Văn hóa nghệ thuật

Bí mật đằng sau những ca khúc nổi tiếngKỳ 4: Nhạc sĩ Thăng Long 'lênh đênh kiếp phong trần'

Hà Đình Nguyên 15/12/2024 08:30

Có bài hát khá quen thuộc với những câu: “Xin em hiểu giùm đời anh, lênh đênh kiếp phong trần...”. Những câu chữ này vận vào cuộc đời của Nhạc sĩ Thăng Long...

Một ngày vào những năm cuối thập niên 1990, tại CLB Nghệ sĩ (81 Trần Quốc Thảo, quận 3, TP.HCM), tôi được ngồi chung bàn với các bậc đàn anh: NS. Châu Kỳ, nhà thơ Trương Minh Dũng, nhà thơ Tô Kiều Ngân, NS. Hoàng Châu... Có một người đàn ông gầy gò, khuôn mặt khắc khổ, áo quần khá luộm thuộm, nói giọng Bắc pha Nam... Anh Châu Kỳ giới thiệu: “Nhạc sĩ Thăng Long, tác giả ca khúc Quen nhau trên đường về. Tôi “ồ” lên mừng rỡ, rồi chuyển chỗ qua ngồi sát bên anh, hỏi han đủ thứ... Lúc chia tay, anh rút trong người ra một tập nhạc mỏng, photocopy, không có bìa nhưng được nẹp gáy bằng 3 cái đinh bấm.

Cuộc đời lận đận từ khi chào đời

Đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng tôi gặp NS. Thăng Long. Sau này hỏi thăm thì biết rằng anh ở tút dưới miệt quê Sóc Trăng, lâu lâu mới lên Sài Gòn một bữa.

van-hoa-giai-tri_noi-voi-nguoi-tinh.jpg
Hình ảnh Nhạc sĩ Thăng Long vài tháng trước khi mất

Tập nhạc photo của anh tặng, trong đó không chỉ có Quen nhau trên đường về (ghi của Thăng Long và Đức Nội) mà còn có bản Nói với người tình mà tôi rất thích: “Qua lối nhỏ vào nhà em muốn ghé vào thăm sợ ba má em buồn lòng... Xin em hiểu giùm đời anh, lênh đênh kiếp phong trần nổi trôi theo ngày tháng. Anh đâu có gì, anh đâu có gì ngoài hai bàn tay trắng đành để buồn cho em...”.

Đó không phải là những câu hát đầu môi, mà là những lời tâm sự trút hết nỗi lòng của một chàng nhạc sĩ nghèo trót đem lòng yêu thương một cô gái mà chàng biết chắc sẽ làm “ba má em buồn lòng”...

Cái số phận long đong, lận đận hình như đã theo đuổi tác giả ngay từ lúc mới chào đời: Người mẹ đã mất ngay khi sinh Nguyễn Văn Thành (tên thật của NS. Thăng Long), tại Hải Dương. Đến khi Thành 15 tuổi thì người cha cũng qua đời. Từ đó là “nổi trôi theo ngày tháng”, vất vả mưu sinh với nghề khuân vác nơi bến cảng. Năm 1954, anh một mình lưu lạc vào Nam rồi gặp một nhạc sĩ mù. Hai người kết hợp củng đi hát dạo lang thang khắp Sài Gòn...

Cuộc đời xám xịt của Nguyễn Văn Thành ánh lên chút màu hồng khi ông tình cờ gặp người đồng hương là NS. Đức Nội. Người nhạc sĩ này đưa ông vào làm trong đài phát thanh, chính nhờ sự giúp đỡ này mà một trong những sáng tác đầu tay, bản Quen nhau trên đường về tác giả đã ghi tên chung Thăng Long - Đức Nội (nhờ ca khúc nổi tiếng này ông được Hãng Đĩa Sóng Nhạc ký hợp đồng ghi âm).

Năm 1963, Thăng Long đã là Trưởng ban nhạc Hồ Gươm chuyên trình diễn trên Đài Phát thanh Sài Gòn với nhiều ca sĩ tên tuổi thời đó là Hoàng Oanh, Hà Thanh, Thanh Tuyền…

Kiếp sống lang bạt

Tuy cuộc đời của Thăng Long đã đôi chút ổn định, nhưng vốn dĩ là kẻ lãng tử, thích kiếp sống lang bạt nên tên các ca khúc của ông cũng phần nào phản ảnh cuộc sống lất lây đó: Kiếp giang hồ, Trở về gác trọ, Giã từ gác trọ, Mưa khuya, Đêm mưa Sài Gòn...

Đầu thập niên 1970, trong một lần cùng Ban nhạc Hồ Gươm lưu diễn ở miền Tây, Thăng Long đã gặp và làm quen với Hồng (tên thật là Lâm Tuyết Sương) - một cô gái ở Sóc Trăng.

Sự quen biết, qua lại giữa nhạc sĩ Thăng Long và cô Hồng bị gia đình cô gái phản đối quyết liệt bởi nhiều lý do. Họ chênh lệch quá nhiều về tuổi tác, cách nhau 15 tuổi. Lúc này ông đã ngoài 30, còn cô Hồng chưa tới 20 tuổi. Cách trở giữa Sài Gòn - Sóc Trăng. Lý do quan trọng nhất: Đã nghèo mà còn là... nghệ sĩ, không có gì đảm bảo cho cuộc sống vật chất và cả lòng chung thủy nếu lấy anh chàng này.

Tuy đường sá xa xôi cách trở nhưng vì... trót yêu, nên Thăng Long thường đi xe đò về Sóc Trăng, dạo đó còn phải chờ đợi qua mấy lần phà. Tới ngõ vào nhà nàng lại chần chừ: “Qua lối nhỏ vào nhà em, muốn ghé vào thăm sợ ba má em buồn lòng. Lỡ hứa rồi anh biết làm sao đây, để em mong suốt cả ngày nên buồn lắm...”.

Quả là tội nghiệp cho chàng nghệ sĩ si tình!

Hạnh phúc ngắn ngủi

Nhưng rồi với tình cảm chân thành của Thăng Long, gia đình cô gái cũng xiêu lòng để tác hợp cho Hồng về làm dâu Sài Gòn. Vợ chồng họ có lẽ chỉ được hạnh phúc có vài năm, dù họ từng mơ ước: “Có anh bên em, sẽ đẹp tình mai sau...”.

Nhưng rồi sau năm 1975, ông bị mất việc, cuộc sống ngày càng khó khăn. Trong căn nhà tồi tàn cuối con hẻm nhỏ đường Đinh Tiên Hoàng (Bình Thạnh, gần nhà NS. Thanh Sơn), ông trở về lối sống “lênh đênh kiếp phong trần, nổi trôi theo ngày tháng” nhận làm đủ nghề mà nghề cuối cùng là sửa dù (ô) để nuôi sống vợ và ba con. Những người con của ông lớn lên trong hoàn cảnh bần hàn như thế nên hầu như thất học, phải phụ cha mẹ bươn chải kiếm sống.

Cuộc sống bữa đói, bữa no cho đến khi không còn trụ thêm được nữa, vợ ông dẫn ba đứa con về Sóc Trăng nương nhờ bên ngoại. Rồi đến lượt ông không còn khách hàng, vì đã đến thời điểm cuộc sống xung quanh ông dần khá lên, dù bị hư thì người ta mua dù khác. Ông đâm ra thất nghiệp, phải bán “căn nhà” cuối hẻm ấy đi để về Sóc Trăng bán vé số.

Trải qua bao giông tố cuộc đời, năm 2005, bà Lâm Tuyết Sương trút hơi thở cuối cùng sau một cơn bạo bệnh khi mới ngoài 50 tuổi.

Đến năm 2007, khi bài hát Nói với người tình rộ lên ở hải ngoại, các trung tâm ca nhạc bên ấy liên lạc về trong nước nhằm trả tác quyền cho ông. Trong đoạn phim tài liệu ngắn mà Trung tâm Asia thực hiện năm 2007, ông vẫn còn giữ lại cây đàn yêu quý như một tài sản độc nhất theo ông suốt hơn 40 năm.

Năm 2008, ông được mời lên Sài Gòn nhận tiền tác quyền (không rõ là bao nhiêu) nhưng khi về ông bị kẻ gian móc sạch. Quá đau buồn, ông trở bệnh và qua đời vào ngày 30/3/2008.

Vậy là, ông và vợ lại được nằm cạnh nhau, như tỉ tê tâm sự “nói với người tình” trong một nghĩa trang nhỏ bên con lộ ở tỉnh Sóc Trăng...

Người mất rồi nhưng vẫn để lại hệ lụy. Theo luật pháp, để thừa hưởng tiền tác quyền phải có đủ chữ ký của ba người con. Thế nhưng anh con cả làm phụ hồ ở Sài Gòn, người con gái lấy chồng Đài Loan và đã biệt tích từ lâu, còn một người con trai thì chịu án chung thân coi như không có ngày về...

Hà Đình Nguyên