TP.HCM triển khai 150 xe buýt điện chở khách cho tuyến metro số 1
Từ ngày 22/12, 17 tuyến xe buýt với 150 xe điện sẽ phục vụ hành khách ngay khi tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) chính thức vận hành thương mại.
Trung tâm Quản lý giao thông công cộng (Sở Giao thông Vận tải TP.HCM) cho biết, 150 xe buýt điện ở 17 tuyến đã sẵn sàng nhập cuộc khi tuyến metro số 1 chính thức vận hành.
Theo đó, những tuyến xe buýt này do Công ty CP Xe khách Phương Trang Futabuslines là doanh nghiệp vận tải trúng thầu và đảm nhận khai thác. Đây là các tuyến buýt điện chở khách từ khu dân cư, bến xe, khu công nghệ cao, trường học, đầu mối giao thông... ở TP. Thủ Đức, quận Bình Thạnh, quận 1... đến các ga metro và ngược lại.
Cụ thể, 17 tuyến xe lần lượt mang số hiệu: 153, 154, 155, 156, 157, 158, 159, 160, 161, 162, 163, 164, 165, 166, 167, 168 và 169. Tất cả xe đều chạy bằng điện, gồm hai loại 30 và 60 chỗ.
Để đáp ứng yêu cầu vận hành liên tục và ổn định, Công ty CP Xe khách Phương Trang đã xây dựng hai trạm sạc điện tại TP. Thủ Đức, đồng thời tận dụng hạ tầng hiện có trên toàn quốc, như bến xe, trạm dừng nghỉ... để đầu tư thêm hệ thống này.
Đại diện Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM cho biết, 17 tuyến xe buýt điện kết nối tuyến metro số 1 đã được đấu thầu và triển khai bởi Công ty CP Xe khách Phương Trang (Futabuslines). Hiện đơn vị vận hành xe buýt điện đã chuẩn bị sẵn sàng đưa vào khai thác.
Đặc biệt xe buýt có hình ảnh nhận diện riêng. Hiện sơ đồ, lộ trình cụ thể từng tuyến được ghi rõ trên bảng thông tin ở nhà ga, nhà chờ xe buýt để người dân tiện theo dõi. Bên cạnh đó, số hiệu tuyến và tên tuyến được thể hiện bằng đèn LED. Logo thể hiện logo của Trung tâm Quản lý giao thông công cộng kết hợp logo của tuyến đường đô thị TP.HCM. Họa tiết và hình ảnh đặc trưng được sử dụng là hình ảnh hoa hướng dương - biểu tượng của TP. Thủ Đức.
Việc vận hành xe buýt điện kết nối với metro số 1 sẽ góp phần chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành giao thông vận tải theo Quyết định số 876 của Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, việc vận hành xe buýt điện cũng năm trong mục tiêu của TP.HCM từ năm 2025, toàn bộ xe buýt thay thế, đầu tư mới đều chạy bằng điện, năng lượng xanh. Kế hoạch này nhằm thực hiện chương trình hành động của Chính phủ về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí của ngành giao thông vận tải. Để thực hiện, TP.HCM đang nghiên cứu các chính sách hỗ trợ, thu hút đơn vị vận tải tham gia đầu tư hệ thống xe buýt.