Trong nước

Phát triển kinh tế xanh, nền tảng cho tương lai bền vững của Thành phố

Tâm An 06/12/2024 19:41

Phát triển nền kinh tế xanh là yêu cầu cấp thiết để vừa đảm bảo tăng trưởng kinh tế, vừa bảo vệ môi trường. Đây là mục tiêu dài hạn của TP.HCM, nhằm xây dựng một tương lai bền vững, mở ra cơ hội phát triển cho cộng đồng và doanh nghiệp (DN) trong bối cảnh thay đổi mạnh mẽ của nền kinh tế toàn cầu.

Lựa chọn tất yếu, đáp ứng yêu cầu tăng trưởng

Phát biểu tại Diễn đàn “TP.HCM - Gỡ vướng cho kinh tế xanh” nhằm mục đích tháo gỡ khó khăn, mở rộng hành lang pháp lý, mở rộng hệ sinh thái đầu tư, tìm kiếm giải pháp cho tương lai bền vững do Báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức chiều 6/12, ông Nguyễn Văn Dũng - Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, ngày 1/10/2021 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.

thumb-dai-bieu-thao-luan-cac-bien-phap-go-vuong-cho-kinh-te-xanh.jpg
Các diễn gia tham gia Diễn đàn “TP.HCM - Gỡ vướng cho kinh tế xanh”

Chiến lược này đặt ra mục tiêu tổng quát là tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng xã hội.

Là trung tâm kinh tế, khoa học công nghệ, cửa ngõ giao lưu quốc tế của cả nước, cũng là địa phương tiên phong trong việc đề xuất và thực hiện các chính sách trọng điểm của quốc gia, TP.HCM đang nỗ lực hoàn thiện khung chiến lược phát triển xanh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Khung chiến lược phát triển xanh này gồm 4 nội dung: phát triển nguồn lực xanh, xây dựng hạ tầng xanh, phát triển hành vi xanh, xác định ngành và lĩnh vực tiên phong. Trong đó, 3 trụ cột lớn là khung pháp lý (đang xây dựng khoảng gần 80 chương trình đề án, chiến lược, chính sách hỗ trợ cho tất cả lĩnh vực sản xuất), bộ tiêu chí đo lường (trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, du lịch, tất cả các hoạt động, công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ..., từng phân xưởng, nhà máy, gia đình, phải đo lường được phát thải để điều chỉnh) và mô hình mẫu của một địa phương xanh (huyện Cần Giờ), xưởng sản xuất xanh, công trình, bệnh viện, trường học xanh…

Ông Dũng nhấn mạnh, xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là lựa chọn tất yếu để vừa đáp ứng yêu cầu tăng trưởng, vừa góp phần đảm bảo cho người dân Thành phố một môi trường sống lành mạnh và vì sự phát triển bền vững. Đây là chủ trương hoàn toàn phù hợp với những định hướng được Đại hội XIII của Đảng đề ra, và cũng là mục tiêu phát triển của Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI.

“Kinh tế xanh trở thành một lĩnh vực sôi động thu hút sự hưởng ứng của nhiều nhà đầu tư, DN và đông đảo người dân. Quá trình này được đánh giá là gặp nhiều thuận lợi nhưng cũng đối diện những khó khăn, thách thức, nhất là các vướng mắc liên quan đến các quy định, hành lang pháp lý cho các cơ chế, chính sách", ông Dũng nhận định.

Ông Nguyễn Thái Bình - Phó tổng biên tập Báo Pháp Luật TP.HCM cho biết, từ khi có chủ trương phát triển kinh tế xanh, bền vững, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ban, ngành và chính quyền địa phương đã ban hành nhiều văn bản pháp luật để hiện thực hóa chủ trương ấy. Các DN hiện cũng phát triển theo định hướng sản xuất xanh, tiêu dùng xanh, năng lượng xanh; các nhà đầu tư, các tổ chức tài chính - tín dụng trong lĩnh vực tăng trưởng xanh đã đến Việt Nam và quyết định đầu tư.

ong-nguyen-van-dung-pho-chu-tich-ubnd-thanh-pho.jpg
Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là lựa chọn tất yếu để vừa đáp ứng yêu cầu tăng trưởng, vừa đảm bảo môi trường sống cho người dân Thành phố

Tuy nhiên, do cơ chế chính sách còn nhiều điểm nghẽn, có khoảng cách giữa chủ trương và thực tiễn, việc hướng dẫn, áp dụng luật cũng còn chậm nên cần nhiều hội nghị, tọa đàm để tháo gỡ các bất cập ấy.

Theo PSG.TS Nguyễn Hồng Quân - Viện trưởng Viện Kinh tế tuần hoàn, Đại học Quốc gia TP.HCM, là đầu tàu kinh tế cả nước, TP.HCM có thể tiếp cận kinh tế tuần hoàn theo hướng trên nền tảng công nghệ 4.0, đổi mới sáng tạo, cải thiện, tạo môi trường sống xanh - sạch, hiện đại, đồng thời bảo tồn và phát triển các hệ sinh thái.

“Để đạt được điều đó, TP.HCM cần xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý, chính sách hỗ trợ, cùng với các chương trình nâng cao nhận thức sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp và cộng đồng cùng nhau phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn hiệu quả. Đặc biệt, sự hợp tác với các tổ chức quốc tế sẽ giúp Việt Nam tiếp cận những công nghệ và kinh nghiệm tiên tiến trong lĩnh vực này,” TS Quân nhận định.

Doanh nghiệp “hiến kế” để hướng tới bền vững

TS. Lư Nguyễn Xuân Vũ - Chủ tịch CLB Doanh nhân Sài Gòn cho rằng, nên khuyến khích các DN đầu tư mạnh vào lĩnh vực tái tạo năng lượng. Để làm được điều đó, cần sự hỗ trợ về mặt chính sách của nhà nước với các DN hoạt động trong lĩnh vực này, đồng thời, cần giáo dục tuyên truyền cho người dân hiểu về bàn giao sản phẩm thải bỏ đúng nơi quy định.

Là tổ chức tập hợp hơn 1.200 doanh nhân lớn, CLB Doanh nhân Sài Gòn luôn đặt mục tiêu tạo ra giá trị bền vững không chỉ cho DN mà còn cho cộng đồng. “Chúng tôi sẽ phối hợp với một số cơ quan báo đài khởi xướng các sáng kiến xanh, tổ chức hội thảo, diễn đàn nhằm đưa ra giải pháp thực tiễn cho việc thu hồi và tái chế sản phẩm. Chúng tôi sẽ làm cầu nối giữa DN và chính quyền để thúc đẩy các chính sách phù hợp, đồng thời hỗ trợ DN thành viên xây dựng mô hình tái chế bền vững, vinh danh các DN tiên phong tốt trong lĩnh vực tái chế và phát triển bền vững”, ông Vũ cho biết.

ong-lu-nguyen-xuan-vu-chu-tich-clb-dnsg-chia-se-tai-toa-dam.jpg
TS. Lư Nguyễn Xuân Vũ - Chủ tịch CLB Doanh nhân Sài Gòn cho rằng, nên khuyến khích các DN đầu tư mạnh vào lĩnh vực tái tạo năng lượng

Ở góc độ của một nhà sản xuất, ông Nguyễn Quốc Anh - Chủ tịch Hội Cao su Nhựa TP.HCM nêu quan điểm về vai trò và trách nhiệm của ngành cao su nhựa trong việc hướng tới phát triển bền vững. Theo ông Quốc Anh, ngành cao su nhựa, vốn là lĩnh vực sản xuất thiết yếu, đang đối mặt với những thách thức lớn về nguồn nguyên liệu đầu vào, chi phí sản xuất, và tác động môi trường. Đồng thời, các yêu cầu khắt khe từ thị trường quốc tế về sản phẩm thân thiện với môi trường và việc tuân thủ các tiêu chuẩn phát thải đang đặt ra áp lực lớn cho doanh nghiệp trong ngành.

"Chúng tôi nhận thấy rằng để duy trì sức cạnh tranh và phát triển bền vững, ngành cao su nhựa cần tiên phong áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, thúc đẩy tái chế và sử dụng hiệu quả nguyên liệu. Đây không chỉ là trách nhiệm xã hội mà còn là cơ hội để ngành chuyển mình và đáp ứng nhu cầu của thị trường xanh toàn cầu," ông Nguyễn Quốc Anh phát biểu.

Ông Quốc Anh cũng đề xuất các giải pháp cụ thể, bao gồm: tăng cường ứng dụng công nghệ tái chế và phát triển các dây chuyền tái chế hiện đại nhằm giảm thiểu rác thải nhựa và cao su, đồng thời tạo ra sản phẩm mới từ nguyên liệu tái chế; thúc đẩy hợp tác trong chuỗi cung ứng, kết nối các doanh nghiệp trong ngành để tối ưu hóa việc sử dụng nguyên liệu và giảm phát thải; xây dựng hành lang pháp lý hỗ trợ, kêu gọi chính quyền tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận các chính sách ưu đãi, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và công nghệ sạch.

Tâm An