thức, Trung Quốc và ASEAN đã kết thúc cơ bản đàm phán nâng cấp Hiệp định này.

Vĩnh Tế