Sống khỏe

Từ gút đến suy thận

BS. Cao Xuân Minh 17/11/2024 06:00

Khi gặp nhau, anh em doanh nhân hay hỏi thăm dạo này có “very good” hay bị “gút” không. Điều này cho thấy mức độ bị gút, tầm ảnh hưởng của gút lên sức khỏe, sinh hoạt, chế độ làm việc, tiếp khách thật sự không hề nhỏ.

Gút là bệnh lý do cơ thể bị dư chất thải của quá trình chuyển hóa đạm. Đạm khi ăn vào trong cơ thể được chuyển hóa và thải ra ngoài qua nước tiểu dưới dạng urê, nhưng sản phẩm thải lệch lạc biến thành Acid Uric.

Ít người nhận biết thận bị quá tải

Ở mức độ bình thường, Acid Uric được thải qua thận theo nước tiểu ra ngoài. Nhưng nếu Acid Uric tạo ra quá nhiều, nó sẽ gây quá tải cho thận khiến thận bị bệnh, lâu ngày khiến cho chức năng thận suy yếu. Acid Uric không thải ra ngoài được thường lắng đọng ở các khớp, gây nên phản ứng viêm đau nhức, sưng nóng đỏ. Người bị gút có cảm giác đau nhức, buốt ở các khớp. Hiện tượng sưng, nóng, đỏ khớp thường gặp ở ngón cái, các khớp ở chân khiến đi lại rất khó khăn.

suc-khoe_gut.jpg

Ở mức độ nhiều quá, Acid Uric kết tinh thành u cục ở các khớp. Nói tới gút, anh em làm kinh doanh phải giao tiếp nhiều, ăn uống rượu bia thật sự rất đáng sợ.

Hiện tượng gút xuất hiện rất nhanh, ngay sau bữa ăn nhậu thịnh soạn. Cũng có rất nhiều trường hợp không có triệu chứng ra ngoài, đau nhức các khớp mà bệnh chỉ phát hiện khi đi kiểm tra sức khỏe và thấy Acid Uric tăng cao trong máu, chính vì sự âm thầm không triệu chứng, sự quá tải ở thận khi đào thải Acid Uric khiến cho nhiều trường hợp bị suy thận không hồi phục mà không hề hay biết.

Hậu quả của suy thận mạn tính giai đoạn cuối thường là chạy thận nhân tạo. Việc phải ghép thận sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống, lao động làm việc, lệ thuộc và tốn kém. Người bị gút phải chịu đau nhức khớp, đi lại khó khăn thì hầu như ai cũng biết, nhưng từ gút gây nên suy thận thì hầu như không được khuyến cáo nhiều. Hoặc triệu chứng khó chịu ra ngoài nên rất nhiều anh em không lưu tâm, không sợ hoặc “điếc không sợ súng”. Chỉ đến chức năng thận tiêu tùng thì mới hối hận nhưng đã muộn.

Gút là bệnh liên quan đến đạm, cụ thể là các loại thịt, hải sản, rượu bia…, là những thứ thường gặp trong ăn uống, giao tiếp mỗi ngày. Vẫn là bữa ăn, bữa nhậu, tiệc tùng, nhưng điều đòi hỏi phải lưu ý điều tiết để có lượng đạm đưa vào cơ thể hợp lý. Các loại thức ăn nên hạn chế là thịt đỏ, thịt chó, nội tạng động vật, tôm, cua, mực… Đó là những thứ mà lượng đạm đưa vào cơ thể rất nhiều.

Ngày càng “trẻ hoá” người bị gút

Không có loại thức ăn nào bị cấm tuyệt đối, trừ khi con người bị dị ứng với nó. Vấn đề là ăn uống với liều lượng hợp lý và cân bằng trong 24 giờ. Cái gì nhiều quá đều không tốt. Tuy nhiên, những thứ vừa đưa vào cơ thể hôm trước, hôm sau làm đau nhức thì nên tránh, chớ rước vào thân.

Rượu bia là chất độc hại với bệnh gút, nó làm gia tăng Acid Uric. Vì vậy người bị gút phải kiêng cữ, thậm chí là đoạn tuyệt với rượu bia. Rượu bia thật sự rất độc hại với cơ thể ở người cơ địa bị rối loạn chuyển hóa đạm.

Thời gian gần đây, chúng tôi tiếp nhiều bạn còn rất trẻ, mới 30 tuổi mà chỉ số Acid Uric cao vút. Cũng không ít bạn trẻ bị biến chứng suy thận. Thật đáng tiếc! Chúng tôi cố gắng trò chuyện để các bạn hiểu rõ mức độ quan trọng và nguy hiểm khi tăng Acid Uric. Thậm chí có những bạn chúng tôi phải đưa vào chế độ giám sát để điều trị thích hợp.

Khi bị gút, bạn cần đến bác sĩ thăm khám, đánh giá và giám sát sức khỏe. Chế độ ăn uống, sinh hoạt vô cùng quan trọng. Ngoài ra, việc tuân thủ khám bệnh và uống thuốc đều đặn cũng quan trọng không kém. Nó giúp bạn kiểm soát sức khỏe trong sự an toàn, không để mọi thứ gây hậu quả quá trễ.

Nhiều trường hợp bệnh gút không gây đau nhức các khớp mà bệnh chỉ phát hiện khi thấy Acid Uric tăng cao trong máu. Đây là lúc bệnh nhân đã bị suy thận không hồi phục mà không hề hay biết.

BS. Cao Xuân Minh