Bí mật đằng sau những ca khúc nổi tiếngKỳ 3: Hé lộ chuyện rất buồn của Chuyện tình buồn
Khoảng đầu thập niên 1970, ca khúc Chuyện tình buồn của NS. Phạm Duy phổ thơ Phạm Văn Bình rất được yêu thích nhưng ít ai biết Phạm Văn Bình là ai…
Có lẽ chuyện tình lãng mạn và trái ngang trong ca khúc Chuyện tình buồn sẽ phải niêm kín theo thời gian nếu không có một biến cố: Nhà thơ Phạm Văn Bình từ trần (ngày 22/7/2018, tại California - Mỹ). Lúc đó mới thấy trên mạng xã hội xuất hiện khá nhiều tình tiết về hai nhân vật chính trong bài thơ, cả lời kể của nhân vật nữ trong cuộc.
“Nhát chém hư vô” không cùng tôn giáo
Phạm Văn Bình sinh năm 1939 tại Đông Hà, Quảng Trị. Ông từng theo học bậc trung học ở Trường Thánh Tâm, Nguyễn Hoàng (Quảng Trị), rồi học ở Quốc học, Đại học Văn khoa (Huế)…
Ở Đông Hà, Phạm Văn Bình chơi thân với một anh bạn cùng trang lứa có nhà cùng một con hẻm. Anh bạn này có cô em gái tên Nguyễn Thị Túy, đẹp người đẹp nết và thua ông Bình 6 tuổi (sinh 1945). Cô Túy sau thời gian học ở Đông Hà rồi vào Huế học tiếp, cho nên Phạm Văn Bình và cô có nhiều cơ hội gặp gỡ rồi dẫn đến tình yêu. Thời hoa mộng và lãng mạn, chìm đắm trong cuộc tình của họ là: “… Những thư tình ngây dại/ Những vai mềm, môi ngoan/ Những hẹn hò cuống quýt/ Trên lối xưa thiên đàng…”.
Yêu nhau một thời gian dài, từ khi Túy còn ở tuổi tròn trăng cho đến lúc cô đã vào tuổi đôi mươi mà vẫn không thể tiến tới hôn nhân bởi một nguyên nhân khá là éo le: Không cùng tín ngưỡng. Túy theo Công giáo (tên thánh của cô là Anna - không phải là Ana như nhiều tư liệu khác -NV), còn Bình theo Phật giáo. Túy lại là một cô gái đẹp, được ăn học đàng hoàng nên có nhiều chàng trai theo đuổi, rắp tâm “bắn sẻ”. Thời điểm đó, nhà có con gái qua ngưỡng 20 mà chưa lấy chồng thì như… chứa mìn nổ chậm.
Vậy rồi trước áp lực gia đình và sự tấn công dồn dập của người chồng tương lai, người đẹp Anna Nguyễn Thị Túy đã lên xe hoa cùng một bác sĩ quân y. Ngày cưới của cô cũng là: “Ngày nhà em pháo nổ/ Anh cuộn mình trong chăn/ Như con sâu làm tổ/ Trong trái vải cô đơn/ Ngày nhà em pháo nổ/ Tâm hồn anh nhuốm máu/ Ôi nhát chém hư vô/ Ôi nhát chém hư vô…”.
Thời điểm này, anh bị động viên vô lính, theo học khóa 24 Sĩ quan trừ bị Thủ Đức. Ra trường anh được điều về làm phóng viên chiến trường của Sư đoàn Thuỷ quân lục chiến Quân lực Việt Nam Cộng hoà.
Gặp lại khi nàng thơ đã thành goá phụ
5 năm sau, họ tình cờ gặp lại nhau trong một hoàn cảnh đầy ngang trái. Nàng bây giờ đã là góa phụ (chồng của nàng đã tử nạn trong một phi vụ tải thương bằng trực thăng ở Pleiku vào “mùa hè đỏ lửa” 1972), đầu bịt tang chồng, tay bồng tay bế. E rằng nhà thơ đã tính sai nếu như chỉ sau 5 năm từ khi em lấy chồng mà vợ chồng chị Túy có đến 4 người con?
Cuộc gặp gỡ tình cờ trong một chiều mưa hắt hiu trước sân ngôi nhà thờ quen thuộc mà giờ đây khói lửa chiến tranh đã trở thành hoang phế. Chỉ còn tượng Chúa treo trên cây thánh giá, hình như Chúa cũng cảm thương số phận của những con người yêu nhau trong thời chiến đầy nghịch cảnh nên mắt ngài cũng đẫm lệ trong chiều mưa nhạt nhòa…
Từ cuộc tái ngộ này, Phạm Văn Bình đã làm bài thơ Chuyện tình buồn, với những câu cuối: “Năm năm rồi đi biệt/ Anh chẳng về lối xưa/ Sân giáo đường cỏ mọc/ Gác chuông nằm chơ vơ/ Chúa buồn trên thánh giá/ Mắt nhạt nhoà mưa qua…/ Anh một đời rong ruổi/ Em tay bế tay bồng/ Chiều hắt hiu xóm đạo/ Hồi chuông giáo đường vang…/ Năm năm rồi trở lại/ Một màu tang ngút trời/ Thương người em năm cũ/ Đêm góa phụ bên song”.
NS. Phạm Duy đã nắm bắt được cái hồn cốt của bài thơ để phổ thành một ca khúc bất hủ.
Nói thêm về Nguyễn Thị Túy, giai đoạn chiến tranh khốc liệt (1972 - 1975), chị và gia đình nhà chồng đã từng chạy loạn khắp nơi: Từ Huế vô Dĩ An, ra Nha Trang, lại vô Bình Tuy. Chị cũng thường xuyên đi về các vùng có phần đông người dân gốc Quảng Trị tản cư vào Nam sinh sống, như Quảng Biên, Trà Cổ, Trảng Bom, Cù Bị, Ngãi Giao… mà gia đình chị có nhiều người quen ở đó, để nhờ họ giúp đỡ trong giai đoạn “mẹ góa con côi” hết sức khó khăn.
Sau 1975, gia đình chị chuyển vô vùng Bàu Cá (Thống Nhất, Đồng Nai) làm nông nghiệp. Được một thời gian thì chuyển lên Sài Gòn. Năm 2006, chị Túy được sang Hoa Kỳ định cư với mấy người con. Trùng hợp thay, thi sĩ Phạm Văn Bình cũng định cư ở đây. Không biết trên đất Mỹ, sau hơn 30 năm họ có tìm gặp lại nhau, thay vì chỉ 5 năm trước đây?
Chỉ biết Phạm Văn Bình mất năm 2018, 12 năm sau khi chị Túy qua Mỹ. Và chỉ sau khi ông mất, Chuyện tình buồn mới hé lộ một chuyện tình… rất buồn!
--------------------------------------
Kỳ 4: Nhạc sĩ Thăng Long "Lênh đênh kiếp phong trần"
Nguyên văn bài thơ Chuyện tình buồn của thi sĩ Phạm Văn Bình
Năm năm rồi không gặp
Từ khi em lấy chồng
Anh dặm trường mê mải
Đời chia hai nhánh sông.
Những thư tình ngây dại
Những vai mềm, môi ngoan
Những hẹn hò cuống quýt
Trên lối xưa thiên đàng
Thôi cũng đành chôn kín
Dưới đáy huyệt thời gian.
Ngày nhà em pháo nổ
Anh cuộn mình trong chăn
Như con sâu làm tổ
Trong trái vải cô đơn
Ngày nhà em pháo nổ
Tâm hồn anh nhuốm máu
Ôi nhát chém hư vô
Ôi nhát chém hư vô.
Năm năm rồi đi biệt
Anh chẳng về lối xưa
Sân giáo đường cỏ mọc
Gác chuông nằm chơ vơ
Chúa buồn trên thánh giá
Mắt nhạt nhoà mưa qua
Trên cánh buồm ký ức
Sóng thời gian lô xô.
Ngồi bâng khuâng nhớ biển
Bên bãi đời quạnh hiu
Anh mang hồn thuỷ thủ
Cùng năm tháng phiêu du.
Anh một đời rong ruổi
Em tay bế tay bồng
Chiều hắt hiu xóm đạo
Hồi chuông giáo đường vang.
Năm năm rồi không gặp
Từ khi em lấy chồng
Bao kỷ niệm chôn kín
Dường như đã lãng quên.
Năm năm rồi trở lại
Một màu tang ngút trời
Thương người em năm cũ
Đêm goá phụ bên song.