Trò chuyện doanh nhân

CEO Nguyễn Hải Nam: Vẫn giữ ước mơ lãng mạn thuở khởi nghiệp

Ngô Quỳnh Trang 13/11/2024 12:29

Hành trình khởi nghiệp đầu tiên vào tháng 11/2016, khi đó Nguyễn Hải Nam là đồng sáng lập On-Point, rồi tiếp tục hành trình với vai trò đồng sáng lập và CEO tại Datamart Solutions - nền tảng hỗ trợ nhà bán hàng trên các trang thương mại điện tử. Hiện Nguyễn Hải Nam đang “dừng chân” với ứng dụng Sổ Bán Hàng - công cụ ghi sổ giúp tiểu thương lần đầu bán hàng qua mạng.

Gần 4 năm có mặt trên thị trường, ứng dụng quản lý bán hàng Sổ Bán Hàng (sobanhang) trên điện thoại di động đã thu hút được hơn 600.000 khách hàng sử dụng, nhận về 4.8 sao trên kho ứng dụng từ người dùng, hiện là app quản lý bán hàng có số điểm cao nhất trên thị trường được chính người sử dụng để lại đánh giá.

10 năm hỗ trợ các nhà bán hàng

* Đầu tiên, xin chúc mừng ông và Sổ Bán Hàng đi qua giai đoạn khó khăn nhất. Nhìn lại cuộc hành trình gần 4 năm qua, cảm xúc của ông lúc này như thế nào?

- Đầu tiên tôi muốn chia sẻ là không có đích đến cuối cùng nào trong hành trình startup và xây dựng doanh nghiệp. Chỉ có các cột mốc cần đạt được để công ty dần lớn lên và trưởng thành. Thời gian 2-3 năm qua, là giai đoạn khó khăn của toàn thị trường nói chung chứ không riêng gì của Sổ Bán Hàng. Nhưng tôi tin là giai đoạn khó khăn chung sắp đi qua và nền kinh tế cũng như các doanh nghiệp sắp bước sang một chu kì tăng trưởng mới.

Cá nhân tôi, nhìn lại hành trình thách thức vừa qua, tôi thấy vô cùng ý nghĩa:

Trước hết là công ty vẫn giữ vững sứ mệnh ban đầu cho khách hàng. Sổ Bán Hàng muốn nâng tầm công nghệ cho chủ kinh doanh, chủ doanh nghiệp nhỏ bằng những giải pháp dễ sử dụng, thuận tiện, và chi phí cực thấp thay vì tăng giá cao để có lợi nhuận.

Thứ hai là cho đội ngũ Sổ Bán Hàng, mọi người hiểu nhau hơn, gắn bó, và được rèn rũa nhiều hơn qua những thử thách. Hiện tại, tôi tự hào khi nói rằng: Đội ngũ bây giờ “thiện chiến” lắm.

Thứ ba cho chính bản thân mình cũng nhận thức được ý nghĩa, trách nhiệm xã hội của một doanh nhân khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ.

2(1).jpg

* Là người có lý lịch “khủng” đứng sau loạt startup triệu đô, điều gì đã thôi thúc ông khởi nghiệp với Sổ Bán Hàng?

- Với tôi, startup là một hành trình và doanh nhân nào cũng phải khởi nghiệp liên tục. Hoặc đó là một dự án, một sản phẩm mới trong chính công ty hiện tại để mở rộng kinh doanh, hoặc là một dự án độc lập, hoàn toàn mới. Có lẽ do tôi chia các dự án thành các chặng rõ ràng, với tên khác nhau nên mọi người nghĩ là nhiều chứ thật ra với tôi, nó vẫn là một, một hành trình mà mình vẫn tiếp bước mà thôi. Tất cả công việc của tôi trong 10 năm qua đều xoay quanh việc hỗ trợ các nhà bán hàng, doanh nghiệp khai thác niềm năng và phát triển trên nền kinh tế số.

* Vậy Sổ Bán Hàng là ứng dụng hoạt động như thế nào, thưa ông?

- Sổ Bán Hàng là ứng dụng quản lý bán hàng thông minh trên điện thoại di động. Sổ Bán Hàng hỗ trợ chủ kinh doanh quản lý toàn diện mọi hoạt động bán hàng tại cửa hàng, mở rộng lên tất cả các kênh thương mại điện tử và quản lý thu chi, lãi lỗ mọi lúc mọi nơi.

Điểm khác biệt nhất của Sổ Bán Hàng là cực dễ dàng sử dụng, đầy đủ mọi tính năng quản lý trên một chiếc điện thoại không cần đầu tư thêm phần cứng và quan trọng nhất là chi phí thấp để ai cũng có thể tiếp cận và sử dụng.

* Thời điểm chọn khởi nghiệp là giai đoạn đại dịch Covid-19 và mọi hoạt động gần như tê liệt, điều gì khiến ông tin rằng ứng dụng của mình sẽ được khách hàng chấp nhận?

- Đại dịch Covid-19 khiến cho mọi người đều thấy nhu cầu cấp bách là cần có một giải pháp, công cụ chuyển đổi số cho chủ kinh doanh, chủ doanh nghiệp nhỏ. Điều đó thôi thúc tôi giải bài toán của thập kỉ. Và cũng tâm niệm rằng đây là một hành trình dài, phân khúc này còn quá nhiều vấn đề có thể giải quyết bằng công nghệ. Nếu nhìn xa hơn thì cũng bớt lo lắng về phản ứng ban đầu của thị trường.

* Với những hạn chế tại thời điểm khởi nghiệp, ông đã xoay xở như thế nào để ứng dụng Sổ Bán Hàng thích ứng và sống được?

- Có hai hạn chế lớn nhất khi đó là phải làm việc online để ra sản phẩm và không gặp được trực tiếp khách hàng để nhận phản hồi. Nhưng khi đó làm gì có nhiều sự lựa chọn, đội ngũ của chúng tôi lúc đó buộc phải chuyển sang làm online hết và dùng digital marketing để đưa sản phẩm đến với khách hàng.

Chính việc không gặp được trực tiếp khách hàng để hướng dẫn đã giúp Sổ Bán Hàng được xây dựng với triết lí dễ sử dụng, ai cũng có thể tự học, thành thạo sau vài phút và không cần mua thêm bất cứ một thiết bị nào khác để bắt đầu.

3.jpg

Triết lý dễ sử dụng, ai cũng có thể thành thạo sau vài phút

* Thưa ông, phải mất bao lâu để khách hàng tiếp nhận và tin tưởng rằng đây là ứng dụng có thể giúp được họ?

- Như tôi đã nói ở trên, triết lý dễ sử dụng giúp Sổ Bán Hàng tập trung xây dựng hành trình hướng dẫn sử dụng lần đầu tiên và cá thể hoá theo nhu cầu, ngành nghề và quy mô của từng khách hàng. Thường chủ kinh doanh chỉ cần 5 phút đầu tiên là đã xây dựng xong cửa hàng số, sau 3 ngày là thành thạo hết các tính năng và triển khai được cho doanh nghiệp của mình rồi. Đặc biệt là chủ kinh doanh có thể tự làm chứ không phải gọi người đến hỗ trợ hay hướng dẫn sử dụng. Nếu khó khăn lắm thì có thể chat ngay với đội ngũ hỗ trợ trong apps.

* Với những tiểu thương quen với thanh toán truyền thống, để thay đổi hành vi cũ, đặc biệt là dùng công nghệ không phải chuyện dễ. Đội ngũ của ông đã thuyết phục khách hàng như thế nào?

- Tôi đồng ý với quan điểm rất khó để thay đổi thói quen của một ai đó. Và thay đổi hành vi cũ lại càng khó. Nhất là đối với những người - là những tiểu thương kinh doanh nhỏ đã quá quen thuộc với kinh doanh theo cách truyền thống hàng chục năm, họ cũng không mặn mà gì với các giải pháp thanh toán điện tử trước đây qua ví, thẻ, hay chuyển khoản. Bởi một phần vì rào cản công nghệ, một phần vì chi phí chấp nhận thanh toán cao, thường là 1-2% giá trị giao dịch, nghe nhỏ nhưng là 10-20% lợi nhuận của họ rồi.

Khi đó Sổ Bán Hàng đi thuyết phục các ngân hàng để tìm giải pháp nhận thanh toán QR động, báo có xác nhận giao dịch trực tiếp ngay qua apps để đưa chi phí về gần 0%, đối soát tự động về thẳng tài khoản của họ. Khi mình đưa đến giải pháp công nghệ tốt với chi phí thấp thì tiểu thương mới dùng.

Bây giờ nhiều bên cũng học theo giải pháp QR động, nên thị trường dần phổ biến. Nhưng ban đầu Sổ Bán Hàng cũng mất cả năm để thuyết phục ngân hàng và xây giải pháp với HDBank, MBBank, BIDV…

* Hiện tại khó khăn lớn nhất mà Sổ Bán Hàng buộc phải vượt qua đó là gì, thưa ông?

- Startup công nghệ là bài toán dài hạn cần đầu tư cho đến khi đạt được hiệu suất ở quy mô lớn và người dùng quen với hành vi mới. Tuy nhiên các nhà đầu tư không còn mặn mà với thị trường Việt Nam giai đoạn này, nên Sổ Bán Hàng phải tìm mọi cách để vừa duy trì tốc độ tăng trưởng cao, vừa tiếp tục đầu tư công nghệ, vừa phải cắt giảm chi phí mạnh mẽ. Cả một hành trình gian nan phía trước, nhưng tôi tin rằng Sổ Bán Hàng sẽ vượt qua được, vì dù sao sau đại dịch mọi người đều ý thức được việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ quan trọng như thế nào.

* Ông nghĩ sao khi nói rằng thời điểm dịch có thể đối với các startup khác là “nguy hiểm” nhưng đối với Sổ Bán Hàng lại là cơ hội?

- Cũng không hoàn toàn đúng, Sổ Bán Hàng cũng gặp nhiều thách thức “thập tử nhất sinh” trong thời gian qua. Nhất là khách hàng là những người chủ kinh doanh, doanh nghiệp họ gặp khó khăn vì thị trường, không kinh doanh được thì mình bị ảnh hưởng trực tiếp ngay.

* Gần bốn năm có mặt trên thị trường đến thời điểm hiện tại, Sổ Bán Hàng đã có thành quả gì, thưa ông?

- Thành quả lớn nhất mà chúng tôi nhận về là hỗ trợ thiết thực được cho nhiều chủ kinh doanh nhỏ. Cho tới bây giờ đã có hơn 600.000 chủ kinh doanh, doanh nghiệp tải apps và sử dụng. Chúng tôi cũng nhận được điểm đánh giá cao nhất, số lượng nhiều nhất từ chính những người dùng này trên AppStore.

nguyen-hai-nam.png

Hai vòng đầu tiên Sổ Bán Hàng gọi được 4 triệu USD

* Được biết Sổ Bán Hàng đã hoàn thành trong ba vòng gọi vốn. Ông có thể chia sẻ thêm về những thông tin này cũng như kinh nghiệm thực chiến của một startup gọi vốn bằng thực lực?

- Cũng phải nhìn nhận thực tế là hai vòng đầu tiên Sổ Bán Hàng gọi được 4 triệu USD vào 2021 - thời điểm thị trường đầu tư mạo hiểm rất sôi động. Khi thị trường tốt thì mọi thứ đều thuận lợi và dễ dàng. Tôi nghĩ đó là may mắn nhiều hơn kinh nghiệm thực tế.

Vòng gần đây tôi tập trung vào các nhà đầu tư chiến lược. Ví dụ có sự tham gia của ông Rob Frohwein - một nhà khởi nghiệp kỳ cựu ở Sillicon Valley đã xây dựng lên công ty tài chính dành cho doanh nghiệp nhỏ lớn nhất nước Mỹ. Khi đó cả startup và nhà đầu tư có cơ hội làm việc sâu với nhau, hiểu con người nhau, cùng hướng tới sứ mệnh chung và hiểu được nhiều giá trị chiến lược có thể đem lại thay vì chỉ mỗi vốn.

* Gần đây có những thông tin không được tích cực đối với việc gọi vốn của các startup công nghệ Việt Nam. Là một nhà khởi nghiệp công nghệ, ông có chia sẻ gì?

- Khi thị trường khó khăn thì các nhà đầu tư cũng “run tay”, họ không ưu tiên rót vốn vào thị trường giai đoạn sớm, thay vào đó họ tìm các kênh đầu tư an toàn hơn, như trái phiếu.

Và riêng thị trường Việt Nam thì các nhà đầu tư còn lo lắng khả năng thu hồi vốn. Tiền vào thì dễ, tiền ra thì khó. Việt Nam chúng ta có một vài unicorn (kỳ lân) nhưng chưa ai IPO được. Chưa kể thị trường chứng khoán Việt Nam trong một thời gian dài VN-Index vẫn loanh quanh ở mức 1200-1400 điểm. Các nhà đầu tư đang chờ đợi những thay đổi tích cực trong thời gian tới để nâng hạng thị trường.

Tuy nhiên startup là một hành trình dài và đầu tư giai đoạn sớm cần kiên nhẫn cho cả nhà đầu tư và các công ty khởi nghiệp. Nếu cả hai không hiểu được điều này mà đến với nhau thì rủi ro chia tay còn cao hơn. Việc chọn nhà đầu tư cũng quan trọng như chọn đồng sáng lập vậy. Hãy thực sự tìm hiểu nhau kỹ trước khi hợp tác.

* Như vậy sự lo lắng của các nhà đầu tư có ảnh hưởng gì đến các startup Việt Nam khi tham gia gọi vốn? Sổ Bán Hàng có bị ảnh hưởng bởi những thông tin đó không, thưa ông?

- Tất nhiên là có, Sổ Bán Hàng cũng như các tech startup khác đều khó gọi vốn trong thời gian này. Đối với các nhà đầu tư, Sổ Bán Hàng thường chia sẻ minh bạch cả tiềm năng lẫn khó khăn. Thực tế startup không phải lúc nào cũng có kết quả tích cực đâu, ngược lại startup sinh ra là để giải quyết vấn đề, vượt qua khó khăn nên mình cứ thẳng thắn chia sẻ với các nhà đầu tư, vì chỉ có minh bạch mới tạo ra niềm tin. Đồng thời cũng cần rất chuyên nghiệp trong các báo cáo hằng tháng về kế hoạch, kết quả và tài chính.

* Theo ông thì điều gì dẫn đến các startup công nghệ Việt Nam mất dần uy tín? Các nhà khởi nghiệp cần chú ý điều gì đừng để bị ảnh hưởng chung đến startup công nghệ Việt Nam?

- Có nhiều tech startup của chúng ta làm theo trend (xu hướng). Mà trend thì lên nhanh, xuống cũng nhanh, nhưng kỳ vọng các nhà đầu tư không xuống nhanh như trend nên hai bên không vui.

Tiếp nữa, có một lỗi mà rất nhiều startup mắc phải đó là quản lý tài chính không rõ ràng và minh bạch, nhất là người kinh doanh thì thường không đến từ background tài chính như các nhà đầu tư nên chưa có những kĩ năng và phẩm chất về quản lý tài chính mà các nhà đầu tư kỳ vọng.

tro-chuyen_anh-trang-thu-tu(1).jpg
Đội ngũ Sổ Bán Hàng tư vấn cho khách hàng

Việt Nam được đánh giá cao hơn các startup Đông Nam Á khác

* Chúc mừng ông và đội ngũ khi Finan đoạt giải ba tại ASEAN - Korea Startup Innovation Week 2024 với FinanBook - Giải pháp Quản lý dòng tiền thông minh giải thưởng này giúp gì cho phát triển của Sổ Bán Hàng?

- FinanBook là phiên bản Sổ Bán Hàng cao cấp cho chủ doanh nghiệp lớn hơn, giúp họ quản lý tài chính và là kế hoạch đưa Sổ Bán Hàng ra thị trường quốc tế. Việc được ghi nhận và đánh giá cao trên thị trường quốc tế sẽ giúp FinanBook xây dựng được thương hiệu cho kế hoạch này. Và tôi cũng tự hào vì khi giải nhất và nhì thuộc về Singapore. Họ đúng là vượt trội hơn mình thật. Nhưng lần này Việt Nam cũng được đánh giá cao hơn các startup Đông Nam Á khác, tinh thần doanh nhân khởi nghiệp của Việt Nam cao cả về nền tảng kĩ sư công nghệ nữa. Tốc độ phát triển mình nhanh hơn thì mình sẽ sớm bắt kịp Singapore thôi.

* Bài học từ một startup Việt đã nhận được nhiều giải thưởng công nghệ trong và ngoài nước, theo ông là gì?

- Startup non trẻ không có thương hiệu, không có nhiều tiền cho marketing, đây là cơ hội rất tốt để mọi người biết tới mình. Ngoài ra qua mỗi cuộc thi được gặp, học hỏi các đồng đội khởi nghiệp khác và được ban giám khảo đặt nhiều câu hỏi khó khiến mình cũng trưởng thành nhiều hơn.

* Vậy hướng phát triển tiếp theo của Sổ Bán Hàng như thế nào? Cũng như những kỳ vọng mà ông muốn chinh phục trên hành trình khởi nghiệp?

- Sau ba năm, Sổ Bán Hàng đã có một định vị vững vàng trên thị trường với sứ mệnh đồng hành, hỗ trợ các chủ kinh doanh nhỏ để tạo tác động lớn xã hội. Sổ Bán Hàng sẽ kiên định với con đường này để nâng tầm công nghệ cho triệu chủ kinh doanh. Cột mốc gần nhất mà chúng tôi hướng đến là 1 triệu người sử dụng trong năm 2025 tới.

Còn lại cột mốc lớn và thách thức hơn tiếp theo sẽ là FinanBook, tập trung cho các chủ doanh nghiệp hiện đại cấp tiến, giúp họ tối ưu dòng tiền, làm đòn bẩy tăng tốc phát triển kinh doanh và mở rộng FinanBook ra thị trường thế giới.

* Ông từng nói “May mắn vẫn duy trì được ước mơ lãng mạn lúc mới startup”. Ứớc mơ lãng mạn lúc đó là gì?

- Đúng may mắn là thứ duy trì ước mơ lãng mạn của tôi. Tôi thấy mình là người may mắn. Ước mơ lãng mạn ấy nằm ngay trong sứ mệnh của Sổ Bán Hàng từ ngày đầu sáng lập, nâng tầm công nghệ cho hàng triệu chủ kinh doanh Việt Nam. Nhìn lại thì cũng được 2/3 chặng đường rồi. Ước mơ tiếp theo của tôi là đưa Sổ Bán Hàng, FinanBook ra thế giới.

* Nhìn lại hành trình của bản thân, đâu là thành tựu mà ông tự hào nhất và thất bại nào là bài học quý giá nhất?

- Thành tựu đáng tự hào nhất có lẽ là tìm được ý nghĩa cho bản thân trên hành trình khởi nghiệp này. Vì hạnh phúc thực sự ở trên con đường chứ không phải ở đích đến.

Thất bại quý giá nhất là ở Sổ Bán Hàng với ước mơ lãng mạn khi nghĩ rằng cứ có nhiều người sử dụng và branding là tốt. Nhưng thực tế càng tăng trưởng nóng người dùng thì chất lượng dịch vụ càng giảm, gánh nặng chi phí càng lớn, tiền đốt càng nhanh và startup càng “dễ chết”. Sổ Bán Hàng suýt chết lần đầu tiên khi vừa giành vị trí quán quân Techfest 2022.

* Xin cảm ơn ông!

h3.jpg

1. Sinh năm 1985, CEO 8X quê Hải Phòng dễ dàng gây ấn tượng với những người xung quanh bởi sự thông minh và đầy năng lượng. 15 tuổi, Bùi Hải Nam lên Hà Nội để học chuyên toán, sau đó xuất sắc thi đậu vào trường Đại học Kinh tế Quốc dân, chuyên ngành thông tin kinh tế. Sau khi đạt học bổng, Hải Nam theo học ngành dịch vụ tài chính tại Trường đại học Quản lý Singapore (SMU).
2.
Đầu năm 2000, ngân hàng là một trong những ngành “hot” nhất. Vì vậy, sau khi tốt nghiệp, Nam đầu quân cho hàng loạt ngân hàng có tiếng như DBS, Techcombank, HSBC… Từng giữ vị trí Phó Chủ tịch HSBC Singapore, Bùi Hải Nam cho biết, mục tiêu lúc đó của anh là làm thế nào để leo lên vị trí cao nhất, càng nhanh càng tốt. Với khả năng và quyết tâm đó, Nam đã nhanh chóng đạt được những gì mình mong muốn ở tuổi 30.
3.
Tháng 1/2016, Bùi Hải Nam gia nhập sàn thương mại điện tử Lazada, nơi anh giữ ghế Giám đốc chiến lược và kế hoạch (Lazada Singapore) và sau đó là giám đốc thương mại (Lazada Việt Nam).
4.
Hành trình khởi nghiệp của CEO Bùi Hải Nam chính thức bắt đầu vào tháng 11/2016, khi anh là đồng sáng lập On-Point, và tiếp tục khởi nghiệp và giữ vai trò CEO tại Datamart - nền tảng hỗ trợ nhà bán hàng trên các trang thương mại điện tử. Năm 2018 dự án khởi nghiệp Datamart của Nam giành ngôi Quán quân Start-up Việt.
5.
Năm 2019, anh cùng con trai tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo đồng sáng lập Swift247 - startup công nghệ cung cấp dịch vụ chuyển phát hàng không siêu tốc.
6.
Năm 2021, Nam khởi nghiệp với dự án Sổ Bán Hàng, ứng dụng ghi sổ giúp các tiểu thương lần đầu bán hàng qua mạng. Trước khi lên Shark Tank Việt Nam gọi vốn, startup này đã đoạt giải Quán quân Techfest 2022 và đại diện Việt Nam tham gia Startup World Cup năm 2023.
7.
Năm 2024, Finanbook (phiên bản SoBanHang cao cấp) đạt Giải Ba tại ASEAN - Korea Startup Innovation Week 2024 với FinanBook - Giải pháp Quản lý Dòng tiền Thông minh tại Hàn Quốc.

Ngô Quỳnh Trang