Bất động sản

Quốc hội yêu cầu giải pháp đưa bất động sản về đúng giá trị nội tại

Bạch Khởi 25/11/2024 06:05

Chiều 23/11, với 421/423 đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản (BĐS) và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”.

Tại Nghị quyết vừa ban hành, Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Bộ ngành và địa phương có biện pháp điều tiết để đa dạng hóa sản phẩm cho thị trường BĐS, hài hòa giữa cung và cầu; tăng nguồn cung BĐS giá thấp; đáp ứng nhu cầu về nhà ở, bảo đảm an sinh xã hội.

Theo đó, Quốc hội yêu cầu cần có giải pháp căn cơ, dài hạn để đưa giá BĐS về đúng giá trị nội tại, ngăn chặn việc thao túng, sử dụng các phiên đấu giá quyền sử dụng đất nhằm mục đích tạo sốt giá.

Bên cạnh đó, Quốc hội cũng yêu cầu các cơ quan chức năng theo dõi sát tình hình, diễn biến thị trường BĐS, tăng cường phân tích, dự báo để điều tiết, lành mạnh hóa thị trường trên nguyên tắc tôn trọng quy luật của thị trường; ngăn chặn tình trạng thị trường "phát triển nóng" hoặc "đóng băng", ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển chung của nền kinh tế.

metroso1-1-16424783117891765598063.jpg
Quốc hội yêu cầu giải pháp đưa bất động sản về đúng giá trị nội tại

Chính phủ được giao nghiên cứu, ban hành mới các luật về mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang bảo; nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đất, thực hiện mục tiêu tái phân phối thu nhập và động viên nguồn thu hợp lý, ổn định cho ngân sách nhà nước.

Chính phủ còn được yêu cầu giải quyết dứt điểm những dự án thuộc phạm vi xử lý theo thẩm quyền hoặc đã được phân cấp, giao quyền cho Chính phủ, bộ, ngành, địa phương.

Riêng các Bộ ngành được giao xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký tài sản có sự liên thông, chia sẻ, tích hợp giữa các hệ thống đăng ký thuộc các lĩnh vực chuyên ngành khác nhau; bảo đảm sự công khai, minh bạch, dễ tiếp cận các thông tin về tình trạng pháp lý của tài sản.

Mặt khác, Quốc hội yêu cầu tiếp tục rà soát các dự án khác có khó khăn, vướng mắc pháp lý, hạn chế tối đa ảnh hưởng của việc rà soát đến hoạt động kinh doanh bình thường, liên tục và lợi ích chính đáng, hợp pháp của doanh nghiệp và người dân. Phân loại, xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm, đề xuất cơ chế giải quyết phù hợp để báo cấp có thẩm quyền.

Đồng thời, có giải pháp cụ thể và hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ vướng mắc liên quan đến quản lý, sử dụng đất trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần có cơ chế, chính sách xử lý đối với trường hợp phương án sử dụng đất sau khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp không còn phù hợp với quy hoạch và có giải pháp cụ thể tháo gỡ vướng mắc trong việc thực hiện hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) đã ký kết, hoàn thành trong năm 2025.

Bạch Khởi