Tiền gửi thanh toán của cá nhân đạt 1,19 triệu tỉ đồng
Đến cuối quý III/2024, lượng tiền gửi thanh toán của cá nhân trong hệ thống ngân hàng tăng 7.000 tỉ đồng so với quý trước.
Theo số liệu do Ngân hàng Nhà nước công bố, đến cuối quý III/2024, số lượng tài khoản thanh toán cá nhân trong hệ thống ngân hàng là 197,97 triệu tài khoản, tăng 4.231 tài khoản. Số dư tài khoản tăng thêm 7.000 tỉ đồng, lên 1,19 triệu tỉ đồng. So với cuối năm 2023, số dư tiền gửi trong tài khoản thanh toán cá nhân tăng 100.000 tỉ đồng, còn số tài khoản tăng thêm 15.087.
Bên cạnh đó, số liệu giao dịch của hệ thống thanh toán quốc gia cũng tăng cao trong quý 3. Theo Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước, số lượng giao dịch trên tiểu hệ thống giá trị cao (HV) hơn 5,125 triệu, còn tiểu hệ thống giá trị thấp (LV) hơn 31,28 triệu món (tăng 1 triệu giao dịch so với quý II).
Số liệu giao dịch thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng với hơn 202 triệu món với giá trị giao dịch 367.117 tỉ đồng; lệnh chi, ủy nhiệm chi hơn 4,42 tỉ món với giá trị hơn 73,4 triệu tỉ đồng… Các giao dịch qua Mobile Banking hiện chiếm số lượng lớn với 3,186 tỉ món với giá trị giao dịch là 17,84 triệu tỉ đồng.
Bên cạnh đó, số lượng thẻ ngân hàng nội địa đang lưu hành tăng chậm hơn so với thẻ quốc tế. Cụ thể, tổng số lượng thẻ nội địa gần 110 triệu thẻ (tăng 1,5 triệu thẻ so với quý II), trong khi thẻ quốc tế là 47,14 triệu thẻ (tăng gần 2 triệu thẻ).
Với số lượng tiền gửi thanh toán cúa cá nhân trên tài khoản ngân hàng tăng cao, Ngân hàng Nhà nước đã có công văn yêu cầu các ngân hàng thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn, thông suốt hoạt động thanh toán dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.
Theo đó, các ngân hàng được yêu cầu tăng cường quản lý, giám sát, kiểm soát chặt chẽ hoạt động thanh toán liên ngân hàng qua các hệ thống thanh toán, đảm bảo an toàn, thông suốt, phục vụ nhu cầu thanh toán của khách hàng trong thời gian cuối năm 2024 và Tết Nguyên đán 2025.
Đồng thời, chủ động dự báo về tình hình nhu cầu thanh toán và có phương án ứng phó cụ thể cho từng trường hợp để bố trí đầy đủ nguồn lực, đáp ứng nhu cầu thanh toán tăng cao trước và trong dịp Tết Dương lịch và Tết nguyên đán 2025.
Ngoài ra, tăng cường truyền thông, cảnh báo tới khách hàng về các phương thức, thủ đoạn tội phạm; hướng dẫn khách hàng các biện pháp bảo mật dữ liệu cá nhân, tránh rủi ro lộ, lọt thông tin cá nhân khi thực hiện giao dịch trực tuyến; cách thức sử dụng dịch vụ, thực hiện giao dịch thanh toán an toàn…