Trò chuyện doanh nhân

Doanh nhân không chỉ kinh doanh mà còn truyền cảm hứng

Ngô Quỳnh Trang 16/12/2024 08:56

Bà Hoàng Thị Bích Thảo - Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Hoàng Lam vừa được công nhận là một trong 84 Doanh nhân Tiêu biểu của TP.HCM.

20 năm kiên trì với sứ mệnh Vì một cuộc sống xanh, bà Hoàng Thị Bích Thảo đã chia sẻ về hành trình tạo nên chữ tín của Hoàng Lam thông qua những chương trình mà Công ty đã thực hiện. Đồng thời, bà cũng tiết lộ về cách khơi nguồn cảm hứng cho mình và cho người xung quanh từ những điều giản dị nhất.

2.jpg
Bà Hoàng Thị Bích Thảo 20 năm kiên trì với sứ mệnh 'Vì một cuộc sống xanh'

* Đầu tiên, chúc mừng Công ty TNHH Hoàng Lam được vinh danh danh hiệu Doanh nghiệp TP.HCM tiêu biểu năm 2024 và bà được công nhận là Doanh nhân Tiêu biểu của TP.HCM. Nhìn lại cuộc hành trình 20 năm Vì cuộc sống xanh, bà có chia sẻ gì?

- 20 năm hoạt động trong lĩnh vực này, tôi rất tự hào về những gì mà Công ty Hoàng Lam đã đạt được trong việc giúp TP.HCM có nhiều mảng xanh hơn. Có thể nói, chúng tôi đã đóng góp một phần công sức làm cho Thành phố trở nên xanh, sạch, đẹp.

Một trong những điều khiến tôi tự hào nhất đó là làm đẹp cho cửa ngõ phía Đông của Thành phố bằng những mảng xanh của cây cối và hoa cỏ. Đây cũng chính là sứ mệnh vì một cuộc sống xanh mà chúng tôi luôn kiên trì theo đuổi trong suốt quá trình hình thành và phát triển Công ty cho đến hiện tại.

* Bà đã bà “bén duyên” với “lĩnh vực xanh” như thế nào?

- Có lẽ do tôi xuất thân là dân kỹ sư nông nghiệp nên có tình cảm nhất định với cây xanh, khi ra trường tôi có khoảng 20 năm làm việc tại Công ty Công viên - Cây xanh TP.HCM. Sau đó tôi nghỉ việc và thành lập doanh nghiệp riêng rồi cứ như thế gắn bó với mảng xanh cho đến tận hôm nay.

* Vậy công ty hiện tại hoạt động như thế nào, thưa bà?

- Hoàng Lam là một công ty chuyên về mảng xanh, chuyên ngành chứ không phải đa ngành nghề. Chính vì tính chất là chuyên ngành nên chúng tôi tập trung vào chuyên môn, phát triển đội ngũ kỹ sư, nhân viên chuyên nghiệp để phục vụ khách hàng tốt nhất có thể. Với chúng tôi, chất lượng là trên hết, làm việc bằng chữ tín và tiến độ hoàn thành dự án mà mình đảm nhận. Hoàng Lam tự tin khi nói rằng mình cam kết thực hiện tốt cho chủ đầu tư mỗi dự án sẽ góp phần nâng cao giá trị công trình.

3.jpg

* Thưa bà, khách hàng của Hoàng Lam gồm những phân khúc nào?

- Chúng tôi có một tệp khách hàng rộng, bao gồm cả Nhà nước và tư nhân, tổng cộng hơn 50. Có những đơn vị đã hợp tác với Hoàng Lam 33 năm, 30 năm và hơn 20 năm. Hiện tại, tệp khách hàng này ngày càng dày lên.

Chính tiêu chí làm việc uy tín, chất lượng, đảm bảo đúng tiến độ đã giúp Hoàng Lam có được vị trí nhất định trong ngành cây xanh - Top 7 cây xanh uy tín nhất TP.HCM và được khách hàng tin tưởng khi giao việc, bởi chúng tôi luôn trong tâm thế phục vụ khách hàng tốt nhất có thể.

Bà Hoàng Thị Bích Thảo đảm nhiệm nhiều vai trò, như Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ của Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp TP. Thủ Đức.

* Bà có thể cho biết những ngày đầu thành lập doanh nghiệp?

- Tôi đến với ngành này rất tự nhiên, giống như công việc của mình nó là như vậy và không có một lựa chọn nào khác, tôi cứ đi theo ngành nghề và yêu nó. Với tôi, đây là một nghề có tính mỹ thuật, thẩm mỹ và cả nghệ thuật nữa. Công việc đem lại cho tôi niềm vui và sự thoải mái. Khi làm việc với những mảng xanh tôi thấy rất dễ chịu và thú vị.

Năm 1990, tuy làm trong Nhà nước nhưng tôi đã nhận thi công các công trình về cây xanh, sân vườn bên ngoài. Lúc đó tuy nghề tạo cảnh quan đô thị còn mới mẻ nhưng nhờ chịu khó học hỏi nên công việc cũng trôi chảy và phát triển. Khi đó mảng xanh chưa phổ biến, nhưng tôi vẫn gắn kết với nghề bằng những kiến thức mình có trong trường học, kiến thức học từ nước ngoài. Khi gặp chủ đầu tư, tôi tư vấn cho họ, giúp họ thấy được mảng xanh là rất cần thiết, cho nên dù ở những giai đoạn đầu sơ khai, tôi cũng ít gặp khó khăn và thử thách. Tuy nhiên, trong bất cứ một ngành nghề nào, làm việc phải có tính tự chủ, tính kiên định.

Trước đây tôi có tư vấn cho chủ đầu tư Obayashi của Nhật - đơn vị thi công tuyến đại lộ Đông - Tây, lúc đó họ đang gặp khó khăn trong việc làm sao để bàn giao đúng với yêu cầu của gói thầu là cây cỏ phải sống. Công việc của họ bị chậm trễ gần hai năm, trong đó bao gồm cả việc cỏ trồng trên đại lộ Đông - Tây bị chết, không thể bàn giao được. Tôi cũng không biết có lý do gì khác hay không, mình không phải là họ cũng thận trọng khi kết luận. Sau đó họ mời tôi làm và yêu cầu tôi trồng cỏ nhưng tôi không nhận. Tôi nói muốn trồng cỏ phải thay đất nhưng họ không đồng ý vì đất đã đổ sẵn rồi. Tôi đã từ chối làm, vì muốn cỏ sống được đất phải đủ, phải tơi xốp mà đất họ sử dụng là đất nền móng nên bị chai, cỏ không thể phát triển được.

Khi thấy tôi kiên quyết từ chối như vậy, Obayashi đã đồng ý theo phương án của tôi. Họ cũng sợ tôi không làm kịp tiến độ, nhưng chúng tôi là hoàn thành tiến độ trong 45 ngày, điều mà ngay cả họ cũng không tin được. Đó cũng là một trong những công trình ấn tượng của chúng tôi với Obayashi, sau đó các công trình xanh của họ đều giao cho chúng tôi làm.

h3.jpg
Bà Hoàng Thị Bích Thảo, là một trong 84 Doanh nhân Tiêu biểu của TP.HCM

* Vậy có khi nào bà gặp phải trường hợp phương án đưa ra phù hợp nhưng giá thành lại cao hơn so với mức chi trả của đối tác?

- Khi làm việc với một chủ đầu tư, tôi hỏi thẳng thắn, anh dành tiền cho vấn đề này bao nhiêu. Từ khả năng có thể chi trả đó, tôi tư vấn cho họ phương án tốt nhất, cho nên tôi ít khi “vướng” giá cả lắm. Khi làm việc với các chủ đầu tư, họ tin tôi cho nên hầu như những tư vấn của tôi đều được khách hàng đồng ý và rất ít khi bị từ chối, đến giờ tôi tự hào là mình chưa làm cho chủ đầu tư thất vọng lần nào.

h5.jpg
Công ty Hoàng Lam nhận giải thưởng quốc tế Kotler Award 2024 và giải thưởng Doanh nghiệp xanh TP.HCM 2024

* Chẳng lẽ không có một ngoại lệ nào, thưa bà?

- Với tôi, có hai đối tác mấu chốt là chủ đầu tư và người bán hàng cho chúng tôi. Khi làm việc với chủ đầu tư, đôi khi họ đưa giá thành đưa thấp hơn giá thị trường, lúc đó tôi sẽ làm việc với người bán hàng cho tôi và nói rõ vấn đề mình đang gặp phải, hãy giúp tôi hạ giá thành, và họ đồng ý.

Tôi nhớ khoảng những năm 1990, TP.HCM chỉnh trang tuyến đường Nguyễn Huệ, trồng cau trắng, khi đó cau trắng rất hiếm, giá thành được duyệt là 1 triệu đồng/cây, giá thị trường là 1,5 triệu đồng/cây. Bên thi công không chịu mua hàng vì bị lỗ, mà hai bên ki ốt đường Nguyễn Huệ cần mấy trăm cau trắng, nếu không trồng được thì Công ty Công viên - Cây xanh sẽ bị kỷ luật, nên họ yêu cầu tôi giúp cung cấp nguồn hàng này. Tôi đã làm việc với chú Tám Thọ (nghệ nhân) nhờ chú ấy lấy đúng với giá thành đã được duyệt. Lúc đó, chú Tám Thọ cũng không đủ hàng, nhưng vẫn đồng ý với tôi, chú nói: “Nếu cô Thảo yêu cầu, tôi sẽ hỗ trợ” và tôi đã giúp Công ty Công viên - Cây xanh thoát khỏi khó khăn. Đó là kỷ niệm tôi nhớ mãi.

* Theo bà niềm tin mà chủ đầu tư và người bán hàng dành cho Hoàng Lam là gì?

- Chủ yếu là do mình nói được, làm được. Tôi luôn giữ thái độ làm việc trung thực. Đã nói là làm, lỗ cũng làm, không để đối tác thất vọng về mình. Tôi luôn nói với nhân viên rằng văn hóa của Công ty là không được nói không với khách hàng. Đó cũng là lý do trong suốt hành trình làm việc, chúng tôi luôn được chủ đầu tư tin tưởng.

* Có công trình nào Hoàng Lam chấp nhận lỗ để giữ uy tín, thưa bà?

- Có chứ, và rất nhiều. Thậm chí có một chủ đầu tư đang nợ chúng tôi nhiều tiền, nhưng chúng tôi vẫn làm đúng tiến độ công việc mà mình đã cam kết. Đây cũng là một bài học để chúng tôi cân nhắc, vì khi chấp nhận lỗ nhiều lần sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của Công ty. Đấy là tôi đang nói về chủ đầu tư, nhưng với nhiều công trình khác thì mình thua thiệt một chút cũng được, miễn sao chủ đầu tư đó hài lòng về dịch vụ của mình thì về sau mình chính là đối tác lâu năm của họ.

h6.jpg
Công trình do Công ty Hoàng Lam thực hiện

* Có thể nói những người làm đẹp cho cảnh quan đô thị như người “đứng sau cánh gà” không được khan giả biết đến. Quan điểm của bà về điều đó như thế nào?

- Với tôi, đối tác ghi nhận những kết quả mà chúng tôi làm tốt đã là đủ. Có thể người dân họ không quan tâm công ty nào đã bài trí những cảnh quan đẹp như vậy để mình đến chụp hình, nhưng chính quyền địa phương luôn ghi nhận những thành quả mà chúng tôi đã cống hiến. Ví dụ như TP. Thủ Đức, chúng tôi kết hợp với Công ty Công ích quận 2 thi công vườn hoa hướng dương lớn nhất TP.HCM do Công ty Khang Điền tài trợ kinh phí. Thời hạn thi công chỉ có 30 ngày, rất gấp rút nhưng với nỗ lực của cán bộ, công nhân viên Công ty Hoàng Lam và Công ty Công ích quận 2, vườn hoa hướng dương đã đảm bảo tiến độ thi công, giúp cho người dân TP.HCM lần đầu tiên được thưởng lãm một rừng hoa hướng dương cả Tết dương lịch và Tết Nguyên đán. Đó thật sự là một kỷ niệm khó quên.

Tôi luôn giữ thái độ làm việc trung thực. Nếu tôi lấy được giá thành tốt, tôi sẽ trả cho chủ hàng tốt. Nếu giá không tốt, tôi sẽ đề nghị chủ hàng hạ giá nhưng vẫn đảm bảo đúng thiết kế và yêu cầu của chủ đầu tư.

* Các dự án mà Hoàng Lam thực hiện có một điểm chung là đều có chất văn hóa Việt Nam trong đó. Bà có thể chia sẻ về điều này?

- Tôi tự hào về thẩm mỹ của người Việt Nam mình. Có rất nhiều trường phái trên thế giới về sân vườn như của châu Âu, của Mỹ, của Đức, Anh, Pháp, Hy Lạp, hay một trường phái nào đó của Trung Đông. Việt Nam cũng có trường sân vườn phái riêng. Có thể trên thế giới họ không nói về trường phái Việt Nam nhưng những người thiết kế của Việt Nam sẽ có trường phái của Việt Nam.

Chúng ta có những cảnh trang trí không giống với nước ngoài, như ao sen, vườn mai, vườn tre, trúc, những cảnh như cây chuối, làng quê đan xen mà nước ngoài không có. Và những cảnh quan này rất gắn bó với người dân mình, gợi nhớ đến kỷ niệm xa xưa, cảm giác êm dịu mà nó mang đến, điều mà cuộc sống vội vã của hiện tại không có được. Chúng tôi chỉ là những người góp phần mang những nét đẹp văn hóa dân tộc hiện hữu trong không gian sống...

* Nhìn lại những dự án mà Công ty Hoàng Lam thực hiện, bà tâm đắc nhất là công trình nào?

- Chúng tôi thực hiện nhiều dự án tiêu biểu ở An Phú, RMIT. Riêng tuyến đại lộ Đông Tây có công trình mà một số đơn vị chưa thực hiện được, chẳng hạn như vòng xoay Tân Kiên. Đây là khu vực ngập nước nên việc triển khai mảng xanh rất khó khăn, một số đơn vị thi công đã thất bại. Công trình được giao cho chúng tôi thực hiện, chúng tôi đã làm hai cái đập để ngăn triều cường, khi nước lên thì cửa đập đóng xuống, khi nước rút thì cửa đập mở. Hiện tại, mảng xanh Tân Kiên rất đẹp, mà mảng xanh đó đã từng làm “đau đầu” biết bao nhiêu người. Lúc đó, một nhà thầu Nhật cũng không biết phải làm sao, họ đã đề nghị trả vốn về cho Sở Giao thông - Vận tải. Tôi nghĩ đến phương pháp mà Hà Lan áp dụng. Họ làm được thì mình cũng làm được và chúng tôi chỉ mất 800 triệu đồng để giải quyết “bài toán” đó.

h-7cong-vien-thanh-da-binh-thanh.jpg
Công viên Thanh Đa do Công ty Hoàng Lam thực hiện

* Theo bà điều gì đã giúp Công ty Hoàng Lam trong thời gian ngắn giải quyết vấn đề ít ai làm được?

- Chúng tôi có một sứ mệnh là đã làm thì phải làm đúng tiến độ, đúng chất lượng nên Hoàng Lam rất nỗ lực trong việc nâng cao năng lực của nhân viên và chấp nhận làm tăng ca. Để hoàn thành đúng tiến độ cho mỗi công trình, chúng tôi làm ba ca. Công nhân cũng rất tự hào về công trình mình làm. Công nhân của Hoàng Lam cũng là công nhân rất nổi tiếng trong ngành, chăm chỉ và làm việc có trách nhiệm. Đó là văn hóa của Công ty.

* Bà có thể nói cụ thể thêm về văn hoá Công ty Hoàng Lam?

- Yêu cầu đầu tiên đối với nhân viên Công ty là phải yêu cây xanh, không ngừng học hỏi nâng cao giá trị bản thân trong công việc, không được nói xấu đồng đội, trung thực với chủ đầu tư. Khi làm việc thì tuân thủ nguyên tắc 5T là thấu hiểu nhu cầu, trả lời nhanh chóng, tư vấn nhiệt tình, triển khai nhanh gọn và tận tâm phục vụ.

Thương hiệu là giá trị tài sản. Văn hóa doanh nghiệp là rất quan trọng, đôi khi nhân viên không cần phải lương cao mà họ cần môi trường làm việc lành mạnh, có hướng phát triển tốt và họ nhìn thấy tương lai thì họ gắn bó với Công ty. Cũng có nhiều người thắc mắc với tôi là tại sao lương bên Hoàng Lam không cao nhưng nhân viên lại gắn bó hơn 10, 20 năm. Tôi nói rằng, vì ở đây họ cảm thấy được thoải mái trong môi trường làm việc. Họ cảm thấy yêu công việc. Họ gắn bó vì chính những giá trị cốt lõi của Công ty. Tôi luôn có tâm nguyện là cái gì lo được mình sẽ lo, quan tâm đến nhân viên của mình từ cuộc sống đến công việc. Vì đó là người gần mình nhất.

* Những giải thưởng như giải thưởng quốc tế Kotler Award 2024 mà Hoàng Lam nhận được giúp gì cho sự phát triển của Công ty, thưa bà?

- Giúp ích rất nhiều để chúng tôi xây dựng thương hiệu tốt hơn và cũng là động lực mà tập thể cán bộ, công nhân viên rất tự hào về nơi mà mình đang cống hiến.

* Bà có ước mơ rất lớn trong việc kiến tạo những giá trị cho cuộc sống. Ước mơ này đã được bồi đắp như thế nào, thưa bà?

- Rất khó để nói rõ được. Tôi chỉ biết là tôi rất thích hoạt động cộng đồng, thích làm những gì mà cho người xung quanh mình cảm thấy hạnh phúc. Đơn giản là thấy mọi người hạnh phúc thì tôi cũng rất hạnh phúc. Tôi không chỉ điều hành Hoàng Lam mà còn có nhiều vai trò ở các trung tâm, hiệp hội nữa. Với những gì đang làm, tôi chỉ biết cố gắng hết sức trong việc hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tôi sẽ làm điều đó một cách tốt nhất có thể, vì đây cũng là vấn đề tôi rất tâm huyết. Để làm được điều đó đòi hỏi thời gian và nỗ lực rất lớn. Tất nhiên không phải kết quả chưa thể đến ngay được, nhưng tôi tin rằng với nỗ lực, tâm huyết của mình, sẽ được đáp kết quả một cách xứng đáng.

* Cùng một lúc đảm nhiệm khá nhiều vai trò như vậy, bà sắp xếp công việc như như thế nào để không bị chồng chéo lẫn nhau?

- Ai cũng chỉ có 24 tiếng đồng hồ trong ngày, tôi cố gắng sắp xếp công việc đan xen nhau, đồng thời tìm thêm sự hỗ trợ của những người khác. Tôi tin là một khi mình có tâm huyết làm việc vì cộng đồng, không vụ lợi thì mình kết nối được với nhiều người đồng sở thích và mọi việc sẽ dễ dàng hơn.

Công việc phải có đam mê mình mới hoàn thành được. Làm bất cứ việc gì cũng vậy, phải đủ đam mê, kiên trì mới có kết quả. Đam mê giúp cho tôi tái tạo năng lượng mỗi ngày, thật sự tôi không có thời gian dành cho bản thân nhiều và cũng rất ít thời gian dành cho gia đình. Nhưng may mắn lớn nhất của tôi là luôn được gia đình ủng hộ, nhưng mà ở tuổi này rồi, tôi cũng phải sắp xếp lại cuộc sống để dành thời gian nhiều hơn cho chính ngôi nhà của mình.

* Nhìn lại hành trình đã qua, bà thấy điều gì hài lòng và điều gì vẫn chưa làm tốt?

- Thành tựu lớn nhất của tôi đến thời điểm này đó là những gì ước mơ tôi đều đã thực hiện được. Ví dụ như làm một cuốn sách, làm về mảng xanh và làm một triển lãm về ảnh, tất cả tôi đã hoàn thành. Điều mà tôi chưa hài lòng là thời gian dành cho gia đình ít quá.

Những hành trình đã qua và đang thực hiện đều mang lại cho tôi nhiều hạnh phúc. Vì không làm kinh doanh sẽ không có tiền, không có tiền sẽ không giúp được ai và cũng không làm nghệ thuật được. Trong cuộc sống điều tôi luôn hướng tới đó là rút kinh nghiệm để sống tốt hơn. Tôi luôn nghĩ mình hãy kiên trì và làm việc tốt từ những việc nhỏ nhất, việc tốt dù nhỏ cũng không bỏ qua, hãy luôn giúp đỡ người khác khi có thể. Ngọn lửa nào cũng cần được nuôi dưỡng và lan toả thì mới giữ được sự ấm áp của nó.

4.jpg

* Vậy mong muốn tiếp theo là gì, thưa bà ?

- Ở bên gia đình nhiều hơn, đồng thời mong muốn giúp cho cộng động doanh nghiệp vừa và nhỏ có thêm kiến thức, chuẩn bị tốt hơn cho hành trình của họ. Làm doanh nhân không chỉ tập trung vào làm mỗi kinh tế thôi đâu và một doanh nhân thành công chưa bao giờ chỉ có mỗi việc làm kinh tế mà họ còn là tấm gương, là khởi nguồn cho cảm hứng của người khác. Qua đó họ giúp đỡ được nhiều người, trong đó có nhân viên của họ. Để thành công trong một lĩnh vực nào đó, doanh nhân mất rất nhiều thời gian, tâm huyết và công sức. Chẳng có con đường thành công nào là dễ dàng cả, tất cả đều có giá của nó, không ai có thể nói tự nhiên thành công được hết. Cho nên hình ảnh doanh nhân không chỉ nằm ở tài sản của họ mà còn trong mắt người khác. Tôi thấy mình rất may mắn và hạnh phúc vì được nhiều người yêu thương.

* Xin cảm ơn bà!

Ngô Quỳnh Trang