Kinh doanh

Thương mại điện tử bị “xâm thực”

Vũ Yến - Quang Lê - Cao Minh Tèo - Hoàng Duy Long 09/11/2024 07:47

Thời gian vừa qua, các sàn thương mại điện tử (TMĐT) Shopee, Lazada, Tiki rơi vào tay nhà đầu tư Trung Quốc và tiếp theo là hàng Trung Quốc tràn vào Việt Nam. Gần đây xuất hiện thêm Temu khiến các nhà sản xuất và phân phối trong nước thêm lo ngại. Nếu không có giải pháp phòng vệ đúng đắn và kịp thời, hàng sản xuất trong nước và nhà bán lẻ trong nước sẽ khó tồn tại.

1.Bán hàng online đạt 227.700 tỷ đồng: Tiền về túi người khác

Hiện nay, tại Việt Nam có 5 sàn TMĐT lớn đang chiếm lĩnh thị trường gồm Shopee, Lazada, Tiki, TikTok Shop, Shein và Sendo. Trong đó, thị phần chủ yếu nằm trong tay các doanh nghiệp (DN) Trung Quốc.

Doanh số bán hàng online tại thị trường Việt Nam luôn đạt được những con số ấn tượng, trong khi DNViệt Nam c hỉ biết “đứng nhìn”.

Nhà nhà mua sắm trên Shopee, Lazada, TikTok Shop

Trong báo cáo thị trường sàn bán lẻ trực tuyến quý III và dự báo quý IV được Metric - công ty dữ liệu TMĐT lớn tại Việt Nam công bố hồi tháng 10/2024, tổng doanh số toàn thị trường trong 9 tháng qua đạt tới 227.700 tỷ đồng, tương đương 8,9 tỷ USD, tăng 37,6% so với cùng kỳ năm 2023, với 2,43 triệu sản phẩm được bán ra, tăng 49,8% so với cùng kỳ năm 2023. Riêng quý III, đạt 84.750 tỷ đồng (gần 3 tỷ USD), tăng 15,9% so với quý III/2023 với 897 triệu sản phẩm. Sản phẩm làm đẹp, giày dép, bách hóa, thực phẩm và phụ kiện thời trang là những mặt hàng được mua sắm trực tuyến nhiều nhất.

Trong quý III, sản phẩm thuộc phân khúc giá rẻ dưới 200.000 đồng gia tăng mạnh, chiếm hơn một nửa doanh số toàn thị trường, tăng 9% thị phần so với năm ngoái. Phân khúc dưới 100.000 đồng cũng tăng 5% thị phần, trong khi phân khúc 100.000 - 200.000 đồng tăng thêm 4%.

Trong đó, TikTok Shop và Shopee là hai sàn TMĐT lần lượt tăng trưởng 110,6% và 11,3% về doanh số so với cùng kỳ 2023.

bs1.jpg

Tiki cũng là một điểm sáng bất ngờ trong quý vừa qua. Sau khi ghi nhận mức tăng trưởng âm so với cùng kỳ 2023, Tiki đang có sự phục hồi với mức tăng 38,1% so với quý II, tạo ra một bước ngoặt khả quan cho nền tảng thương mại vẫn được gọi là nội địa này.

Trước đó, theo số liệu thống kê của một DN bưu chính của Việt Nam, từ tháng 3/2023 đã có trung bình từ 4-5 triệu đơn hàng/ngày được vận chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam với giá trị trung bình khoảng 45-63 triệu USD. Một tháng có khoảng 1,3-1,9 tỷ USD giá trị hàng hóa được luân chuyển qua các sàn TMĐT như Shopee, Lazada, Tiki, TikTok Shop.

Theo dự báo của Metric, doanh thu TMĐT của Việt Nam có khả năng sẽ đạt hơn 310.000 tỷ đồng vào năm nay.

Và từ tháng 10 vừa qua, cùng với sự xuất hiện rầm rộ của sàn TMĐT Temu, thương hiệu nước ngoài của Pinduoduo, một gã khổng lồ TMĐT Trung Quốc đã niêm yết trên Nasdaq, công ty lớn thứ 8 ở Trung Quốc và là nhà bán lẻ trực tuyến lớn thứ hai sau Alibaba chắc chắn sẽ khiến lượng đơn hàng mỗi ngày được vận chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam sẽ tăng lên trong thời gian tới.

Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương đặt mục tiêu đến năm 2025, đưa quy mô thị trường TMĐT Việt Nam đạt 14,7 tỷ USD (khoảng 880.000 tỷ đồng).

Hàng Việt Nam lép vế ngay trên sân nhà

Dù có những con số báo cáo rất ấn tượng như trên, nhưng doanh thu không chảy về tài khoản của DN Việt Nam. Bởi lẽ, người tiêu dùng (NTD) đa số vẫn chọn mua hàng bán trực tiếp từ Trung Quốc. Và mọi chuyện đều có nguyên nhân của nó.

Bà Lê Thu Hà - Phó tổng giám đốc Công ty Đồng Lợi, có trụ sở tại Đồng Nai, TP.HCM, Hà Nội và Lào, cho biết điểm “ăn tiền” của Temu nói riêng và một số sàn TMĐT khác nói chung là hàng hóa đa dạng, phong phú từ cái nhỏ nhất và rất hữu dụng. Trong khi đó, điểm yếu “chết người” của DN Việt Nam, nhất là DN sản xuất nhỏ lẻ là chưa phong phú về sản phẩm, lại ít chịu cải tiến sản phẩm, nếu đã làm sản phẩm giá 50.000 đồng thì chất lượng của sản phẩm đó thường ở mức đó thôi, càng về sau chất lượng lại càng giảm vì giá nguyên vật liệu leo thang mà giá bán không nhích lên được mấy.

Theo đó, nếu DN không nâng cấp năng lực sản xuất, sáng tạo, quản lý… thì khó lòng bắt kịp đà phát triển của DN nhỏ tương đương ở Trung Quốc.

“Mua đồ sử dụng nhỏ nhỏ trong gia đình ở Việt Nam rất khó chịu, mua một cái dán chân ghế thì chỉ cần đẩy vài lần là miếng dán tróc ra ngay, nếu muốn dính hơn thì phải gia cố thêm bằng keo 502. Kiểu sản phẩm ở Việt Nam bị như này rất nhiều. Thế nhưng lên Temu mua cái bọc chân ghế có silicone thít lại chắc nụi luôn mà giá cũng không bao nhiêu” - bà Hà chia sẻ.

Từ thực tế tiêu dùng thường ngày, bà Hà cho rằng, DN sản xuất nhỏ lẻ của Việt Nam cần thay đổi, cần biết tìm tòi làm ra sản phẩm đơn giản mà ứng dụng tốt cho đời sống. Những sản phẩm mới nghe tưởng chừng rất đơn giản như là miếng bọc nắp bồn cầu hay cái nón có tấm che lưng bằng miếng chắn cách nhiệt cho nông dân, chẳng hạn.

chuyen-de-1.jpg
Mua bán hàng online là miếng đất màu mỡ, nhưng đang vuột khỏi tầm tay của doanh nghiệp trong nước

Sau khi làm được sản phẩm như thế rồi, thì cố gắng nâng cấp, cải thiện chất lượng, chạy quảng cáo… Tiếp nữa, nếu đủ lực hãy học Trung Quốc là khi sản xuất cái gì luôn nghĩ đến phục vụ được cho nhu cầu lớn và số lượng nhiều thì giá mới rẻ được.

Trong khi đó, đại diện một đơn vị phân phối lớn trong nước cho biết, sự tăng trưởng tốt của TMĐT những năm gần đây, đặc biệt sự xuất hiện của các sàn TMĐT với sản phẩm phong phú, đa dạng, tiện lợi, giá rẻ bất ngờ là thách thức không nhỏ, đã khiến các nhà phân phối trong nước phải tự chuyển đổi mình, trước tiên bằng việc phát triển dịch vụ mua hàng online thông qua website và các ứng dụng hiện đại.

“Ngoài việc đảm bảo chất lượng hàng hóa, tiêu chí hàng đầu để giữ chân NTD, chúng tôi online hóa hàng tại siêu thị để tiện lợi hơn cho việc mua sắm. Thay vì tới siêu thị, chỉ bằng vài cái nhấn chuột, người tiêu dùng ở nhà mua bất cứ mặt hàng nào đang có tại siêu thị. Nếu không thay đổi thì sẽ mất khách hàng” - vị đại diện trên nói thêm.

Ông Đặng Phạm Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH MTV Thể thao Amigo, chuyên sản xuất giày thể thao ở quận 6, TP.HCM, cho biết, hiện tại nhiều sản phẩm giá rẻ xuất hiện trên các sàn TMĐT. Chúng rẻ hơn khá nhiều so với các sản phẩm của Amigo. Nhưng không phải sản phẩm nào cũng được kiểm soát về chất lượng và giá bán. Điều này chính là vấn đề gây khó khăn, trở ngại lớn cho DN trong nước như Amigo.

Lý giải giá bán cao, ông Tuấn cho biết, giá nguyên liệu đầu vào đang tăng cao, lương công nhân đã được nâng lên theo vùng, cộng thêm chi phí thuê mặt bằng… Giá thành cao dẫn tới giá bán cao và đều cao hơn giá bán trên các sàn thương mại. Tất yếu DN truyền thống sẽ không cạnh tranh nổi với các sàn TMĐT, đặc biệt là sàn TMĐT đến từ các nước. Đó là chưa kể tới tình hình lạm phát cao, nguồn cung nhiều nhưng sức mua rất thấp khiến DN lao đao hơn.

Đứng trước những khó khăn ấy, theo ông Tuấn, DN phải thay đổi hòa nhập bằng cách tạo thêm kênh bán hàng trên sàn và tìm đối tác phát triển bán hàng online. “Tương lai xa hơn, muốn cạnh tranh với các sàn thương mại xâm nhập vào thị trường Việt Nam thì mục tiêu của chúng tôi là tìm giải pháp bán trực tiếp đến NTD bỏ qua các trung gian phân phối” - ông Tuấn chia sẻ thêm.

Đã đến lúc Việt Nam cần có sự tham gia quyết liệt của Chính phủ trong việc hỗ trợ nhiều hơn nữa cho DN vừa và nhỏ bằng những chính sách cụ thể hay những đề án ở cấp quốc gia nhằm nâng tầm năng lực từ sản xuất đến bán hàng.

bs2.jpg

2.Hàng Việt cần làm gì trước “cơn bão” hàng ngoại nhập online?

Trước nguy cơ bị làn sóng hàng ngoại nhập từng bước “đè bẹp” hàng Việt, theo các chuyên gia, cần kiểm soát chặt chẽ để chống gian lận thương mại, trốn thuế, đảm bảo môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch. Đồng thời, bản thân hàng Việt phải tự nâng chất, cạnh tranh bằng những sản phẩm có thế mạnh địa phương.

Duy trì những sản phẩm cao cấp, chính ngạch với dịch vụ chăm sóc khách hàng chu đáo
Nếu thiếu đi các biện pháp kiểm soát hợp lý, kinh tế nội địa sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ: Quyền lợi của NTD khó được bảo vệ và đặc biệt là DN sản xuất trong nước sẽ chịu áp lực lớn, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam.
Tuy nhiên, không phải phân khúc nào cũng bị ảnh hưởng mạnh bởi xu thế TMĐT xuyên biên giới như hiện nay. Những sản phẩm cao cấp, chính ngạch với dịch vụ chăm sóc khách hàng chu đáo vẫn duy trì được vị thế trên thị trường nội địa.
Để DN Việt Nam cạnh tranh bền vững, cần có chính sách quản lý chặt chẽ các sàn TMĐT xuyên biên giới. Các bộ, ngành nên rà soát tác động và giải pháp đối với các nền tảng này, đồng thời xem xét các hiệp định quốc tế đã ký kết nhằm bảo vệ lợi ích kinh tế và quyền lợi của NTD và DN trong nước. Chính phủ cũng cần sớm trình Quốc hội sửa Luật Thuế VAT, quy định không áp dụng thuế 0% cho sản phẩm bán trên nền tảng số, nhằm ngăn chặn thất thu và gian lận hoàn thuế.
Tuy nhiên xu thế TMĐT xuyên biên giới cũng là cơ hội để doanh nghiệp Việt học hỏi, hiểu rõ “tâm lý thị trường” và cạnh tranh để vươn lên mạnh mẽ hơn trong hành trình phát triển.

Ông Huỳnh Ngọc Thanh Bình - Chủ tịch Công ty Cổ Phần GIAHU

Xoá bỏ chính sách miễn thuế đơn hàng nhập khẩu giá trị nhỏ mới công bằng với hàng nội địa
Hiện nay, chính sách miễn thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng (VAT) với các loại hàng hóa có giá trị từ 1 triệu đồng trở xuống đã tạo điều kiện cho hàng nhập khẩu giá trị nhỏ tràn ngập thị trường Việt Nam. Có tình trạng lợi dụng chính sách miễn thuế này mà đơn hàng được xé nhỏ còn vài ba trăm nghìn đồng để trốn tránh thuế, gây thất thu thuế rất lớn cho ngân sách. Khi đó, hàng nhập khẩu có giá trị dưới 1 triệu đồng được miễn VAT và thuế nhập khẩu, giá bán đến tay NTD sẽ rẻ hơn hàng sản xuất trong nước.
Việc duy trì chính sách miễn thuế trong khi thương mại, kinh doanh đã thay đổi theo xu thế mới, sẽ khiến cho hàng hóa nước ngoài tràn vào Việt Nam thông qua các kênh TMĐT lợi dụng chính sách miễn thuế để chia nhỏ đơn hàng, từ đó “đè bẹp” hàng trong nước và tạo sức ép lớn hơn cho các kênh bán lẻ nội địa. Do đó, cần phải bãi bỏ chính sách miễn thuế đối với hàng nhập khẩu có giá trị từ 1 triệu đồng trở xuống, nhằm đảm bảo công bằng với hàng hóa sản xuất trong nước, ngăn chặn tình trạng thất thu ngân sách nhà nước.
Với sự bùng nổ của TMĐT, lượng giao dịch hàng hóa có giá trị nhỏ xuyên biên giới đã tăng gấp nhiều lần trong thời gian qua. Hiện một số quốc gia trên thế giới đã bỏ quy định này.

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP.HCM

Xây dựng lòng trung thành với thương hiệu mạnh
Để giảm thiểu rủi ro liên quan đến sự mở rộng của các sàn TMĐT xuyên biên giới với làn sóng hàng giá rẻ, Việt Nam và các nước Đông Nam Á cần áp dụng một chiến lược toàn diện và đa phương.
Thứ nhất
, tăng cường quản lý. Các chính phủ cần tăng cường và thực thi nghiêm ngặt các tiêu chuẩn sản phẩm để ngăn chặn sự xâm nhập của hàng hóa kém chất lượng, bao gồm thử nghiệm nghiêm ngặt, quy trình chứng nhận và yêu cầu dán nhãn chính xác đối với sản phẩm nhập khẩu.
Thứ hai
, quảng bá thương hiệu địa phương. Thương hiệu địa phương nên được ủng hộ thông qua các chiến dịch tiếp thị có mục tiêu nhấn mạnh vào chất lượng, tính bền vững và sự liên quan đến văn hóa. Xây dựng lòng trung thành với thương hiệu mạnh là rất quan trọng để cạnh tranh với mức giá thấp do các nền tảng nước ngoài như Temu cung cấp.
Thứ ba
, hỗ trợ các DN nhỏ và vừa. Cung cấp hỗ trợ tài chính, nâng cấp công nghệ và tiếp cận thị trường cho các DN nhỏ và vừa sẽ giúp họ cạnh tranh hiệu quả hơn với các gã khổng lồ toàn cầu. Sự hỗ trợ này rất cần thiết để duy trì tính đa dạng và khả năng phục hồi của thị trường địa phương.
Thứ tư
, giáo dục NTD. Điều cần thiết là giáo dục NTD về những rủi ro liên quan đến các sản phẩm kém chất lượng. Các chiến dịch nâng cao nhận thức có thể nêu bật tầm quan trọng của chất lượng, độ bền và giá trị lâu dài của việc hỗ trợ sản xuất tại địa phương. NTD được thông tin đầy đủ có nhiều khả năng đưa ra quyết định mua hàng phù hợp với lợi ích và giá trị lâu dài của họ.

TS. Majo George - giảng viên cấp cao ngành quản lý chuỗi cung ứng và logistics, Đại học RMIT Việt Nam

Cần xây dựng trung tâm logistics quy mô lớn giảm chi phí cho hàng Việt
Thời gian gần đây, sự đổ bộ của sàn TMĐT lớn như Temu, Shein, Taobao… nói riêng và các mặt hàng giá rẻ được nhập vào Việt Nam, đặc biệt là từ Trung Quốc nói chung được vận chuyển với thời gian ngắn, gây áp lực rất lớn với hàng nội địa Việt Nam.
Sự manh mún trong hệ thống logistics khiến DN Việt phải chấp nhận chi phí vận tải cao gấp nhiều lần so với hàng hoá Trung Quốc. Đơn cử, hàng hóa từ Trung Quốc về Việt Nam có thể đạt mức giá rẻ nhờ mạng lưới vận tải hiệu quả, trong khi chiều ngược lại từ Việt Nam sang Trung Quốc chi phí cao hơn tới 10 lần. Hàng nhập về Việt Nam có giá rẻ hơn rất nhiều nhờ chi phí logistics thấp. Như vậy, việc làm thế nào để DN Việt thu hẹp khoảng cách này được đặt lên hàng đầu, bởi nếu không làm được, sớm thì muộn, các ngành sản xuất trong nước sẽ khó tồn tại.
Các trung tâm logistics là một phần quan trọng trong kết cấu hạ tầng logistics nói chung, đóng vai trò kết nối với các hạ tầng giao thông như cảng biển, sân bay, đường cao tốc, đường sắt… Tuy nhiên, sự phát triển của các trung tâm logistics trong thời gian qua ở Việt Nam còn khá manh manh mún và tự phát. Các trung tâm logistics Việt Nam hiện nay chủ yếu phục vụ thị trường trong nước với hạ tầng khá đơn giản. Chúng ta vẫn thiếu các trung tâm quy mô lớn, chuyên ngành, chuyên dụng, hiện đại, có tác động đến thị trường và có sự liên kết giữa các địa phương, DN logistics, như trung tâm logistics nông sản lớn, kho lạnh lớn… phục vụ lưu trữ, phân phối hàng hoá để đưa đến hệ thống siêu thị, bán lẻ, đồng thời, góp phần tạo nên giá trị gia tăng cho hàng hoá xuất khẩu.
DN nội địa chưa đủ sức và gần đây, chúng tôi nhìn thấy một số mô hình mới của các nhà đầu tư nước ngoài, giúp cho các trung tâm logistics tại Việt Nam được hiện đại hoá. Vì vậy, chúng tôi mong muốn trong thời gian tới sẽ có các trung tâm logistics quy mô lớn, hiện đại, nhiều chức năng, qua đó DN Việt sẽ tăng khả năng cạnh tranh.

Ông Trần Thanh Hải - Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương

Nâng tiêu chuẩn hàng Việt
Giải pháp để cạnh tranh với làn sóng hàng ngoại nhập giá rẻ, trước hết, phải nâng cao chất lượng sản phẩm nội địa, đặc biệt là những mặt hàng nông sản, thực phẩm, dược phẩm hay những mặt hàng liên quan trực tiếp đến sức khỏe.
Thứ hai là áp dụng cách làm của Nhật Bản là nâng tiêu chuẩn chất lượng của hàng Việt lên cao hơn hàng Trung Quốc, nhưng không quá khắt khe khiến nhà sản xuất nội địa đuối sức. Thứ ba là nâng cao vai trò truyền thông, quảng bá của hiệp hội, ngành hàng.
Hàng hoá Việt Nam cần áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng nghiêm ngặt hơn, tập trung quảng bá tinh thần tuân thủ các tiêu chuẩn và điều kiện cụ thể để bảo vệ người tiêu dùng và các ngành sản xuất. Nhà nước cũng cần tăng cường hỗ trợ DN vừa và nhỏ, gồm hỗ trợ tài chính, kỹ thuật và khả năng mở rộng thị trường. Tiếp theo là thúc đẩy các địa phương chú trọng nâng đỡ hiệu quả ngành sản xuất và công nghiệp địa phương. Cuối cùng, cũng như các quốc gia Đông Nam Á, chúng ta cần phát động chiến dịch “mua hàng địa phương”, vận động và giáo dục NTD về lợi ích của việc hỗ trợ sản phẩm địa phương và trong nước.

Luật sư Phạm Ngọc Hưng - chuyên gia Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao

Sở Công Thương TP.HCM: Quản lý, xử nghiêm các sàn bán hàng quảng cáo, khuyến mại vi phạm

chuyen-de-2_b.jpg

Mới đây Sở Công Thương TP.HCM đã có văn bản gửi Bộ Công Thương đề xuất một số giải pháp quản lý TMĐT xuyên biên giới.

Theo Sở Công Thương TP.HCM, thời gian qua, trong lĩnh vực xúc tiến thương mại đã xuất hiện nhiều dấu hiệu vi phạm trên các nền tảng TMĐT. Điển hình là quảng cáo, khuyến mãi vượt quá 50% giá trị hàng hóa, dịch vụ.

Để bảo vệ quyền lợi NTD và đảm bảo cạnh tranh công bằng giữa DN trong và ngoài nước, Sở Công Thương TP.HCM đã đề xuất giải pháp quyết liệt ngăn chặn hiển thị quảng cáo, khuyến mãi vi phạm quy định trên các website, nền tảng TMĐT, mạng xã hội... Áp dụng biện pháp chế tài nghiêm khắc như ngăn chặn, tạm ngưng hoặc đình chỉ tên miền, ứng dụng tại Việt Nam đối với các website, nền tảng TMĐT, mạng xã hội… vi phạm nhiều lần.

Sở Công Thương TP.HCM cho biết, theo quy định hiện hành, trách nhiệm của thương nhân, tổ chức nước ngoài có website cung cấp dịch vụ TMĐT tại Việt Nam, chưa quy định rõ các nghĩa vụ khác như thương nhân, tổ chức đăng ký hoạt động TMĐT trong nước và chưa quy định cụ thể các biện pháp chế tài xử lý vi phạm.

Do đó Sở Công Thương TP.HCM đề xuất tiếp tục rà soát quy định pháp luật về TMĐT hiện hành, kiểm tra và đánh giá sự tuân thủ quy định của các sàn TMĐT xuyên biên giới quốc tế. Từ đó tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp trong nước.

Sở đề xuất hoàn thiện quy định và chính sách thuế, đảm bảo các nền tảng TMĐT nước ngoài có cơ chế nộp thuế đầy đủ khi kinh doanh tại Việt Nam. Đồng thời kiểm soát chặt chẽ, thu thuế công bằng đối với sản phẩm nước ngoài bán tại Việt Nam thông qua TMĐT xuyên biên giới.

3.Các nước kiểm soát hàng nhập khẩu online giá rẻ

Hàng nhập khẩu giá rẻ bán tràn lan trên mạng sẽ không còn đất sống. Thái Lan, Malaysia và Philippines đã áp dụng biện pháp đánh thuế. Ủy ban Châu Âu (EC) đang tiến hành điều tra còn Mỹ đã tính kế hoạch không cho miễn thuế nữa. Indonesia quyết định mạnh tay chặn luôn nền tảng Temu.

Các nước muốn kiểm soát hàng nhập khẩu giá rẻ bán trực tiếp cho NTD thông qua các nền tảng TMĐT, đặc biệt là hàng Trung Quốc nhằm bảo vệ DN vừa và nhỏ trong nước trước nguy cơ bị DN nước ngoài “nuốt sống”.

chuyen-de-3_h3_chinese-e-commerce-anh-3.jpg
Hai nền tảng thương mại điện tử khổng lồ Shein và Temu của Trung Quốc đã càn quét thị trường Mỹ nhờ tận dụng quy định miễn thuế tối thiểu. Ảnh chụp màn hình YouTube

Thái Lan lập ủy ban chuyên trách hàng nhập khẩu

Sau khi các DN vừa và nhỏ than phiền sản phẩm của họ không thể cạnh tranh với hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc, ngày 25/10/2024 Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra đã chỉ thị thành lập một ủy ban chuyên trách quản lý và giải quyết hàng nhập khẩu (uỷ ban). Theo báo The Nation, biện pháp này nhằm đáp ứng những lo ngại trong xã hội liên quan đến các nền tảng TMĐT nước ngoài “đổ bộ” vào thị trường Thái Lan bán trực tuyến hàng giá rẻ kém chất lượng.

Ủy ban do bộ trưởng Bộ Thương mại làm chủ tịch, bao gồm đại diện nhiều cơ quan chính phủ chủ chốt. Ủy ban có thẩm quyền xác định chính sách và biện pháp khẩn cấp để huy động các cơ quan nhà nước và tư nhân có liên quan tìm kiếm giải pháp giải quyết vấn đề nhập khẩu và phân phối hàng hóa kém chất lượng từ nước ngoài.

Cuối tháng 10/2024, ủy ban đã thành lập hai tiểu ban. Tiểu ban thứ nhất phụ trách hỗ trợ DN vừa và nhỏ trong nước và chống hàng kém chất lượng từ nước ngoài. Tiểu ban sẽ đề ra các biện pháp kiểm soát chất lượng hàng hóa và đàm phán với các nền tảng thương mại trực tuyến để kiểm soát chất lượng hàng nhập khẩu. Tiểu ban thứ hai phụ trách xử lý hoạt động của những người được cử làm đại diện cho DN nước ngoài tại Thái Lan. Nhiều DN Trung Quốc đã sử dụng người Thái làm quản lý DN, đặc biệt ở khu Huay Kwang nổi tiếng là khu phố Hoa thứ hai của thủ đô Bangkok.

Bộ trưởng Thương mại Pichai Naripthaphan khẳng định, ủy ban sẽ nỗ lực hết sức để đạt được kết quả cụ thể trong vòng một tháng. Ông giải thích Thái Lan vẫn phải liên quan đến Trung Quốc về thương mại và đầu tư nên cần tham vấn với phía Trung Quốc. Ông nói: “Chúng tôi hy vọng hai nước có thể phụ thuộc với nhau mà không ảnh hưởng đến các nhà sản xuất Thái Lan”.

Bộ trưởng Thương mại Pichai Naripthaphan cho biết, nền tảng bán lẻ trực tuyến Temu của Trung Quốc sẽ sớm thành lập công ty tại Thái Lan và tuân thủ nghiêm ngặt luật pháp Thái Lan. Temu đã ra mắt nền tảng tại Thái Lan vào ngày 31/7, đánh dấu thị trường thứ ba của công ty tại Đông Nam Á sau Philippines và Malaysia.

Trước đây hàng nhập khẩu vào Thái Lan trị giá dưới 1.500 baht (42USD) được miễn thuế hải quan và thuế VAT trong khi NTD mua hàng hóa giá trị thấp từ các nhà cung cấp Thái Lan phải chịu thuế VAT 7%. Vào tháng 7-2024, Thái Lan đã áp thuế VAT 7% với việc mua hàng nhập khẩu có giá trị dưới 1.500 baht.

Vào tháng 7-2024, Thái Lan đã áp thuế VAT 7% với việc mua hàng nhập khẩu có giá trị dưới 1.500 baht.

Malaysia và Philippines đánh thuế hàng nhập giá rẻ

Tại Philippines ngày 2/10/2024, Tổng thống Ferdinand R. Marcos Jr. đã ký ban hành Đạo luật 12023. Luật quy định dịch vụ kỹ thuật số do các nhà cung cấp không thường trú cung cấp cho NTD tại Philippines mà không hiện diện vật lý tại Philippines phải chịu thuế VAT 12% từ mức chịu thuế 3 triệu peso (59.500USD) trong 12 tháng. Trang Rappler ghi nhận như vậy mức thuế VAT 12% sẽ được áp dụng đối với các giao dịch mua hàng từ các chợ trực tuyến phổ biến như Amazon, Shein và Temu cũng như các dịch vụ phát trực tuyến như Netflix và Disney+.

Các nhà cung cấp dịch vụ kỹ thuật số không thường trú phải đăng ký nếu tổng doanh số trong năm vượt quá 3 triệu peso đồng thời phải lập văn phòng đại diện hoặc đại lý tại Philippines. Các DN không tuân thủ sẽ bị đình chỉ. Tổng thống Marcos đã phát biểu trong lễ ký ban hành Luật 12023: “Với luật này, chúng tôi muốn nói rằng nếu sự hiện diện của bạn trên thị trường Philippines là thực tế như lợi nhuận của bạn thì trách nhiệm thuế của bạn cũng phải hữu hình như vậy”.

Tại Malaysia, từ ngày 1/1/2024 nước này đã áp dụng mức thuế bán hàng mới 10% đối với hàng nhập khẩu được mua trực tuyến trong nước trị giá dưới 500 ringgit (108USD). Theo trang ASEAN Briefing, những người bán hàng trên nền tảng thương mại trực tuyến hoặc khai thác chỗ trên thị trường trực tuyến để bán hàng giá trị thấp phải đăng ký với Cục Hải quan Hoàng gia nếu tổng giá trị bán hàng trên mức 500.000 ringgit (105.000USD) trong 12 tháng, sau đó phải nộp thuế 10%.

Châu Âu tiến hành điều tra nền tảng Temu

Cuối tháng 10/2024, EC đã mở cuộc điều tra đối với nền tảng thương mai trực tuyến Temu của Trung Quốc. Bà Margrethe Vestager - ủy viên phụ trách về cạnh tranh của EC giải thích trong thông cáo báo chí: “Chúng tôi muốn bảo đảm rằng hàng hóa được bán (trên nền tảng Temu) tuân thủ các tiêu chuẩn của EU và không gây nguy hiểm cho NTD”.

Cuộc điều tra tập trung vào các nội dung như sau: Các hệ thống đã ban hành để hạn chế tình trạng bán hàng không tuân thủ tiêu chuẩn EU; các biện pháp đã triển khai để ngăn chặn các nhà kinh doanh bị đình chỉ tái xuất theo kiểu “hồn Trương Ba, da hàng thịt”; những rủi ro liên quan đến thiết kế “gây nghiện” của dịch vụ bán hàng trực tuyến như chương trình trò chơi trúng thưởng “có thể gây hậu quả tiêu cực về thể chất và tinh thần của NTD”; hệ thống khuyến cáo về sản phẩm dành cho người dùng và nghĩa vụ công bố các thông số chính trong các cảnh báo.

chuyen-de-3_h2_chinese-e-commerce-anh-2.jpg
Quảng cáo của nền tảng Trung Quốc Shein tại London (Anh) ngày 8/3/2024. Ảnh: Reuters

Theo báo Libération (Pháp), cách bán hàng của hai nền tảng Temu và Shein đã dẫn tới tình trạng tiêu thụ quá mức không kiểm soát tác động đáng kể đến môi trường (ví dụ như hàng dùng một lần).

Hồi tháng 5/2024, 17 Hiệp hội Người tiêu dùng Châu Âu đã đệ đơn khiếu nại nền tảng Temu lừa dối NTD và đưa ra thông tin hiển thị sản phẩm rất mơ hồ. Bà Monique Goyens - Tổng giám đốc Văn phòng Các hiệp hội người tiêu dùng Châu Âu (BEUC) cho biết, Temu đã sử dụng nhiều giao diện gây nhầm lẫn, người dùng khó đóng tài khoản đã mua hàng, cung cấp thông tin mơ hồ nhằm khuyến khích NTD mua hàng trên Temu nhiều hơn.

Cuối tháng 9/2024, 6 quốc gia EU đã yêu cầu EC thắt chặt các biện pháp đối với nền tảng Temu. Bộ trưởng Kinh tế Đức Sven Giegold tố cáo trong cuộc gặp với những người đồng cấp EU ở Brusells: “Mỗi ngày có hàng trăm ngàn gói hàng đến chúng tôi, đặc biệt là từ Trung Quốc với hàng hóa không tôn trọng các quy định trên thị trường châu Âu”.

Không có thời hạn pháp lý nào được quy định liên quan đến thời gian kết thúc điều tra. EC đã tiến hành điều tra sau nhiều lần phát cảnh báo và gửi văn bản đến Temu. Nếu vi phạm, Temu có thể bị phạt tới 6% doanh thu hằng năm (gần 12 tỷ euro), theo quy định mới của Ủy ban Dịch vụ kỹ thuật số Châu Âu (DSA).

17 Hiệp hội Người tiêu dùng Châu Âu đã đệ đơn khiếu nại nền tảng Temu lừa dối NTD và đưa ra thông tin hiển thị sản phẩm rất mơ hồ.

Mỹ chuẩn bị bãi bỏ quy định miễn thuế tối thiểu

Vào trung tuần tháng 9/2024, chính phủ Mỹ thông báo đã đề xuất kế hoạch hạn chế hàng nhập khẩu được hưởng lợi từ quy định miễn thuế tối thiểu (hàng hóa có giá trị dưới 800 USD được nhập khẩu miễn thuế). Đề xuất này đi kèm với yêu cầu cung cấp thông tin bổ sung cho các lô hàng thuộc diện miễn thuế và giấy tờ chứng minh hàng hợp chuẩn để Hải quan Mỹ biết bên trong gói hàng là gì nhằm phát hiện các sản phẩm bất hợp pháp hoặc nguy hiểm như tiền chất dùng để điều chế ma túy fentanyl.

Theo báo Financial Times (Anh), biện pháp này chủ yếu nhằm hạn chế tình trạng lạm dụng của các nền tảng thương mại trực tuyến Trung Quốc như Shein và Temu. Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo nhấn mạnh: “Người lao động và DN Mỹ có thể cạnh tranh với bất kỳ ai trên sân chơi bình đẳng, nhưng từ lâu các nền tảng TMĐT Trung Quốc đã lách thuế bằng cách lạm dụng chính sách miễn trừ tối thiểu”.

Quy định về miễn thuế tối thiểu được ban hành vào năm 1930. Ngưỡng miễn thuế ban đầu từ 200 USD đã tăng lên 800 USD vào năm 2015 để hỗ trợ DN nhỏ, đặc biệt là tiểu thương bán hàng online. Sau đó, số lượng các gói hàng được miễn thuế bùng nổ, từ 140 triệu mỗi năm cách đây 10 năm đã tăng lên 636,7 triệu vào năm 2020 và hơn 1 tỷ gói hàng vào năm 2023. Phần lớn là hàng của Shein và Temu. Từ lâu các nhà sản xuất hàng dệt may ở Mỹ đã than phiền nhờ quy định miễn thuế tối thiểu quần áo rẻ tiền lách thuế quan tràn trập thị trường Mỹ, trong đó khoảng 70% là hàng dệt may Trung Quốc.

Những quy định mới về thuế do chính quyền Biden đề xuất sẽ được đưa ra lấy ý kiến trước khi hoàn thiện và ban hành. Ba Kim Glas - người đứng đầu hội đồng quốc gia của các tổ chức dệt may ở Mỹ đã hoan nghênh đề xuất nêu trên và nhận xét các quy định hiện hành đã trở thành “phần thưởng cho các nền tảng TMĐT Trung Quốc và bọn gian lận thừa hưởng thỏa thuận thương mại tự do”.

Indonesia chặn nền tảng Temu

chuyen-de-3_h1_chinese-e-commerce-anh-1.jpg
Bộ trưởng Truyền thông và Công nghệ thông tin Budi Arie Setiadi nhấn mạnh: “Các sản phẩm của MSME trong nước phải được chính phủ bảo vệ…”. Ảnh: Reuters

Hãng thông tấn Antara đưa tin vào đầu tháng 10/2024, Bộ Truyền thông và Công nghệ thông tin Indonesia (Kominfo) đã quyết định chặn nền tảng Temu của Trung Quốc tại quốc gia này nhằm bảo vệ DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) trong nước.

Bộ trưởng Budi Arie Setiadi cho biết, Temu không đủ điều kiện đăng ký là nhà cung cấp hệ thống điện tử tại Indonesia, do đó không phù hợp với quy định số 5 năm 2020 của Kominfo. Mô hình bán hàng trực tiếp đến NTD của Temu đã vi phạm pháp luật Indonesia vì luật buộc phải bán hàng thông qua trung gian.

Bộ trưởng Budi Arie Setiadi giải thích quyết định chặn Temu được đưa ra do các sản phẩm nước ngoài ngày càng đe dọa nghiêm trọng đến DN MSME trong nước kinh doanh trực tuyến và không trực tuyến. Ông nhấn mạnh DN nước ngoài cung cấp hàng lấy trực tiếp từ nhà máy của họ nên hàng rất rẻ và “đây là hành vi cạnh tranh không lành mạnh có thể đe dọa đến tính bền vững của MSME của Indonesia”.

Năm ngoái, Indonesia cũng đã cấm TikTok Shop (nền tảng mua sắm trực tuyến trên app TikTok) vì những lo ngại tương tự. Tuy nhiên sau đó Công ty ByteDance của Trung Quốc (công ty mẹ cùa TikTok) đã vượt qua lệnh cấm bằng cách mua nền tảng TMĐT Tokopedia của Indonesia.

Vũ Yến - Quang Lê - Cao Minh Tèo - Hoàng Duy Long