Trong nước

Phát triển khoa học công nghệ là một xu thế tất yếu

Ka Mi 22/11/2024 12:35

Tại Hội thảo tăng cường hợp tác quốc tế về phổ biến kiến thức khoa học hướng tới tăng trưởng xanh, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững vừa diễn ra tại Hà Nội, TS. Phan Xuân Dũng - Chủ tịch Liên hiệp Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) cho rằng, đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ luôn là một xu thế tất yếu.

Người đứng đầu VUSTA nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước luôn thực hiện nhất quán chủ trương coi khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, động lực then chốt để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại đối với mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế quốc gia và các doanh nghiệp. Theo đó, việc phổ biến kiến thức khoa học không chỉ là nhiệm vụ chiến lược mà còn là sứ mệnh của VUSTA và đội ngũ tri thức, góp phần đào tạo nhân lực và nâng cao dân trí của đất nước.

“Phổ biến kiến thức khoa học là một trong những nhiệm vụ chiến lược quan trọng của VUSTA. Trong đó, sự hợp tác đối với các bên cùng hướng tới một mục tiêu chung góp phần thực hiện các hoạt động phổ biến kiến thức khoa học đến công chúng một cách hiệu quả và thiết thực hơn chính là xu thế qua việc tổ chức hội thảo, các hoạt động xã hội”, TS. Phan Xuân Dũng phát biểu tại sự kiện.

Hội thảo được tổ chức trong bối cảnh thế giới đang đứng trước các vấn đề nghiêm trọng như biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường, và sự gia tăng khoảng cách phát triển giữa các quốc gia. Tăng trưởng xanh và phát triển bền vững trở thành chiến lược cốt lõi mà nhiều quốc gia, bao gồm Việt Nam, lựa chọn để bảo đảm sự phát triển kinh tế lâu dài mà vẫn duy trì sự cân bằng với môi trường.

Các đại biểu trong và ngoài nước đã trình bày các bài tham luận về: Ứng dụng phổ biến khoa học để thúc đẩy hiện đại hóa, cơ hội tài trợ và hợp tác trong nghiên cứu và đổi mới, trao quyền cho phụ nữ...

oong-dung-backup.jpg
Tiến sĩ khoa học Phan Xuân Dũng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Trần Trung

Ông Vương Đình - Tổng giám đốc, Nhà nghiên cứu Viện Nghiên cứu phổ biến khoa học Trung Quốc (CRISP) chia sẻ nhiều kinh nghiệm, bài học thực tiễn từ Trung Quốc khi “ứng dụng phổ biến khoa học để thúc đẩy hiện đại hóa”.

Đại diện CRISP dẫn lời trích của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 30/5/2016 rằng, đổi mới khoa học công nghệ và phổ biến khoa học là hai cánh để đạt được sự phát triển sáng tạo, và phổ biến khoa học phải được đặt ở vị trí quan trọng ngang bằng với đổi mới khoa học công nghệ. Nếu không nâng cao trình độ khoa học của toàn thể công dân Trung Quốc, sẽ rất khó xây dựng được lực lượng đổi mới lớn và chất lượng cao, cũng như đạt được sự chuyển đổi nhanh chóng các thành tựu khoa học công nghệ.

“Khoa học và công nghệ là lực lượng sản xuất chính, tài năng là nguồn lực chính và đổi mới là động lực chính cho hiện đại hóa Trung Quốc”, ông Vương Đình nhấn mạnh.

Tham luận tại hội nghị, ông Nguyễn Cảnh Bình - Viện trưởng Viện Lãnh đạo ABG, Phó chủ tịch Thường trực VAPEC cho rằng, kỷ nguyên mới trong khoa học sẽ mở ra trong tương lai. Đất nước và nền kinh tế muốn phát triển bền vững cần phải đặt trên nền tảng khoa học. Đồng thời, đầu tư cho giáo dục, khoa học là đầu tư cho tương lai. Kiến thức khoa học giúp hình thành con người khoa học, từ đó xây dựng nền khoa học vững mạnh. Vòng tròn liên kết này nhấn mạnh vai trò của giáo dục khoa học, coi đây là chìa khóa để phát triển dân tộc trong tương lai.

“Tuy vậy không chỉ đợi vào ngân sách nhà nước mà cần xây dựng cơ chế và chính sách thúc đẩy sự phát triển. Việc áp dựng các chính sách ưu đãi về thuế và mô hình hợp tác công tư là hướng đi thích hợp để khuyến khích các doanh nghiệp và tổ chức tham gia đầu tư vào nghiên cứu khoa học”, ông Bình nói.

Tại hội thảo cũng diễn ra phiên thảo luận bàn tròn, đề xuất các giải pháp, sáng kiến để nâng cao chất lượng, hiệu quả phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững. Thúc đẩy cơ hội hợp tác giữa Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam với các đối tác quốc tế và các bên liên quan.

Sự kiện có sự tham dự của 130 đại biểu đến từ Hội Khoa học và Kỹ thuật Trung Quốc, Hội Khoa học và Kỹ thuật Thượng Hải, Liên đoàn các tổ chức kỹ sư ASEAN, Liên minh châu Âu, các cơ quan đối tác, các diễn giả, nhà khoa học trong nước.

Ka Mi