“Khát” kỹ sư vi mạch bán dẫn
Sự thiếu hụt kỹ sư ngành vi mạch bán dẫn là thách thức đầu tiên mà TP.HCM đối mặt nếu muốn trở thành một trong những trung tâm sản xuất chip hàng đầu thế giới.
TS. Lợi Nguyễn - Phó chủ tịch cao cấp về Cloud Optics của Marvell toàn cầu, cho biết một trong những thách thức hàng đầu của ngành vi mạch bán dẫn toàn cầu là sự thiếu hụt về năng lực nghiên cứu và kỹ thuật, và đây là cơ hội lớn cho các kỹ sư công nghệ Việt Nam.
Thách thức nhân lực
Tuy nhiên, TS. Lợi Nguyễn cũng thẳng thẳn chỉ ra, việc mở rộng trung tâm thiết kế của Marvell Việt Nam tại TP.HCM phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nhân lực được đào tạo trong lĩnh vực vi mạch trong thời gian tới.
“Một trong những điều cấp bách nhất là đào tạo sinh viên giỏi, vì trung tâm thiết kế cần rất nhiều kỹ năng. Chẳng hạn, Đại học Bách Khoa TP.HCM tuyển sinh gần 1.000 sinh viên/năm cho nhiều ngành kỹ thuật, nhưng chỉ có tối đa 100 sinh viên là theo đuổi chuyên ngành liên quan tới vi mạch. Số lượng này là rất nhỏ, chưa kể trên thị trường có nhiều doanh nghiệp chuyên về mảng này cũng đang rất quyết liệt tuyển dụng” - TS. Lợi Nguyễn nói.
Khi TP.HCM tìm cách mở rộng ngành vi mạch, các chuyên gia đều đồng tình việc nâng chất nguồn nhân lực là chìa khóa để đạt được mục tiêu này. Trong ngành vi mạch bán dẫn toàn cầu, các quốc gia có lực lượng lao động được đào tạo bài bản, tay nghề cao thường chiếm ưu thế.
Vì vậy, TP.HCM phải có những bước đi cụ thể để đảm bảo nguồn nhân lực phù hợp với nguyện vọng phát triển ngành vi mạch. Lực lượng lao động được đào tạo bài bản và có nhiều sáng tạo là yếu tố quyết định trong ngành có tính cạnh tranh cao này.
Đại học Bách Khoa TP.HCM tuyển sinh gần 1.000 sinh viên/năm cho nhiều ngành kỹ thuật, nhưng chỉ có tối đa 100 sinh viên là theo đuổi chuyên ngành liên quan tới vi mạch.
Điều này càng cấp thiết hơn khi Việt Nam đã vươn lên là một trong những trung tâm xuất khẩu vi mạch của thế giới. Theo Hãng Nghiên cứu thị trường Statista (Đức), trong một thập niên qua, ngành vi mạch Việt Nam đã có sự tăng trưởng vượt bậc, với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm là 7,1% giai đoạn 2016-2021, và dự báo mức tăng trưởng này sẽ đạt 7,5% cho giai đoạn 2022-2027, với tổng giá trị là 26,2 tỉ USD. Việt Nam hiện là nước xuất khẩu vi mạch lớn thứ ba châu Á sang Mỹ, chỉ đứng sau sau Malaysia và Đài Loan.
Ông Trịnh Khắc Huề - Tổng giám đốc Tập đoàn Qorvo Việt Nam cho biết, sự phát triển vi mạch của TP.HCM còn nhiều thách thức. Thành phố chưa có hệ sinh thái toàn diện cho vi mạch bán dẫn bao gồm nhà cung cấp nội địa, công ty thiết kế sản phẩm, cơ sở đóng gói, kiểm định, phân tích sai lỗi trong quá trình phát triển.
Theo ông Huề, TP.HCM đang thiếu nhân lực chất lượng cao, có chuyên môn sâu về vi mạch bán dẫn và đang ở công đoạn gia công thiết kế và sản xuất, chưa có nhiều đội ngũ kỹ thuật ở mức tổng công trình sư làm chủ sản phẩm. Sự thiếu hụt nhân sự chuyên môn cao làm cho quá trình phát triển và mở rộng ngành vi mạch diễn ra chậm và khó khăn hơn.
Mô hình phối hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp
Các trường đại học tại TP.HCM đủ năng lực đào tạo kỹ sư vi mạch không nhiều, do thiếu giảng viên có kinh nghiệm, phòng thí nghiệm, giáo trình… Do đó, mô hình phối hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp, tập trung vào các khoá đào tạo ngắn hạn ngày càng phổ biến và được xem là bước đi quan trọng cho việc đào tạo nguồn nhân lực vi mạch có đủ số lượng và chất lượng.
Theo TS. Lợi Nguyễn, tuyển dụng là công việc đầy thách thức vì nguồn nhân lực vi mạch không nhiều. Tuy nhiên, Marvell đang hợp tác với các trường đại học ở TP.HCM để đưa các môn học liên quan đến vi mạch vào chương trình giảng dạy. Công ty cũng đề xuất chương trình hợp tác đào tạo với các trường để mở rộng nguồn nhân lực vi mạch.
“Trong vòng vài ba năm nữa, việc Marvell có thể mở rộng quy mô lên 500 hay 1.000 kỹ sư phụ thuộc rất lớn vào chất lượng và số lượng nguồn nhân sự có sẵn tại TP.HCM. Đó là lý do chúng tôi đang làm việc rất chặt chẽ với các trường đại học và mở ra chương trình học bổng dành cho sinh viên tài năng để thúc đẩy nguồn nhân lực vi mạch chất lượng cao” - TS. Lợi Nguyễn chia sẻ.
Vào tháng 3 vừa qua, Tập đoàn Synopsys (Mỹ) đã hợp tác với Đại học Quốc gia TP.HCM với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực vi mạch chất lượng cao. PGS-TS. Vũ Hải Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM, cho biết, Synopsys chia sẻ giáo trình đào tạo và cấp phép sử dụng phần mềm thiết kế vi mạch cho sinh viên cũng như xây dựng phòng thí nghiệm thực hành chung. Điều này giúp giải quyết các thách thức về chương trình đào tạo và công cụ thực hành về vi mạch cũng như giúp nhân lực vi mạch đáp ứng được công việc trong chuỗi, từ thiết kế, sản xuất cho đến đóng gói, kiểm định chip. Sự hợp tác này giúp tăng quy mô, chất lượng đào tạo và có được sự va chạm thực tiễn trong công việc cho kỹ sư vi mạch.
“Việc được học và thực hành với phần mềm thiết kế vi mạch của các tập đoàn hàng đầu như Synopsys giúp sinh viên khi ra trường có nền tảng kiến thức vững chắc và kĩ năng thực hành cao, đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng khắt khe của các tập đoàn toàn cầu trong lĩnh vực này” - ông Quân cho biết.
Hiện Khu Công nghệ cao TP.HCM đã được nhận chuyển giao phòng thí nghiệm hiện đại cũng như bằng sáng chế xung quanh lĩnh vực vi mạch từ các doanh nghiệp vi mạch bán dẫn hàng đầu thế giới. Đây là lợi thế rất lớn cho chương trình đạo tạo kỹ sư vi mạch. Nhiều trường đại học ở TP.HCM cũng đang làm rất tốt chương trình đào tạo nguồn nhân lực vi mạch. Tất cả điều này sẽ đem đến lợi thế rất lớn cho Thành phố trong phát triển ngành công nghiệp vi mạch.
Theo thống kê của Cộng đồng Vi mạch Việt Nam và HSIA, 53% kỹ sư đang làm việc cho doanh nghiệp thiết kế vi mạch được đào tạo từ các trường đại học thành viên của Đại học Quốc gia TP.HCM. Nơi đây đang đào tạo khoảng 6.000 sinh viên các nhóm ngành liên quan trực tiếp và gián tiếp đến công nghệ bán dẫn.