Thời sự

10 sự kiện kinh tế - xã hội TP.HCM nổi bật 2024 do Doanh Nhân Sài Gòn bình chọn

Nhóm PV 30/12/2024 10:30

TP.HCM kết thúc năm 2024 với nhiều hoạt động nổi bật, khẳng định vị thế đầu tàu cả nước: GRDP tăng 7,17%, vận hành metro số 1, ra mắt C4IR, thúc đẩy chuyển đổi số và tổ chức các sự kiện lớn.

1. TP.HCM vững vàng bước vào kỷ nguyên mới

Năm 2024, TP.HCM tiếp tục khẳng định vai trò đầu tàu kinh tế cả nước với những thành tựu nổi bật. Tăng trưởng GRDP ước đạt 7,17%, thu ngân sách lần đầu tiên vượt mốc 500.000 tỷ đồng (ước đạt 502.000 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2023), chiếm 27% tổng thu ngân sách cả nước. Đây là kết quả của nỗ lực vượt bậc từ chính quyền, doanh nghiệp và người dân thành phố. Trong năm 2025, TP.HCM đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP trên 10%, thực hiện đồng bộ 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng nền tảng vững chắc bước vào “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.”

2. Chính thức vận hành tuyến metro số 1

Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) chính thức vận hành vào năm 2024, sau 16 năm khởi công. Dài 19,7 km, gồm 14 nhà ga, tuyến metro không chỉ là phương tiện giao thông hiện đại mà còn mang lại nhiều tác động tích cực đến sự phát triển đô thị, kinh tế và xã hội của TP.HCM. Đây là tuyến metro đầu tiên tại Việt Nam, sử dụng công nghệ tiên tiến, giúp giảm ùn tắc giao thông, giảm khí thải, và góp phần thay đổi bộ mặt đô thị. Việc hoàn thiện và đưa vào hoạt động dự án này là kết quả của sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền thành phố, các cơ quan chức năng và đối tác quốc tế.

metro-2.jpg

3. Diễn đàn Kinh tế TP.HCM 2024

Diễn đàn Kinh tế TP.HCM 2024 diễn ra từ ngày 23 đến 25/9 với sự tham gia của 1.500 đại biểu trong nước và quốc tế, bao gồm Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ ngành và đại diện từ 25 quốc gia. Với chủ đề “Chuyển đổi công nghiệp - Động lực mới cho phát triển bền vững TP.HCM,” diễn đàn tập trung thảo luận các xu hướng công nghệ mới, chiến lược phát triển công nghiệp xanh và các giải pháp đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, phiên đối thoại chính sách với Thủ tướng đã mở ra cơ hội để doanh nghiệp, địa phương trao đổi trực tiếp về các thách thức và đề xuất giải pháp phát triển bền vững.

dien-dan-kinh-te.jpeg

4. Ra mắt Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (C4IR)

C4IR TP.HCM chính thức ra mắt vào năm 2024, trở thành một thành viên của mạng lưới toàn cầu thuộc Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF). Trung tâm tập trung nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, blockchain, IoT và các giải pháp đột phá. Sự ra đời của C4IR đánh dấu bước tiến lớn của TP.HCM trong cuộc cách mạng số, tạo điều kiện để phát triển đô thị thông minh và bền vững. Đây cũng là cầu nối để TP.HCM hợp tác với các đối tác quốc tế, thúc đẩy chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực.

c4ir.jpg

5. Thành lập Trung tâm Chuyển đổi số TP.HCM

Đầu năm 2024, TP.HCM thành lập Trung tâm Chuyển đổi số, đặt nền móng cho một đô thị số hiện đại. Trung tâm triển khai các nền tảng số dùng chung, như bản đồ số TP.HCM, lưu trữ tài liệu điện tử, và các công cụ hỗ trợ quản lý khu phố, ấp. Đồng thời, trung tâm phát triển ứng dụng “Công dân TP.HCM” và hoàn thiện hệ thống đánh giá chất lượng dịch vụ công, sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Đây là một bước tiến quan trọng trong cải cách hành chính và hiện đại hóa hệ thống quản lý.

6. Hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp

Từ ngày 16 đến 22/12, TP.HCM tổ chức Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp 2024 (WHISE 2024) với 15 sự kiện lớn. Các hoạt động bao gồm hội thảo quốc tế về trí tuệ nhân tạo, ứng dụng công nghệ trong hành chính công và công nghệ giáo dục. Đây là dịp để thành phố khẳng định vai trò tiên phong trong đổi mới sáng tạo, với mục tiêu đưa khoa học công nghệ trở thành động lực cốt lõi cho phát triển kinh tế - xã hội.

Trước đó, trong 2 ngày 15 - 16/11, Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cùng InnoLadb Asia phối hợp tổ Hội nghị Thượng đỉnh Đổi mới sáng tạo 2024. Sự kiện thu hút hơn 1.500 đại biểu, bao gồm lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo cấp tập đoàn toàn cầu, các startup tiềm năng cùng các nhà đầu tư quốc tế đến từ hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ.

7. Hội Báo toàn quốc lần đầu tổ chức tại TP.HCM

Từ ngày 15 đến 17/3, Hội Báo toàn quốc 2024 lần đầu tiên diễn ra tại TP.HCM với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân.” Sự kiện quy tụ 100 cơ quan báo chí và 63 Hội Nhà báo, thể hiện sự chuyên nghiệp, hiện đại của ngành báo chí, đồng thời thúc đẩy hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm giữa các nhà báo và cơ quan báo chí trên cả nước.

hoi-bao.jpg

8. Diễn đàn mùa thu TP.HCM tại Mỹ 2024

Diễn đàn đánh dấu một bước tiến trong quan hệ Việt - Mỹ, đồng thời thể hiện tầm nhìn của TP.HCM trở thành trung tâm kinh tế và tri thức toàn cầu.

Tổ chức tại Santa Clara, New York và Boston từ ngày 25/10 - 1/11/2024, sự kiện đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực công nghệ, tài chính, y tế và tri thức. Trong suốt 7 ngày của diễn đàn, TP.HCM đã ký kết hàng loạt thỏa thuận và biên bản ghi nhớ với các đối tác Hoa Kỳ, mở ra nhiều cơ hội phát triển.

9. Kỷ niệm 20 năm ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004 - 13/10/2024)

TP.HCM đã tôn vinh 92 doanh nghiệp và 82 doanh nhân tiêu biểu năm 2024. Đây là dịp đặc biệt ghi nhận và tôn vinh những doanh nghiệp, doanh nhân xuất sắc đã có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội của thành phố, đặc biệt trong bối cảnh phục hồi sau đại dịch và biến động kinh tế toàn cầu.

10. Lễ hội Áo dài TP.HCM lần thứ 10

Diễn ra từ ngày 7 - 17/3 tại Công viên Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, đường đi bộ Nguyễn Huệ và các điểm đến du lịch trên địa bàn TP.HCM. Lễ hội Áo dài được tổ chức nhằm tôn vinh bản sắc văn hóa truyền thống, vẻ đẹp của tà áo dài Việt Nam, trang phục truyền thống của người Phụ nữ Việt Nam... thông qua các hoạt động văn hóa tinh thần phong phú, hấp dẫn. TP.HCM đã và đang xây dựng, nâng tầm phát triển Lễ hội Áo dài trở thành một sản phẩm du lịch - văn hóa độc đáo thường niên, góp phần thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến với thành phố.

Nhóm PV